Biệt thự Pháp cổ $35 triệu ở Sài
Gòn của Trương Mỹ Lan ‘dừng thi công’
October 25, 2022
SÀI GÒN, Việt Nam (NV)
– Biệt thự
kiến trúc Pháp cổ ở Sài Gòn của bà Trương Mỹ Lan đang được trùng tu gần hoàn
tất thì bị “dừng thi công” theo lệnh của công an.
Tờ Thanh Niên ngày Thứ
Ba, 25 Tháng Mười, cho phóng viên đến tận nơi có tòa biệt thự cổ cả 100 tuổi
tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần (tên cũ thời VNCH là Trần Quý
Cáp) để tìm hiểu vụ việc và viết bản tin về vụ việc nói trên.
Biệt thự Pháp cổ “ba mặt tiền” ở Sài Gòn mà bà
Trương Mỹ Lan mua với giá $35 triệu. (Hình: Thanh Niên)
Hiện tại, ngôi biệt
thự cổ có địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần, theo bản tin của tờ Thanh Niên, đã phải
“dừng thi công” theo lệnh của Công An thành phố kể từ khi bà Trương Mỹ Lan, chủ
tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt ngày 8 Tháng Mười vừa qua cùng với ba
thuộc cấp. Họ bị cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra tại công ty cổ
phần tập đoàn đầu tư An Đông và các đơn vị liên quan”, tức đều là các công ty con
của tập đoàn Vạn Thịnh Phát mà bà Trương Mỹ Lan là chủ tịch.
Vụ án gây rúng động dư
luận vì bà Trương Mỹ Lan là người đang ôm khối tài sản bất động sản “khủng”
nhất Việt Nam, có thể trên cả tài sản của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng. Báo chí
quốc tế đề cập tới vụ này còn cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam và ông Nguyễn Phú
Trọng, tổng bí thư, đụng vào bà Trương Mỹ Lan, có thể đụng tới tài phiệt Hồng
Kông và Singapore và thế lực ngầm ở đằng sau họ tại Bắc Kinh.
Tuần trước, tin tức
cho hay công an đang điều tra 156 bất động sản của bà Trương Mỹ Lan, đặc biệt
là những tài sản có nguồn gốc từ “tài sản công.” Nhiều tòa nhà, khu đất “vàng”
trị giá hàng chục tới hàng trăm triệu đô la ở Sài Gòn bị các quan cầm đầu các
tổ chức hay công ty quốc doanh, ban đầu “góp vốn” kinh doanh với tư nhân rồi
ngay sau đó, bán lại cổ phần cho “đối tác” với giá rất rẻ. Ai cũng hiểu là các
quan phải được “lại quả” với các số tiền “khẳm.”
Theo tin tờ Thanh Niên
nói trên, vì tòa nhà thuộc diện “nhà cổ” phải bảo tồn, tức không được phá bỏ xây
mới. Bà Trương Mỹ Lan đã giao cho một công ty ở Singapore thuê chuyên gia là
kiến trúc sư tên Nicolas Viste từ Pháp qua lập dự án trùng tu rất công phu và
tốn kém để có thể hoàn tất gần với ban đầu nhất. Vật liệu từ của kính, lan can
sắt, gạch, sơn… phải tìm kiếm và đặt mua từ Pháp, Đức rất công phu vì “rất khó
tìm” rồi chở bằng tàu về Việt Nam.
“Để trùng tu căn biệt
thự này, kiến trúc sư đã phải nhờ đến các chuyên gia để nghiên cứu về nước sơn,
tranh tường cũng như phương pháp sơn, vẽ được sử dụng tại căn biệt thự. Đồng
thời, một bậc thầy về đồ sắt người Pháp cũng hỗ trợ vị kiến trúc sư này về các
họa tiết trang trí bằng sắt được sử dụng trong căn biệt thự. Các chuyên gia đã
cùng nhau nghiên cứu, khảo sát trong khoảng thời gian gần ba năm,” theo báo Thanh
Niên.
Nay, khi gần hoàn tất
thì phải ngưng lại. Biệt thư Pháp cổ nói trên mà bà Trương Mỹ Lan có được, qua
một công ty con đứng tên mua “lòng vòng” năm 2015 một thời gian rồi cuối cùng,
năm sau, mới cho sang tên cho cô con gái của bà tên là Chu Duyệt Phấn. Dạo đó,
một số tờ báo tại Việt Nam đã ồn lên ít ngày nhưng sau đó đi vào quên lãng.
Trước khi sang tên đổi
chủ, biệt thự “ba mặt tiền” 110-112 Võ Văn Tần (góc đường Võ Văn Tần – Bà Huyện
Thanh Quan – Nguyễn Thị Diệu) thuộc sở hữu của hai người là Đặng Kim Chi (sinh
năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934). Người tên Đặng Kim Chi sống
tại biệt thự này trong khi người tên Nguyễn Kim Sa Dang quốc tịch Mỹ, ở Mỹ.
Biệt thự hai tầng có
diện tích xây dựng khoảng hơn 2,000 mét vuông trên diện tích đất là 2,819 mét
vuông. Khi rao bán chủ nhân ngôi biệt thự đòi bán với giá $47 triệu nhưng đến
năm 2015 thì bán cho một công ty có tên là Minerva với giá thời đó là $35
triệu.
Dư luận dạo đó cũng đã
xôn xao vì giới kinh doanh địa ốc không biết công ty Minerva “ở đâu chui ra” và
tiền ở đâu nhiều đến vậy. Khi đi tìm hiểu thì được biết công ty này cũng mới
được thành lập ở Sài Gòn ngày 27 Tháng Năm, 2015, mà tổng giám đốc là Dương
Hoàng Danh (sinh năm 1973). Nhà báo đến địa chỉ công ty Minerva tại số 20
Nguyễn Huệ, quận 1, thì được chỉ đến địa chỉ 22 Nguyễn Huệ tức trụ sở tập đoàn
Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Sang năm 2016 thì Chu
Duyệt Phấn (lúc đó mới 21 tuổi, con gái bà Trương Mỹ Lan và ông Chu Lập Cơ, tài
phiệt Hồng Kông) cùng với người chị họ tên Trương Huệ Vân thành lập công ty
mới, được sang tên làm chủ biệt thự Pháp cổ nói trên. Đến năm 2019 thì bắt đầu
dự án trùng tu.
Biệt thự Pháp cổ nói
trên về tay bà Trương Mỹ Lan chỉ khoảng hơn một năm sau khi ông Dương Chi Dũng,
cục trưởng Cục Hàng Hải dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng, và một số
người bị lôi ra tòa vì tham nhũng hối lộ qua vụ mua bán “Ụ nổi” đồ sắt phế
thải. Đầu năm 2014, ông Dương Chí Dũng khai đã cầm của bà Trương Mỹ Lan nửa
triệu đô la nhờ hối lộ cho ông Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng Công An, và $1 triệu
cho ông Trần Đại Quang, bộ trưởng Công An, để được giúp đỡ trong vụ thầu di dời
Cảng Sài Gòn.
Bên trong công trường trùng tu biệt thự 110-112 Võ
Văn Tần vẫn còn ngổn ngang. (Hình: Thanh Niên)
Khi vụ án đang diễn ra
thì Tướng Phạm Quý Ngọ chết vì ung thư gan trong khi ông Trần Đại Quang đang
còn là bộ trưởng Công An nên không có cuộc điều tra nào được thực hiện. Giờ thì
ông Quang cũng đã chết. Các số tiền bà Trương Mỹ Lan hối lộ cho hai ông tướng
đứng đầu Bộ Công An sau đó cũng bị đẩy cho chìm xuồng luôn ngay dạo đó.
Báo chí trước đây
thỉnh thoảng cũng có một số lần đặt dấu hỏi về số tài sản “khủng” của bà Trương
Mỹ Lan nhưng cũng chỉ như “ném đá ao bèo.” Các tin tức về diễn tiến vụ án “Lừa
đảo chiếm đoạt tài sản” của bà Trương Mỹ Lan và thuộc cấp đang bị nhà cầm quyền
Việt Nam khống chế hoàn toàn.
Ba cái chết rất nhiều
bí ẩn và đột ngột của ba thuộc cấp của bà là Nguyễn Tiến Thành, Nguyễn Phương
Hồng và Nguyễn Ngọc Dương, báo chí bị cấm đưa tin, tìm hiểu.
Bản tin về việc “dừng
thi công” tòa biệt thự cổ Pháp ở Sài Gòn mà tờ Thanh Niên đưa tin ngày 25 Tháng
Mười, khá hiếm hoi trong không khí bí ẩn bao trùm vụ án. (TN)
No comments:
Post a Comment