Saturday, November 21, 2020

BỆNH VI KHUẨN "ĂN THỊT NGƯỜI" LAN RỘNG, CÓ THỂ BÙNG PHÁT Ở VIỆT NAM (TR.N)

 

Bệnh vi khuẩn ‘ăn thịt người’ lan rộng, có thể bùng phát ở Việt Nam

Nov 20, 2020 

 

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Bệnh Whitmore vi khuẩn “ăn thịt người” sau khi tấn công các tỉnh miền Trung, thì đang lan rộng ra các tỉnh thành phía Bắc và có khả năng bùng phát trong thời gian tới.

 

Báo VNExpress ngày 20 Tháng Mười Một dẫn lời Phó Giáo Sư Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới thuộc bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết ông Tuấn (67 tuổi, ở Hà Tĩnh) làm nghề nông, thường xuyên chăn nuôi, lội nước, ao hồ… bị sốt cao, sưng đau khớp gối phải dai dẳng điều trị sốt ở bệnh viện tuyến dưới không bớt.

 

Một bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. (Hình: Mai Thanh/VNExpress)

Ngày 6 Tháng Mười Một, ông Tuấn được chuyển đến Khoa Cơ Xương Khớp, bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, sau khi các bác sĩ khám bệnh với kết quả cấy máu và cấy dịch mủ gối, thì phát giác vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây bệnh Whitmore (Melioidosis). Ngay sau đó, ông Tuấn được chuyển đến Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới điều trị.

Theo Phó Giáo Sư Đỗ Duy Cường, ông Tuấn là một trong ba bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới. Hai trường hợp khác đến từ tỉnh Sơn La và Nghệ An.

 

Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân Whitmore. Riêng từ đầu Tháng Mười Một đến nay đã có sáu bệnh nhân, trong đó ba người đã ra viện.

“Các bệnh nhân trên 50 tuổi, tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi,” ông Cường cho biết thêm.

Theo báo Tuổi Trẻ, gần đây Việt Nam liên tục ghi nhận các ca Whitmore, đặc biệt ở miền Trung. Theo thống kê từ Tháng Mười đến nay, bệnh viện Trung Ương Huế đã tiếp nhận 28 ca. Trong số các bệnh nhân nhập viện có 50% người đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy… thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Số liệu trên đáng báo động nếu so sánh với 83 ca bệnh mà bệnh viện Trung Ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014 đến 2019, trong khi từ Tháng Giêng đến Tháng Chín, 2020, cũng chỉ có 11 bệnh nhân.

Đây cũng là căn bệnh khiến vị chủ tịch của một xã ở tỉnh Quảng Bình tử vong khi tham gia cứu hộ người dân trong bão lũ vừa qua.

Chiều cùng ngày, Bộ Y Tế CSVN đã yêu cầu các tỉnh, thành ở Việt Nam “triển khai phòng chống bệnh Whitmore.” Các tỉnh miền Trung sau mưa lũ, nhiều vùng dân cư bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi. Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh.

 

Vi khuẩn Whitmore “ăn thịt” trên khuôn mặt của một bệnh nhân mắc bệnh. (Hình: VTV)

Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng thường tiến triển nặng, tỉ lệ tử vong cao. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi…

Bệnh vi khuẩn Whitmore “ăn thịt người” được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 1950 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Bệnh này từng bị lãng quên, song giờ bùng phát trở lại với tỉ lệ tử vong trung bình từ 40% đến 60%, hiện đang tăng bất ngờ ở miền Trung sau bão lũ. 

 

(Tr.N) [qd]

No comments: