Tuesday, May 26, 2020

CHỈ TRONG 1 TUẦN LỄ GIA ĐÌNH GỐC VIỆT TẠI MASS. MẤT 3 NGƯỜI VÌ COVID-19 (MAI PHI LONG)

Chỉ trong 1 tuần, gia đình gốc Việt tại Massachusetts mất 3 người vì COVID-19

May 24, 2020 

 

Từ trái: Cô Kim Chi Nguyễn-Ngô, con gái, ông Ngô Văn Võ, cha, và bà Huỳnh Thị Bảy, mẹ, cả ba vừa mất vì dịch COVID-19. (Hình: gia đình cung cấp)

 

Mai Phi Long/Người-Việt

 

WORCESTER, Massachusetts (NV) – Chỉ trong trong vòng một tuần lễ, một gia đình gốc Việt sống tại thành phố Worcester, tiểu bang Massachusetts, mất đi ba người vì dịch bệnh COVID-19.

 

Cuộc hôn nhân 60 năm trong hạnh phúc của cụ ông Joseph Ngô Văn Võ, 85 tuổi, và cụ bà Huỳnh Thị Bảy, 82 tuổi, chấm dứt vào ngày 14 Tháng Năm, khi hai ông bà qua đời.

Ông Dominic Ngô, 48 tuổi, người con thứ bảy trong gia đình, cho báo Người Việt biết, ngày cụ ông và cụ bà ra đi, người con gái thứ sáu, Ngô-Nguyễn Kim Chi (50 tuổi) cũng đang nằm trong bệnh viện được đến chứng kiến giây phút cuối của song thân.

 

Năm ngày sau, bà Kim Chi, người chăm sóc cha mẹ những năm cuối đời, cũng từ giã cõi đời vì COVID-19.

Ngày 20 Tháng Tư vừa qua là ngày kỷ niệm 60 năm thành hôn của ông Võ và bà Bảy, toàn bộ cả gia đình con cháu nội ngoại, tổng cộng 30 người, dự trù tề tựu về Worcester mừng ngày đặc biệt này vào ngày 17 Tháng Năm.

 

Nhưng ngày sum họp hạnh phúc đó không bao giờ đến. Bởi vì, vào ngày 8 Tháng Năm, hai ông bà được đưa vào bệnh viện St. Vincent Hospital với triệu chứng mà gia đình nghĩ rằng cảm cúm hoặc dị ứng

 

Hàng trên, từ trái, năm anh em họ Ngô, Dominic, Lâm, Xuân, Hiếu, Thông. Hàng dưới, từ trái, Kelly Lâm, Kim Chi Nguyễn-Ngô, Mikki Longely, Anna Hùynh, Thúy Ngô, Lynnzie Ngô. Đứng giữa, bà Huỳnh Thị Bảy, ông Ngô Văn Võ, trong ngày sinh nhật 80 của bà. (Hình gia đình cung cấp)

 

“Có lẽ, do ơn Chúa sắp xếp, những ngày cuối cùng, cha và má lại được ở cùng một phòng trong bệnh viện,” Dominic Ngô, một giáo dân Công Giáo ngoan đạo như song thân của ông, xúc động kể tiếp.

“Sáu ngày sau khi vào bệnh viện, cha và má nắm tay nhau. Cha đi trước và, trong vòng một tiếng rưỡi, má đi theo.”

Dominic ngậm ngùi suy tư: “Tôi nghĩ cha và má rước chị tôi lên thiêng đàng. Họ là những vị thánh. Họ là tấm gương sáng cho chúng tôi.”

“Chị Sáu,” Kim Chi, theo lời Dominic, là một phụ nữ khiêm nhường, tử tế và giàu tình thương, ngay từ nhỏ đã biết phụ mẹ chăm sóc các em.

“Chị là người chăm sóc cha, má trực tiếp mấy năm nay. Má đã lẫn, chị chăm lo mọi chuyện cho bà, từ việc vệ sinh đến ăn uống,” anh Dominic nói. “Tôi còn nhớ hai cánh tay chị đầy vết bầm vì phải bế, đỡ mẹ.”

 

Gia đình ông Ngô Văn Võ và bà Huỳnh Thị Bảy cùng các con tại trại tị nạn Songkla, Thái Lan. (Hình gia đình cung cấp)

 

Một người em khác, Thúy, chia sẻ: “Chị tôi luôn ở bên cạnh cha và má 24/7, họ hay đi quán cà phê chung với nhau. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao Chúa đem họ đi cùng lúc như thế.”

Ông Võ và bà Bảy sinh trưởng ở ấp Rạch Đùng, thuộc tỉnh Kiên Giang hiện nay.

Ông Ngô Văn Võ là một quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, quyết định không thể sống được với chế độ Cộng Sản.

“Hồi lúc vượt biên, tôi được 10 tuổi, tôi cũng nhớ được ít nhiều,” Dominic kể. “Cha tôi, âm thầm đóng một chiếc thuyền chài nhỏ cùng hai người cậu tính đường vượt biên. Tàu cá để kéo lưới nên mạn thuyền phải thấp, nên cha dấu gỗ dưới nước, chờ lúc ra khơi mới dựng thêm hai bên mạn thuyền cho cao hơn để vượt biển.”\

 

Ông Võ và bà Bảy (đang mang thai) đem 10 người con vượt biên cùng với 30 thành viên khác trong dòng họ xuống tàu ra khơi năm 1980.

Hải trình không êm ả. Bị hải tặc cướp hai lần, may mắn chỉ cướp của không hại đến người.

“Lần cuối, gặp tàu hải tặc rượt, cha lái tàu chạy, không cho nó cập sát, chợt thấy có hai điểm đen xa xa, tưởng rằng đất liền, cha nhắm hướng đó chạy, tới nơi mới biết đó một dàn khoan dầu Hòa Lan. Vậy là thoát.” Dominic kể lại giọng vẫn còn hào hứng âm hưởng cuộc rượt đuổi trên biển 40 năm trước.

Sau đó, từ trại tị nạn Songkla, Thái Lan rồi chuyển sang trại khác tại Manilla, Philippines, cuối cùng, cả gia đình đi định cư tại Hoa Kỳ.

 

Ngày 14 Tháng Hai, 1981, gia đình ông Võ, bà Bảy có mặt tại thành phố Worcester dưới sự bảo trợ của Đức Ông Edmond T. Tinsley tại Catholic Charities, một cơ quan từ thiện Công Giáo.

Sau một thời gian hòa nhập cuộc sống, anh em Dominic trưởng thành, năm 1989, họ mở một chợ nhỏ phục vụ người Việt đồng hương mang tên Hà Tiên Market, ngôi chợ này được sang lại sau đó.\

 

Hiện tại, Dominic tạo dựng và quản lý chợ Bình An, cũng thuộc thành phố Worcester.

 

Bà Huỳnh Thị Bảy cùng các con gái. Cô Kim Chi Nguyễn-Ngô (thứ hai, từ trái). (Hình gia đình cung cấp)

 

Trả lời phóng viên Người Việt về câu hỏi, điều gì anh nhớ nhất về cha mẹ mình. Dominic nói: “Tình thương của cha và má dành cho nhau và cho các con. Ông bà là mẫu mực về tình thương và đức tin nơi Thiên Chúa cho anh chị em chúng tôi.”

Những người con kể lại là ông Võ và bà Bảy cho đến tận tuổi này vẫn bị con cháu bắt gặp nắm tay và hôn nhau, hai ông bà được gia đình mai mối nhưng yêu thương nhau từ ngày đầu gặp gỡ, theo lời của Lynzie Ngô, 42, kể cho giới truyền thông.

Người Việt hỏi, anh nghĩ gì về mọi chuyện vừa xảy ra, cùng một lúc cả ba người thân yêu bị mất?

 

Dominic, trầm ngâm một chút rồi đáp: “Tôi không một lời than oán. Là một giáo dân Công Giáo, tôi tin tưởng Thiên Chúa luôn có ý định của Ngài. Cho đi và lấy về cũng đều nằm trong ý Chúa.”

“Để tôi kể cho anh nghe những chuyện đều có sắp xếp một cách mầu nhiệm. Ngoài chuyện, cha và má ở bên cạnh nhau đến hơi thở cuối cùng. Sau đó, chị Sáu cũng chuyển biến không tốt, nếu chị đi trễ một ngày, phải làm đám tang vào một ngày khác nữa. Nhưng cha và má đón chị đi vào thời điểm vẫn còn kịp để tổ chức một tang lễ chung cho cả ba.”

 

“Chưa hết, cứ tưởng rằng, tới ngày đám tang, cả gia đình mấy chục người, phải lần lượt chỉ có vài người viếng ông, bà và chị. Vậy mà tới gần ngày tang lễ, thống đốc tiểu bang nới lỏng giới hạn cách ly, cho phép nhà thờ chứa được đúng số người của toàn bộ gia đình.”

 

Khi được hỏi, “Lời khuyên nào anh nhắn với đồng hương, nếu lâm vào tình cảnh giống như gia đình anh?”

Dominic bày tỏ:

“Điều đầu tiên là tôi gởi lời cám ơn đến tất cả những sự quan tâm của mọi người, khi biết chuyện, đã cầu nguyện và chia sẻ nỗi mất mát của gia đình. Tôi là người có đức tin Công Giáo nên tôi chỉ nghĩ rằng cuộc đời này chỉ là một sự tạm thời, mình làm hết bổn phận, Chúa thương, Chúa gọi về. Không oán trách, không giận.”

 

“Cha và má, khi còn khỏe, mỗi năm, cùng chị Sáu về Việt Nam một lần, phân phát gạo cho những người nghèo khắp nơi,” anh Dominic cho biết.

 

Ông Võ và bà Bảy còn rất lãng mạn, tình tứ. (Hình gia đình cung cấp)

 

Con và các cháu của ông Võ và bà Bảy muốn tiếp tục con đường của 2 ông bà. Để gia tăng sự giúp đỡ, họ lập trang gây quỹ ở Go Fund Me kêu gọi cộng đồng giúp một tay vào chương trình từ thiện mang tên Joseph Ngo and Bay Huynh Family Charity.

Những ai muốn ủng hộ xin bấm vào link sau: https://charity.gofundme.com/o/en/campaign/joseph-ngo-and-bay-huynh-family-charity

 

Câu chuyện, một cặp vợ chồng từ một làng quê hẻo lánh xa xôi ở miền Nam nước Việt, mưu cầu sống tự do qua hành trình vượt biển gian khó, chạy thoát khỏi tay hải tặc, rồi nuôi dạy mười một người con trưởng thành trên xứ người, đâu dễ mấy người vượt qua.

Không có gì ngăn cản được ý chí sống còn của họ. Họ chỉ ra đi khi định mệnh an bài bởi đại dịch COVID-19. 

(Mai Phi Long) 


No comments: