Wednesday, November 4, 2020

CÁNH DIỀU MƠ ƯỚC (NGUYỄN DUY TẨM)

 

CÁNH DIỀU MƠ ƯỚC

Hồi ký:  
NGUYỄN DUY TẨM

“Thất thập cổ lai hy”. Câu nói tuy đơn sơ mà nghe chừng rất thấm. Bây giờ không viết về những kỷ niệm buồn vui thời Sư Phạm, thì hẳn sẽ đem chúng xuống ba tấc đất. «Thôi liều nhắm mắt đưa chân» như đã lỡ hứa cùng các bạn đồng môn.


Tôi biết đi xe đạp từ rất sớm, bằng chiếc xe đòn dông cao nghiều của ba tôi, tôi tự tập bằng cách xỏ một chân qua khung tam giác, không thể đạp vòng mà chỉ đạp cà nhấp, chiếc xe nghiêng hẳn về một phía cùng chiếc lưng cong vòng như con nhái bén đu cành đu đủ, tuy thê thảm nhưng đầy tự hào trước hàng trăm cặp mắt thán phục của lũ trẻ trong làng vào cái thời bấy giờ... Và chiếc xe đạp dame là phần thưởng phê nhất trong đời tôi mà ba tôi đã mua tặng tôi khi tôi thi đậu vào đệ thất trường công lập. Thế là cái eo cong vèo của tôi được giải phóng cho ngay ngắn hơn dù chiều cao của tôi lúc ấy chưa đủ ngồi được tới yên xe...

Có lẽ nhờ sự khích lệ từ phần thưởng chiếc xe đạp mà lên trung học tôi học khá giỏi, niên khóa nào cũng lãnh phần thưởng danh dự lớp, và từ đấy tôi thử sức mình bằng cách tự học thêm chương trình lớp Đệ Nhị B trong năm còn ngồi ở lớp Đệ Tam, và kết quả là tôi đậu Tú Tài 1 trước các bạn đồng lớp sớm hơn một năm học. Giấc mộng vào Đại Học của tôi đang rộng mở thì ba tôi về hưu và ông muốn tôi thi vào Sư Phạm Quy Nhơn dù thầy cô và giòng họ tôi đều khuyên ba má tôi nên để tôi vào Đại Học. Tôi nhớ là mình đã khóc sưng cả mắt nhưng ba tôi đã quyết thì khó ai lay chuyển...

Người thầy Sư Phạm đầu tiên mà tôi gặp chính là thầy Đoàn Nhật Tấn, thầy hướng dẫn chúng tôi làm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tuyển bằng phương pháp trắc nghiệm đầu tiên của trường SPQN tại Nha Trang với những lời lẽ hòa ái, minh bạch:
- Tôi lấy thí dụ, có mưa tất có mây và có mây tất có mưa thì các bạn chọn câu có mưa tất có mây, còn câu sau không chọn vì có mây chưa chắc đã có mưa...
Khi đi thi Sư Phạm, tôi rắp tâm cố làm bài sai để được thi rớt mà nuôi giấc mộng vào Đại Học. Nhưng không biết vì tính hiếu thắng hay vì lòng tôn kính người thầy Sư Phạm có màu nước da trắng hồng qua lời ăn nói như rót mật vào tai kia mà tôi cố làm tốt bài vở của mình trong phòng thi. Kết quả, tôi đã đậu vòng thi viết. Nghe tin này người vui nhất lại là ba tôi. Nhìn khuôn mặt hớn hở của ông, tôi cũng vui lây, niềm vui không phải vì thi đậu mà vì làm cho ba mình vừa lòng. Như để thưởng công, ba tôi mưa tặng tôi một vé máy bay đi Nha Trang để thi nốt phần vấn đáp thay vì như trước đó tôi cùng bao sĩ tử từ Tuy Hòa vào Nha Trang bằng những chuyến ghe đầy ắp người trong những đêm đầy sóng gió. Mùi cá mắm, mùi đồ ăn bị nôm mửa xông lên nồng nặc. Tôi không say sóng như nhiều người, nhưng giấc ngủ cứ chập chờn cùng con thuyền trường mình trên sóng nước, mạn thuyền lắm lúc kêu lên răn rắc... Cuối cùng con thuyền cũng cập bến Hà Ra vào rạng sáng hôm sau. Tuy không say sóng nhưng lại say bờ, người tôi cứ chào đảo khi đi trên đường phố đầy thơ mộng Nha Trang. Có tin từ một ai đó bảo rằng có một chuyến ghe vĩnh viễn nằm lại khơi xa, chẳng một ai sống sót. Nhìn những con sóng dữ bạc đầu lồng lộn, tôi chỉ biết nuốt vào lòng hai tiếng «Nam mô». Vì chiến tranh, con đường Quốc Lộ số Một huyết mạch ngang qua đèo Cả rất thường bị đào bới và chặn xe. Thương cho người dân tỉnh lẻ của chúng tôi quá, nhất là vào thời loạn lạc. Tuy còn nhỏ nhưng qua những chuyến lưu hành trên biển, tôi thực sự cảm nhận thân phận nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, trước chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là đường tơ kẽ tóc hay một con sóng trắng mong manh...

Cầm tấm vé máy bay trong tay mà lòng cứ nghĩ đâu đâu, ngày mai mình sẽ sãi cánh trên trời, mình sẽ đi mây về gió như những chuyện phong thần mình từng lén đọc ngay trong những giờ học khô khan. Hoặc chí ít mình cũng là cánh diều bay lên cùng những ước mơ của một ngày nào từng bắt bướm, chặn trâu trên cánh đồng quê nhà thông thênh nắng sớm và cũng đầy lũ lụt gió giông.

Lần đầu tiên leo lên chiếc máy bay chong chóng, mình vừa tự hào vừa hồi hộp. Tôi có thằng bạn thân mồ côi cả cha lẫn mẹ vì một chuyến máy bay gặp bão đẩy va vào vách núi. Lời của nó như còn văng vẳng bên tai tôi: «Tao vừa đếm số bạc bảo hiểm dày cộm trên tay mà hai hàng nước mắt mãi cứ chảy dài». Tôi tự trấn an mình bằng ý nghĩ chết sống có số mạng...
Lần đầu tiên được nhìn sông núi quê hương mình từ trên cao xuống, chẳng có gì thú vị và xinh đẹp bằng. Kìa là dòng Sông Ba trong xanh uốn quanh núi Nhạn, kia là ngọn Đà Bia như thanh kiếm thần lóng lánh sương mai, rừng núi giang tay như đàn vơi trận từ muôn xưa... Tiếng động cơ máy bay cứ nổ đều ru tôi vài giấc ngủ tự lúc nào. Chị tiếp viên xinh đẹp vỗ nhẹ vào vai tôi, gọi tôi dậy. Tôi tiếc nuối sao mình không thức nốt chuyến bay để thỏa thuê nhìn ngắm quê hương. Tôi thốt lên: «uổng quá!». Mọi người chung quanh ngơ ngác nhìn tôi như chẳng hiểu gì.

Bác xích lô đứng tuổi đưa tôi về nhà trọ, bác bắt chuyện với tôi:
- Chú em từ đâu về đây thi cử gì phải không?
- Dạ phải, cháu từ Phú Yên vào đây thi vào trường Sư Phạm Quy Nhơn. Mà sao bác biết cháu đi thi?
- Thì nhìn người mà bắt hình dong vậy mà... Tui còn biết chú em sẽ thi đậu... Cố học để có tương lai tốt đi chú em. Tui hồi nhỏ ham chơi mới phải lam lũ khổ cực như thế này. Từ sáng đến giờ mới có một mối chở chú em đây, đói rả cả ruột...
Nhìn tấm thân gầy yếu ướt đẫm mồ hôi, tôi biết ông ta nói thiệt, tôi boa thêm tiền cho ông ta: «Gởi tặng bác ổ bánh mì. Bác mua ăn liền đi kẻo đói xiểu bây giờ».
Ông run run nhận tiền, chạy vội sang bên kia đường, mua một ố bánh mì xa xíu, ăn ngống ngáo như chưa từng được ăn. Tôi không cầm được nước mắt và vội quay đi.

Sáng hôm sau tôi thức dậy thật sớm để kịp cuốc bộ đến trường thi. Từ khu bến xe Phước Hải đến trường Nữ Trung Học Nha Trang dễ chừng hơn hai cây số. Không sao, đi bộ tốt cho sức khỏe và túi tiền mà ba tôi cho còn chẳng là bao nhiêu, vỏn vẹn đủ mua năm ổ bánh mì...

Tôi đến trường thi vào đúng giờ chuông reo. Xem ra số lượng thí sinh vơi đi khá nhiều so với kỳ thi viết. Chúng tôi đứng dọc theo hành lang trường để chờ nghe gọi tên mình mà vào các phòng thi, mỗi phòng chỉ có một giám khảo... Tôi vào phòng thi số 3, tôi hơi an tâm khi gặp thầy giám khảo trẻ và ra dáng hiền lành. Lũ chúng tôi ai cũng chuẩn bị những câu hỏi khó như tại sao bạn chọn ngành sư phạm? Theo bạn nền giáo dục xưa và nay có những điểm khác biệt nào?... Nhưng tôi khá ngạc nhiên khi thầy trao cho tôi một viên phấn trắng và bảo tôi viết một câu gì đó mà em thích nhất. Bất giác tôi nhớ đến bài thơ Thầy Đồ của cụ Vũ Đình Liên với bốn câu cuối cùng:


«Hôm nay đào lại nở
Không thấy ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?»


Dù tấm bảng không có đường kẽ ngang nhưng tôi vẫn viết ngay hàng dù nét chữ hơi bị run. Thầy lại tiếp một đề thi khác: bạn hãy vẽ một hình theo phương pháp kỹ hà học. Tôi hơi lúng túng nhưng một liều ba bảy cũng liều, tôi vẽ một hình tam giác cân, bên dưới là một đường cong hình chữ C, phía dưới nữa là ba vòng tròn, một vòng tách biệt và hai vòng gần như chồng lên nhau, được nối bằng những đường thẳng... Thầy giám khảo yêu cầu tôi giải thích về bức tranh. Tôi đáp, hình tam giác là chiếc nón cời, hình chữ C là tượng trưng tấm lưng còng của bác xích lô và ba vòng tròn là ba chiếc bánh xe.
- Thế còn những ngôi sao nhỏ chung quanh là gì?
- Dạ thưa thầy, đấy là những giọt mồ hôi của bác ấy.
- Không compa mà em vẽ những vòng tròn chuẩn lắm. À mà này, sáng nay em chưa ăn gì phải không?
- Dạ... mà sao thầy biết?
- Thì tay em run và lưng em ướt y như bác xích lô mà em vừa vẽ
Vừa nói thầy vừa rút ra từ túi áo một số tiền lẻ và trao cho tôi tờ 5 đồng:
- Em cầm lấy mà mua ổ bánh mi,̀ kẻo đói lã người bây giờ.
Đương nhiên là tôi không nhận, nhưng rất cảm động về tấm chân tình của thầy. Từ đấy tôi yêu vô cùng ngành giáo dục và ước mong mình sẽ đậu cao trong kỳ thi sư phạm này như lời tiên đoán của bác xích lô, người đã chở tôi vào chiều hôm trước.

Chưa có kỳ thi nào mà tôi cảm thấy nhàn nhã như kỳ thi này, vì chẳng màng đến chuyện đậu rớt. Sau khi ăn xong ổ bánh mì ốp la kèm với ly trà đá, tôi tản bộ theo con đường bãi biển, và lần đầu xuất thần với mấy câu thơ: Biển Nha Trang cong cong hình số 8/ Ta ghen cùng cánh sóng vỗ bờ xa/ Cát níu chân ai mà trải ánh trăng ngà/ Hồn gió thoảng âm vang lời Sông Hậu.
Bài thơ chẳng có gì đặc biệt nếu tôi không thố lộ một tâm sự rất thầm kín. Cách đấy vài tháng trước, sau khi thi xong kỳ Tú tài phần một tại thành phố biển này, tôi được cô em họ rủ đi chơi bãi biển cùng một số bạn gái bằng xe đạp. Thiếu xe nên tôi được phân công chở một cô bé đệ tam rất xinh. Lần đầu tiên chở bạn gái, tôi rất hồi hộp, dù đạp ngược gió những vòng xe vẫn lướt băng băng. Cô ta là học sinh trường Nữ Trung Học Nha Trang, gốc miền Nam nên giọng nói tiếng cười nhẹ và trong như nước Cửu Long... Nhớ nhất là lúc viếng Dinh Bảo Đại, cô ta nũng nịu kéo tay tôi leo lên những bờ cỏ mềm thoai thoải, đôi ba nụ sứ rơi quanh chỗ chúng tôi, mùi thơm thoang thoảng như muốn nói lên một điều gì... Vòng về, đường nhiên tôi phải ghé lại nhà cô ta để trả xe. Ngôi nhà ngói nhỏ có sân vườn, đẹp nhất là chiếc cổng có vòm hoa ti gôn rộ nở bên trên, bất chợt tôi nhớ đến bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của TTKH...
Kỳ thi tuyển vào Sư Phạm Quy Nhơn này tôi không quên ghé thăm nhà cô ta, nhưng người nhà bảo chủ cũ đã bán nhà để chuyến vào Nam. Bâng khuâng tôi nhớ lời H., cô bạn ngày nào: «Sau này em ước được làm cô giáo»... Tôi ngẩn ngơ không biết đấy có phải là mối tình đầu của mình hay không. Nhưng đoan quyết một điều là cũng nhờ vào câu nói ấy mà tôi ao ước vào Sư Phạm...


Sáng hôm sau tôi lại dậy thật sớm để kịp ra phi trường đáp chuyến bay trở lại quê nhà, vì vé máy bay của tôi thuộc diện khứ hồi. Tôi định sang bên kia đường để «đổ xăng» cho cặp giò bằng một ổ bánh mì xa xíu, mà hình như tôi đã ghiền loại thức ăn bình dân này từ ngày làm sĩ tử xa nhà. Chợt tôi gặp lại bác xích lô, người làm đề tài để tôi trả bài trong giờ thi vấn đáp hôm qua:
- Thi tốt không cháu?
- Dạ cũng tạm được. Có lẽ nhờ bác đấy

Bác xích lô khá ngạc nhiên về câu trả lời của tôi... Ông lại mời tôi đi xe:
- Cháu mở hàng tốt lắm, hôm kia bác chạy khá hơn mọi ngày...
Tôi phân vân giữa việc nên đi xe hay ăn một ổ bánh mì vì túi tiền tôi không cho phép tôi chọn cả hai... Cuối cùng tôi bước lên chiếc xe mà tôi đã từng vẽ lại trong giờ thi ngày trước.

An vị trên phi cơ, bụng tôi bắt đầu réo gọi vì đói...
- Mời cháu ăn miếng bánh
Nhìn lại tôi nhận ra thím hành khách cùng chuyến bay. Trên đường về hướng máy bay, người đàn bà ấy vừa bồng em bé vừa xách chiếc vali khá nặng, tôi đã xách hộ chiếc vali ấy. Tôi ái ngại cầm miếng bánh champagne khá bự từ tay người phụ nữ với một ý nghĩ mới: chẳng có gì mất đi khi ta gieo chúng vào đúng việc lợi lành cho người khác...

Sau đấy không lâu, ba tôi nhận được từ đâu đấy tin tôi chính thức đậu vào trường Sư Phạm Quy Nhơn với vị thứ thứ tư...
Sau mùa thi là những ngày khai trường. Các thầy cũ thường đến nhà tôi để báo tin vui là các vị ấy đã xin được thầy hiệu trưởng đồng ý cho tôi dự học lớp Đệ Nhất thay vì học lớp Đệ Nhị, họ hối tôi về văn phòng trường để chọn ban và chọn lớp. Nhưng ba tôi đều nhất quyết chối từ. Nhiều thầy lắc đầu và nói riêng với tôi: «Thầy không hiểu ba em nghĩ sao mà buộc em vào trường Sư Phạm Quy Nhơn thay vì để em vào Đại Học, với một người thi băng mà đậu như em». Nghe lời các thầy cô, tôi chỉ biết nghẹn ngào.
Nhìn ba tôi lo cho tôi từ chiếc vali mới đến việc sơn lại chiếc xe đạp và tháo rời nó để tiện vào bao hàng cho việc gởi máy bay. Tôi cũng không cầm lòng được. Tôi về ngồi lại cùng các bạn nơi lớp cũ mà nhủ lòng, mai này ta phải xa nhau. Thì ra cuộc đời này không bao giờ có chuyện gặp gỡ mà lại không có giấy phút chia ly.

Chuyến bay về Quy Nhơn sắp cất cánh, tôi mang theo lòng bao buồn vui lẫn lộn. Bất giác tôi cảm thấy mình như những cánh diều tuổi thơ, bay lên cùng mây gió...

Và các bạn ơi, đấy là những nhân duyên để tôi đến với ngôi trường Sư Phạm Quy Nhơn cách nay hơn nửa thế kỷ, mà tôi cứ ngỡ chừng chỉ mới hôm qua.

NGUYỄN DUY TẨM


No comments: