Thursday, October 8, 2020

NIKKO, GIA TÀI MUÀ THU NHẬT BẢN (TRẦN NGUYÊN THẮNG)

 

Nikko, gia tài mùa Thu Nhật Bản

Trần Nguyên Thắng

 

TOCHIGI, Nhật (NV) – “Gia tài ta để lại/ Hoa mùa Xuân/ Sen mùa Hạ/ Và rừng cây đỏ thẫm của mùa Thu.” Ryokan, một thiền sư Nhật Bản, đã để lại một gia tài như thế cho con cháu Thái Dương Thần Nữ vào thế kỷ 19.

 

Những chiếc lá mùa Thu tại đền Futarasan (Futarasan Shrine) ở thành phố Nikko, tỉnh Tochigi, cách Tokyo khoảng 150 km về phía Bắc. (Hình: Toshifumi Kitamura/AFP via Getty Images)

Không biết ông đã du hành những nơi chốn nào trong xứ Phù Tang để mà ông tích lũy gia sản đó lại cho người dân Nhật. Nhưng tôi chắc hẳn ít nhất ông cũng đã phải đến ngôi làng Nikko, nơi an nghỉ của tướng quân Đức Xuyên Gia Khang (Shogun Tokugawa Ieyasu) để góp nhặt không gian “rừng cây đỏ thẫm mùa Thu” đó vào gia tài của ông lưu lại cho hậu thế.

Nikko, tên thành phố có vẻ xa lạ với người Việt Nam vì người ta hay quen với các thành phố như Tokyo, Osaka hay Kyoto. Nhưng nếu bạn đến Nhật vào mùa Thu sẽ là một thiếu sót lớn nếu bạn không du ngoạn thành phố Nikko.

Nikko ngày nay không còn là một ngôi làng nhỏ như vào thời Thiền Sư Ryokan nữa. Bây giờ Nikko là một địa danh thắng cảnh mùa Thu nổi tiếng của nước Nhật nằm về hướng Bắc Đông Kinh.

Từ giữa Tháng Mười trở đi thời tiết bắt đầu trở lạnh và không gian Nikko bước dần vào mùa Thu.

Ngày xưa, theo các nhà phong thủy Nhật Bản, Nikko là địa danh có một vị trí hết sức tốt đẹp linh thiêng, có thể bền vững cho các triều đại Shogun. Nhờ thế, Nikko được chọn là nơi an nghỉ của vị tướng quân tài ba Tokugawa Ieyasu, người đã lập ra triều đại shogun Tokugawa vào thế kỷ17 (triều đại này kéo dài 265 năm trong lịch sử Nhật Bản). Lăng mộ của ông được xem là uy nghiêm và đẹp nhất nước Nhật.

 

Hồ Trung Thiền Tự (Chuzenji-ko). (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ngoài không gian mùa Thu của Nikko, ở đây du khách còn có dịp thưởng ngoạn một di tích lịch sử – văn hóa – kiến trúc có một không hai của Nhật Bản. Đó là Đông Chiêu Cung (Toshogu Shrine), đền thờ tướng quân Đức Xuyên Gia Khang, một vị tướng quân lỗi lạc của Nhật vào thế kỷ 17. Ông mất vào năm 1616. Con trai ông đã chọn Nikko làm nơi xây dựng lăng mộ và đền thờ ông.

Thông thường ở Nhật Bản, các lăng mộ đền thờ của các Thiên Hoàng và tướng quân đều được xây dựng thiết kế một cách đơn giản nhưng lại tạo ra được một không gian rất trang nghiêm. Nhưng riêng đền thờ Toshogu thì không như thế!

Các cổng vào đền, dù là cổng vào chính hay cổng bên cạnh đền đều có lối kiến trúc riêng biệt khác hẳn nhau. Lối vào cổng chính rộng rãi, đường trải đá nhỏ màu xám làm tăng thêm nét thiết kế đơn sơ. Thêm vào đó, hai bên đường các hàng cây cao vút tạo ra một không gian vừa trang nghiêm vừa uy nghiêm, nhưng lại cho người ta cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng khi bước vào đây.

Ngược lại, cổng dọc theo bên hông đền với những hàng cây đèn đá cổ kính rong rêu trên đường đi tạo cho du khách một cảm giác trang nghiêm cổ kính, khác hẳn với cảm giác nhẹ nhàng khi người ta đi vào lối cổng chính. Đây cũng là con đường nối liền Toshogu với ngôi đền Thần Đạo Futarasan.

Ngoài ra các kiến trúc điện thờ vô cùng sắc sảo và tốn kém rất nhiều. Người ta ước lượng rằng để hoàn tất kiến trúc đền thờ Toshogu thì ngân khoản tốn kém khoảng 40 tỷ Yen vào thời điểm ngày nay. Những nghệ thuật về kiến trúc, hội họa, điêu khắc hết sức quý giá của Nhật Bản dường như được tích tụ về đây.

 

Thác Hoa Nghiêm (Kegon Falls) tại Nikko. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Đền thờ Toshogu đã để lại cho các thế hệ sau cả một kho tàng về triết lý nhân sinh. Thí dụ như hình ảnh khỉ đã được nhân cách hóa để miêu tả về đời sống con người. Du khách có dịp thưởng ngoạn tám bức tranh điêu khắc bằng gỗ, được trang trí trên đà ngang của chuồng ngựa thần, nói về một kiếp nhân sinh của con người.

Nghệ nhân đã dùng hình ảnh khỉ và nhân cách hóa chúng để nói về người, trong đó hình ảnh ba chú khỉ bịt tai – bịt miệng – bịt mắt để “không nghe điều xấu – không nói điều xấu – không nhìn điều xấu” trong đời sống hàng ngày.

Khỉ mẹ dạy dỗ cho các chú khỉ con từ lúc còn nhỏ bé cho đến khi khôn lớn. Những điều dạy dỗ này của khỉ mẹ, hầu như con người ai cũng biết đến cả, nhưng có lẽ con người không thích áp dụng vào đời sống thực tế. Người ta hay thích làm ngược lại nhiều hơn, ai cũng chỉ thích nghe – thích nói – thích nhìn đến chuyện xấu của thiên-hạ-sự hơn là chuyện tốt của cuộc đời. Có lẽ nghệ nhân cho rằng “không nghe – không nói – không nhìn những điều xấu xa” là con người đã bớt đi phần nào những phiền não đời sống, bớt đi những cao ngạo háo thắng và thất bại ê chề của kiếp sống.

Dĩ nhiên đền Toshogu còn có nhiều điều để người ta có thể chiêm nghiệm, học hỏi và thưởng ngoạn cái không gian tĩnh lặng với những rặng thông cao vút trên đường dốc đi đến nơi an nghỉ của tướng quân Tokugawa Ieyasu.

 

Cổng chính Dương Minh Môn của đền Toshogu, nơi an nghỉ của tướng quân Đức Xuyên Gia Khang (Shogun Tokugawa Ieyasu). (Hình: ATNT Tours & Travel)

Ngoài ra, các vị thần vùng Nikko còn ban cho nơi đây các thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như ngọn núi Nam Thể (Nantai), hồ Trung Thiền Tự (Lake Chuzenji-ko), các ngọn thác như Hoa Nghiêm (Kegon Falls) và thác Long Đầu. Các thắng cảnh thiên nhiên đó ngày nay được quây tụ lại trong công viên quốc gia Nikko, và không gian mùa Thu Nikko nổi bật rực rỡ nhất trong các mùa.

Nam Thể là một ngọn núi cao trên 2,400 mét thuộc vùng cao nguyên Nikko, đây cũng là một ngọn núi lửa đang ngủ yên. Núi có dáng hao hao như ngọn Phú Sĩ Sơn thu nhỏ lại.

Dưới chân núi là hồ Trung Thiền Tự hiền hòa phẳng lặng vào mùa Thu. Nước hồ tuôn chảy xuống vùng thung lũng tạo thành ngọn thác Hoa Nghiêm (Kegon Falls) từ cao 100 mét chảy đổ xuống hẻm sông. Tên của hồ cứ tưởng như là tên một bộ kinh nổi tiếng của Phật Giáo hay tên của một ngôi chùa nào thuộc tông phái Hoa Nghiêm. Tôi cũng không tò mò tìm hiểu tại sao người ta lại đặt tên các nơi đây như vậy. Nhưng tìm hiểu để làm gì khi tôi vẫn chưa có đủ thì giờ để thưởng thức hết được cái đẹp “rừng thu đỏ thẫm” nơi đây.

Thời tiết lạnh đã chuyển đổi dần các màu lá từ xanh lục sang vàng rồi thì đỏ tươi đỏ thẫm. Màu sắc của các lá phong Nhật Bản làm du khách ngây ngất về cái rực rỡ của lá. Tôi chợt nhớ đến ít câu thơ của Tế Hanh diễn tả về lá mùa Thu “Lá phong đỏ như mối tình rực lửa. Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa.”

Có đứng ở Nikko ngắm lá phong mới thấm được cái “rực lửa” của lá thu phong Nhật Bản. Nhà thơ Tế Hanh có dịp viết về lá phong đỏ ở Hàng Châu, không biết ông có dịp nhìn thấy lá phong đỏ Nikko không? Nhưng với tôi, lá phong đỏ ở Hàng Châu không thể so với được không gian lá phong đỏ Nikko. Tôi có thiên vị về Nhật Bản quá không!

 

Khỉ với triết lý “Không nghe điều xấu – Không nói điều xấu – Không nhìn điều xấu.” (Hình: ATNT Tours & Travel)

Xe chạy dọc theo con đường quanh hồ Trung Thiền Tự, lúc này du khách mới cảm nhận được mình đã không có đủ thì giờ để thưởng thức hết cái nét đẹp không gian của mây-núi-hồ-rừng cây xanh vàng đỏ rực ở đây. Ở đây, người ta cũng khó tìm thấy được âm thanh xào xạc lá mùa Thu hay hình ảnh con nai vàng ngơ ngác như nhà thơ Lưu Trọng Lư diễn đạt. Người ta chỉ cảm nhận được một tiết trời lành lạnh của vùng cao nguyên với một không gian “xanh vàng đỏ thẫm lá mùa Thu,” điều đã làm rung động tâm hồn các thi sĩ vô tình lạc lối đến đây.

Mùa Thu không chỉ trải dài ở quanh hồ. Nếu bạn vượt cao lên trên triền núi một chút, tiết trời lạnh thêm đủ để biến những hạt mưa nhẹ thành những hạt tuyết rơi. Hình ảnh đó đẹp đến nỗi (tôi cho rằng) người ta không thể thâu lại bằng camera, video camera hoặc là có thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Chỉ có cặp mắt và tâm hồn của chính bạn mới diễn tả được hết cái đẹp đó cho tâm tư bạn “thưởng ngoạn” mà thôi.

Nikko không phải chỉ có thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên mà còn có cả suối nước nóng (ôn tuyền) để giúp du khách quên đi mệt nhọc và lạnh về đêm ở đây. Bạn nên chọn một khách sạn kiểu Nhật, gọi là Ryokan, lưu lại ít nhất một đêm để thưởng thức những phong tục của Nhật như mặc áo yugata để ngủ, ăn tối theo truyền thống và khẩu vị Nhật, và tắm onsen (ôn tuyền).

Nếu bạn là người say mê món cá sống sashimi thì bạn sẽ thích thú vô cùng. Tắm suối ôn tuyền thì nên ngâm người dưới làn nước nóng ngoài trời (lộ thiên) cũng là một điểm thích thú khác cho chuyến du ngoạn Nikko.

 

Đoạn đường bên hông của đền Toshogu. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Đầu Tháng Mười Một là những ngày tháng đẹp nhất của Nikko. Tùy theo cái duyên của du khách mà người ta bắt gặp nét đẹp mùa Thu Nikko khác nhau. Riêng tôi, tôi chưa thưởng thức hết được màu sắc rực rỡ của từng vùng cây, chưa kịp bình yên để nhìn sự tĩnh lặng của mặt nước hồ, chưa kịp nhìn rõ những hạt tuyết rơi trên lá phong đỏ thẫm thì tôi đã phải chia tay với Nikko. Thôi đành hẹn lại Thu sau! 

 

(Trần Nguyên Thắng) [qd]

No comments: