Saturday, May 23, 2020

LÀM SAO CHUYỂN CHUỖI CUNG ỨNG KHỎI TRUNG QUỐC? (GS.TS. KHƯƠNG HỮU LỘC)

Làm sao chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc?

23/05/2020

 

Một cửa hàng của Apple ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc

 

Bị gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch bệnh ở Trung Quốc cộng với lo ngại về thương chiến Mỹ-Trung và chính sách khuyến dụ mạnh mẽ của chính phủ đã khiến các hãng xưởng Nhật có sự dịch chuyển mạnh mẽ ra khỏi Trung Quốc, một nhà quan sát nói với VOA.

Trong lúc này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ cũng đang nghiên cứu các biện pháp về luật và chính sách hỗ trợ để kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ đang sản xuất ở Trung Quốc di dời để tránh bị lệ thuộc vào nước này, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế.

 

Nhật Bản hiện nhập từ Trung Quốc 18% tổng lượng nhập khẩu của họ, trong đó có rất nhiều phụ tùng, thiết bị cung ứng cho chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn. Dịch bệnh virus corona hoành hành ở Trung Quốc trong đầu năm đã khiến nhiều nhà máy bị đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng của Nhật.

 

‘Được hưởng ứng’

 

 

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc hiện giảng dạy cao học về quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, cho biết các hãng xưởng Nhật đã ‘cảm thấy thiệt hại’ và ‘đang hưởng ứng sự vận động của chính phủ’ để dời sản xuất khỏi Trung Quốc.

 

Ông Lộc dẫn kết quả một cuộc khảo sát trên 2.600 công ty Nhật cho thấy 37% ‘đang ráo riết rút ra khỏi Trung Quốc’.

“Trong thời dịch virus corona, chuỗi cung của Nhật bị gián đoạn mà không thể tìm nơi khác để thay thế được,” ông phân tích. “Họ không thể để chuyện này xảy ra một lần nữa.”

Theo lời ông Lộc thì Nhật đang lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc các phụ tùng để sản xuất xe hơi. Ngoài ra Nhật còn nhập từ Trung Quốc các thiết bị điện, điện tử và lò phản ứng nguyên tử…

“Những tháng đầu năm nay, Nhật rất thiếu phụ tùng chính yếu để sản xuất xe hơi, thiết bị điện tử. Trong khi đó các hãng Hàn Quốc đang canh trạnh rất mạnh với Nhật lợi dụng điều đó để chiếm lĩnh thị trường,” ông nói thêm.

“Nhật Bản không có tài nguyên, nhiên liệu nhân công. Họ lại từng bị động đất, sóng thần nên họ đã quyết định đưa ngành chế tạo ra khỏi đất nước và trong đó, họ để cho Trung Quốc chế tạo rất nhiều,” ông phân tích.

“Sự hiện diện của họ ở Trung Quốc lúc đầu rất có lời nhưng bây giờ lợi nhuận đó đã hết rồi,” ông giải thích. “Các công ty đã thấy giá lao động của Trung Quốc không còn thấp, cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung đã làm họ bị ảnh hưởng một phần, rồi nguồn cung bị gián đoạn trong giai đoạn dịch Covid-19.”

Do tâm lý của các hãng xưởng Nhật đã tính đến chuyện ra khỏi Trung Quốc nên việc chính phủ Nhật đưa ra các khuyến dụ ‘chỉ là cú hích cuối cùng’ để càng đẩy nhanh việc di dời mà thôi, ông nói.

Chính phủ Nhật đã bỏ ra 2,2 tỷ đô la để giúp các công ty của họ di dời khỏi Trung Quốc, trong đó 2 tỷ là để trợ cấp còn 200 triệu đô la là để giúp chi phí di dời. Tuy nhiên, họ chỉ dừng ở mức ‘khuyến dụ’ chứ không ra luật ép các công ty phải di dời.

“Khi có tiếng nói và chỉ đạo của chính phủ thì người dân và các công ty của Nhật nghe theo nhanh hơn Mỹ,” tiến sỹ Lộc nói.

 

Có chiến lược

 

Tuy nhiên, do Nhật Bản nhập cảng từ Trung Quốc rất nhiều nên việc kéo hãng xưởng trở về Nhật cùng một lúc có rất nhiều thách thức, theo phân tích của vị giáo sư này.

“Việc di dời sản xuất rất phức tạp. Tùy ngành nghề mà nó kéo dài từ một năm cho đến một năm rưỡi mới hoàn thành. Nếu công nghệ thấp thì có thể thực hiện trong vòng 6 tháng, công nghệ bậc trung thì dưới một năm còn công nghệ cao thì lâu hơn,” ông cho biết.

 

Ngoài ra nếu tổ chức sản xuất ở Nhật thay vì tại Trung Quốc thì các hãng xưởng Nhật có nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh tại thị trường khổng lồ của Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân.

“Mất thị trường Trung Quốc thì chắc chắn là có vì giá cả hàng hóa (sản xuất ở Nhật) sẽ tăng, rồi thêm chi phí vận chuyển nữa,” ông phân tích. “Nhưng bù lại Nhật có thể tránh được việc sản xuất bị gián đoạn khiến thị trường bị mất vào tay các đối thủ khác như Hàn Quốc.”

 

Ngoài giá cả hàng hóa sẽ tăng, các công ty di dời khỏi Trung Quốc cũng cần phải tính đến các yếu tố như năng lực sản xuất có đáp ứng đủ, thời gian sản xuất để đưa vào thị trường có kéo dài hay không…

“Nhưng nếu họ dời sang Việt Nam thì cũng có thể chuyển hàng sang tiêu thụ ở Trung Quốc dễ dàng vì Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc, hay chuyển về Nhật Bản cũng không xa Trung Quốc lắm,” ông nói thêm.

Do đó, ông Lộc cho rằng Nhật đã có chiến lược di dời khỏi Trung Quốc một cách có chọn lọc – tùy ngành nghề, tùy công ty – chứ không làm ồ ạt.

“Tất cả những ngành công nghệ cao hay công nghệ trung nhưng chính yếu cho chuỗi cung ứng phải trở về chính quốc, nhưng các ngành nghề công nghệ thấp vẫn phải giữ lại ở Trung Quốc,” ông nói.

“Ngoài ra, các ngành công nghệ thấp có thể chuyển sang các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam,” ông nói thêm nhưng cũng thừa nhận rằng những quốc gia này khó lòng thay thế sức sản xuất của Trung Quốc trong một sớm một chiều.

 

Nhìn về nước Mỹ

 

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, ông Lộc cho rằng Mỹ cũng nên làm tương tự là chia ra từng kỹ nghệ chứ không nhất thiết phải rút toàn bộ các hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc.

“Các ngành công nghệ thấp chủ yếu là hàng giá rẻ mà đưa về Mỹ thì giá nhân công mắc mỏ, luật lệ môi trường khắt khe, phí vận chuyển đắt thì có giảm thuế cho họ cũng không đủ,” ông giải thích. “Do đó, có bảo họ về Mỹ thì họ cũng không về.”

“Phải mở đường cho họ rời khỏi Trung Quốc và đi sang quốc gia khác (thay vì về Mỹ),” ông đề xuất và cho rằng động lực để các công ty này dời sang các nước khác là ‘trong tương lai hàng hóa sẽ không bị đánh thuế khi nhập vào Mỹ’.

 

Còn về những ngành công nghệ trung hay cao thì Mỹ cần khuyến dụ về lại Mỹ nhưng phải có lộ trình giảm thuế trong ngắn hạn cũng như dài hạn, ông nói thêm. Song song đó, chính quyền Mỹ cũng cần áp đặt mức thuế nhập khẩu cao hơn đối với những hãng xưởng sản xuất ở Trung Quốc.

“Mỹ cũng sẽ phải cân nhắc: ngành nghề nào sản xuất ở Trung Quốc mà đại đa số tiêu thụ ở Trung Quốc thì giữ lại ở Trung Quốc, còn ngành nghề nào sản xuất ở Trung Quốc mà hai phần ba bán cho Mỹ và các nước khác thì nên di chuyển,” tiến sỹ Lộc góp ý.

 

Riêng đối với những ngành nghề mang tính chiến lược, ông Lộc cho biết: “Mỹ đã kêu gọi nhưng các công ty không về nhiều. Chính quyền nên đưa ra những luật lệ bắt buộc những kỹ nghệ về an ninh quốc phòng và thiết bị y tế, và thuốc men chính yếu cho sinh mạng của người dân phải về. Nếu không về thì bị phạt.”

Bên cạnh đó, Mỹ cũng nên ‘tài trợ giúp cho các công ty di chuyển’ như cách làm của Nhật và giảm thuế cho số tiền mà họ dự trữ trong quá trình kinh doanh ở Trung Quốc thì họ mới mang tiền về, ông nói.

Chuyên gia này nhận định rằng trong vòng năm năm tới, nếu Mỹ đưa được chỉ 1/3 số hãng xưởng của họ khỏi Trung Quốc thì ‘đã là thành công’.


No comments: