Sau bão, bệnh vi khuẩn ‘ăn
thịt người’ tăng đột biến ở miền Trung
Nov 17, 2020
THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Bệnh
vi khuẩn Whitmore “ăn thịt người” từng bị lãng quên ở Việt Nam giờ bùng phát trở
lại với tỉ lệ tử vong trung bình từ 40% đến 60%, hiện đang tăng đột biến ở miền
Trung sau bão lũ khiến nhiều người hoang mang.
Báo Người Lao Động ngày 17 Tháng Mười Một,
dẫn tin từ bệnh viện Trung Ương Huế cho biết trong mùa bão lụt kéo dài tại các
tỉnh miền Trung từ đầu Tháng Mười đến nay, đã khiến số lượt bệnh nhân mắc bệnh
Whitmore nhập viện “tăng đột biến.”
Bệnh nhân Whitmore nhập viện
trễ bị chuyển biến nặng đang điều trị tại Khoa Hồi Sức Cấp Cứu, bệnh viện Trung
Ương Huế. (Hình: Thanh Niên)
Theo thống kê từ Tháng Mười đến nay, bệnh
viện Trung Ương Huế đã tiếp nhận 28 ca. Trong số các bệnh nhân nhập viện có 50%
người đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Số
còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy…
thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Số liệu trên đáng báo động nếu so sánh với
số ca bệnh mà bệnh viện Trung Ương Huế tiếp nhận điều trị từ 2014 đến 2019, chỉ
với 83 ca được chẩn đoán Whitmore. Và từ Tháng Giêng đến Tháng Chín 2020, cũng
chỉ có 11 bệnh nhân.
Điều đáng lo ngại là khá nhiều bệnh nhân
đến bệnh viện quá muộn của bệnh khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm
khuẩn hoặc suy đa tạng… dẫn đến việc điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao
nhưng kết quả không khả quan.
Trước đó hồi Tháng Chín, 2019, Bác Sĩ Phạm
Ngọc Hàm, trưởng Khoa Y Học Nhiệt Đới, bệnh viện Đà Nẵng, đã chính thức cảnh
báo về vi khuẩn bệnh Whitmore.
Báo Thanh Niên dẫn lời Bác Sĩ Hàm cho biết
tại bệnh viện Đà Nẵng, năm 2017, tiếp nhận 12 ca bệnh Whitmore, sang năm 2018,
tăng lên 13 ca và từ đầu năm 2019 đến nay đã có nhiều ca nhiễm bệnh.
Theo đó, ở miền Trung, bệnh Whitmore
(Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei sống trong môi trường tự
nhiên gây ra thường gặp vào mùa mưa, tập trung từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Một
hằng năm. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo
và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người và động vật qua tiếp
xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.
Thời gian ủ bệnh thường từ một đến 21
ngày, trung bình là chín ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh dựa vào tình trạng
nhiễm trùng. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính và
ung thư có nguy cơ chết cao hơn khi nhiễm vi khuẩn này.
Một bệnh nhi bị vi khuẩn
Whitmore “ăn” mang tai đang điều trị tại Trung Tâm Nhi, bệnh viên Trung Ương Huế.
(Hình: Thanh Niên)
Vi khuẩn “ăn thịt người” còn được quan
tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố
sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây
qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.
Từ đầu năm 2019 đến nay, Việt Nam đã
phát hiện hàng chục trường hợp mắc bệnh này, song hầu hết các bệnh nhân ở các tỉnh
phía Bắc, Bắc Trung Bộ. Riêng Tháng Tám, 2019, có đến 14 bệnh nhân Whitmore nặng,
trong đó có bốn ca đã chết do vi khuẩn “ăn” nhiều bộ phận trên cơ thể của bệnh
nhân. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment