Thursday, May 21, 2020

CHIẾC ÁO XƯA (LỮ LONG PHƯỚC)



CHIẾC ÁO  XƯA

Mấy ngày hôm nay gần tết, chạy xe thồ được khá khá, nhìn lại chiếc áo lính củ sờn vai, Tâm có ý tìm một chiếc áo lính khác để mặc, nếu có loại rằn ri thì tốt, loại vải này mặc bền và ít bắt nắng. Vừa thả một người khách hàng xuống khu Chợ Cũ. Nơi này, người dân thường mang những món hàng linh tinh, cũ mới như quần áo, vật dụng trong nhà, sách vở, radio, cassette... bày bán trên vỉa hè. Tâm lái xe rề rề dọc theo lề đường nhìn dòng người đi qua lại, kẻ bán người mua, để ý xem có cái áo lính nào không. Khi đến đầu con hẻm nhỏ, Tâm nhìn thấy một đôi giày lính, một chiếc áo rằn ri, một cà mên, bi đông đựng nước cùng vài vật nhỏ khác được dặt trên tấm nhựa rách trãi trên nền đất, phía sau là một người đàn bà lớn tuổi, ngồi đầu gục, yên lặng chống tay lên cằm không cử động.  Tâm dựng xe, ngồi xuống trước mặt cụ, hai tay cầm chiếc áo rằn ri ngắm nghía trước sau, bỗng Tâm giật mình khi nhìn thấy vết cháy xém ở góc trái cổ áo, trên đai vai, trên túi áo, bảng tên thêu bằng chỉ đen đã bị tháo ra vẫn còn để lại dấu mờ chữ LINH đen nhạt, trên cánh tay có huy hiệu "Đầu Cọp Đen". Tâm khựng lại, hai tay cầm chiếc áo áp vào mặt một hồi lâu cho đến khi bà cụ cất tiếng hỏi:

-  "Anh có sao không?"  Tâm như mới hồi tỉnh lại. 

Anh hỏi:

-  " Cụ ơi, ở đâu mà cụ có những món đồ cũ này quý quá cụ". Bà trả lời:

-  " Đồ này của con dâu tôi, chồng nó đi tù, nó ở nhà vất vả nuôi con, đồ đạc trong nhà bán dần, nhưng nó không chịu bán những đồ kỷ niệm của chồng nó.  Hôm nay nó bệnh nằm liệt giường, nhà gần hết gạo, tôi mang những món này bán để mua gạo nấu cơm cho nó và thằng cháu tôi, bệnh mà ăn độn bo bo hoài thì bao giờ hết bệnh". 

Nghe xong, Tâm đứng lên đi về chiếc xe lấy gói tiền để dưới yên xe rồi lục hết tiền trong túi quần, xếp lại ngay ngắn, đến ngồi xuống trước bà cụ đưa xấp tiền rồi nói:

-  "Con chỉ có ít tiền này để xin chiếc áo mà thôi, xin cụ nhận lấy".


Sau đó Tâm cầm chiếc áo, vội vàng dắt xe sang bên kia đường, đứng ở sau gốc cây quan sát bà cụ.  Bà cụ cứ loay hoay đếm xấp tiền nhiều lần, bà tỏ vẻ ngạc nhiên, sau đó nhìn dáo dác, rồi đi tới, đi lui như tim kiếm ai đó rồi ngồi lại nhìn người qua lại, nhiều lần như thế. Cuối cùng, bà nhỏm dậy túm tấm nylon có chứa mấy món đồ rồi chậm chạp đi vào ngỏ hẻm. Lúc này Tâm vội dắt xe theo sau bà đến cuối hẻm, nhìn bà đẩy cửa đi vào một cái nhà nhỏ tối tăm.  Tâm định theo vào nhà, nhưng rồi đứng lại suy nghĩ một thoáng rồi dắt xe ra hẻm. Tâm định mang chiếc áo về nhà hít mùi áo cho đã, nhưng Tâm mới ra đầu hẻm thì anh lại có khách hàng cần chở đi.  Trong ngày ấy, mỗi lần thả khách xuống, lái xe về nhà, dọc đường lại có khách hàng khác, chạy cho tới chiều tối Tâm mới về nhà.  Vợ Tâm nhìn anh dáng vẻ phờ phạc nhưng miệng anh vẫn nở nụ cười.  Nàng như muốn hỏi một điều gì, thì anh vội nói:

"ăn cơm xong anh sẽ kể một chuyện xưa cho nghe".

Cơm nước xong, vợ trải chiếc chiếu lên phảng gổ, cô con gái duy nhất, Mi Mi cũng xin ngồi chung với mẹ để hóng chuyện.  Tâm mang chiếc áo rằn ri vừa mới "mua" sáng nay. Anh chỉ vết  cháy xém ở cổ áo và cầu vai, bảng tên người chủ chiếc áo mà anh với người này có một dấu ấn kỷ niệm trong một trận chiến mà anh không bao giờ quên. Tâm kể:

 Mãn khóa trường Hạ Sĩ Quan và khóa huấn luyện Biệt Động Quân, Tâm được phép thăm gia đình rồi lên cao nguyên trình diện bộ chỉ huy tiểu đoàn, để được đưa đến một doanh trại đại đội biên phòng, rồi chuyễn đến trung đội của thiếu úy Linh, Đơn vị nằm trên một ngọn đồi đơn độc gần biên giới Cao Miên.  Ngọn đồi nằm giữa những cánh rừng bạc ngàn cây lá, xa xa vài ngọn núi đá vôi nhô lên trên mặt rừng xanh như những cánh hoa tím hé nở trên bãi lục bình dày đặc trên giòng sông chảy chậm.

Từ một thư sinh ở tuổi mộng mơ nơi phố thị, nay là một chàng lính thú "trấn thủ lưu đồn".  Hàng ngày, buổi sáng, tia nắng chưa lên đã nghe bầy chim hót vang trên cành cây kẻ lá. Trưa lên, cơn nắng hanh hao hâm ngọn gió Nam Lào, xuống con suối dưới chân đồi, ngâm mình trong dòng nước mát.  Chiều về, nắng vàng liêu xiêu vươn  làn khói lam từ những nhà sàn trong bản làng người Banar, Jrai  nơi rừng hoang mông muội. Đêm tới, nhìn sao lấp lánh, vào những đêm trăng nở dập dềnh trên ngọn lá, những làn mây dềnh dàng theo gió như mãng lụa soa lướt êm trên nền trời trong xanh, vắng lặng, Tiền đồn như một cõi xa xăm "nắng mai ai biết, mưa chiều ai hay".

Đại úy Long, trưởng đồn lính này, xuất thân từ trường Thiếu Sinh Quân, kinh nghiệm chiến thuật, dày dạn chiến trường nên ông được giao phó một đại đội đóng trên ngọn đồi, đèo heo, hút gió.  Đồn lính này nhằm để kiểm soát đường chuyển quân của bộ đội Bắc việt từ miền Bắc và từ Cao Miên xâm nhập vào các tỉnh miền Nam, nên nó là một cái "gai" mà Bắc quân ngày đêm tìm mọi cách "nhổ" nó đi.

Ngọn đồi có sườn phía sau và hai bên sườn độ dốc cao và đá lởm chởm chỉ có mặt trước đồi là dãi rừng thấp, sườn thoai thoải xuống tới một con suối chắn ngang bám theo chân đồi, vì thế địch muốn tiến quân lên đồi thì chỉ có hướng này. Ban ngày, binh sĩ trên cao và máy bay trên không quan sát xuống toàn cảnh khu rừng có thể thấy rõ mục tiêu tấn công của địch tấn vì thế địch quân muốn đánh chiếm ngọn đồi này, họ chỉ dựa vào bóng tối ban đêm với chiến thuật pháo trước, đánh sau (tiền pháo hậu xung) và muốn chiếm đồi họ phải lội qua dòng suối chắn ngang như là cách bờ biên giới.

Nhờ hai lợi điểm, ở trên cao và con suối chắn ngang. Đ/úy Long cùng binh lính lập giao thông hào, hầm công sự, hố cá nhân ở rãi rác lưng chừng đồi để tránh đạn pháo của địch lên đỉnh đồi.  Ban ngày, ngụy trang như hội họp, sinh hoạt tại ban chỉ huy ở trên đỉnh (địch quân đặt ống nhòm nhìn thấy), chiều tối rút tất cả mọi binh lính xuống lưng chừng đồi, nằm rãi rác trên miệng hầm, hố cá nhân, khi nghe tiếng pháo của địch là nhảy xuống hầm phòng thủ. Ông dồn hết hỏa lực, súng cối, ổ đại liên, trung liên, súng cá nhân, lựu đạn... nhắm vào vị trí con suối này chờ lúc địch quân tấn công, bì bỏm lội qua suối là đồng loạt nhả đạn. Ngoài ra ông cho một trung đội lúc chạng vạng tối qua bên kia suối nằm phục kích. Khi địch tấn công, binh sĩ bắn về hướng địch bằng những tràng đạn thật dòn, xong rút nhanh qua bờ suối về hầm phòng thủ, mục đich làm chậm đường tiến quân của địch để mình có thời gian phòng thủ và đối phó.

Đúng như tiên liệu của đại úy Long, Một đêm, địch quân tấn công, pháo dữ dội trên đỉnh đồi (nơi đó không còn có ai). Bên kia suối, Th./úy Linh ra lệnh trung đội bắn những tràng đạn về hướng địch rồi mau chóng rút lui, Sau khi đã qua suối, Th/úy Linh, kiểm điểm quân số, thiếu ba người: Trung sĩ Tâm và hai binh sĩ khác.  Linh vội bốc máy truyền tin gọi Đại úy Long xin được trở lại  bờ suối bên kia cứu 3 người lính:

- A lô! Thùy Linh gọi Thanh Long 3 đứa con kẹt bên kia suối. Tôi phải qua cứu!  Đáp:

- Vi-Xi đã đến gần suối, Tao sắp cho "nổ!"!  Trả lời:

- Tôi phải cứu "con cái tôi"! Đáp:

-  Mày mà quay lại suối, Tao đưa mày ra tòa án quân sự!

Mặc kệ, Thiếu úy Linh thảy ống nghe vào máy, rồi ngoắc hai người lính kế bên chạy ngược về hướng suối, một toán lính khác chạy theo yểm trợ. Đến bờ suối, Linh thấy hai người lính cỏng Tâm vẫn còn bên kia vì không sức lội suối. Linh gọi hai người lính khỏe cỏng Tâm qua suối thật nhanh, còn Linh quay về hướng địch, đi thụt lui nhả đạn, toán lính trên bờ cũng bắn theo yểm trợ. Đến khi Tâm qua được bờ suối, Linh mới lội nhanh về. Vừa lên được bờ thì Linh bị trúng đạn ngã xuống, toán lính vội vực lên, cõng Linh xuống hầm núp đạn. Linh thiếp đi, không còn nghe tiếng pháo, đại liên, súng cá nhân...nổ rền cùng với tiếng gào thét của những kẻ bị trúng đạn vang lên từ lòng suối trong đêm tối.

Sáng hôm sau, khi quan sát chiến trường, vài xác chết của địch kẹt trong bụi cây, bờ suối. Nhiều vết máu và một số súng đạn đã rơi rớt trên đường rút quân.

Về phía đại đội, Th./úy Linh bị thương một bên cổ và vai, máu thấm ra miếng vải băng đỏ thẩm. Trung sĩ Tâm bị  đạn vào mông và bốn binh sĩ khác bị thương do những mảnh đạn pháo kích của địch. không có ai tử thương. 

Đại úy Long đến thăm Th/úy Linh và năm thương binh khác đang nằm trên cáng chờ máy bay trực thăng chở đi bệnh xá.

 Linh nói với ông:

- Trong trận đánh tối qua, tôi có lổi với Đại úy. Tôi xin chịu mọi hình phạt về lổi đó". 

Ông trả lời:

- Thôi, mình đã thắng, tôi cầu mong anh mau bình phục".

Nói xong, máy truyền tin reng reng, Đại úy Long bắt máy nói chuyện, xong quay lại chào mọi người rồi vội vã chạy đi lo công việc khác.

 Sau ngày xuất viện. Thiếu úy Linh được chuyển đến đơn vị tác chiến khác. Trung sĩ Tâm về lại ngọn đồi xưa, nhưng người chỉ huy đã được thăng chức, đổi về tiểu đoàn. Tâm và Th/úy Linh ban đầu, cả hai còn thư từ thăm hỏi nhau, về sau chiến trận tăng dần, hành quân liên miên, rày đây mai đó, ra trận chỉ biết dành nhau sự sống, thời gian chỉ còn nhớ đến vợ con hoặc người tình, đâu còn cho những đồng đội ở miền xa,  Bẵng tin nhau đã lâu, hôm nay nhờ chiếc áo lính cũ này mới biết được gia đình người ân nhân thuở trước.

 Chuyện vừa dứt, bé Mi Mi hỏi:

" Ông Thiếu  úy ấy cứu ba phải hông? ông ấy bây giờ ở đâu?" Đáp: "Ừ! ông ấy cứu  ba, hiện nay ông đang ở tù" 

Mi nói: "Ba phải giúp gia đình ông đó nha!"

Đáp: "Ba sẽ nhờ đến má và con cùng giúp".

 Sáng hôm sau, vợ chồng Tâm mang cháo và thức ăn đến nhà bà cụ hôm qua, xin gặp bà Th/úy Linh (lúc đi tù đã là thiếu tá), bà cụ nhận ra Tâm, người mua chiếc áo hôm qua, như hiểu ý, nên bà không ngần ngại dẫn vợ chồng Tâm đến chiếc giường bà Linh đang nằm. Tâm kể lại kỷ niệm xưa của mình với bà Linh, sau đó hai vợ chồng xin làm người em trong gia đình. Những ngày sau, Tâm cùng vợ hoặc con gái mang thức ăn, thuốc men cho bà Linh, và bánh kẹo cho cậu con trai của ông bà tên Khoa.  Hai đứa, Khoa và Mi mới gặp nhau, thân mật như đã quen nhau từ lâu.

 Sau khi khỏi bệnh, bà Linh lại ra chợ, mua qua bán lại những món lặt vặt, nhưng vẵn không đủ sống, tiền bạc càng cạn kiệt. Vợ Tâm làm trong tiệm bánh của ông chú, chị đề nghị chồng mua cho bà Linh một tủ gương và một cái bàn đặt "ké" ở một góc quán cà phê vỉa hè của người chị ruột Tâm, vợ Tâm mua bánh giá rẻ cung cấp cho bà ngồi bán.  Không ngờ sự kết hợp giữa bánh và cà phê, quán càng ngày càng đông khách.  Từ đó, bữa cơm gia đình bà Linh giảm bớt lượng bo bo, bà cụ đỡ lo cho hàm răng nhai những hột tròn dai cứng. Khoa nhờ chú Tâm mua vài xấp vé số để bán trong những ngày nghỉ học. Chú Tâm cũng mua thêm vài xấp vé số khác cho cô con gái Mi Mi để hai anh em cùng đi bán.  Hai đứa thường tới những nơi có quán xá, nơi ăn nhậu, rạp cinê đông người... chia nhau đi bán, hẹn chỗ gặp nhau. Tuy nhỏ hơn Khoa hai tuổi, nhưng Mi Mi lanh lẹ hơn. Mỗi lần hẹn đến chỗ gặp, Mi đã bán gần hết vé còn Khoa xấp vé vẫn còn đầy tay, Mi Mi dành lấy xấp dày hơn đi vài vòng là bán hết vé.  Hôm nào hết vé, về sớm, hai anh em đi xe buýt về quán của mẹ ăn bánh, uống nước ngọt được "miễn phí".  Hôm nào về trễ thì hai anh em ghé mua bắp luộc, bánh cam, bánh tiêu ở vỉa hè, ăn xong đón xe buýt về nhà. Bù lại việc bán dùm vé số, Khoa chỉ cho Mi những bài học khó. Thời gian rồi cũng mau chóng đi qua.

 Nhờ sự giúp đỡ về tiền bạc và làm thủ tục giấy tờ đi thăm tù, bà Linh ra Bắc thăm chồng tận vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn. Gặp chồng tại trại tù bà nói về sức khỏe của bà cụ, hoàn cảnh gia đình, sự giúp đở của vợ chồng chú Tâm, bà chỉ gói kẹo và nói:

"Thằng Khoa đi bán vé số để dành tiền mua kẹo cho anh đấy!" 

Nghe đến đây, tự dưng ông Linh khựng lại, ngồi bất động, mắt nhìn xuống thật buồn.

 Sau nhiều năm tù tội, ông Linh được phóng thích về, với một thân hình lêu khêu như cây sậy, ông cám ơn vợ chồng Tâm và những người đã giúp gia đình ông, ông tìm việc phụ thợ nề, sau đó làm những nghề lao động khác cho đến khi có chương trình HO (Humanitarian Operation).

 Thêm một lần nũa, Tâm giúp chở Ông Linh  đi làm thủ tục, đơn từ xin định cư Hoa Kỳ. Có nơi cần phải "bôi trơn" Tâm đều ứng, chi đủ để mau có kết quả. Càng gần đến ngày đi định cư thì Khoa và Mi Mi càng lúc càng buồn.  Khoa dành nhiều thời gian học tiếng Anh. Thời gian rảnh, Khoa đạp xe chở Mi Mi đi học rồi đón về. Ngày nghỉ, rủ nhau đi lang thang trên phố.

 Ngày đi, có bà nội và gia đình Tâm tiển đưa tại phi trường.  Xong thủ tục đổi vé máy bay, khi cả nhà ngồi nói chuyện. Mi và Khoa kéo nhau ra xa đứng nhìn nhau với dáng vẻ buồn.  Ông Linh đi đến giữa hai đứa, hai tay dang ra rồi chòang vai mỗi đứa, đi đến trước bà cụ và hai gia đình, Ông nhìn Khoa và Mi Mi hỏi:

 " Hai con không muốn xa nhau, thì sau này có muốn sống cùng nhau không?".

Cả hai cùng nói:"Dạ".

Ông Linh hỏi ý kiến vợ chồng Tâm cũng được đồng ý tác họp cho chúng nó. Ông Linh nhìn mọi người rồi nói như một lời tuyên bố:

 "Đây là một Đám Hỏi tại Phi Trường",

vừa dứt lời thì loa phóng thanh kêu mọi người đi định cư phải ra cổng để lên máy bay.

 Đến Hoa Kỳ, Ông Linh đi học khóa cán sự điện tử (Electronic Technician) sau khi mãn khóa ông có việc làm. Bà Linh xin vào làm ở một xưởng may. Khoa tiếp tục học đại học về vi tính (computer) và làm thủ tục bảo lãnh cho Mi Mi. Một thời gian sau, Mi Mi đến Hoa Kỳ đoàn tụ cùng Khoa. Rồi vọ chồng Khoa bảo lãnh cho ba mẹ Mi, ông bà Tâm sau đó cũng đoàn tụ với con cháu.

 Một buổi chiều xuân ấm áp, trong vườn sau của vợ chồng Mi-Khoa. Hai ông lão ngồi đối diện nhau nhấm nháp ly trà, ôn lại kỷ niệm những trận đánh của một thời chinh chiến xa xưa thuở đất nước còn chia cách. Hai bà già ngồi kế bên nhau, kể lại những chuyện của một thời mà người phụ nữ nào lấy chồng chiến binh cũng gánh một nửa chiến trường trên đôi vai người cô phụ, và những chuyện "thở dài" trong thuở hậu "giải phóng", đói no thời bao cấp, Những chuyện kể  của bốn người râm rang đến cặp vợ chồng trẻ ngồi gần đó, đang đùa giởn với một bé gái xinh xinh, Chợt nghe Khoa lên tiếng rao hàng:

 "Ai mua vé số,,hô,,, hông!" 

Mi Mi nối tiếp giọng rao của chồng:

 "Ai mua vé số  hô. ô.hô.ô. hông...hông...hông..!!!..."

và lập lại lời rao vài lần. Giọng ngân Mi Mi kéo dài và kéo dài... trong veo như tiếng chuông pha lê có ai vừa mới gỏ. Bé Nhi Nhi mỗi lần nhìn mẹ rao hàng, nó bật ra một tràng cười tươi vui nắc nẽ. Tiếng cười trẻ thơ, hồn nhiên, ngây ngất của đứa cháu gái đã mang niềm vui bao la cho ông bà nội ngoại. Bà Linh nhớ lại tiếng cười của bà trước đây, sau những chặng đường vùng đồi núi Hoàng Liên Sơn, lần đầu tiên nhìn chồng tại trại tù, bà cũng cười, nhưng "Cười là tiếng khóc khô không lệ".  Nghĩ tới đây, bà cảm nhận như có một vị mặn nào làm ướt làn môi, bà vội bồng đứa cháu, úp mặt bà vào cái má phúng phính của nó như che dấu một niềm cảm xúc vừa mới chợt đến.

 

Lữ Long Phước


No comments: