Thursday, May 7, 2020

ĐÁM CƯỚI CHÓ (LỮ LONG PHƯỚC)




ĐÁM CƯỚI CHÓ

Thành phố tôi ở thời chín năm kháng chiến là vùng cực Nam của Liên Khu Năm do Việt Minh cai quản, xa xa về phía Nam có cái đèo thực dài chạy ngoằn ngoèo trên dãy núi của Trường sơn chắn ngang ra biển làm ranh giới với một tỉnh lớn do quân đội Pháp chiếm đóng. Họ xây dựng nhà cửa, ty sở, lập căn cứ quân sự, hải cảng, phi trường…làm nên một thành phố biển rất nên thơ và trù phú. Ban ngày, Pháp cho máy bay, bay vòng vòng trên thị xã hoặc các quận huyện kế cận, thả bom xuống những nơi họ nghi ngờ có sự hoạt động của bộ đội Việt Minh, gây nhiều tổn thất về nhân mạng và tài sản, Vì thế, các sinh hoạt đông người như hội họp, chợ búa, học hành… đều được tổ chức vào ban đêm.

Những buổi chiều, chạng vạng tối, các học trò, thiếu niên trong phường khóm, tay mang tập vở, bình mực, tay xách đèn dầu có 4 kính chắn gió, dùng làm ánh sang trong lớp học và soi đường về ban đêm. vài nhóm nhỏ học trò ham học ở ven phố rủ nhau băng qua những bờ đê ruộng rau muống theo ra con đường nhỏ đến trường, nhiều đêm về trong sương mù, họ nương nhau xếp hàng một, trước dẫn, sau theo nói chuyện rôm rả, lần theo vệt trắng giữa đường đê nhờ ánh đèn lồng gương và ánh chớp của bầy đôm đốm, họ dựa theo tiếng nước chảy bờ ruộng, nương ra đường nhỏ rồi chia tay về nhà trong màn đêm vắng lặng. Lớp học thường là những đình làng hoặc dãy nhà rộng, ngoài sân có những cây cổ thụ, ban ngày có tàng cây che nắng, ban đêm che chắn ánh sáng đèn, trên cao, máy bay không nhìn thấy được.
Học trò thường được chia ra nhiều lớp tùy theo tuổi và trình độ và thời gian đã học. Lớp cao nhất có ít người hơn trong đó có chị Minh và anh Bình. Chị Minh xinh gái, ít nói, sau giờ học chị thường ở nhà học bài và làm việc phụ giúp bà mẹ góa. Anh Bình, rắn rỏi, lanh lợi, thích đá banh. Nhà Bình ở gần trường hơn, mỗi khi chị Minh đi học, ngang qua nhà anh, chỉ chờ đến lúc đó, anh vội vàng mang sách vở và đèn lồng đi theo
sau chị đến lớp học. Mãn lớp, anh mang đèn theo chị đến tận nhà, rồi quay ngược lại về nhà mình. Lâu ngày, các bạn cùng lớp biết việc này nên thường hay cấp đôi, ghép tên anh chị Bình Minh, nhưng chị vẫn dững dưng như không nghe, không
để ý, vờ đi với một cử chỉ không vui. Một đêm, xong lớp, trên đường từ trường về nhà, như có sắp xếp trước, nhóm bạn giả vờ dìu chị lại gần anh rồi cùng nhau hô lớn “Bình Minh, Bình Minh”… Như một phản xạ tự vệ tự nhiên, Minh hét lên
thực lớn:

- CHÓ mới lấy ông đó.
Vừa nghe xong tiếng hét của Minh, anh Bình đứng khựng vài mươi giây rồi quay lưng đi thật nhanh trong đêm tối. Bẵng đi một thời gian không thấy anh Bình tới lớp học nữa và chị Minh đi học với một khuôn mặt buồn buồn, hỏi gì chị cũng cười
nhẹ và lờ đi, không trả lời.

Sau hiệp định Giơ Neo (Geneve) 1954, chia đôi đất nước. Quân đội Pháp cuốn cờ trở về nước. Bộ đội Việt Minh rời khỏi thị xã, đi tập kết ra phía bắc vĩ tuyến 17.
Chính quyền Quốc Gia tiếp thu, thị xã trở thành phố thủ phủ (tỉnh lỵ). Chính quyền bắt đầu xây dựng ty sở, trường học, chợ búa, đường sá, cầu cống, điện nước, nhà cửa... người dân được tự do đi lại, lưu trú, buôn bán, họp chợ, học hành…Ở thôn quê không còn cảnh rình rập, quy chụp thành phần tư sản, địa chủ, phú nông, tăng thuế giảm tô, bôi nhọ, chuẩn bị đấu tố...
Sống trong không khí thanh bình của một thành phố đang kiến thiết và phát triển, Nhóm thanh niên có chữ nghĩa, xin việc làm ở các cơ sở tân lập địa phương, lương bổng dư thừa, đời sống thoải mái. Nhóm khác có nhiều hoài vọng hơn, họ đến những thành phố lớn ở xa, tiếp tục học thêm để tiến thân hoặc học một ngành nghề chuyên môn nào đó cho đời sống tương lai ổn định, trong số đó có anh Bình và chị Minh. Anh Bình vào Sài Gòn học kế toán, tốt nghiệp anh xin về quê làm nhân viên cho một ngân hàng trong thành phố. Chị Minh vào bệnh viện lớn ở tỉnh khác, học khóa Y tá. Mãn khóa chị về lại quê nhà làm việc cho bệnh viện. Tuy nói là bệnh viện, nhưng thật ra lúc đó chỉ là một bệnh xá nằm trong dãy nhà ngói mới cất trong thị xã, chưa có bác sĩ, chỉ có vài vị y tá thâm niên, kinh nghiệm làm việc, khám bệnh băng bó, chăm sóc những vết thương nhẹ do tai nạn, viết toa, cho thuốc trị bệnh, người bệnh về nhà tự chữa trị thêm. vì không đủ giường nằm viện nên người bệnh nặng thì chuyển đi bệnh viện lớn ở tỉnh khác.

Thuở đó, Bệnh viện nhỏ, không đủ nhu cầu cho bệnh nhân nằm viện nên số lượng người bệnh phải tự chữa tại nhà quá nhiều, do đó, chị Minh xin nghỉ làm, về nhà làm y tá lưu động, đến nhà người bệnh chẩn bệnh, tiêm thuốc ... khi có ai mời gọi. Nhờ mát tay, nên càng lúc chị có nhiều thân chủ nên bận rộn với công việc suốt tuần không có ngày nghỉ.

Thời gian qua, theo những mùa én lượn, hàng ngày chị Minh vẫn đạp xe đi chữa bệnh tiêm thuốc cho người bệnh, vài chàng trai trong thị xã ngấp nghé nhìn chị nhưng với tầm mắt ngó lên nên chị vẫn chưa để ý đến người nào. Anh Bình thì cũng có vài đôi mắt xanh trong phố lấp ló ngắm nhìn, nhưng tâm tưởng anh vẫn còn bị giam cầm trong mối tình câm với chị Minh thuở xách đèn lồng đi học.

Cho đến khi…
Sau chuyến công tác của ngân hàng về việc vay tiền phát triển lâm nghiệp ở một xã miền núi,về lại nhà anh bị một cơn sốt rét nặng, người thân của Bình mời chị Minh đến chữa trị. Chị chăm sóc anh rất tận tâm cho đến khi anh khỏi bệnh. Ngày cuối trước khi rời nhà anh, chị Minh nói:
- Trước đây, tôi nợ anh một lời nói, bây giờ tôi chữa cho anh khỏi bệnh. Như thế là tôi không nợ anh nữa, rồi chị bước nhanh ra xe, đạp về nhà. Áy náy vì chị không nhận chi phí thuốc men nên anh Bình thường mua quà, nhờ người quen gần chị, chờ khi chị vắng nhà, mang quà đặt ở trước cửa nhà chị.

Một hôm, đạp xe đi làm, chị Minh bị ngã xe gần sở anh làm. Hay tin, anh Bình vội đến nơi chị Minh bị ngã, nhờ xe xích lô chở chị đến bệnh viện chăm sóc những vết thương xây xát. Anh xin nghỉ vài ngày để giúp chị lúc đi dứng khó khăn, mua thức
ăn hay những vật dụng cần cho vết thương. Sau sự kiện này, anh chị liên lạc nhau thường xuyên, yêu nhau rồi quyết định tiến tới hôn nhân.

Trong tiệc cưới, các bàn phía trên dành cho quan viên hai họ, một bàn đặc biệt ở phía sau dành cho những người bạn cũ thời xách đèn lồng đi học thuở chín năm kháng chiến. Khi cô dâu, chú rể đến chào bàn, các anh chị bạn cùng đứng lên hô lớn:
Chúc mừng ĐÁM CƯỚI CHÓ các bạn ơi.
Chàng rể Bình nghe xong, choàng vai cô dâu, tay cầm ly rượu dơ cao lên rồi băt chước giọng chó:
- GẤU GẤU GẤU...Gấu Gấu gấu...gấu gấu gấu…
Cả đám tiệc cưới vang lên làm huyên náo cả một góc phòng.
Những năm qua anh chị sống cùng nhau hạnh phúc, vì chưa có con, anh chị có ý định xin một đứa con nuôi. Một buổi chiều mùa đông thật lạnh, công việc xong chị đạp xe về nhà, một đám trẻ ở trên lề đường phía trước chạy ra đón chị. Một đứa ôm một con chó con trước ngực đưa ra cho chị và nói:
-  Cô ơi, con chó này ai bỏ nó ở đây hồi sáng tới giờ, nó đói, nó lạnh, nó run, nó sắp chết cô ơi. Cô nuôi dùm nó đi.
Chị ngần ngừ một lát rồi lấy áo ấm của chị lót vào cái rổ gắn trước tay lái rồi bảo thằng nhỏ bỏ vào rồi trùm nó lại đạp xe về nhà.
Anh chị đặt tên chó là MiNô, vài tuần sau vẫn không thấy ai kêu mất chó, tìm chó. MiNô được anh chị nuôi cho ăn uống đầy đủ, nó càng lúc càng phổng phao với bộ lông vàng mướt, đẹp ra phết. MiNô lúc nào cũng quấn quít bên anh chị, Buổi sáng
chị đạp xe đi làm, MiNô chạy theo sau, có những lúc tình cờ chị nhìn ra sau thấy nó, đuổi về, nó mới chịu về. Về sau, nó chạy theo sau chị một khoảng cách xa, chị không biết nên MiNô vẫn theo; và biết những nhà người bệnh chị đã đến.

Một hôm, ngày chúa nhật. Chị đi làm, anh ở nhà, ra vườn tỉa lá cho khóm hồng, anh thấy yếu đi và té xuống nằm mê man, MiNô thấy, nó đến anh ngậm vạt áo anh giựt giựt không thấy anh ngồi dậy, nó vội vàng chạy đi tìm chị, gặp chị ở nhà người bệnh, nó gậm lai quần của chị kéo kéo nhiều lần. Khi ra dạp xe, nó chạy trước ngoái cổ lại sủa sủa như người dẫn đường, chị đạp xe theo nó về nhà. Đến nhà nó cắn gấu quần chị kéo ra vườn đến chổ anh nằm. Chị bắt mạch cổ tay. Vẫn còn mạch, chị chạy vào bếp xem xét lại thức ăn buổi sáng vẫn còn nguyên, thế là anh chưa ăn sáng mà làm việc lao động, bị hạ lượng đường trong máu (hypoglycemie), chị vội pha nước đường dùng thìa đút vào miệng anh, anh hồi tỉnh dần dần. Sự kiện này đã xãy ra vài lần khi anh làm lao động lúc bụng đói, nên chị có kinh nghiệm cứu chữa cho anh chứng bệnh này.

Từ khi biết MiNô đã cứu mạng sống mình, anh Bình càng quý mến MiNô hơn, Đi làm về anh thường ghé tiệm ăn mua thức ăn MiNô thích rồi dẫn đi dạo xóm, nhưng hai ngày trước đó MiNô có vẻ buồn, buổi tối ra ngoài hiên nhà rồi đi đâu đó. Qua sáng ngày thứ ba, anh nghe tiếng sột soạt ngoài cổng, nhìn ra thấy con Mi Nô rang đẩy một con cún nhỏ vào khe cổng, anh thấy vậy vội mặc áo ra ôm nó vào nhà. Đó là một con chó con gầy đét, thiếu ăn, run rẫy vì lạnh, anh lấy khăn lớn choàng vào
nó rồi pha sửa cho nó ăn. Sau này, chị chăm sóc nó như con, nó bắt đầu trổ mã với bộ lông đốm trắng rất có duyên của phái nữ nên anh chị đặt tên nó là LyLy. Hai con MiNô và LyLy sống quấn quít không rời nhau, thỉnh thoảng chị đi làm, chúng nó chạy theo một đoạn đường rồi quay về trông nhà.

Sống với nhau lâu ngày, anh chị, MiNô và LyLy này vẫn không có con. Anh đề nghị với chị làm một đám cưới cho uyên ương Nô-Ly này. Chị may áo quần con trai, con gái cho chúng nó, anh mua thức ăn, mặc áo quần vào, đóng một cái nhà gỗ mới làm tổ ấm cho chúng nó để ở hiên nhà, mời những bạn hữu hàng xóm, dẫn các chú chó bạn đến chơi, rồi vổ tay hát bài Mừng Tân Hôn. Hai con Nô và Ly không hiểu gì cũng sủa:
- GÂU, GÂU, GÂU....Thật vui.
Ngày tháng trôi qua, hai đôi vợ chồng người và chó sống cùng nhau thật vui vầy và hạnh phúc. Rồi đến một ngày anh bị bệnh rồi qua đời. Ngày tang lễ, chị khóc sướt mướt nhìn đôi chó nằm kế bên quan tài không rời chỗ. Đến lúc ra nghĩa trang, hạ huyệt xong, lấp đất vun mồ rồi, hai con Nô và Ly nằm bên mộ không chịu về, chị phải bế bồng năn nỉ, chúng nó mới chịu lên xe. Sau này, mỗi lần đi thăm mộ chồng, chị đều dẫn Nô Ly đi theo và mỗi lần như thế khi về, chúng vẫn nằm bên mộ anh không muốn dời đi, rồi lại dỗ dành, Nô-Ly mới chịu lên xe.

Sau tháng Tư năm 1975, lịch sử thị xã lại tái diễn, đoàn người mũ cối, dép râu của Bộ đội Cọng Sản đã xuất hiện tại thị xã Tuy Hòa, sau đó họ tiếp tục xâm chiếm các tỉnh miền Nam. Những người nằm vùng ló mặt, những kẻ cách mạng hạng A (a dua) ăn có khoe công, đội mũ cối mang giép râu cho giống bộ đội, họ bắt đầu rình rập, tố giác người quen, họ hô hào những biện pháp của nhà cầm quyền mới, bắt bớ tù đày người của chính quyền cũ, xua người đi khỏi thành phố, kiểm kê tài sản để cướp của. đổi tiền để bần cùng hóa người dân ... Riêng chị cũng cũng bị vài người trước đây xin chị giúp đỡ chữa bệnh miễn phí nhưng cũng dẫn công an đến khám nhà chị tịch thu dụng cụ và số thuốc tây rồi cấm chị hành nghề y tá vì làm việc riêng tư là không đúng tiêu chuẩn “cách mạng”.

Đã bao năm, đạp xe đi chữa bệnh cho những người không có điều kiện gặp bác sĩ hoặc cần phải điều trị trong bệnh viện, nghề này đã cho chị lợi tức, nghiệp này cũng mang đến niềm vui khi thấy người bệnh được chữa khỏi. Bây giờ thì nghề mất nghiệp tan. Số tiền dành dụm không còn nhiều để mua đầy đủ thức ăn cho chị lẫn đôi chó MiNô và LyLy. Những bửa cơm độn khoai sắn, thiếu vắng thịt cá, hình dạng cả hai con Nô-Ly càng lúc càng gầy ốm nhưng chúng vẫn quấn quít bên chị.

Những đêm ngồi đọc kinh trước di ảnh chồng hai chó Nô-Ly nằm nghe hết bài kệ mới đi ngủ. Những buổi chiều vắng lặng, chị bắt ghế ngồi trước hiên nhìn hai đứa “con nuôi” của mình đùa giởn với nhau, bất giác chị thở dài, rồi nói:
- Tình NGƯỜI bây giờ không bằng tình CHÓ!

 LỮ LONG PHƯỚC

No comments: