Friday, May 15, 2020

PHỤ NỮ GỐC VIỆT NHÀ HÀNG VIỆT NAM Ở SAN JOSE TẶNG HÀNG NGÀN PHẦN ĂN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ (THIỆN LÊ)


Phụ nữ gốc Việt và nhà hàng Việt Nam ở San Jose tặng hàng ngàn phần ăn cho nhân viên y tế

May 13, 2020 

Cô Phan Tiểu Vân (phải) giao thức ăn đến bệnh viện Stanford. (Hình: Nhân vật cung cấp)

 

SAN JOSE, California (NV) – Một phụ nữ gốc Việt ở San Jose kêu gọi các nhà hàng Việt Nam ở địa phương ủng hộ vài ngàn phần ăn cho các nhân viên y tế. Cô bắt đầu giao thức ăn đến các bệnh từ ngày 26 Tháng Ba đến nay, mỗi tuần giao bốn đến năm ngày, và một ngày phải đi giao liên tục cho nhiều bệnh viện.

Cô Phan Tiểu Vân, nhân viên thương vụ của một doanh nghiệp nhỏ tại San Jose, kể với nhật báo Người Việt, từ Tháng Ba, 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu lây lan, cô đi vận động quyên góp nhiều sản phẩm y tế cho bác sĩ và y tá. Càng làm công việc này cô thấy… chưa đủ, thế là quyết định kêu gọi đồng hương giúp những “nhân viên tuyến đầu” này có bữa ăn ngon.

“Tôi thấy quyên góp cho họ dụng cụ y tế thì có nhiều người làm quá rồi. Nhân viên y tế thì quá bận rộn, không có thời gian để nấu ăn. Trong khi đó, nhà ăn của bệnh viện thì đóng cửa, họ không có bữa ăn đàng hoàng. Đã có những nhà hàng Mỹ đóng góp cho bệnh viện, tôi thấy đồ ăn Việt Nam mình rất ngon lại bổ dưỡng, nếu ủng hộ được thì rất hay!,” cô Vân nói.

Cô cho rằng cộng đồng gốc Việt đã từng bỏ rất nhiều tiền để quyên góp dụng cụ y tế và chắc chắn có thể tiếp tục ủng hộ các bác sĩ, y tá một bữa ăn ngon.

 

Cô đang chuẩn bị liên lạc kêu gọi cộng đồng, thì người bạn là cô Huyền, chủ tiệm Phở Hà Nội ở San Jose, tình cờ gọi điện thoại và nói nhà hàng này muốn đóng góp 2,000 phần ăn.

“Chị Huyền nói bên Phở Hà Nội sẽ lo nấu và nhờ tôi liên lạc với các bệnh viện với đi giao vì tôi đã quen thuộc với các bệnh viện trong vùng,” cô Vân kể.

Sau đó, cô kêu gọi bạn bè ủng hộ cho Phở Hà Nội để làm thêm nhiều phần ăn hơn, nhưng cô chủ không nhận tiền của họ cũng như của khách và nói để tiền đó mua dụng cụ y tế cho bác sĩ với y tá. Lý do là vì cô Huyền đã có nhiều người bạn ủng hộ trước và cho biết nấu được tổng cộng 4,000 phần ăn.

 

Cảnh chuẩn bị thức ăn để đi giao. (Hình: Nhân vật cung cấp)

 

Cô giao thức ăn đến một số bệnh viện thì các bác sĩ, y tá ăn thấy ngon quá, rồi chia sẻ thông tin trên mạng. Các nhà hàng Việt Nam khác ở San Jose thấy vậy và liền tham gia hoạt động này.

Các nhà hàng như Đồng Quê, Nam Giao, VN Grill và Green Lotus đóng góp được thêm 1,300 phần ăn, làm tổng số lên đến 5,300. Không chỉ vậy, các tiệm thức uống như Kay’s Teahouse, Teahee và Vampire Penguin cũng tham gia, giúp những lần giao thức ăn từ ngày 9 Tháng Tư có kèm theo các món giải khát.

“Lúc đầu, chỉ có Phở Hà Nội đóng góp, nên mỗi tuần tôi chỉ đi giao bốn ngày, vì quán nghỉ Thứ Tư và Chủ Nhật. Thứ Bảy thì tôi không muốn làm phiền, để họ bán cho khách,” cô chia sẻ.

 

Cô Phan Tiểu Vân (phải) giao thức ăn cho bệnh viện Kaiser Permanente. (Hình: Nhân vật cung cấp)

 

Đến khi các nhà hàng khác tham gia, mỗi tuần cô Vân vẫn đi giao bốn ngày, nhiều lúc đi giao đến năm ngày và có khi lấy hẹn giao đến ba bệnh viện cùng một ngày.

Ban đầu, cô đi giao thức ăn một mình, nhưng sau đó có sự giúp đỡ của các bác sĩ và sinh viên trong nhóm VietMD cùng vài tình nguyện viên của nhóm Người Việt ở San Jose nên mọi thứ dễ dàng hơn.

Đó chỉ mới là phần giao thức ăn, cô Vân còn phải làm nhiều thứ để có thể mang những món ăn Việt Nam đến bệnh viện.

 

Các phần ăn chuẩn bị được giao đến bệnh viện. (Hình: Nhân vật cung cấp)

“Các bệnh viện nhỏ thì lấy hẹn rất dễ, chỉ cần gọi hay nhắn tin một lần là có thể thu xếp ngày giao thức ăn đến. Các bệnh viện lớn thì chúng tôi phải gọi điện thoại hay email qua lại nhiều lần mới được, nhiều lúc còn phải qua ban quản lý nữa,” cô cho hay.

Không chỉ vậy, đâu phải là các nhà hàng muốn nấu gì rồi gửi đến bệnh viện cũng được. Cô cho biết họ đã chọn lọc những món không có súp, không có xương để chuyên chở an toàn, nhân viên y tế dễ ăn và điều quan trọng là các món ăn không những ngon mà còn đầy đủ dưỡng chất, hợp vệ sinh.

Vì vậy, các nhà hàng ở San Jose chọn nấu các món như cơm gà Hải Nam, mì gà rô ti, gỏi cuốn, bánh mì với ragu bò, cơm tôm rang me, mì xào hải sản…, hay nhà hàng chay thì nấu món bò lúc lắc chay.

 

Cô Phan Tiểu Vân (phải) tại bệnh viên Regional Medical Center. (Hình: Nhân vật cung cấp)

 

Về phần thu xếp thời gian, cô Vân chia sẻ: “Vì mùa dịch ai cũng phải nghỉ làm ở nhà nên tôi có thời gian đi từ nhà hàng đến các bệnh viện, khi không đi thì làm việc với các bệnh viện để thu xếp lịch hẹn, phần này là tốn kém thời gian nhất. Cũng may hai con tôi thì học giỏi, tự học cũng được toàn điểm A, nên không cần phải dạy dỗ nhiều. Ông xã thì chỉ dặn dò tôi cẩn thận và giúp tôi trông nom nhà cửa.”

Cô còn kể sau khi một số bác sĩ, y tá khoe bữa ăn ngon của họ trên mạng, nhiều nhân viên y tế của các bệnh viện khác rất mong đến phiên được ủng hộ món Việt Nam và điều đó làm cô rất vui.

Tuy nhiên, cô Vân cho hay, ngày 15 Tháng Năm tới đây cô chấm dứt giao thức ăn vì đã hết cuộc hẹn với các bệnh viện. 

 

(Thiện Lê) [qd]


No comments: