Wednesday, November 2, 2022

NƯỚC MẮT CỦA THUYỀN (NHẤT PHƯƠNG)

 


Dường như đêm càng về khuya, tiếng sóng vỗ bờ càng trở nên thẩn thơ, lặng lẽ (?!). Tiểu Mi dõi mắt nhìn vào biển cả mênh mong, bát ngát dập dền, hướng lòng về quê mẹ. Xa xôi gì đâu chứ, chỉ mới xa nhau có mấy ngày thôi mà… Kỳ lạ thay, mặc dù lòng cố nhủ lòng như thế, Tiểu Mi vẫn cảm nhận như có “sự gì to lớn lắm” cứ xoáy xoay muôn chiều trong lòng ngực khiến nàng khó thở.

 

Hướng ấy, xuôi theo bờ cát dài thăm thẳm, là nơi nàng được cha mẹ sinh ra, cùng lớn lên, cùng sống suốt bao mùa nóng bỏng lửa chiến chinh Nam Bắc với đại gia đình họ Phạm của nàng. Đêm nay, trăng rơi thoi thóp nhưng lòng Tiểu Mi còn thoi thóp hơn trăng, phản chiếu vào đôi mắt khiến nàng như bị chìm sâu vào rừng Tương-Tư. Nhìn về hướng quê nhà, lòng như có ai cào xé tan hoang từng mảnh vụn. Nỗi đau hợp với nỗi buồn tạo thành một nỗi thê lương, khiến nước mắt cứ tự do trào tuôn mãi không ngừng

 

Biển ơi ta nhớ người- Ta nhớ lắm biển ơi…

 

Có tiếng chân ai khẽ khàng rón rén thật gần. Trong tĩnh lặng, tiếng chân dù nhẹ đến đâu cũng không thể nào không hiện hữu. Rồi âm thanh nhẹ tênh như cánh gió vờn hiu hiu nhàn tản:

-Này cô bé, đêm không còn sớm nữa, hãy trở về căn lều của cô đi.


Bóng người vừa cất tiếng cao lêu nghêu, giọng trầm như chuỗi dương cầm dập dồn trước khi chấm dứt một bản nhạc buồn đầy tiếc nuối.

-Chào anh, quán cà phê đã đóng cửa rồi sao?

Người vừa được Tiểu Mi chào thân mật tiếng anh, lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh nàng. Đó là “anh chủ quán cà phê” bất đắc dĩ, như lời anh đã thố lộ, ở lần gặp gỡ đầu tiên, chỉ mới tối hôm qua cũng tại chỗ này.

-Chẳng cần đóng hay mở, vì tự nó đã không có cửa.

Tiểu Mi quay nhìn người bạn vừa quen, cảm thấy một chút gần gũi:

-Ô, đúng vậy, Tiểu Mi mới đó đã quên, tối hôm qua anh đã nói rồi. Xin lỗi nghen anh Dương.

Người chủ quán tên Dương, có quán bán…, à không, nên gọi là túp lều cà phê thì đúng hơn:

-Tối qua cô cũng đến đây nhìn biển. Cô thích biển lắm phải không?

-Thích biển? Tiểu Mi yêu biển anh Dương ạ. Quê cha của Tiểu Mi nằm cạnh biển. Cha lại thi hành bổn phận của một thủy thủ vượt trùng khơi. Hơn trên tất cả, suốt chiều dài hình cong tiếp nối với quê cha là biển. Mà yêu biển, dường như… cũng là điều khá tự nhiên của hầu hết những con người dám cởi lên sóng gió để tìm kiếm tự do như anh, như Mi.

 

Dương âm thầm lắng nghe không góp ý, chỉ nhẹ nhàng bảo Mi:

-Cô nên an hưởng niềm hạnh phúc đã đến được chốn đây an toàn. Chúng ta đang ăn cơm của Liên-Hiệp-Quốc. Trên hải đảo này, còn điều gì khiến lòng cô mang nhiều niềm trắc ẩn như thế?

Tiểu Mi không trả lời. Nàng âm thầm quan sát người bạn mới tên Dương. “Hắn ta” là ai? Lời nói của hắn biểu tỏ sự an phận, chấp nhận hiện tại, không thắc mắc, đúng là một kẻ vô ưu. Vậy, hắn có đáng tin cậy để Tiểu Mi sẻ chia bao nỗi nhớ nhà nhớ đất? Túp lều cà phê hắn mở ra đã được ba tháng, còn Tiểu Mi mới cập bờ tờ mờ sáng hôm qua… Buổi tối đầu tiên trên đảo hoang lạ lẫm, Tiểu Mi không tài nào chợp mắt, đành lang thang ra biển, và gặp Dương. Người thanh niên thoạt nhìn còn khá trẻ.

Theo lời anh kể, là người duy nhất trong sáu sinh viên còn sống sót sau chuyến hải hành. Tất cả đều là bạn học độc thân vui tính. Tàu của các anh đã nhìn thấy bến an toàn, nhưng vì trên tàu không có đàn bà trẻ nhỏ nên Cao Ủy LHQ chưa cho lệnh nhập cư, bắt phải thả neo xa bờ chờ cứu xét. Cao Ủy lo sợ họ là Việt Cộng trá hình. Ngay tối hôm đó, một cơn bão bất ngờ ập tới khiến chiếc thuyền bị lật úp giết chết năm người.

Dương may mắn “bị” sóng dữ nhồi xô tắp liệng vào bờ. Thẩm quyền cứu anh, để anh nhập cư với lời xin lỗi đầy tiếc nuối cho tai nạn xảy ra không điềm báo trước. Dương nói, anh ngơ ngáo cả tháng trời mới bình tỉnh trở lại, và thấu hiểu triệt để ý nghĩa của hai từ “định mệnh”. Nhờ chút ngoại tệ mang theo dấu kỹ trong cạp quần jean, anh vận động với lính Mã Lai mở túp lều bán cà phê để giết chết nỗi buồn, cốt tạo chỗ riêng tư, dễ dàng trao đổi tin tức quê nhà cùng những thuyền nhân mới tới, (dĩ nhiên là phải chia chát với họ). Lính Mã Lai đã mang hàng từ Mersing qua đảo bán cho dân tỵ nạn. Có tiền là có hàng, từ củ cà rốt cho tới táo tàu, đậu phọng… Những người đến trước Dương mang theo được nhiều tiền, đã mở hẳn vài tiệm tạp hóa nho nhỏ hành nghề trên Bắc đảo.

 -Anh Dương ạ, Mi may mắn hơn anh, sau hơn năm ngày vật vã cùng định mệnh như anh nói, chiếc tàu mong manh của Mi cũng vào bến an toàn. Mà lạ lắm anh biết không, từ sáng đến giờ Mi chỉ ăn một nửa gói mì khô được phát, vậy mà cảm thấy no ngang, như vừa ăn xong một tô xôi mẹ nấu.

-Các cụ của mình gọi đó là no hơi Mi ạ. Mà Mi đi một mình hay có gia đình anh chị em?

-Chỉ hai chị em. Chị của Mi ốm yếu lắm, còn mệt lã nên đang nằm dưỡng sức trong lều.

Dương vươn vai đứng lên mời Tiểu Mi:

-Vậy nếu không ngại, mời Mi đến túp lều không cửa của Dương uống cà phê nhé?

 

Từ lúc nào…, Dương thản nhiên gọi nàng bằng tên và cũng xưng tên thân thiết vậy? Không còn…tôi cô như hồi mới gặp tối hôm qua. Mi năm đó vừa tròn 19 tuổi. Nhìn Dương, Mi đoán “hắn ta” già lắm cũng khoảng chừng 24-25.

 -Mi chưa từng nhận lời uống cà phê với ai cả, chỉ nhấm nháp tí chút để thức khuya học bài thôi. Tối nay Mi sẽ thử lần đầu tiên trên hải đảo, cho biết mùi Tỵ Nạn.

 

-Mùi tỵ nạn? Là mùi Mi mới “phát minh” ha ??!. Vậy ly cà phê này là ly cà phê Tỵ Nạn, nó có ý nghĩa đặc biệt gì với Tiểu Mi?

 

-Là mùi chát đắng, mùi tủi thân độc hành, mùi mồ côi tổ quốc, là… -Thôi Mi, không nên khẳng định thêm về tình trạng của ly cà phê Tỵ Nạn nữa.

 

Dương hiểu ý của Mi rồi. Mi nghĩ nhiều như bà già năm mươi tuổi vậy. Chiến tranh thật quái ác, đã làm con người vừa khổ vừa khôn hơn tuổi thật. Nhưng hãy cố quên quá khứ mới dễ dàng chấp nhận hiện tại và tiếp tục sống còn, được không? Quá khứ sao? Tiểu Mi im lặng, âm thầm song hành cùng đêm đen. Hai người đi dọc theo ven bờ, lần lên trung đảo. Tiếng nước leo trèo chọc ghẹo bãi cát buổi khuya, âm ỉ khác gì tiếng than thầm của người cùng khổ? Có phải tại lòng buồn nên biển cả dường như cũng đang cố dấu ít nhiều chuỗi sóng vô ưu, an bình của chính nó? Hai người đến túp lều không có cửa.

 

Dương loay quay nhóm bếp, tuy cẩn thận nhưng khá nhanh gọn, xứng đáng làm chủ lều du mục. Chừng mươi phút sau, hai người đã có trong tay ly cà phê đầy quyến rũ. Nhìn chất nước tuy đen thui như lòng đêm, nói theo sự nhận xét quê mùa kỳ cục của Tiểu Mi, lại đang tỏa đầy hương thơm huyền dịu, Tiểu Mi tự hỏi có phải đây là mùi tượng trưng cho nét đặc thù độc đáo của những con người yêu chuộng tự do, cố dấu mình trong bóng tối để di hành, quyết tâm kiếm tìm mọi miền an cư tỏa sáng ở bất cứ nơi nào biết quý trọng nhân quyềnlàm quê hương, cho một tương lai thật gần mà họ vững tin là có thật?

 

Túp lều cà phê của Dương dựng đơn sơ ở trung đảo Pulau Tengah, có thể gọi là thủ đô của trại tạm cư, vì Cao Ủy LHQ đặc văn phòng nơi đó để nhận người mới tới cũng như tiễn người ra đi. Đường từ nam đảo, chỗ Mi vừa ngồi gậm nhấm nỗi buồn, đi lên “Thủ Đô”, cheo leo nối kết nhiều ghềnh đá. Lúc này, tuy đã quá mười giờ đêm nhưng chưa lều nào chịu ngủ. Ánh sáng tỏa ra lét leo hiu hắt vẫn được gọi là đèn, là thứ soi rọi niềm tin vào tình người, vào tương lai mờ ảo. Vì là đảo hoang trước khi có dân tỵ nạn nên tối mờ tối mịt chẳng có điện đường, cũng chẳng có giới nghiêm, và chẳng ai kiểm soát ai nếu đừng vi phạm kỷ luật trại (mua bán trái phép, gây gỗ ồn ào,…). Cuộc sống nơi đây tuy đơn sơ tạm bợ nhưng quý giá vô cùng. Mọi người trước lúc ra đi, gần như đã quyết tâm đánh đổi tất cả chỉ để dành cho được vài thước khối không khí tự do, như những người bạn của Dương chẳng hạn.

 

Mi ngồi xuống bên ly cà phê, lặng nhìn vào bóng tối. Hải đảo mà, trời nước mênh mong, ngàn phương gió xoáy. Mi như cảm nhận, cảm nghe, cảm thấy thấp thoáng ngoài kia, cảnh chiếc thuyền con đang bị cuồng phong dập vùi, tẩn lịm, cuốn trôi năm người cùng thuyền với Dương. Mi nghĩ đến đám bạn sinh viên của mình ở quê nhà. Hiện giờ, mọi người đang làm gì?! Bất chợt, ảo ảnh lờ mờ trong đám thân thiết “mới hôm qua” ấy hiện ra, nhưng khá đặc biệt và khá rõ nét. Một người gần gũi nhất- hay hơn một chút, một người bạn tâm đầu- hay hơn chút nữa, lãng đãng mối tình mới lớn chăng? Người sinh viên ấy, dáng dấp ngang chàng như cua, da ngâm khỏe mạnh, môi cười nửa nụ, phảng phất nét đẹp lạnh lùng của nam tài tử chính trong phim Le passenger de la pluie, cuốn phim Mi chịu ngồi coi tới coi lui mòn cả ghế trước khi sập trời ở Rex.

 

Dương ngồi xuống bên Tiểu Mi, điềm chỉ nhiều xác thuyền đã từng bị thương vì sóng gió; vì lòng tham của hải tặc dã man đục thủng hông tàu để kiếm vàng. Ẩn hiện dưới ánh đèn hiếm hoi nơi trung đảo, Tiểu Mi thấy có vài chiếc bị mù hẳn một con mắt hoặc bể “te tua” gò má… Mi đoán, có lẽ cũng bị tàu lớn chẳng đoái hoài đụng phải như tàu của Mi chăng? Nhìn chung, đám “thuyền phế binh” ấy, giống như đang gộp thành một nghĩa địa lộ thiên cho các xác thuyền đã chết.

Linh tính nào chợt hiện, Tiểu Mi bỗng quay sang nhìn Dương, hỏi dập dồn:

 

-Đêm hãy còn dài, ly cà phê vẫn còn nóng đủ để nghe chuyện về những người bạn cùng đi với Dương. Được không?

 

Dương bỗng bâng khuâng nhìn sâu vào màn đêm, cùng tầm cùng hướng Mi đã nhìn mấy phút trước, giọng đổi khác như bị sặc nước, khàn đặc cuộn trào một nỗi oan khiên:

 

-Chúng ta phải tập đánh vần hai chữ định mệnh ra sao mới đủ nghĩa nghiệt oan? Đúng hay sai mấy từ “định mệnh đã an bài ?”. Đám bạn của Dương hiền lành và học giỏi hết biết. Năm người là năm góc thềm lục địa đầy ắp tài nguyên chưa đến hồi khai phá. Họ là tương lai ngời sáng của gia đình, học đường và chắc chắn sẽ là những đứa con biết trung thành cùng đất tổ.

Tuy nhiên, chúng tôi mỗi người đều có một biệt danh, một nick-name, một tên gọi khẳng định vị trí thứ ba của tuổi học trò tràn đầy nhựa sống: - Long lèm bèm, vì hắn lúc nào cũng càm ràm những chuyện bất như ý, dai như đỉa ; -Sơn hấp háy, hắn cận thị nặng, thích toán học, luôn kiếm chuyện để chơi cùng mấy con số rút căn. Trước khi định “phát biểu” điều gì, hắn chớp mắt liên hồi như thục nữ bị nam nhân trêu ghẹo; - Trà hoa nữ, hắn hiền khô, văn hay chữ tốt, đẹp như con gái nên bị chết tên cha mẹ đặt luôn rồi; - Chất viễn tây, thích coi phim cao bồi của Mỹ, gia đình hắn ở Đ…

 

-Anh vừa nói gì? Chất v…i…e…n…..là…là một trong mấy người bất hạnh? Gia đình anh ấy ở Đà Lạt, trước cửa đường vào nhà có trồng hai cây Mimosa vàng óng làm cổng phải không?

 

-Mi cũng biết Chất sao? Ngoài nick-name Viễn Tây, hắn còn một tên gọi khác… -Chất…thư viện??!

 

****

Im lặng, xanh xao tiếng nói rồi… Đừng nhìn Mi với ánh mắt “trăm dấu hỏi” ấy anh Dương. Anh muốn biết tại sao Mi quen Chất lắm phải không? Vì thư viện là nơi Tiểu Mi đã gặp, đã quen, đã đặt tên cho người bạn tạm gọi là tâm đầu để làm kỷ niệm. Kiến thức của anh ấy, lúc bấy giờ, có khác gì một thư viện di động, hay một cuốn tự điển biết đi. Có lần, muốn thử Chất, Mi đã tự phịa ra một chữ rất ngắn nhờ anh giải nghĩa. Anh trả lời chắc nịch:

 

-Làm gì có chữ nào như thế trong tự điển hở Mi?

Lần ấy, Mi phá Chất bằng ba mẫu tự tạo nên chữ yêu viết ngược.

 

Như thế Dương ạ. Thư viện chính là nơi hẹn hò của Tiểu Mi và Chất. Đến để cùng học, cùng sẻ chia về tình hình chiến sự ngày càng trở nên bế tắc. Song song với tình trạng bi quan ngoài mặt trận, Chất và Mi đã vô cùng hãnh diện khi kể cho nhau nghe về hoàn cảnh gia đình hai bên đều có cha anh đang đánh giặc tận tiền phương, để chúng tôi còn chút yên bình lo trao dồi đèn sách tại thủ đô vàng ngọc. Phải học và thấu hiểu lịch sử lập quốc của quê hương mới đậm tình yêu đất nước. Lãnh thổ Việt Nam đã được khai phá, mở mang và gìn giữ suốt mười tám đời Vua Hùng, tồn tại đến ngày nay, nhờ lòng yêu quý nơi chôn nhao cắt rún để tạo nên hình vóc người mình, trải qua nhiều thế hệ.

 

Suốt chiều dài tính bằng đơn vị ngàn năm, trong quá trình vừa tạo dựng vừa mở mang bờ cõi, vừa bảo vệ toàn vẹn biên cương, đều nhờ vào lòng yêu nước với các gương hy sinh oai dũng của tổ tiên, của triệu triệu tấm lòng con dân Lạc Việt.

Công đức ấy đã lừng lửng la đà trên thượng đỉnh ngọn Trường Sơn, tràn lan phủ suốt mặt biển Thái Bình. Trong cuộc bể dâu, chúng ta có thể bị mất tất cả, nhưng quyết không thể để mất mẫu quốc Việt Nam với ngần ấy năm lịch sử kiêu hùng.

 

Khắc ghi công đức của tiền nhân từ thời lập quốc, và sự hy sinh âm thầm quý báu của biết bao anh hùng-anh thư, đã dâng hiến cuộc đời, nuôi nấng hoài bão tự do, là bổn phận, là cung cách thể hiện ý chí kiên cường của con dân, để biểu tỏ lòng trung thành với quê hương, biết vun bón phù sa dựng xây đất nước. Chúng ta và các thế hệ tiếp nối sẽ luôn ghi nhớ ân sủng ấy mãi đến ngàn sau.

Vậy mà đêm nay, có phải định mệnh đã an bài, để tương lai đất nước bị dìm sâu dưới lòng biển thẳm?!

 

 Ôi thuyền ơi, thôi hãy khóc đi, thuyền ơi. Khóc giùm cho Mi và cho tất cả những oan hồn đã cùng thuyền lênh đênh vượt sóng; đã cùng thuyền ôm giấc ngàn thu dưới đáy đại dương. Trong thời chiến, lời bài hát nào tràn ngập yêu thương, chiếu sáng huy chương cho người lính chết giữa sa trường “đất ôm anh đưa về cội nguồn” tha thiết dường bao thì “trong thời bình” biển cũng ôm trọn đời anh đưa đi tìm tự do như thế ấy. Quê hương mình, suốt chiều dài là biển xanh, có thể gọi là đại-dương-nước-mắt. “Những giọt nước mắt khóc cho quê hương, trong như hạt ngọc”. Mọi chiếc thuyền chở người vượt biển đều có linh hồn, có nơi hạ thủy khai sinh như Tiên Sa, Đà Nẳng, Nha Trang, Sóc Trăng, Bến Tre, Phú Quốc…vv… và…vv. Sinh quán của thuyền là quá khứ của hầu hết người miền Nam trong suốt thời gian lịch sử phủ màu tang. Xong trách nhiệm đưa người đi, thuyền chết dần với biển.

“Chỉ có thuyền mới biết biển mênh mong nhường nào”- Nếu từ giã thuyền rồi, biển chỉ còn sóng gió... ( ca khúc Thuyền và Biển, thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu).

 

Dường như, những chuyến hải hành hướng về một vùng trời quang đãng tự do, dù thành công hay thất bại, dù sống hay chết cũng đều là thảm trạng vô thường của từng cơn ác mộng.

 

Bây giờ, trùng dương đã ôm kín xác thuyền, mà sóng, mà gió vẫn triền miên trong lòng hai người trong số họ, đang ngồi đây cùng cất chung những tiếng nói không lời.

No comments: