Wednesday, November 18, 2020

TẠ ƠN NGƯỜI, TẠ ƠN ĐỜI (LÊ NGUYỄN HẰNG)

 

Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời 

(Viết cho Carol và John Steele) 

Năm 1975, sau vài lần chuyển từ trại tạm trú này qua trại tạm trú khác ở đảo Guam, gia đình tôi được đưa đến Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas chờ bảo lãnh.

Mặc dù biết là mình đã đến bến bờ tự do và đang tạm thời được hưởng cuộc sống yên lành ở một đất nước giàu mạnh nhất thế giới, thế mà trong lòng vẫn canh cánh, vẫn thấp thỏm sợ hãi khi nghĩ đến một tương lai mờ mịt. Chúng tôi như những con thú hoang, bị bắt vào trong cũi và thả đến một nơi xa lạ. Nhìn cái gì cũng nghi ngờ và băn khoăn, lo lắng. Rồi những lời đồn đãi càng làm tăng thêm mối  lo âu. Nào là vài ngày nữa, sau khi làm xong danh sách, chính phủ Mỹ sẽ đem những người tỵ nạn đến một mảnh đất hay một hòn đảo hoang vu, cung cấp một ít dụng cụ làm ruộng, làm vườn hay làm biển để đám dân tỵ nạn tự lực cánh sinh bắt đầu một cuộc sống mới; nào là họ sẽ phân phối lực lượng lao động này đi làm lao công cho những hãng xưởng hay nông trại xa xôi hẻo lánh trong khi phần lớn chúng tôi không quen những công việc này. Tệ hơn nữa là họ sẽ dùng người tỵ nạn làm tù binh để trao đổi với phía bên kia cho những điều họ muốn.

Những ý tưởng tiêu cực đó cứ loanh quanh mãi trong đầu tôi cho đến …

Một buổi trưa hè nóng bức, tôi đang đứng dưới gốc cây chờ xe buýt đi lấy sữa cho con thì một người Mỹ da màu, chắc là làm việc trong trại, thấy vẻ mặt buồn buồn của tôi, anh ta chỉ tay ra ngoài xa và hỏi:

-  Cô có thân nhân nào ngoài kia không?

-  Không, ông ạ.

-  Cô có muốn điện thoại cho ai không?

-  Tôi chẳng quen ai và cũng không biết cách gọi.

-  Tôi sẽ giúp cô gọi cho bạn hay bà con của cô.

Tôi lưỡng lự:

-  Tôi chỉ biết bà xếp cũ của tôi tên là Carol Steele ở McLean, Virginia. Nhưng vì vợ chồng bà ấy được lệnh rời Việt Nam cấp tốc nên không kịp cho tôi địa chỉ và số điện thoại.

-  Không sao, tôi sẽ dò trong cuốn niên giám và gọi thử, may ra sẽ tìm được bạn cô.  Tôi sẽ gọi “collect” nhá.

Tôi như người chết đuối vớ được một khúc củi mục đang trôi lơ lửng trên dòng sông, chẳng cần biết ra sao, cũng cố với tay bám vào nó. Tôi chẳng hiểu “collect” là gì nhưng cũng gật đầu. Thế là người bạn mới quen bắt đầu quay số. Đến lần thứ ba thì may mắn gặp được người xếp cũ của tôi khi còn làm cho Cơ Quan Viện Trợ Mỹ, trực thuộc tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Saigon.

Cầm cái điện thoại người đàn ông đưa cho, tôi chỉ kịp xưng tên rồi òa lên khóc.  Những nỗi niềm hoang mang u uẩn chất đầy trong lòng bấy lâu nay được dịp tuôn trào. Carol ở đầu giây bên kia cũng khóc. Tôi cố nén nỗi xúc động, kể sơ qua cho Carol nghe về hoàn cảnh hiện tại. Carol nói:

-  Tôi vẫn cố ý dọ hỏi tin tức về Hằng lâu nay mà chưa được, bây giờ biết gia đình cô ra khỏi nước bình yên và đang ở trong trại tỵ nạn Arkansas rồi, sáng mai tôi sẽ đánh điện xin bảo lãnh tất cả bẩy người về đây với chúng tôi ở Virginia.

Tôi vội vàng từ chối:

-   Cám ơn lòng tốt của Carol, nhưng khi nào cô tìm được việc làm cho tôi thì gia đình tôi mới rời trại, ít nhất ở trong này chúng tôi không phải lo miếng ăn, chỗ ở.

Carol bảo:

-  Ở nước Mỹ này, ai cũng phải xin mới có việc làm, thôi cứ ra đây rồi tới đâu hay tới đó, đừng sợ.

Sáng hôm sau mới mười một giờ đã có loa gọi tôi đến văn phòng lãnh điện tín, đó là giấy bảo lãnh của vợ chồng người xếp cũ, Carol và John Steele.  Chỉ một tuần sau, ngày thứ sáu, 13 tháng 6 năm 1975, gia đình tôi, gồm hai vợ chồng và 3 đứa con nhỏ dại cùng hai người em, lên máy bay đi định cư ở tiểu bang Virginia.

Carol và John ra đón chúng tôi ở phi trường. Hai bên đường từ Washington Dulles International Airport về thành phố McLean, Virginia, cây cối xanh tươi mát mẻ, những cây đào cành mảnh khảnh, thanh nhã, nghiêng ngả mang những cánh hoa màu tím, nhạt có, đậm có, vài cây hoa màu trắng mùi hương thoang thoảng dịu dàng, tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào chốn thiên thai cho đến khi Carol bảo: “Mình đã đến nhà rồi.”

Đó là một căn nhà hai tầng có năm phòng ngủ và “basement”.  Ở miền đông xứ tuyết mà phần lớn nhà không có garage nhưng có tầng dưới mặt đất dùng để chứa đồ đạc hoặc sửa lại thành một phòng ngủ hay phòng giải trí.

John, Carol và Chris, đứa con trai mười tám tháng tuổi, ờ trên tầng nhì. Sau khi dẫn chúng tôi xem ba phòng dành cho gia đình tôi ở tầng trệt, vào bếp tôi thấy ngay một bao gạo thật lớn ở dưới đất và chai nước mắm trên mặt bàn. Carol giải thích:

-  Tôi biết người Việt Nam ăn cơm hằng ngày và gia vị chính là nước mắm nên vợ chồng tôi đã đi lùng bao nhiêu chợ Á Châu ở Virginia mới tìm ra được chai nước mắm này đây.

Sáng thứ hai, tôi đang sửa soạn bữa ăn sáng cho các con, Carol đến gần lúc lắc trong tay một tờ báo với những khoanh tròn xanh đỏ, cô ta nói:

-  Hằng, thay quần áo đi xin việc làm. Tôi đã làm sẵn Resume và điện thoại xin hẹn phỏng vấn được ba chỗ cho cô rồi, sửa soạn nhanh lên kẻo trễ giờ.

Vừa mới ra khỏi trại tỵ nạn vỏn vẹn được hai ngày, còn chưa hoàn hồn, nên tôi thật sự hoang mang và lo sợ nhưng cũng vội vàng chuẩn bị sơ sài cho kịp.

Trên đường đi, lòng tôi rối như tơ vò, dù Carol đã giải thích sơ qua lề lối xin việc ở nước Mỹ. Tôi vẫn cứ băn khoăn lo lắng, không biết người phỏng vấn mình là đàn ông hay đàn bà, dễ hay khó, có hỏi những câu hắc búa không và mình phải trả lời làm sao. Để đỡ run, tôi ráng bình tĩnh bằng cách ngắm hoa hai bên đường. Trời đang xuân nên chỗ nào cũng toàn là hoa, sao hoa ở đâu mà nhiều và đẹp thế! Giá như bình thường chắc tôi đã đòi ngừng xe cho mình xuống thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Nhưng bây giờ, giật mình nghe Carol bảo: “Đã đến nơi hẹn đầu tiên”, rồi thứ hai và thứ ba…

Liên tiếp bốn hôm, mọi sự tái diễn y như thế. John và Carol đã phải lấy ngày nghỉ phép để chở hai vợ chồng tôi đi xin việc làm, hai người thay phiên nhau vất vả đưa bẩy người chúng tôi đi làm mọi thủ tục cần thiết để sống ở nước Mỹ như đi khám sức khỏe, khám răng, xin thẻ an sinh xã hội, rồi đi xin trường lớp cho mọi người đi học ban ngày lẫn ban đêm, đi chợ và còn phải  hướng dẫn chúng tôi cách đi xe buýt, tập lái xe hơi, sử dụng những đồ dùng trong nhà, từ lò nướng đến máy rửa bát, máy giặt, máy sấy…Mỗi tối, John dạy ba đứa nhỏ học, còn Carol lo chỉnh sửa cách phát âm tiếng Mỹ của bốn người lớn.

Những chỗ tôi nộp đơn xin việc và đã được phỏng vấn đều hứa sẽ gọi lại trong tuần nhưng đến 5 giờ chiều ngày thứ sáu vẫn không thấy tăm hơi.

Tôi bắt đầu nản chí và đề nghị với Carol là thôi không xin việc văn phòng nữa mà chú trọng vào việc bồi bàn hay trong nhà bếp. Carol bảo rằng:

-  Cô xem TV đã thấy những người chạy bàn bưng mấy cái khay chồng một đống bát đĩa nặng chĩu, cô có bưng nổi không?  Còn trong bếp, người ta cầm những cái chảo gang một tay, còn tay kia lật hoặc đảo thức ăn, cô có làm được không…?

Những tiếng “nổi không, được không” vang nặng nề, chát chúa trong đầu tôi. Quả thật, tôi mảnh khảnh nhỏ bé làm sao kham nổi những công việc tưởng dễ mà lại vô cùng khó như vậy. Mọi hy vọng tìm được việc làm kiếm sống nuôi gia đình bỗng tiêu tan.

Đột nhiên điện thoại reo lanh lảnh và tiếng John: “Hằng, có người gọi này”. Tôi cầm điện thoại, tiếng trả lời của tôi càng lúc càng run, “Vâng…vâng…vâng…cám ơn ông.”

Cúp máy xong tôi bảo Carol:

-Hồi nãy là ông James, Giám Đốc hãng National Council on Alcoholism, người đầu tiên phỏng vấn tôi hôm thứ hai, hình như…ông ấy… nhận tôi làm việc, chẳng biết có đúng vậy không, tôi run quá nên không chắc.

Carol bèn gọi lại ông ấy để hỏi cho đích xác. Một lúc sau Carol trở lại ôm chầm lấy tôi lắc lấy lắc để:

-  Chúc mừng công việc làm đầu tiên ở nước Mỹ, thôi không phải đi nấu bếp, lảm bồi bàn hay rửa bát nữa nhé.

Cả bốn chúng tôi đều ràn rụa nước mắt trong vui mừng và hạnh phúc.

Liêm, chồng tôi, xin được chân rửa bát buổi tối trong một tiệm ăn của Ý.  Giờ giấc trái ngược làm vợ chồng khó có dịp gặp nhau. Thế là Liêm xin những việc ban ngày như khuân vác, sắp xếp mặt hàng cho tiệm thuốc tây, đứng tính tiền cho tiệm giặt ủi…Carol thường nói với vợ chồng tôi là cô ấy rất khâm phục Liêm khi anh ấy quyết tâm làm việc để nuôi gia đình dù là những việc hoàn toàn dưới khả năng.

Sau vài tháng, John và Carol bàn rằng:

-  Hai vợ chồng qua đây để có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc có nhau chứ không phải như thế này. Bây giờ chúng tôi đề nghị Liêm nghỉ việc đi học lại, một mình Hằng đi làm ăn tiêu tần tiện cũng tạm đủ. Sau khi Liêm ra trường có việc làm vững chắc thì đến lượt Hằng nghỉ làm đi học. 

Lời bàn thật hợp lý, thế là lúc đó chỉ một mình tôi tiếp tục kiếm cơm, 6 người còn lại trong gia đình gồm chồng tôi, em trai, em gái và ba đứa con đều đi học.

Những khi đi chợ, Carol không cho tôi trả tiền. John và Carol lúc nào cũng bảo rằng: “Ráng dành dụm để sau này mua một căn nhà nho nhỏ.”  Từ ngày ở đây, tôi luôn luôn nấu món ăn Việt Nam cho cả gia đình mười người. Cậu bé Chris ăn quen rồi bỏ luôn thức ăn Mỹ. Sau này Carol thường nói:

-  Khi nhận bảo lãnh gia đình Hằng, mối lo lắng nhất của tụi tôi là tiền ăn cho mười người, nhưng khi Hằng đảm trách phần nấu ăn thì đã cho mọi người ăn những món ăn Việt thật ngon mà lại chỉ tốn kém bằng khi chúng tôi nấu theo kiểu Mỹ cho 3 người ăn. Quả là tuyệt vời!

Một hôm thật bất ngờ, vợ chồng tôi nhận được một lá thư của Tòa Bạch Ốc. Cầm cái phong bì trong tay mà lạnh xương sống, không biết có chuyện gì đây, chắc hẳn dữ nhiều hơn lành, điều sợ nhất là bị trả về Việt Nam. Không ngờ Tổng Thống Gerald Ford mời chúng tôi đến dự một phiên họp về vấn đề đồng bào tỵ nạn Việt Nam, họ muốn nói chuyện trực tiếp với những “real refugees”, người tỵ nạn thật sự như chúng tôi.

Đến giờ ăn trưa trong buổi họp hôm ấy, vì mới tới Hoa Kỳ được hai tuần, mọi sự đều còn rất lạ, vợ chồng tôi bỡ ngỡ, rụt rè đi theo những người Mỹ vào “cafeteria”. Nhìn trước ngó sau, họ làm gì thì mình làm theo.  Sau khi lấy thức ăn, chúng tôi thấy mọi người đều tìm bàn rồi ngồi xuống ăn. Nhìn quanh không thấy ai trả tiền và cũng không thấy chỗ để trả, nên mình cũng theo họ đặt khay thức ăn xuống một cái bàn trống. Bỗng nghe tiếng gọi sau lưng:

-  Miss…miss…

Quay lại, thấy một phụ nữ Mỹ đang hấp tấp chạy lại phía bàn mình, chắc cô ta làm việc ở đây vì có đeo bảng tên. Tôi hoảng hốt tưởng rằng họ bắt mình về việc không trả tiền mua thức ăn. Tôi bối rối và ngượng ngập nói:

-  We are so sorry…

Người đàn bà bảo rằng:

-  Sao cô lại “sorry?”  Trời ơi, cô mặc cái ‘áo dài’ đẹp quá! Tôi muốn hỏi cô mua hay may ở đâu vì bạn trai của tôi trước đây đi lính chiến đấu bên Việt Nam, anh ấy ca ngợi hết lời về sự tha thướt của cái áo dài và người phụ nữ Việt Nam cho nên tôi muốn có một cái mặc cho bồ tôi ngạc nhiên.

-  Thế mà cô làm tôi suýt đứng tim. Áo này tôi đem theo từ Việt Nam. Chúng tôi mới định cư ở đây được hai tuần, chưa quen biết lắm nên rất tiếc không giúp được cô.

Bốn tháng sau, khi việc làm của tôi có vẻ vững vàng, chúng tôi ngỏ ý muốn dọn ra ở riêng, John và Carol đã tự nguyện đứng tên thuê hộ một apartment vì chúng tôi không có credit và tôi mới làm việc chưa được một năm nên không có khả năng làm chuyện đó.

Ngày dọn nhà, John tặng chúng tôi một bức tranh màu nâu có hình năm chiếc thuyền buồm do Vũ Huỳnh, một họa sĩ Việt Nam vẽ và bảo rằng bức tranh này họ mua ở Saigon mấy năm rồi, lâu nay vẫn treo ở phòng khách nhưng hôm đi phi trường đón chúng tôi về thì họ dấu bức tranh trong nhà kho vì sợ chúng tôi trông thấy sẽ buồn và nhớ nhà. Hôm ấy họ nghĩ là chúng tôi đã nguôi ngoai nên mới tặng để có một cái gì của Việt Nam và từ Việt Nam. Chúng tôi cám ơn món quà và sự tế nhị của vợ chồng John. Chúng tôi đã treo bức tranh đó ở mọi chung cư và nhà chúng tôi ở trong suốt bốn mươi năm qua với lòng yêu thương và tự hào. 

