Wednesday, August 2, 2023

THUYỀN VIỄN XỨ & BÀI THƠ CUỐI CÙNG (LÊ XUÂN LỘC)

 “THUYỀN VIỄN XỨ” VÀ “BÀI THƠ CUỐI CÙNG”

 

LÊ XUÂN NHUẬN (THANH THANH)

Loc Le cùng với Hung Duy Pham và Nhuan Le.

 

Friday January 27-2023/ Saigon Quận 2.

 

Thăm Cô Huyền Chi (Khánh Ngọc) tác giả bài thơ “Thuyền Viễn Xứ” mà Bố Phạm Duy đã phổ thành nhạc.

Năm mới cầu chúc Cô có nhiều sức khỏe và sự bình an.

Cô bị đột quỵ đã 4 năm. Hơn 3 năm trước mình đã tới thăm cô. Lần này Cô đang ngủ nên mình nói người nhà đừng đánh thức Cô.

Tìm bài viết của mình về Cô Huyền Chi và Ba mình Thanh Thanh-Lê Xuân Nhuận, đăng trên tạp chí Thời Đại Saigon năm 2017 thì không còn thấy nữa, nhưng mà mình có chụp hình lưu giữ, nay xin đăng lại để làm kỷ niệm.

 

THUYỀN VIỄN XỨ VÀ BÀI THƠ CUỐI CÙNG

Bài viết của Lê Xuân Lộc (2017)

 

Xa rời Việt Nam hơn hai mươi lăm năm, Ba của tôi chưa hề một lần trở lại quê hương. Nỗi sầu xa xứ ngày càng chồng chất lên thêm trên tuổi đời của ông... Tôi nhìn thấy nỗi buồn nặng trĩu đó mỗi khi ông đứng lặng trước tấm bản đồ Việt Nam. Ông có một quê cha ở Hưng Yên ― Hà Nội chưa một lần đặt chân đến, một quê mẹ ở An Cựu ― Huế của thời niên thiếu và tuổi thành niên... Ông đã sống trên một cao nguyên trung phần với Quảng Đức , Ban Mê Thuột, Pleiku... rồi một Nha Trang thành phố biển xinh đẹp và một Đà Nẵng phồn hoa hưng thịnh...

Hai phần ba cuộc đời của ông đã trải qua ở miền Nam Việt Nam với biết bao sóng gió cùng "khóc cười theo vận nước nổi trôi". Ông cũng như hàng triệu những người Việt Nam xa xứ khác, thân xác ở quê người mà tâm hồn vẫn hoài vọng đến quê nhà ngày xưa...

 

Tôi để ý thấy Ba của tôi thích nghe những bản nhạc thương nhớ quê hương, mà trong đó tất nhiên là có bài Thuyền Viễn Xứ của nhạc sĩ Phạm Duy với những lời hát thiết tha:

... "Chiều nay gửi tới quê xưa

Biết là bao thương nhớ cho vừa

Trời cao chìm rơi xuống đời

Biết là bao sầu trên xứ người"...

 

Tôi biết là Ba của tôi thường nghe bản nhạc này. Thế nhưng, tôi lại không hề hay biết rằng đã có một tình bạn tri kỷ giữa tác giả bài thơ Thuyền Viễn Xứ ― cô Huyền Chi ― và Ba của tôi ― thi sĩ Thanh Thanh.

 

Cho đến một ngày vào cuối tháng 6 năm 2008, lúc đó Me của tôi đã mất hơn một năm và tôi cũng chính thức là con dâu của nhạc sĩ Phạm Duy, Ba của tôi mới kể lại "chuyện ngày xưa" cho vợ chồng chúng tôi nghe:

Khoảng năm 1949 tại thành phố Huế thi sĩ Thanh Thanh chủ trương thành lập Thi Văn Đoàn và Nhà Xuất Bản “Xây Dựng”, ấn hành nhiều thi tập và đặc san cho nhiều tác giả Bắc Trung Nam. Danh sách các tác giả và các tác phẩm do Xây Dựng xuất bản từ 1949 đến 1964 gồm có:

(xin xem hình)

Trong số các nhà thơ nữ cộng tác với nhà xuất bản Xây Dựng như Chí Lan (nhà văn Minh Quân), Bích Nga, Tường Vi... còn có nữ thi sĩ Huyền Chi.

 

Thời gian từ 1951 đến 1953 Thanh Thanh ở Huế và Huyền Chi ở Sài Gòn thường xuyên trao đổi thư từ và thơ văn với nhau rất tâm đầu ý hiệp. Qua thư và thơ, hai người bạn trẻ ở lứa tuổi đôi mươi đó đã thầm xem nhau là bạn tri kỷ.

 

Năm 1952 Huyền Chi in tập thơ Cởi Mở ở Sài Gòn (trong đó có bài Thuyền Viễn Xứ mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành nhạc). Khuôn khổ tập thơ lớn bằng tờ giấy đánh máy, ghi rõ là do Xây Dựng xuất bản. Điểm đặc biệt là Huyền Chi đã dùng con dấu mang tên thật Lê Xuân Nhuận của Thanh Thanh làm biểu tượng cho nhà xuất bản:

(Chữ Nhuận viết bằng chữ Hán gồm có 3 bộ. Phân tích thì thấy là tam+môn+ngọc: tam là bộ thủy (3 chấm) bên trái, rồi đến chữ môn, rồi giữa và dưới chữ môn là chữ ngọc.)

Sau khi “Cởi Mở” ra đời, một số nhà thơ nam giới như Tô Kiều Ngân (tiếng sáo Tao Đàn), Thanh Nam (sau này là phu quân của nhà văn Tuý Hồng) đã viết một số bài trên tuần báo Thẩm Mỹ "nói xấu" Huyền Chi. Nội dung đại ý là con gái gì mà lại... cứ “cởi" với "mở"!!! Thanh Nam là người có ý kiến nhiều nhất. Thanh Thanh phải viết bài trả lời đăng báo để bênh vực Huyền Chi.

 

Ngoài ra Thanh Thanh và Huyền Chi còn cùng nhau bút chiến với một nhà thơ trẻ tuổi khác vì tác phẩm của anh ta viết trùng nguyên tác với một nhà thơ tên tuổi lúc đó…

Năm 1953 chiến tranh Việt Nam chống Pháp đi vào vào giai đoạn quyết liệt. Thanh Thanh ở Huế và Huyền Chi ở Sài Gòn vẫn chưa một lần gặp mặt nhau. Một ngày nọ Thanh Thanh nhận được thư Huyền Chi báo tin là giáo sư Trần Phụng Tường ngỏ ý cầu hôn nàng.

 

Thanh Thanh ngậm ngùi viết "Bài Thơ Cuối Cùng" gởi cho Huyền Chi. Nàng cũng làm một "Bài Thơ Cuối Cùng" đề ngày 10-6-1953 gởi lại cho Thanh Thanh:

...

Đọc mãi vần thơ tự xứ Trung

Những vần thơ giá buốt như đông

Chao ôi sâu kín là rung động

Im lặng trong hồn, ai biết không?

....

Thanh ạ, lòng tôi là thế đấy

Tình tôi nhỏ quá, biết làm sao

Người xa hun hút, xa xôi quá

Muốn nối đường tim, chẳng chịu vào

.....

Chỉ mộng mà thôi, mộng đấy thôi

Hai ta xa cách, có trăm lời

Cũng không nối đuợc hai phương ấy

Cột được linh hồn cho cả đôi

.....

Muốn đốt làm gì trang giấy bé

Những phong thư lạnh gởi ngày xưa

Không! tôi muốn giữ trong tâm tưởng

Một bóng vời xa, nếu đã mờ...

 

Huyền Chi lập gia đình năm 1954. Thanh Thanh lập gia đình năm 1955. Họ đã hoàn toàn không liên lạc với nhau nữa.

Ba của tôi cho biết Huyền Chi không phải chỉ có một tập thơ “Cởi Mở”. Cô còn có thêm một tác phẩm khác tên là “Thơ Sang Mùa” mà Cô đã nhờ Thanh Thanh (tức nhà xuất bản Xây Dựng) loan báo trước sẽ phát hành (xin xem hình).

 

Năm 2010 Ba của tôi có hỏi Bố Phạm Duy về tin tức của Huyền Chi, nhưng Bố trả lời (nguyên văn): "tiếc rằng lúc này tôi không còn giữ địa chỉ của nhà thơ".

Năm 2016 nhà giáo Lương Duy Cán (Hà Nhật) có email cho Ba, nhắc lại chuyện xưa, thời gian Ba của tôi viết bài bênh vực Huyền Chi, có Cán ngồi bên cạnh (xin xem hình).

 

Năm nay (2017) tôi viết bài này để kể lại một đoạn đời tuổi trẻ hoạt động văn chương của Ba tôi. Những người bạn văn-thơ-nhạc-họa cùng một thời với Ba nay đã dần dần khuất bóng...

 

Về tình bạn tri kỷ của Ba với Huyền Chi, tôi cũng đã từng đặt câu hỏi "Ba có muốn liên lạc lại với Cô?" Ba của tôi ngập ngừng im lặng... Tôi suy nghĩ: Ừ nhỉ, Cô có muốn liên lạc lại với Ba? Nếu Cô muốn thì việc đó quá dễ dàng. Chỉ cần tìm trên mạng internet tên Thanh-Thanh Lê Xuân Nhuận là có hết thông tin về Ba. Nhưng Cô đã không làm, có thể là vì Cô không muốn.

 

Tôi đã đọc một vài bài viết về Huyền Chi. Sau khi lập gia đình Cô đã hầu như không hoạt động thơ văn nữa. Năm 2005 khi Bố Phạm Duy về lại VN có nhắn tin tìm mà Cô không trả lời. Tập thơ Cởi Mở cũng đã thất lạc, Cô không còn giữ...

Tôi hỏi Bài Thơ Cuối Cùng của Ba gởi Cô Huyền Chi ra sao thì Ba bảo thất lạc rồi, không nhớ. Nhưng Bài Thơ Cuối Cùng của Huyền Chi lại đuợc Ba của tôi giữ gìn nguyên vẹn dù đã trải qua bao nhiêu năm biến loạn trong cuộc đời. Gần 65 năm trôi qua rồi! Nếu tôi không trở thành con dâu của nhạc sĩ Phạm Duy thì có lẽ Ba của tôi cũng không kể cho tôi nghe câu chuyện này.

Bài thơ dài tới 16 đoạn, tôi mạn phép ghi lại ở đây chỉ 4 đoạn mà thôi.

 

Cô Huyền Chi ơi, Cô có còn nhớ đến một “Bài Thơ Cuối Cùng”?

 

October 31-2017

Lê Xuân Lộc




No comments: