Xa quê hương, yêu quê hương
Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng
Nam, tan hoang vì bão lụt hôm 30 Tháng Mười, 2020. (Hình minh họa: Manan
Vatsyayana/AFP via Getty Images)
Chiều cuối tuần bước ra khỏi cửa văn
phòng ngày đã muộn, mặt trời đang xuống thật thấp ánh lên một màu cam ráng hồng
ửng sáng cả một khoảng trời rộng trước khi nhường bước cho bóng đêm phủ kín khắp
vạn vật.
Dòng xe cộ nối đuôi nhau ngoằn ngoèo trước
ngã tư đèn đỏ, tưởng chừng như kéo dài thêm vài phút chờ đợi. Với tay nhấn nút
bài nhạc cô em gái NVan Minivan Nguyen chuyển cho nghe. Tác giả đang lả lướt
trên phím đàn piano. Những nốt nhạc quen thuộc đủ để làm hồn tan chảy: “Khi
người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu/ Cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn…”
(“Người Yêu Tôi Khóc,” nhạc Trần Thiện Thanh).
Một nỗi nhớ len nhẹ, hồn bâng khuâng.
Hương mùa Thu lãng đãng, cảm nhận ngọn
gió đầu mùa đang thổi bùng vào đám lá vàng khô nép ngoan vào nhau trên thảm cỏ
còn mướt xanh lấp lánh hạt sương đêm. Con đường quen thuộc hằng ngày trên con dốc
nhỏ dẫn về căn nhà yêu dấu bên Đức mà tôi thường lang thang một mình, ngắm nhìn
thiên nhiên lúc giao mùa.
Đám mây trắng từng cụm lững thững trôi
dưới bầu trời xanh. Nhớ quá cánh rừng phủ kín lá thông đỏ, lá vàng rơi lấp đầy
lối đi, tôi nhớ mình hít hà mùi thơm của hương mùa Thu căng đầy lồng ngực, dõi
mắt ngước nhìn những rặng cây chập chùng, san sát nhau vươn cao. Đứng trên ngọn
đồi phía sau nhà đưa mắt nhìn xuống những nóc nhà lợp mái ngói đỏ tinh tươm,
khói lam chiều len lỏi vút cao như hồn ai vừa thoát tục.
Mùa Thu gõ cửa.
Nhưng, cái êm đềm lãng mạn thơ mộng của
Thu năm nay lại mang nhiều nước mắt ở quê nhà.
Mưa lũ dâng cao, những ngôi nhà xiêu vẹo
đổ ụp theo sóng nước, cuốn phăng mọi thứ trên đường.
Mái rơm xám ngoét, mặt người xám ngoét,
co ro run rẩy, cụ già-em bé-cha mẹ lạc nhau trong đêm giữa dòng nước hung hãn.
Tiếng gà, vịt, heo bò kêu eng éc vô vọng
cất lên vài âm thanh rồi chìm ngủm tuyệt vọng.
Dòng nước đục ngầu dâng cao, dâng cao.
Người, thú, nhà trôi dạt mất… hút…
***
Những cánh rừng trơ dấu bị chặt tan
hoang để đua nhau xây những căn nhà đởm dáng. Những bộ bàn ghế làm bằng gỗ quý
hợm hĩnh khoe mẻ trong căn phòng khách của những tên cán bộ hay người giàu xổi
đã để lại biết bao hậu quả thương đau cho dân nghèo miền Trung khi lũ tràn về.
Nếu không có biện pháp nghiêm minh bảo vệ
rừng nguyên sinh chặt chẽ, không bảo vệ môi trường thiên nhiên thì chắc rằng
dân nghèo miền Trung vẫn còn oằn mình gánh chịu bao hậu quả thiên tai.
***
Thu năm nay nhớ quê hương, thương về miền
Trung, người già, em bé.
Cầu mong cơn lũ qua nhanh để mọi người
chung tay, góp sức đem tình yêu thương nhân loại xoa dịu vết thương, xây dựng lại
ngôi nhà, trường học cho em thơ.
Khi nào dân miền Trung quê tôi thoát
đói, thoát nghèo để cùng nhau hát bài tình ca “Tình Hoài Hương” mà Phạm Duy đã
trải lòng:
“Quê
hương tôi có con đê dài ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn
…
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương, yêu quê hương.”
No comments:
Post a Comment