Carol cũng loan báo trong nhà thờ rằng họ mới bảo trợ một gia đình Việt Nam nên những người trong họ đạo đã đem đến cho chúng tôi tất cả mọi thứ cần dùng trong nhà cho một gia đình bẩy người, kể cả giường nệm, chăn mền, bát đĩa, xoong nồi, dao muỗng, thêm cả quần áo tương đối mới và rất sạch cùng một số tiền mặt. Chúng tôi dùng tiền đó để deposit thuê nhà và không phải mua sắm một món gì khi dọn vào.

Không biết Carol ngoại giao thế nào mà một tuần sau, xe chở hàng của Lee Clothing đến giao cho chúng tôi ba thùng quần áo mới và hãng Pillsbury cho mấy chục hộp bột làm bánh ngọt.

Hơn một năm sau, chồng tôi học xong, xin được làm kế toán cho một hệ thống tiệm ăn, cuộc sống tạm ổn, các con học hành chăm chỉ và ngoan ngoãn. Cuối tuần chúng tôi tụ họp với bạn bè Việt Nam, kể chuyện xưa tích cũ, thật ấm lòng! 

Tuy thế, khí hậu ở Virginia vào mùa đông quá lạnh cho những người sinh ra và lớn lên ở vùng nhiệt đới, nên vợ chồng tôi cùng một số bạn thân, sau khi nghiên cứu kỹ càng đã quyết định dọn về vùng nắng ấm California.

 Mùa hè năm 1978, Liêm xin thôi việc, một mình bay sang California thăm dò từ San Diego lên San Francisco, cuối cùng dừng bước giang hồ tại San Jose. Liêm xin được việc làm, thuê chỗ ở sẵn. Vào dịp lễ Giáng Sinh năm đó, tôi xin nghỉ việc ở Virginia và cùng ba đứa con nhỏ khăn gói quả mướp một lần nữa dọn nhà, từ miền đông qua miền tây nước Mỹ, hai người em của tôi ở lại Virgnia tiếp tục việc học.

Thêm một lần dời cư là thêm một lần phải bỡ ngỡ học hỏi để hội nhập vào đời sống nơi cư trú mới, nhưng chúng tôi rất vui vì được ở một nơi khí hậu rất lý tưởng cho người Việt, lại đông đồng hương cũng như chợ búa hàng Á Châu. Điều quan trọng hơn hết là lúc bấy giờ hiện tượng điện tử ở vùng Thung Lũng Hoa Vàng đang nở rộ, hãng xưởng mọc lên như nấm nên xin việc khá dễ dàng.


John và Carol lại nhận nhiệm sở mới ở ngoại quốc và di chuyển đến nhiều quốc gia như Kenya, Jordan, Swaziland và El Salvador, nên chúng tôi không thư từ qua lại một thời gian dài.

Khi sửa soạn làm đám cưới cho con gái năm 1992, nhìn đống thiệp mời, tôi bỗng thấy như thiếu thiếu một cái gì rất quan trọng, cuối cùng nghĩ ra là trong danh sách không có vợ chồng John và Carol Steele mà bao nhiêu năm nay cả hai bên đều bận rộn vì miếng cơm manh áo đã mất liên lạc với nhau.

Tôi gọi điện thoại đến mấy người bạn cũ làm cho USAID để hỏi thăm về gia đình nhà Steele nhưng không ai rõ họ đang ở đâu. Tôi chẳng biết làm cách nào hơn là nhờ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chuyển thư cho họ, có ghi số điện thoại của tôi, với hy vọng thật mong manh.

Ba tuần sau, như một phép lạ, bất ngờ Carol điện thoại cho tôi từ El Salvador, chúng tôi mừng mừng tủi tủi nói chuyện không dứt và hứa từ nay về sau sẽ thăm hỏi nhau thường xuyên.

Năm 1995, John và Carol đã trở về Mỹ để nghỉ hưu, vợ chồng tôi đã tức tốc bay lên Nehalem, một thành phố bé tí ở Oregon chỉ có 220 người dân, thăm gia đình người bảo trợ sau bao năm xa cách.

Từ đó đến nay, chúng tôi thường xuyên gặp nhau, khi thì John và Carol lái xe xuống San Jose, lúc thì gia đình chúng tôi bay lên Oregon. Vợ chồng tôi cũng xuống San Diego dự đám cưới của Chris, cậu bé ngày nào mới mười tám tháng tuổi, nay đã là một thanh niên trưởng thành, đẹp trai và có việc làm tốt.

Một lần tôi đã tò mò hỏi John và Carol:

-  Năm 1975, lúc đó hai người chỉ hơn 30 tuổi, vừa chân ướt chân ráo từ Việt Nam về Mỹ, mới mua được căn nhà đầu tiên mà sao dám liều lĩnh bảo lãnh một gia đình 7 người trong đó có 3 đứa con nít?  Hai người có biết là sẽ phải nuôi chúng tôi bao lâu không? Nhỡ chúng tôi không thể tự túc hay cứ ù lì ra đó thì sao? 

Carol đáp không cần suy nghĩ:

-  Khi biết cô không có thân nhân ở Mỹ và cần người bão lãnh ra khỏi trại tỵ nạn, chúng tôi đã không hề suy tính ngần ngại vì đó là “một việc phải làm”, chúng tôi muốn làm một cái gì cho người Việt Nam và đất nước Việt Nam, nơi chúng tôi đã được ưu đãi với việc làm đầu tiên trong đời. Chúng tôi thương yêu và quý mến đất nước và người dân Việt Nam, cô lại là người đã làm việc với chúng tôi cả hai năm trời nên tôi đã biết cô là người như thế nào, do đó đây là một dịp tốt cho chúng tôi thực hiện những điều mình mong muốn.

Cô nói đúng, dĩ nhiên chúng tôi không biết chắc sẽ phải lo cho gia đình cô bao lâu, có thể là vài tháng hoặc vài năm, cho nên vợ chồng tôi đã đồng ý với nhau là nếu cần, sẽ mượn tiền trong cái nhà này để lấy tiền cung cấp cho gia đình cô và chúng tôi đã sẵn sàng để làm chuyện ấy. 

Lời nói đó làm vợ chồng tôi nước mắt đoanh tròng. Tôi chợt nhớ một điều và hỏi Carol:

-  Khi tôi cám ơn ông James, xếp của tôi ở National Council on Alcoholism, đã cho tôi việc làm đầu tiên ở nước Mỹ, ông ấy bảo: “Thật ra tôi chẳng cho bà một đặc ân gì mà bà nên cám ơn bà Steele, người bảo trợ của bà thì đúng hơn, đó mới là người bạn tốt của bà”, tôi vẫn thắc mắc câu nói đó.

Carol mới “bật mí” rằng:

-  Thật ra khi thấy công việc của văn phòng này rất tốt và hợp với khả năng của cô, tôi đã đánh bạo viết cho ông James một lá thư: “Cám ơn ông đã phỏng vấn người bạn của tôi hai hôm trước, đây là một trong hai người phụ nữ đã được ông Tổng Trưởng Xã Hội trao tặng huy chương năm 1970 vì đã làm việc hăng say, hữu hiệu và hết lòng, không quản ngại hiểm nguy trong công tác giúp đồng bào tỵ nạn Việt Nam tại những nơi đầu tên mũi đạn. Xin ông một đặc ân, cho bà ấy cơ hội làm việc thử trong hai tuần lễ, nếu ông không vừa lòng vì bất cứ lý do nào thì cứ cho bà ấy nghỉ việc, chúng tôi sẽ không dám thắc mắc gì. Nhưng tôi bảo đảm với ông rằng ông sẽ không thất vọng vì tôi đã biết khả năng và lòng tự trọng của Hằng khi bà ấy làm việc cho tôi ở Việt Nam.

-   À ra thế, hèn gì ông ấy đã điện thoại cho tôi chiều thứ sáu hôm đó vì Carol đã là một “very best reference.”

-   Chắc Hằng cũng không biết rằng hai tuần sau, chính ông James gọi điện thoại cám ơn tôi đã giới thiệu cho ông ấy một nhân viên tốt. Carol nói tiếp.

-   Thật cảm ơn Carol, “vạn sự khởi đầu nan” đã được quý nhân phù trợ, nhờ vậy mà sau đó tôi xin việc khác dễ dàng vì đã có kinh nghiệm làm việc ở Mỹ và cơ hội tiến thân. 

Vợ chồng tôi đã kể cho con cháu nghe chi tiết của những ngày đầu tiên ở nước Mỹ và những lý do tại sao chúng tôi mang ơn John và Carol Steele.

Càng gần gũi, hai gia đình càng thương yêu, quý mến nhau hơn. John và Carol thường nói với bạn hữu và những người trong nhà thờ rằng chúng tôi là một phần của gia đình họ. Chúng tôi cũng luôn luôn nghĩ họ là khúc nối dài của gia đình chúng tôi trên quê hương thứ hai đầy tình người này.

John và Carol đã trở thành ông bà ngoại của những đứa cháu của chúng tôi và hai vợ chồng tôi bỗng nhiên có một đứa cháu nội “trắng tinh” khi Chris Steele sanh được thằng con trai. Như vậy vợ chồng tôi có cả thảy 5 đứa cháu, hai đứa hoàn toàn Việt Nam, hai đứa lai Mỹ 50% và một đứa Mỹ trắng 100%.

Sau ngày lễ Thanksgiving này, tôi sẽ lo chuẩn bị những món ăn Việt Nam mà John và Carol thích như phở, bún bò, bánh xèo, thịt kho, gỏi…và nhất là cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc.” Thêm nữa, như thường lệ, vợ chồng tôi sẽ cặm cụi làm 200 cái chả giò sẵn sàng cho vợ chồng Carol và John đem về Oregon khi họ xuống đây ăn lễ Giáng Sinh với chúng tôi.

Carol và John không là bà con, không cùng giòng giống, chẳng nợ nần gì chúng tôi mà họ đã đem chúng tôi về nhà, nuôi nấng, chăm sóc, hướng dẫn từng ly từng tí, đưa các em và các con chúng tôi đến trường xin học, đến cãi nhau với chủ tiệm ăn khi họ không trả đủ tiền lương cho chồng tôi, rồi khôn khéo bảo đảm việc làm đầu tiên cho tôi, lại còn đứng tên thuê apartment cho chúng tôi ở. Hơn nữa còn dám sẵn sàng cầm cố căn nhà để giúp đỡ gia đình chúng tôi nếu cần. Những trái tim vĩ đại này không cần chúng tôi nói cảm ơn vì không có lời nào đủ để cảm tạ tấm lòng vị tha ngát hương này.

Sau ba mươi chín năm sống ở Hoa Kỳ, gia đình chúng tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam tỵ nạn đã nỗ lực học hành và làm việc cật lực để tự gây dựng một cuộc sống đầy đủ, các con cháu ăn học nên người và chúng tôi rất hãnh diện đóng góp trả ơn cho quê hương thứ hai này. Là công dân Hoa Kỳ cả về mặt pháp lý lẫn trong tim, chúng tôi vui với sự thịnh vượng và cũng rất đau lòng khi thiên tai hay hoạn nạn xảy ra cho nước Mỹ.

Cám ơn John và Carol, những người Mỹ và đất nước Mỹ đã mở rộng vòng tay cưu mang gia đình chúng tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam tỵ nạn khác. Cám ơn Trời Đất đã che chở những cánh chim Việt lạc đàn, phải từ bỏ tổ ấm, nơi chôn nhau cắt rốn, lại may mắn tìm được quê hương thứ hai đầy lòng nhân ái và bao dung. Cám ơn những cộng đồng Việt Nam tỵ nạn trên khắp thế giới, đã yêu thương, khắng khít, đùm bọc lẫn nhau để làm nên một khối Người Việt Tự Do vững mạnh.


Lê Nguyễn Hằng

Mùa Tạ Ơn

 


1 comment:

Blue Moon said...

Bài viết hay, thành thật và thật cảm động.