NHÀ VĂN TÔ NGỌC
Thời tiết vào buổi giao mùa ở cuối hè chớm sang thu, có mặt trời ửng một vầng hồng sáng cả vùng rộng lớn ở phương đông. Lá của hàng cây hai bên đường đã ngã màu xanh sẩm, thỉnh thoảng có chiếc lá úa rơi nhanh vì cơn gió mát hiu hiu không ảnh hưởng chi lá lớn hay nhỏ. Những vầng mây trắng đục in trên nền trời xanh lơ tha thướt, chậm chạp lừ đừ đi chuyển về nơi vô định. Bầy chim bay lượn nhịp nhàn, con trước con sau chí chóe đáp xuống tìm mồi, nơi bãi đất trống chưa cất nhà bên kia đường.
Sáng sớm hôm
nay chúng tôi đã rời nhà, vì làng Yuba City đến nhà anh chị Tô Ngọc phải mất
1/giờ lái xe. Đó là vùng đông người Á Châu cư ngụ, nhất là người Việt ở
Sacramento. Nơi đây tuy thành phố lớn, là Thủ Phủ của tiểu bang California ở
miền Nam nước Mỹ, có đất rộng, nhưng người ít nên nếp sống không rộn ràng, ồn
ào như các thành phố ở tiểu bang khác so với Texas, New York, hay Washington...
Về mùa đông không lạnh tái tê như Chicago, và mùa hè không nắng cháy như
Arizona. Mùa thu thì thời tiết mát mẻ, thỉnh thoảng có những đám mưa thu tí
tách rỉ rã rơi dai dẳng... nhưng thanh tịnh và êm ả vô cùng. Còn mùa xuân thì
khỏi phải nói, trời cao xanh ngát, không gian trong vắt và thắm tươi với trăm
hoa đua nở muôn hồng ngàn tía tạo cho Sacramento vẻ đẹp thiên nhiên rực rỡ êm
đềm.
Nhà anh chị Tô
Ngọc tọa lạc trên vuông đất rộng nối liền ranh đất hàng xóm có hàng rào cây
dựng cao. Cái nhà sau (patio) có mái che phần đất nối dài từ cửa nhà sau ra
ngoài chừng 5 thước, lộp “tông” nhựa, không vách chỉ là những tấm chắn ruồi
muỗi bằng ni-long trong suốt. Nên ở bên trong chúng ta có thể thấy ra hồ sen
bán nguyệt tượng Phật Quan Âm trơ gan cùng tuế nguyệt sừng sửng dưới trời như
mỉm nụ cười an nhiên tự tại ở bầu trời tư do, no ấm, hùng mạnh của nước Mỹ vĩ
đại nhất nhì thế giới nầy. Đôi mắt của Phật bà hiền dịu, từ bi, tha thứ, bao
dung... như nhìn thấu tâm tư của những ai đang chiêm ngưỡng Phật bà.
Giữa buổi sáng
có ánh bình minh như trải lụa, gió hiu hiu man mác thấm đậm hương cỏ cây quanh
nhà đưa vào... khiến chủ nhà lẫn khách cảm thấy tâm hồn khoan khoái dễ chịu
lắm. Trên chiếc bàn gỗ dài có khăn trải bàn màu xanh lam điểm lác đác nhữ đòa
hồng nhỏ cở đầu ngón tay trông thật trang nhã và mát mắt. Chúng tôi ăn sáng với
nhiều món: Như là hột gà óp-la, ăn với bánh mì (làm theo phương thức Sài Gòn
xưa). Bánh mì nướng vàng trên mặt có trải lớp thịt cua dầy trộn với
mayonnaise... dòn khưu khứu. Một dĩa bàn hình Oval tráng men trắng in lá xanh
và cành màu nâu nhạt, vun cao những chiếc bánh ngọt màu kem, màu nâu sậm của
chocolate, màu vàng nghệ của trái hồng đào... gần bên cùng còn có dĩa trái cây
tươi ngon hơn hớn... Hương trà Quan Âm Kỳ Chưởng bát ngát tỏa bay từ chiếc tách
ngời sáng có in hình bác Tiên của phu quân tôi, không làm sao phá tan mùi
cà-phê phim đang nhỏ từng giọt, từng giọt đen nhánh trong ly thủy tinh trắng
ngần của vợ chồng gia chủ và tôi. Hương vị của nước uống thơm tho ngọt ngào vân
vê như khuyến dụ gợi vị giác của mọi người ngồi quanh bàn.
Trong bữa ăn
sáng ấm nồng tình đồng hương, chúng tôi có dịp kể cho nhau nghe những chuyện
xưa và nay, những kỷ niệm riêng tư lúc còn son trẻ ở quê nhà. Chị Hồng lấy 2
tập hình dầy khi còn ở tuổi thanh xuân, và gia đình ở hải ngoại (Đức) của chị
còn lưu giữ đến nay, cho chúng tôi xem. Thấy mấy tấm ảnh ngã vàng theo năm
tháng, có hình trong ngày đám cưới chị Lệ Hồng nào là hai họ, phụ dâu, phụ rể.
Chỉ tấm hình thanh niên đứng kế chủ rể có mái tóc dài hơn bình thường bồng
bềnh, dáng vấp cao ráo rất nhìn vào rất nghệ sĩ, chị Lệ Hồng chợt hỏi tôi:
- Chị biết người làm phụ rể nầy là ai không?
Tôi mỉm cười
nhìn hình, lí lắc nhái giọng Huế:
- Làm “răng” mà tui biết được hè?
- Chị hãy nhìn kỹ đi... anh Tô Ngọc đó.
Tôi mở to mắt
sáng ngời, cười lớn:
- Mèn ơi, vậy sao, thuở thanh xuân anh Tô Ngọc
quả đẹp trai quá! Có mái tóc bồng giống như ca sĩ John Lenmon trong bang nhạc
trẻ The Beatles... nổi tiếng thời bấy giờ, mà tôi ngưỡng mộ.
Nghe khen
chồng, chị Lệ Hồng nét mặt thêm tươi vui, đôi mắt nhìn trời bao là bát ngát in
từng cụm mây mỏng nhẹ bay theo hướng gió, như cố ôn lại những kỷ niệm thời xa
xưa nhiều mộng đẹp. Vui giọng chị bảo:
- Chúng tôi thuở còn son trẻ quen biết nhau.
Ông Tô Ngọc có tâm hồn “lơ thơ tơ liễu buông mành” và phóng khoáng của một nghệ
sĩ, chị cũng biết nghệ sĩ thì có ông bà nào giàu đâu, trừ minh tinh hay những
ca sĩ nổi tiếng. Ảnh lại là con một nên luôn được gia đình chu cấp thêm trong
việc chi tiêu. Sau nầy ông già qua đời anh được tình thương của mẹ nhiều hơn.
Còn tôi vừa học xong thì ba sắp nhỏ cậy mai mối cưới hỏi, khi ông Tô Ngọc biết được dù cho nuối tiếc, nhưng cũng đã quá
muộn rồi.
Anh Tô Ngọc và
phu quân tôi, lật xem những tấm ảnh xưa... Tôi thì yên lặng lắn tai nghe và
trào lòng theo từng mẫu chuyện vui buồn chị kể. Uống ngụm cà-phê thấm giọng,
lúc bấy giờ tôi mới biết rõ là ở cố hương chị Lệ Hồng có gia đình phu tử để
huề, và sau Tháng Tư Đen, năm 1975 gia đình vượt biên qua Đức. Mấy mươi năm lập
nghiệp ở xứ người, con cái đỗ đạt thành nhân, vợ chồng làm ăn phát đạt... Nhưng
chẳng may chồng chị Lệ Hồng bị bạo bệnh qua đời.
Cơ duyên nào
cho chị Lệ Hồng và anh Tô Ngọc gặp lại nhau? Không biết có phải chăng là cái số
hay là do Thượng Đế đã an bày mà đến “bảy bó” (70 tuổi) nhà văn Tô Ngọc của
chúng ta từ nước Mỹ khăn gói qua cưới chị Lệ Hồng ở phương trời Đức Quốc xa vịu
vợi, xa hơn nửa vòng trái đất... để “đưa nàng về dinh” (Sacramento).
Bỗng anh tô
Ngọc quay sang tôi, bảo:
“...Xin lỗi nghe, cơ duyên
nào mà chị trở thành người viết? Bởi theo tôi biết ít có người phụ nữ miền Nam
vừa làm thơ vừa viết văn như chị. Dư Thị Diễm Buồn, có phải là tên thật của
chị, và sách có tiêu thụ được nhiều không chị?
Bất ngờ nghe
anh hỏi, tôi hơi khựng rồi mỉm cười, nhẹ giọng:
- “Anhchị
biết không, nếu ba tôi còn sống, mà biết DTDB tôi đặt bút danh của tui thì ông
sẽ nện cho què giò! Thưa anh cũng biết “văn chương hạ giới rẻ như bèo” mà, tôi
viết là theo sở thích và đam mê cá nhân thôi, cũng tiêu thụ lai rai... chớ chưa
có khả năng viết để kiếm sống anh ơi. Tôi ham đọc sách, ham viết từ thuở còn
nhỏ, có lẽ do sự tiêm nhiểm và nghề nghiệp của ba tôi.
Nhớ khi xưa,
trong trường ba tôi là một thầy giáo nổi tiếng nghiêm nghị và khó khăn với lũ
học trò trong thôn làng sằn dã. Nơi có những đứa trẻ tâm hồn thơ ngây như giấy
trắng học trò, chưa nhuốm chút bụi của thị thành bon chen chớ đừng nói chị đến
cát bụi của cuộc đời. Ở cái thuở mà miền Nam từ ấp xã, cho đến quận, và thành
thị dân chúng lương thiện “ăn chắc mặc dầy”, người nào việc đó, không bon chen,
gian manh, xảo trả... Ít khi nghe giật đồ, nghe trộm cướp nào bự sự.
Lúc sanh thời
bà nội hay kể về ba tôi là một thanh niên được cảm tình nhiều người trong thôn
xóm, và những làng lân cận, nhứt là nữ phái ở lứa tuổi ba tôi. Bởi ông thích
đọc sách, nghe nhạc, xem phim, tâm hồn lại phóng khoáng, ngoại hình điển trai
khôi vĩ và các bộ môn cầm, kỳ, thi họa... gần như môn nào ông cũng biết... Vì
có những đặc điểm trội hơn những thanh niên trang lứa, và nhứt là có cái mạc du
học ở Pháp, mặc dù chưa đổ đạt đến đâu, khi lớn lên mới biết ba tôi là một
người đàn ông “mỗi bến mỗi tình”!
Trong năm đứa
con gái của ông, ngoại hình và tánh tình tôi giống ba, nhiều nhất là thích đọc
sách và hơn ba một chút là thích viết ngay từ còn Tiểu học, khi biết đọc biết
viết và biết tìm tòi nghĩ suy. Tủ sách gia đình có nhiều sách báo Việt ngữ,
sách dịch từ Pháp ngữ, Hoa ngữ... Đủ loại như là: Đông Châu Liệt Quốc, Tây Du
Ký, Thủy Hữ, Anh Hùng Lương Sơn Bạc... cho đến tiểu thuyểt tình cảm... Đó là
những món quà tinh thần, mà các chú tôi ở tỉnh thành luôn tìm tòi mua về cho
anh mình. Nhứt là gần Tết có đủ các loại tạp chí, báo xuân... ba tôi là người
quý sách báo, nên có những tờ báo nhật trình từ năm, mười năm trước vẫn còn
giữ. Ấy vậy mà ông già tôi cấm năm đứa con gái mình đọc sách kể cả báo chí. Mặc
dù chị Hai tôi đậu bằng “Thành Chung” mới gả chồng, chị Ba ra trường Sư phạm
(dạy Tiểu học) nối nghiệp ba, vẫn không dám mở tủ sách cửa đóng then gày của ba
để đọc! Chỉ riêng “mình ên” bổn cô nương là tôi đây không nghe lời ba má biết
bao lần đã dặn dò chung cho chị em tôi: “... Con gái ngoài học hành thì phải học
thêu thùa may vá, nấu ăn, làm bánh... để sau nầy về làm dâu, làm vợ người ta...
Các con đừng có đua đòi học hư đọc sách báo, đọc tiểu thuyết, viết văn, ca
hát... thì không nên đó”.
Anh chị thấy đó
ông già tôi thật cổ lỗ sỉ, nhưng tôi có nghe lời đâu, cứ mỗi lần ba tôi đi hội
họp xa nhà, hoặc đi thăm mấy chú năm bảy bữa thì tôi tha hồ lén mở tủ sách của
ba tôi ra đọc, đọc mê mang tàng tịch, đọc quên ăn quên ngủ. Nơi kẹt bồ lúa ở
nhà sau là nơi kín đáo ít người tới lui, chỉ có tôi và con mèo tam thể (có 3
sắc lông: vàng, đen, trắng) mắt lim dim, nằm kế bên thở khò khè, như để cùng
tôi luyện chưởng “đằng vân giá võ” bay lượn trên không, lặn dưới nước... của
tác giả Kim Dung. Thương vay khóc mướn những truyện: Tình Buồn, Dòng Sông Ly
Biệt, Hài Âu Phi Xứ... của bà sẩm Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhỉ dịch mới hấp
dẫn... Bên Dòng Sông Trẹm, Em vẫn chờ đợi Anh... của Dương Hà cùng nhiều tác
giả khác thời bấy giờ. Tôi thích đọc của Hồ Biểu Chánh... và rất nhiều tác giả
khác, có những truyện kỳ dị của Tô Ngọc nữa...”
Anh Tô Ngọc
nghe gật gù vui tươi. Cười nhẹ tôi tiếp:
“- Thưa anh, còn báo xuân thì khỏi chê, tôi đọc
tất cả các bài cho đến quảng cáo, kem Hynos của anh Bảy Chà mặt mày đen thủi
đen thui, cười thấy hàm răng trắng bóng như ngọc trai. Quảng cáo các hãng xe đi
về Lục tỉnh, đi ra miền Trung, xà bông giặt đồ, xà bông thơm Cô Ba... Má tôi
chỉ rầy lấy lệ mỗi lần biết tôi lén đọc sách!
Có lần ba tôi bắt gặp tôi
đang ngủ quên trong kẹt bồ lúa, tay còn ôm quyển sách! Thế là tôi bị no đòn...
khóc lóc hứa hẹn xin tha đủ điều với ông già. Nhưng tôi vẫn chứng nào tật nấy,
luôn lén đọc sách mỗi khi ba vắng nhà. Có lẽ vì quen tật đó, mà tôi đam mê viết
và đọc sách thưa anh”.
Bên ngoài nắng
bình minh rạng rỡ, tiếng chim kêu líu lo trên những cây cao sát nhà hàng xóm.
Gió mát mẻ dễ chịu vân vê đưa hương hoa lá cỏ cây trồng quanh nhà. Chị Lệ Hồng
châm thêm cà-phê cho chồng và cho tôi, còn phu quân tôi thì chị thêm trà và
châm nước sôi vào bình.
Tôi cười nhẹ,
bảo với ông gia chủ:
- Còn đại huynh thì sao, cơ duyên nào Tô Ngọc
huynh trở thành nhà văn nổi tiếng về truyện ma, và anh đã thành danh khi tôi
còn là học sinh Trung học. Anh đã phát hành bao nhiêu tác phẩm truyện ngắn,
truyện dài đã phát hành rồi vậy?
Anh cười hề hề
trên cái miệng cố hữu luôn có nụ cười hiền lành tươi như hoa, xinh như ngọc, mà
trước khi gia đình từ Illinois qua đây tôi đã hỏi nhà văn Hồ Trường An: “...Anh
có quen biết với anh chị văn nghệ sĩ nào ở Sacramento không, cho biết để tôi
làm quen khi đến đó...?” Anh suy nghĩ một hồi rồi bảo:
“Tôi có quen biết chớ không thân lắm với nhà văn Tô Ngọc. Anh ấy có tướng người
cao ráo, nước da trắng, mặt mày điềm đạm, ăn nói lịch sự từ tốn, và dễ mến nhứt
là nụ cười, chị đến vùng đó, đi đâu mà nhìn người đàn ông nào có miệng cười như
ông Địa như ông Phật là Tô Ngọc đó đa...” Nên khi anh Thanh Thương
Hoàng đãi bữa ăn có khoảng mươi người “đón người phương xa”, nhìn chung quanh
tôi biết ngay người ngồi đối diện là nhà văn Tô Ngọc (bởi có nụ cười y như rằng
mà nhà văn HTA đã diễn tả).
Giọng đều đều
của anh Tô Ngọc, kể:
“- Là con một của mẹ và bố
tôi, dĩ nhiên là được ông bà hai bên cưng chiều lắm. Bố tôi rất mong muốn tôi
theo nghề ông. Nhưng khi học xong phổ thông tôi ham vui, không thích ràng buộc
trong những nghề nghiệp làm theo giờ hành chánh nên đi làm ký giả, làm báo, viết
văn... Những việc mà khi nào thích tôi mới làm, dĩ nhiên là có mẹ tôi làm hậu
thuẩn, luôn giúp lúc tôi thiếu thốn. Sau khi bố tôi qua đời, bà còn trẻ mà ở
vậy thờ chồng nuôi con. Nên tôi kính yêu và sùng bái má tôi hơn cả thiên sứ!
Thưa chị, tôi sanh năm
1935, đến năm 1959 bắt đầu làm báo và viết:
* Làm báo: Ngôn
Luận, Văn Nghệ Tiền phong, Sài Gòn (1959-1964) * Làm báo: Chính Luận, Chọn Lọc,
Sài Gòn (1964-1975)
* Thành viên
BCH, Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam (1969- 1975)
* Tù cải tại
(Văn Nghệ Sĩ Chống Cộng. Ngày 6-4- 1976 về năm 1987)
* Định cư tại
Hoa Kỳ năm 1993
* Làm báo Tiếng
Vang năm 1999
Tác phẩm đã
xuất bản trước năm 1975: Bâng Khuâng (1963), Kỹ Thuật Lấy Chồng (Tập truyện
1965), Quỷ Sống Ăn Người, Ma Sói Rừng Thiêng, Hầm giết người (Truyện kinh dị,
chọn lọc 1967-1968) Tập truyện “Hầm Giết Người” được tái bản, ở Hoa Kỳ vào thập
niên 80, khi tôi còn bị tù cải tạo ở quê nhà! Tôi còn những tác phẩm đã hoàn
tất đăng trên báo: Mầm Non Mầm Già, Sài Gòn Chịu Chơi, Vết Thương, Tuổi Hờn,
Khác Vọng Đôi Mươi, Đảng Cướp Liên Hành Tinh, Đoạn Hồn Đao, Con Rùa Vàng, Vườn
Vui, Nợ Yêu, Bóng Trắng, Ma Hời, Lời Nguyền Của Quỷ, Giặc Cờ Đen... (Một số đã
in thành sách, một số sẽ in).
Cơn buồn chợt
đến, tôi lên tiếng hỏi nhỏ:
- Anh Tô Ngọc nè, phải chăng đây là cái nghiệp
của người cầm bút! Suốt những tháng năm dài những văn nghệ sĩ đem tài sức của
mình của tha nhân cống hiến cho đời... Chế độ nào cũng vậy, Văn Học Nghệ Thuật
bao giờ cũng cần phải có để đất nước mở mang theo trào lưu tiến hóa với các
nước khác chớ. Có tội tình chi đâu mà phải bị bọn ma dương hắc đạo Công sản
Việt Nam trù dập đoạ đày tù cải tạo gần 12 năm như anh, còn hơn quân nhân công
chức cao cấp ở Chánh thể Cộng Hòa vậy?
Anh Tô Ngọc
chớp chớp mắt đăm chiêu nhìn không gian cao rộng, thở dài, nhếch miệng cười
buồn bã:
- Có khác chớ chị, tụi Cộng sản sợ nhất là nói
lên “sự thật”, nên giới Văn Nghệ Sĩ luôn bị chúng kết tội nặng lắm! Chị cũng
biết, chỉ một lời thốt ra thôi nó có thể ảnh hưởng rất lớn mạnh hơn cả thiên
binh vạn mã! Tác phẩm “Nọc Độc Văn Hóa Nô Dịch” Chính Nghĩa xuất bản tại TP H C
Minh năm 1984 đã kết án tôi và một số nhà văn khác trước năm 1975, họ bảo: “Bọn
biệt kích văn hóa do Mỹ đào tạo nhầm mục đích phá hoại chế độ, như: Duyên Anh,
Nhã Ca, Bằng Lang, Văn Quang, Nguyễn Thụy Long, Tô Ngọc, Dương Nghiễm Mậu”.
Chúng bắt tôi ngày 6 tháng 4 năm 1976 trả tự do ngày 9 tháng 8 năm 1987 gần 12
năm đọa đày! Tôi vào Mỹ với lý do tỵ nạn Chánh Trị ngày 16 tháng 9 năm 1993, ở
Sacramento cho đến nay.
Anh Tô Ngọc
ngừng nói, hớp ngụm cà phê, nhìn chúng tôi cười bảo:
- Âu cũng là cái duyên, nên vợ chồng tôi mới
gặp anh chị, để hôm nay chúng ta cùng ăn sáng đây...
Nhìn đồng hồ đã
đến giờ phải đi đám sinh nhật của chị bạn, tôi và phu quân cảm ơn anh chị bữa
ăn sáng thịnh soạn và được nghe anh chị tâm sự, cùng kể lại ít nhiều những kỷ
niệm thật hết sức trân quý. Ông nhà tôi không quên hẹn và mời anh chị cuối tuần
nào đó ra thăm vùng ngoại ô, và ghé qua ăn trưa ở tệ xá với chúng tôi.
Mặc dù ở xa
thành phố sacramento cả giờ lái xe, nhưng anh chị Ngọc và vợ chồng tôi cũng
thường gặp nhau trong những buổi sinh hoạt của các hội đoàn, đoàn thể Cộng đồng
người Việt ở địa phương. Có khi các diễn giả ở xa đến thuyết trình về một đề
tài Văn Học Nghệ Thuật, Triển lãm tranh ảnh, buổi hòa nhạc, văn nghệ gây quỹ
cho thương phế binh còn kẹt ở quê nhà, ra mắt sách, hội chợ Tết Nguyên Đán, lễ
Trung Thu, kỷ niệm ngày Quốc Hận 30 tháng tư đen, ngày Quân Lực... Và thường
thì chúng tôi cũng hay điện đàm thăm hỏi nhau.
Anh Tô Ngọc
người miền Bắc “Ngàn Năm Văn Vật”, chúng tôi người miền Nam, nhất là tôi “Con cá gô bỏ trong gổ nhẩy
gồ gồ” nhưng rất trân trọng anh là một trong những nhà văn có tánh tình hòa
nhã, chân thật, hiền lành, không bon chen, không háo danh, hay ganh tỵ trước
thành công của người khác... Anh là một trong những nhà văn, ký giả, nhà báo kỳ
cựu đã thành danh lúc còn trong nước, trước năm 1975, đã cho tôi nhiều cảm mến
mà tôi hân hạnh quen biết trên văn đàn, hay gặp gỡ ở hải ngoại, nơi có thừa vật
chất nhưng thiếu thốn chút tình người!
Trong lúc điện
đàm thăm hỏi anh chị, có lần tôi bảo:
- Phu quân tôi nói anh Tô Ngọc chân thật, hiền
lành, vui vẻ... đẹp lão phương phi giống “Lão Ngoan Đồng” sẽ trẻ mãi không già,
như trong phim kiếm hiệp: “Anh Hùng xạ điêu” và “Thần Điêu Đại Hiệp” của Kim
Dung. Riêng tôi thì nghĩ anh là người giữ chữ “tín”, dù cho ai đó làm việc xấu,
anh không thích họ, nhưng khi có người hỏi đến anh cũng trả lời không biết...
Chớ anh không “vạch lá tìm sâu” bơi móc, “đổ dầu vào lửa” hoặc thêm thắt cho
chuyện ít xích ra to, chuyện không thành có... để thiên hạ không ưa nhau, thù
hằn và oán ghét nhau chơi... anh cũng ít khi chê bay ai, hay khen lấy lòng. Đức
tín như vậy rất khó thấy ở xứ lạ quê người, nên tôi chắc anh không có kẻ thù,
và anh cũng không hờn giận ai hả anh Tô Ngọc?
Anh cười hì hì
rồi cao giọng, bảo:
- Chị lầm rồi tôi có kẻ thù chứ, đó là tụi
Việt cộng! Hỉ, nộ, ái, ố... đã sinh ra trên cõi đời nầy ai mà không có, tôi
cũng không ngoại lệ. Tôi giận dữ và tuyệt giao ngay với kẻ nào hỗn láo hoặc nói
sai sự thật về gia đình tôi, nhất là hiền mẫu tôi... “Nhân vô thập toàn” Việt
cộng có ưa tôi đâu, và tôi ghét chúng nhiều hơn, bởi “Quan Công cũng có kẻ thù
và Tào Tháo còn có bạn” mà chị!
Nhớ hôm ra mắt
cuốn “Tâm Cảm” của cựu giáo sư nhà văn nữ Cao Thanh Tâm (hiền thê của cố bác sĩ
Tôn Thất Sang). Quy tựu rất đông văn nghệ sĩ có tầm vóc ở địa phương và từ
nhiều nơi về tham dự. Tác giả có nhã ý nhờ tôi nói cảm nghĩ của mình về quyển
sách. Sau khi nói xong trở về chỗ ngồi, anh Tô Ngọc đang bận bấm máy hình lia
chia, lúc sau dừng lại bên tôi bảo nhỏ: “...Phải vậy chứ, được lắm chị nói ngắn gọn
mà đi sát đề của tác phẩm...” Tôi thầm cảm ơn nhà văn Tô Ngọc, anh chỉ
nói ngần ấy thôi, tôi cũng cảm thấy khoan khoái và ấm lòng!
Trong tầng lớp
những cây viết đã thành danh cùng thời với nhà văn Tô Ngọc, thật sự tôi chưa
nghe ai phê phán về anh. Thí dụ như có một vị, tôi biết anh hiểu rõ mà không
thân thiện... tôi lên tiếng hỏi anh để hiểu biết người đó hơn. Anh cười cười
không nói, cũng không kể về người mà tôi hỏi thăm dù ở khía cạnh nào, tốt hay
xấu... Rồi anh nhẹ giọng bảo với tôi rằng: “Chị cũng biết những gì hôi tanh dù gói
kín thế nào cũng có ngày bốc mùi. Xin lỗi, và đừng buồn vì tôi không trả lời
chị ở bất cứ người nào và trường hợp nào... trừ khi chị hỏi về văn chương thơ
phú, hoặc những sự việc gì đó là của tôi! Chị là người tinh tế, hãy khách quan
tự vận dụng cái tài và khả năng của mình mà suy đoán, mà nhận xét đi... Bởi vì
ở trên đời không có ai là hoàn hảo đâu chị ơi...” Anh không trả lời
những gì tôi hỏi mà cứ vòng vo tam quốc không đâu vào đâu! Nhưng trong tâm tư
tôi, anh đúng là một nhà văn, ký giả, nhà báo lão thành khả kính để cho tôi tôn
trọng và cảm phục.
Nhà văn Tô Ngọc
Đã vĩnh viễn ra đi ngày 10
tháng 12 năm 2019
Tại Sacramento, hưởng thọ
85 tuổi.
Người đời thường
bảo rằng: “Sống thì không bao giờ chết/ Còn chết thì sống mãi” Có đúng như vậy
không? Thật sự tôi không biết, nhưng tôi chắc chắc một điều là nhà văn Tô Ngọc
sẽ sống mãi trong lòng người thân, bạn bè và những người mộ điệu anh.
Hôm nay tôi viết một vài kỷ niệm với nhà văn
Tô Ngọc lại đúng vào “Tháng Tư Buồn” mùa Quốc hận thứ 45 của người Việt Nam
không Cộng sản! Và cũng thời gian nầy, trần thế đang bị cơn ác dịch của Tàu
cộng giết hại không biết bao nhiêu sanh linh. * Tôi đã khóc mùa Quốc Hận Tháng
Tư Đen! * Khóc anh Tô Ngọc, bậc đàng anh mà tôi ngưỡng phục. * Tôi khóc cho
những người trên thế giới đã lìa xa cõi đời vì ác dịch Corona Vũ Hán của Tàu
cộng!
“Xin nguyện cầu hương linh
Những người quá cố sớm về cõi vĩnh hằng”
Tệ Xá Diễm Diễm Khánh An
Ngày 30 tháng 4 năm 2020
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
No comments:
Post a Comment