Thursday, May 14, 2020

CHÙM RÂU MỌC NGƯỢC (LỮ LONG PHƯỚC)



CHÙM RÂU MỌC NGƯỢC

 

Sáng Chủ nhật hôm ấy, chủ tịch xã Năm Lộ tụ tập dân làng để xem ông trừng trị kẻ ăn cắp gạo của hợp tác xã đêm vứa qua.  Một số ít người dân tò mò đến xem, trong đó có vợ con của Năm Lộ.  Dân làng nhìn thấy một người đàn ông bị cột hai chân bị treo ngược lên cành đa xà ngang, đầu chúc xuống gần mặt đất thân lơ lững qua lại, nhìn kỹ mới biết là anh Hòa. Năm Lộ đứng một bên cầm roi quất vào người anh tới tấp. Đau quá, Hòa kêu lên:

 

- "Tôi chỉ lấy cắp một lon gạo, nấu cháo cho thằng con tôi bệnh đói mấy ngày!"

- "Mày ăn cắp của nhân dân là tao đánh, mày có chùm râu mọc ngược, thì suốt đời mày làm chuyện ngược". Nói xong Năm Lộ lại đánh.  Đau quá, Hòa kêu lên:

- "Tôi lấy một lon gạo, mấy ông cán bộ cấp cao lấy hàng tạ gạo.".

- " Mày nói xấu đến cán bộ hả?" Năm Lộ thét lên rồi vụt roi vào người Hòa liên tục. Lúc đó đứa con gái nhỏ của Năm Lộ đang đứng xem, bỗng tuột khỏi tay mẹ chạy đến bên bố, nhìn bố nói:

- " Đêm qua bố cũng lấy gạo, sao bố đánh người ta nhiều thế!"

Năm Lộ khựng lại, rồi dừng tay, hắn nhìn qua, thấy Hòa cũng không còn cử động nữa, Năm Lộ sai hai anh dân quân tháo dây ra thả Hòa nằm trên đất.

 

Khoảng hơn một giờ sau Hòa tỉnh dậy, anh lồm cồm, bò lết ra ngoài đường, những người quen Hòa đang chờ sẵn ngoài lộ, họ cõng Hòa về.  Ở nhà, người lối xóm thương tình mang cơm cháo, thuốc men chăm sóc cho hai cha con đến một tuần sau Hòa mới dần hồi phục, anh không dám ra đường sợ bọn Lộ lại bắt đi đánh nữa. Năm Lộ là một hung thần ở xã này. Thời Cải Cách Ruộng Đất, bố của nó họp tác với các "đội cải cách" hăng say đấu tố người dân có ruộng làm một số người bị chết oan, dù sau này có chính sách sửa sai, nhưng Lộ vẫn được tuyên dương là con của người có công với Cách Mạng và được bầu làm chủ tịch xã ở xã này.

 

Trận đòn sống chết vừa qua đã làm Hòa nhớ lại thuở trước, thằng Lộ học cùng trường làng với anh, sau ngày mãn lớp cuối cùng, trường tổ chức một buổi văn nghệ toàn lớp, nó mê và đeo đuổi một cô gái xinh trong làng, cô ấy cứ tránh né hắn mà lại để ý đến anh. Có lần trước mặt hắn cô ấy khen Hòa có chùm râu ở cằm mọc ngược là "râu duyên".  Từ đấy nó đâm ra hận và thù anh.

 

Trong những ngày dưỡng thương, Hòa ngẫm nghĩ: vài tháng vừa qua, vợ Hòa bệnh anh chạy thuốc men, tiền nong gần cạn nhưng vẫn không lành bệnh mà vợ qua đời, không còn tiền, anh phải mượn cụ Nghĩa để làm đám tang. Xong vừa mới đi làm để dành tiền trả cho cụ Nghĩa thì thằng con lại bệnh, lại chạy thuốc men cho con, nhà hết gạo, làm liều đi ăn cắp một lon gạo thì bị bắt rồi bị đòn đau. Bây giờ, chỗ cũ đã đưổi việc anh, nếu đi xin việc mới với cái lý lịch "ăn cắp gạo" hợp tác xã thì ai mà nhận và làm sao có tiền nuôi con và trả nợ cho cụ Nghĩa.

 

Cụ Nghĩa trước đây là bộ đội "Đi B" (chiến trường miền Nam) gần hai mười năm, đã trở lên hàm sĩ quan, bây giờ về quê phục viên (về hưu).  Có một lần, anh vừa đun xong một ấm nước vối, chợt thấy cụ đi ngang qua nhà, anh chạy ra mời cụ vào cùng uống nước.  Hôm ấy, cụ ngồi chơi lâu, cụ kể chuyện thời cụ đi bộ đội, mà anh nhớ nhất là câu nói của cụ: "Đời tôi sướng nhất là thời gian sau "giải phóng" tôi được công tác ở Sàigòn và vài tỉnh miền Nam, người ở đó rất rộng rãi, chân thật, dễ sống, đất đai màu mỡ...". Cụ còn nói vì cụ là con trưởng trong gia đình nên phải về quê lo mồ mả ông bà, nếu không thì cụ đã dời vào Nam để sống lâu rồi.".  Ở trong xã này, thằng Năm Lộ đều hiếp đáp mọi người, duy chỉ có cụ Nghĩa thì nó "dạ, dạ, thưa, thưa!".  Vì thế hôm nay Hòa đến nhà cụ Nghĩa xin ý kiến và nhờ cụ giúp đở.

Hòa đến nhà cụ Nghĩa, Hòa trình bày hoàn cảnh của mình đã bị bế tắt nếu tiếp tục ở trong xã này nên muốn chuyển vào Nam sinh sống, hiện nay hoàn cảnh hết tiền xin cụ mua dùm cái nhà của anh để anh có cơ hội trả số nợ cho cụ và còn có phần tiền dư để cha con anh có thể sinh sống thời gian đầu ở xứ lạ. Ban đầu cụ không chịu, nhưng Hòa khẩn cầu cụ giúp.  Cuối cùng, cụ đồng ý, cụ bảo nếu không ở Nam được, trở về cụ sẽ hoàn lại nhà, rồi trả phần nợ sau cũng được.

 

Hòa dẫn thằng Thảo, đứa con trai đi vào Nam.  Dọc đường anh ghé vài thành phố lớn để xin việc làm. Lúc đó là thời bao cấp, cuộc sống ê chề và người dân phía Nam hình như không có thiện cảm với người miền Bắc, nên không ai cho anh việc làm. Tuy thế anh cũng nhìn thấy cuộc sống của họ hài hòa, không khốn nạn, quan liêu hống hách như nơi làng quê anh ở. 

Như đã nghe cụ Nghĩa kể chuyện, ở Sài Gòn, người, xe đông đúc, nhà cửa nhiều tầng cao cấp, đèn đường sáng ngày đêm,.. giống như các thành phố Tây phương.  Hòa nghĩ chắc ở Sài Gòn dể kiếm việc hơn là ở những nơi khác, nên anh mua vé xe đò cho hai cha con vào Sài Gòn.

 Xe đến bến Long Khánh, ngừng lại để hành khách xuống xe nghỉ ngơi, giải khát, ăn uống. Thằng con kêu đói, anh dẫn nó đến quán cháo nhỏ ở góc đường. Anh mua một tô cháo, húp vài miếng rồi đưa cho thằng con, nhìn nó ăn, anh lộ vẻ thèm thuồng.  Chị bán cháo nhìn anh hỏi: "Cha con anh đi đâu đó?"

Anh trả lời: "Ở miền Bắc đi vào Sàigòn kiếm việc làm!"

Chị hỏi: "Đã có ai thuê mướn anh chưa?" 

Trả lời: "Chưa! đang đi tìm, không có việc chắc sẽ chết đói!" Chị nói: "Hôm qua, ông Ba Hồng ở trong xóm, ra đây nhờ mọi người tìm dùm một người đàn ông phụ việc và ở trong nhà luôn để trông coi nhà cửa, vườn tược! anh muốn việc đó không?"

Trả lời: "Muốn! việc gì cũng được" 

Chị nói: "Muốn thì đi hỏi đi! để người khác xin, thì mất việc đó! nhà ông Ba ở cuối xóm, đi thẳng con đường này khoãng hơn cây số, đến ngôi nhà ngói củ kế trong một dám đất trống rộng là tới!". 

Nghe xong, anh vội dẫn thằng bé đến chiếc xe đò nói với anh lơ xe cho anh xin lại cái ba lô ở trên mui xe vì anh muốn xuống đây để xin đi kiếm việc. Lấy ba lô xong, anh lơ xe nhìn hai cha con dáng nghèo khổ, rồi móc trong túi lấy một xấp tiền rút ra ba tờ bạc rồi nói: "chưa tới Sàigòn mà xuống đây, thôi trả lại một ít đó!". 

Đeo ba lô lên vai, anh đến chào chị bán cháo. Trước khi đi, chị nói: "Tui biết anh đang đói, tui tặng anh một bát cháo, ăn xong lại đi, nếu không được việc, đi tới, đi lui, đói xỉu đó". Anh cầm bát cháo đưa cho thằng con, nó múc vài muỗng ăn rồi đưa lại anh. Xong, anh đi.  Dọc đường anh nghĩ thầm: sao ở trong Nam anh nghe những tiếng như "Tặng, Biếu, Trả, Cho" mà ở miền Bắc sao mà hiếm thế.

 

Đến nhà gặp ông Ba Hồng, Ông nói chuyện với anh khoảng nửa giờ rồi ông dẫn anh chỉ một phòng cho cha con anh ở.  Những ngày sau ông Ba hướng dẫn anh những công việc ở nhà, vườn tược chung quanh, rồi đến những khu vườn cây ăn trái, nhãn lồng, chôm chôm, vải, mít tố nữ... ở xa nhà hơn, những khu vườn này, ông Ba cũng nhờ một vài  người thợ vun trồng cây lá.  Sau một thời gian, khi Hòa đã thành thạo, ông Ba thường giao công việc cho anh thay ông, khi ông vào Sàigòn thăm gia đình hay việc gì đó.  Khi ông Ba đã tin tưởng anh, ông dẫn cha con Hòa đến gặp ông xã trưởng Vinh nhờ làm hộ khẩu, ở trụ sở xã, ông Vinh nghe ông nói là ông mau mắn lập hộ khẩu cha con anh ngay ngày hôm ấy. Sau này Hòa mới biết sự mau mắn ấy là do sự liên hệ giữa ông Ba Hồng và ông xã trưởng Vinh.

Trước đây cha của Vinh làm công cho một vựa trái cây lớn của ông Ba Hồng ở Sàigòn. Ông thương một bà có nhà vườn trái cây ở Long Khánh. Họ cưới nhau, xong ông về ở rể quê vợ, rồi sinh ra Vinh.  Ông Ba Hồng giúp đở và đưa tiền cho ông mua vườn, đất, trồng thêm cây trái, đến mùa thu hoạch chở trái cây về vựa ở Sài gòn cho ông tiêu thụ và chia phần như "kẽ có của, người có công". Vinh học tiểu học ở quê xong, lên trung học Vinh vào Sài gòn ở nhà ông Ba ăn học tiếp, được ông Ba xem như con trong nhà.

 

Một hôm Vinh về quê thăm cha mẹ. Buổi chiều đạp xe đi thăm mấy khu vườn ở gần bìa rừng thì bị mấy "ông trên núi" bắt đi phục vụ "Cách Mạng" cho đến ngày "Giải Phóng" mới trở về làm chủ tịch xã ở nơi này. Lúc mới về Vinh chỉ có hai bộ quần áo thay qua thay lại, nên ông Ba đã kín đáo giúp đở, lúc có chút ít, anh chia sẻ với thuộc cấp, cảm thông với người dân nên được mọi người thương mến.

 

Ông Ba Hồng có một người con trai đi du học ở bên Đức. Vợ ông đã qua đời trước ngày miền Nam mất. Thời Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, cha mẹ ông đã mang cả gia đình vào Nam, nên ông đã có kinh nghiệm cái lối "hành xử" của chế độ miền Bắc thời ấy.  Nên  lúc vừa “giải phóng” ông đã vội vã bán, phân phối nhà cửa và tài sản cho các anh chị em và người quen biết của ông, và cất dấu "của chìm".  Cái nhà lớn ông đang ở, ông biết không giử được nên ông cũng "dâng" cho phường khóm rồi xin đi "kinh tế mới" với ẩn ý là về Long Khánh, nơi có sẵn nhà, đất đai, vườn cây ngày trước và đã có Vinh đang làm chủ tịch xã nơi này.

 

Hòa cần mẫn, siêng năng, biết nghe theo sự hướng dẫn của ông Ba nên được ông thương mến, ông còn thương thằng Thảo, con của Hòa như cháu trong nhà, mỗi khi đi xa về ông đều có quà cáp cho nó. Những lúc trúng mùa hoa quả khấm khá ông thưởng công cho Hòa. Sau những vụ mùa hái quả, thu hoạch xong, thời gian rảnh rổi,  ông Ba khích lệ Hòa gọi vài thanh niên trong làng lên rừng hái nấm, đào măng, khoai củ, hái cây, lá, thuốc trong rừng... để buôn bán kiếm thêm tiền, nhờ sự chỉ dẫn của ông Ba nên số tiền để dành làm vốn của  Hòa càng lúc càng khấm khá.

Vài năm đầu, khi đoàn quân nón cối, dép râu xâm nhập toàn miền Nam, họ dùng bạo lực bắt bớ những sĩ quan quân đội và viên chức chính quyền miền Nam tù đày nơi rừng sâu, nước độc làm con xa cha, vợ mất chồng, tịch thu nhà cửa và tài sản, reo rắc tang thương cho người dân trên lãnh thổ miền Nam. Vẫn chưa thỏa mãn cái tàn ác của chế độ, nhà cầm quyền miền Bắc lại cử thêm một tên, không biết học hành tới đâu, chỉ nghe nói lúc trẻ, tên này làm nghề thiến heo, hắn được hấp thụ cái "Văn minh man dã"  vào miền Nam thực hiện theo cái "mẫu mã dã man" để biểu dương sự trung thành với các lãnh đạo đàn anh hai nước ở phương Bắc, để bần cùng hóa người dân miền Nam thêm cảnh khổ đau. Người dân lúc này càng ngày càng "sáng mắt", với chế, họ bắt đầu tìm phương tiện để thoát khỏi cái mảnh đất chôn nhau, cắt rốn đầy thương yêu của mình đã vừa bị "Ma Nhập" (ma cô, ma cạo, ma lanh, ma cà rồng...) bằng cách băng rừng hay vượt biển dù dọc đường có vùi thây trong rừng sâu, dưới đáy biển, hay dù có được thoát chết đi nữa họ cũng bị chế độ này cũng chạy theo gắn cái nhãn hiệu "lưu manh, đĩ điếm, bám chân đế quốc...".  Mặc kệ, cứ đi, có điều kiện là đi, dù sống hay chết.

Phong trào vượt biên bắt đầu manh nha ở các tỉnh miền Nam.  Long Khánh cũng rục rịch, có vài người kín đáo đến nhà nói, họ muốn bán nhà hay vườn cây ăn trái với một giá "rẻ mạt".  Về sau người ta công khai nói thẳng là cần tiền cho thằng con đến tuổi nghĩa vụ vượt biên hoặc họ thiếu một ít "Cây" để đóng cho chủ tàu.v.v....Hòa đem việc này hỏi ý ông Ba, ông nói: "Người ta bán, đất, bán vườn giá rẻ vì họ cần tiền để thực hiện mục đích của họ, nếu anh có khả năng thì nên giúp họ, việc giấy tờ thì nhờ Vinh nó lo." Ông nói tiếp: "Trước 1954, bố mẹ tôi cũng bán rẻ nhà cửa mới có đủ phương tiện dời cả gia đình vào Nam nên mới khá hơn những người ở lại!". lời nói của ông Ba làm anh nhớ lại thuở trước anh cũng đến cụ Nghĩa năn nỉ xin bán nhà cho cụ nên mới có ngày này.

Với số tiền để dành không nhiều, anh chỉ mua một hai mảnh đất của những người có con trong tuổi nghĩa vụ. Vài ngày sau có người khác hỏi bán nữa.  Anh đến nhà Tấm (chị bán cháo tặng tô cháo cho cha con anh trong ngày đầu anh đến đây) trình bày sự việc mua đất, vườn cùng với ý kiến của ông Ba Hồng) chị cũng đồng ý với ông Ba và nói nên giúp người cần giúp, Thế rồi anh mua dùm cho chị một vài mảnh vườn lớn đã có sẵn cây ăn trái.

Thời gian qua mau, thời "Bao cấp" đã dứt, bấy giờ người miền Bắc bắt đầu tràn vào Nam, đến tận Mũi Cà Mau.  Giá nhà, giá đất càng lúc càng tăng lên vùn vụt nhất những nơi thị tứ có khi gấp hàng chục lần giá trước.  Bến xe Long Khánh bây giờ không còn là một là một bến xe đò nhỏ nơi tỉnh lẻ, nơi đó dọc theo quốc lộ gần bến xe, những dãy nhà có tầng, bê tông san sát gần nhau, phía sau có vài ba biệt thự ngói đỏ khuất trong hàng cây hoa giấy rộ hoa. Chị Tấm bây giờ là một bà chủ vựa cây trái (nhờ vài mảnh vườn anh Hòa mua, giá đất lên) chị không còn bán cháo ở bến xe như thời chị còn là góa phụ không con của một hạ sĩ quan tử trận, Lúc đó chị về ở với mẹ lập quán cháo nhỏ bán buôn qua ngày. Nhà chị ở gần trường học của thằng Thảo con anh Hòa, mà nhà ông Ba ở trong miệt xóm xa nơi Hòa ở, mỗi ngày anh bốn bận đi,về chở con đi học nên không có thời gian làm việc, anh gửi nhờ thằng con ở nhà chị Tấm, ngày rảnh hoặc cuối tuần thì chở nó về.  Lâu ngày nó quen hơi rồi gọi chị bằng má, nó chơi với bạn bè  gần trường, nên có lúc nó không về nhà với anh, anh phải lên nhà má Tấm thăm nó, lâu dần cả cha lẫn con được chị Tấm xem như "người nhà". Học xong trung học, Thảo chuyển vào Sài gòn được ông Ba gửi chổ ăn ở để tiếp tục học đại học.

 

Ông Ba sống ở đây, người con trai muốn bảo trợ ông ra nước ngoài ở với anh, nhưng ông nói già rồi ở đâu quen đó, ông muốn khi chết chôn ông cùng chổ với vợ nên ông không đi. Khi giá đất tăng cao, ông cũng bán vài mảnh vườn, xin giấy cất một ngôi chùa nhỏ trong khuôn đất nhà ông, ngày ngày tụng kinh rồi ngồi thiền.

Vinh xin nghỉ hưu sau một thời gian dài làm xã trưởng, nhờ tính tình hài hòa, thường giúp đỡ người khác, được dân thương, người mến, ngay cả những người hậu nhiệm cũng trọng quý anh, gặp việc khó cũng nhờ anh góp ý (điều này rất hiếm gặp ở các cán bộ cọng sản) Vinh đã chịu ảnh hưởng nhiều bởi đức tính nhân từ của cha mẹ và rộng rãi của ông Ba Hồng.

Thằng Thảo bây giờ là sinh viên năm thứ ba ngành kỷ thuật điện, cao lớn, đẹp trai hơn cha, chăm học và hiền lành.  Đặc biệt cũng có một chùm râu mọc ngược  ngắn, nhỏ hơn râu cha ở bên cằm trái (khác với cha) lúc nói chuyện những sợi râu nhỏ đong đưa qua lại nhu sợi tơ bay trong gió.

 

Anh Năm Lộ một thời làm mưa, làm gió với mọi người trong làng, với chức xã trưởng anh có quyền phê chuẩn lý lịch của người khác nên mọi người đều kiên sợ anh, anh cũng có thói ưa đánh người vô cớ...Dân làng mỗi lần đi trên đường, xa xa thấy dáng anh đi đối diện là họ "bẻ cua", đổi hướng, hay qua lề đường khác. Về sau những thanh niên trong làng đi học trên phố, họp nhau làm đơn tố cáo những xách nhiễu của Năm Lộ lên huyện ủy và tỉnh ủy, sau đó anh bị "hạ tầng công tác". Từ lúc đó gia cảnh anh cũng dần dà sa sút. 

 

Gần cuối hè năm ấy, thằng Thảo sắp vào Sàigòn học lại, Công việc bán buôn trái cây của chị Tấm cũng  bắt đầu rảnh rỗi, chị yêu cầu về thăm quê anh một chuyến, Chị hỏi anh những ai thân tình để chị mua quà cáp hoặc giúp đỡ họ. Quen anh nhiều năm rồi mà chưa thấy mặt mũi người thân nào của anh ấy . Anh nghe chị nói, rồi chỉ mĩm cười. Từ lúc xa quê anh có về thăm vài lần một cách kín đáo. Về để thăm mộ và thăm những người gia đình và người ơn nghĩa trong một hai ngày. Mỗi lần về thăm quê, anh luôn tránh gặp Năm Lộ vì không muốn dây dưa những rắc rối với cái quá khứ không vui gì..

 Chuyến về thăm quê lần này anh sẽ ở lâu hơn để sửa sang lại phần mộ gia đình, thăm lại cảnh xưa, người cũ, những ân nhân đã giúp anh khi anh nguy khốn, những người đã vục anh dậy trong lúc khốn cùng. Trong thời gian nhóm thợ chỉnh trang phần mộ, anh chở Tấm đi đến những nơi kỷ niệm, nơi cha mẹ sinh ra anh ở một góc xóm dấu xa xưa không còn để lại, những thửa ruộng anh từng đi mót lúa sau mùa gặt hoặc phụ giúp cha mẹ anh làm thuê cho người ta, những cái ao anh từng tát nước để kiếm dăm ba con cá về kho mặn để ăn kéo được vài ngày, qua chiếc cầu nhỏ trên dòng suối, mà những ngày đi học phải băng qua, mùa hè, nước cạn thì lội bì bỏm, mùa đông phải đứng trên cái bè gắn bởi bốn thân cây chuối vào nhau rồi cầm sợi dây thừng lớn kéo qua từ bờ này đến bờ kia, có lúc học về, vô ý làm bè chòng chành nước văng ướt quần áo, lạnh run, chạy nhanh về nhà, ngồi bên bếp lửa sưởi ấm...Có khi đi ngang qua đình làng có cây đa (nơi anh bị Năm Lộ đánh treo ngược) anh nói, đình làng này trước kia là nơi đấu tố các địa chủ... nhưng anh không bao giờ nhắc lại chuyện cũ của Năm Lộ đánh anh nơi đó.    

Thằng Thảo lẽo đẽo theo bố và má Tấm, một hai ngày rồi tự cảm thấy thừa thải. Nó đi mượn chiếc xe đạp của con cụ Nghĩa, chạy vòng veo khắp làng xã và thôn xóm khác với vẻ đầy phấn khích.  Sáng đạp xe đi, chiều tự đạp xe về khách sạn ở phố.  Đi lòng vòng một mình ít ngày rồi cũng chán, Thảo muốn tìm một người nào làm quen để nói chuyện hay để cùng đi chơi cho đỡ chán. Tình cờ buổi trưa hôm đó, đang khát nước, đạp xe ngang qua nhà có hàng dậu thấp, một cô gái cầm cái gáo nước đổ vào ấm. Anh dừng xe xin nước uống, cô ấy bảo nước này lạnh, không uống được vào nhà cô sẽ lấy nước vối mà uống.  Dắt xe vào, Thảo nhìn sững cô gái, nghĩ thầm: "người sao mà xinh thế!", còn cô gái cũng nhìn Thảo, thầm nghĩ: "người ở đâu tới sao mà oai nhỉ". Khi đến chiếc ghế cũ kỹ ở hàng hiên, cô mời anh ngồi đó, cô đi đun nước vối đãi anh, vừa uống nước, vừa nói chuyện. Anh nói, anh tên Thảo là sinh viên ở Sài gòn theo bố về thăm quê.  Cô kể, cô tên Hương vừa tốt nghiệp trung học hè này, đang xin việc làm mà chưa thấy ai gọi. Hỏi về bố mẹ, Hương nói là bố dẫn mẹ đi khám bệnh trên tỉnh xa vài ngày nữa mới về.  Chiều đến, anh về, hẹn ngày mai xin đến gặp lại, cô gật đầu.

Những ngày kế tiếp, ngồi nhà nói chuyện chán rồi, Thảo nhờ Hương dẫn đi ngắm cảnh làng. Đang buồn,  Hương ai rủ cũng đi, đạp xe cùng Thảo đến những cảnh đẹp, con suối, bờ nương, vườn dừa, đến bến sông, qua đò đi dạo chơi thôn xóm khác. Dọc đường ghé những quán nhỏ, lúc khát thì uống, lúc đói thì ăn.  Rồi vài ngày sau, hai đứa nói tiếng yêu nhau. Rồi ngày về lại đến, sáng sớm Hương ra bến xe tiển Thảo và chào bố mẹ Thảo với đôi mắt đỏ au, rướm lệ. Mẹ Tấm bước đến cầm tay Hương nói: "Con gái nhà ai mà dể thương quá hè! Hèn gì thằng Thảo nó mê!".

 

Về đến nhà, Thảo cứ thẩn thờ.  Còn hơn một tuần nữa là phải vào Sài gòn học tiếp, thế mà không thấy Thảo sửa soạn gì việc đi học. Mẹ Tấm dò hỏi, Thảo trả lời: "Lúc ở bến xe, Hương nói, mẹ Hương đi khám bệnh ở tỉnh về, xét nghiệm cho biết bà bị ung thư ngực giai đoạn 1, nếu giải phẩu sớm có thể lành. Chi phí giải phẩu, thuốc men, nằm viện cao quá. Bố Hương có ý bán nhà để chữa bệnh cho mẹ rồi dời đi nơi khác ở. Hương nói nghe biết mẹ bệnh nan y, buồn quá sẽ không còn muốn liên lạc với con nữa. Mẹ bệnh mà con cái vẫn vui trong tình yêu là đồ bất hiếu!" 

Mẹ Tấm nói: "Bây giờ con tính sao?" 

Trả lời: "Nếu có khả năng, con xin bố mẹ giúp cho mẹ Hương! và con muốn bố mẹ giúp về chuyện con và Hương"  Mẹ Tấm nói: "Việc này phải hỏi ý bố, nếu bố bằng lòng, mẹ sẽ giúp con"

 

Hai ngày sau, bố mẹ và Thảo lại trở về quê một lần nữa. Hôm sau, Thảo đến nhà Hương, anh rón rén bước gần cửa, chợt nghe trong nhà vọng ra tiếng bà mẹ nói "Thôi, ba lượng vàng nhiều quá, nhà bán biết có hơn bao nhiêu không? thôi ở nhà chạy thuốc Nam!". Đến trước cửa nhà, Thảo thấy bố mẹ Hương đang ngồi ủ rủ trên chiếc ghế củ gần bàn. Thảo vào chào và xin gặp Hương.  Mẹ Hương nói: "Hương, nó bệnh mấy ngày nay, anh gặp nó về công việc nó đang xin phải không?" rồi bà quay vào trong gọi: "Hương ơi, có người muốn gặp!". 

Ngay khi đó Hương đã xuất hiện, nhìn Thảo, cô chạy đến gần rồi hét lên: "Anh đã về miền Nam rồi mà!".

Thảo nói: "Anh ra lại thăm Hương cùng với bố mẹ.  Bố mẹ anh muốn được gặp hai bác để nói về chuyện về mình!". Lúc này ông Năm Lộ nhìn kỷ khuôn mặt Thảo, tự dưng mặt ông dần xanh tái, nói năng ấp úng. (sao nó giống thằng Hòa quá) Còn Hương thì khuôn mặt đang xanh xao thì trở nên hồng.

 

Qua ngày mai, Bố và mẹ Tấm, quần áo chỉnh tề theo Thảo đên nhà Hương. Đến trước cửa nhà. Bố Hòa khựng lại, mẹ Tấm hỏi: "Anh có việc gì vậy?"  Anh ngập ngừng đáp: "Không!", rồi chậm chạp đi vào.

Vào nhà bốn người lớn gặp nhau chào hỏi. Mẹ Tấm hai tay cầm một hộp quà đặt lên bàn và nói: "Chúng tôi có nghe cháu Thảo cho biết chị vừa bị bệnh nên chúng tôi từ trong Nam vội vã đến thăm và có chút quà biếu anh chị". 

Bốn người đều yên lặng.  Mẹ Tấm nói tiếp: "Sẵn đây chúng tôi xin phép anh chị cho cháu Hương và cháu Thảo làm bạn lâu dài với nhau!".  Ngừng lại một chốc, mẹ Hương nói: "Về phần quà cáp thì chúng tôi không dám nhận, còn chuyện của cháu Hương, tôi phải hỏi ý của cháu!" rồi bà quay vào trong nhà gọi: "Hương ơi, ra bố mẹ gọi", rồi Hương ra với bộ áo dài trắng rồi đứng sau bố mẹ, Mẹ Hương quay lại hỏi Hương: " Ông bà này muốn con và cháu Thảo làm bạn lâu dài với nhau con có đồng ý không?" Hương mặt tươi hơn, gật đầu trả lời: " Dạ! Bố mẹ đặt đâu con ngồi đó!" Nghe xong mẹ Tấm nói: "Như thế là anh chị và cháu đã chấp thuận" bà đưa tay vào cái túi xách của bà lấy hai chiếc nhẫn, rồi xin phép đeo vào ngón tay hai đứa. Xong bà nói: "Gói quà trên bàn, bây giờ không phải là quà thăm bệnh, nó đã trở thành lể vật trong buổi dạm hỏi này. Xin ông bà mở ra xem, nếu cần gì khác chúng tôi sẽ bổ túc".  Hộp quà mở ra: "hai xấp vải kim tuyến, một xấp tiền chẵn, 3 lượng vàng sáng chói."  Năm Lộ nhìn các món quà một hồi lâu, rồi đến trước mặt Hòa chắp hai tay cúi đầu xuống. Hòa đứng dậy tránh qua một bên, nói: "Bây giờ chúng ta là sui gia với nhau rồi!". Thừa lúc vui, Mẹ Tấm đến ôm Hương, vui hỏi: " Thảo mê con vì con xinh, còn con vì sao thích Thảo về cái gì?" Trả lời: " Con thích chùm râu mọc ngược của anh ấy, chùm râu duyên!". Mọi người đều cười, riêng Năm Lộ cũng cười nhưng miệng hơi lệch xuống.

Vợ chồng Hòa vừa ra khỏi cổng, Chị Năm Lộ nói " Sắp chết chìm thì gặp được cái phao".

Về lại khách sạn, thay quần áo xong, Hòa ra ngồi trên chiếc ghế ở hành lang sau cửa, một mình lẩm bẩm:  - " Hôm đó mà không có con bé ấy can, thằng Năm Lộ dừng roi, không thì đã chết đòn với nó!" - " Nó đánh mình một trận bán sống, bán chết.  Mình "cướp" lấy con bé này về nhà mình, thì huề!"                                   - " Chùm râu mình mọc ngược, nên làm những chuyện ngược, nếu nó mọc xuôi thì ra sao? 

Mẹ Tấm vừa sà tới hỏi: "Ủa, anh vừa lẩm bẩm gì về ông Sui phải không? Em thấy, lúc mình nói chuyện với ổng, thái độ ông ấy kỳ kỳ". Hòa trả lời:                                                                                                             - "Ừ! ông ấy hơi kỳ kỳ!". Mẹ Tấm phá lên cười, Hòa cũng cười theo.  

  

Lữ Long Phước                                          

 

                                     

No comments: