BỐ ĐI NHÉ.
Nhân viên nhà quàn yêu cầu chúng tôi
mang quần áo và vài vật dụng thân thiết nhất để tẩm liệm chung với người quá
cố.
Tôi mở vali chọn quần áo cho bố để
mang đến nhà quàn mà nước mắt cứ tuôn rơi như một đứa trẻ, cầm cái áo này lên,
cầm cái quần kia lên tôi lại tự hỏi những thứ này đã ở với bố bao lâu rồi và bố
đã mặc chúng mấy lần rồi, nay đồ vật còn đây mà bố thì đi xa, chẳng biết những
quần áo vô tri này có biết buồn khi xa vắng chủ?
Bố có mấy bộ quần tây áo sơ mi còn mới
tinh, nhiều nhất là áo lạnh và khăn quàng cổ vẫn còn nguyên label, đó là những
quà con cháu tặng bố mỗi dịp lễ tết cuối năm suốt bao nhiêu năm nay bố mặc làm
sao hết. Tôi chọn cho bố một bộ quần áo, chiếc cà vạt, đôi vớ, đôi giày và một
chiếc áo vest, tất cả đều còn mới để bố ra đi cho lịch sự như phong cách của
bố. Nhưng tôi vẫn muốn bố mang theo hai bộ quần áo mặc rồi mà bố
từng yêu thích mặc thường xuyên, bộ quần áo đã từng thân cận với bố để về “nơi
kia” bố có thể “thay ra mặc vào” như lúc sinh tiền.
Hai vật bất ly thân của bố nữa là
chiếc mũ và cây gậy, chiếc mũ tôi chẳng biết tên gọi là gì. Mũ màu xám kiểu đẹp
và cây gậy cũng đẹp, cả hai thứ này bố đều mua trong mall Phước Lộc Thọ ở
Cali., rồi đến cặp mắt kính của bố và bộ răng giả, bộ răng mới làm, khi răng
hoàn chỉnh gởi về là lúc bố mắc bệnh ăn uống gì được đâu mà mang răng giả nên
vẫn còn để nguyên trong hộp..
Tôi gói ghém tất cả những thứ đã chọn
vào trong một túi xách để mai mang đến nhà quàn. Những món đồ này sẽ gần gũi
bố, sẽ đi cùng với bố chặng đường cuối cùng. Nghĩ thế tôi càng khóc ràn rụa
nước mắt làm hai đứa em ngồi bên cùng khóc theo.
………………………..
Hôm ấy chúng tôi may mắn đã tắm rửa
gội đầu và cắt móng chân cho bố tinh tươm, may mắn, bởi chuyện tắm rửa cho bố
chẳng dễ dàng gì. Những người già nhất là người bệnh đều không thích tắm, bố
tôi cũng thế, phải năn nỉ mãi bố mới đồng ý cho “tắm khô” ( có lẽ bố học được
từ “tắm khô” khi có lần thăm người bạn già ở nursing home, nghĩa là người bệnh
nằm trên giường, người chăm sóc lấy khăn nhúng nước lau chùi thân thể) chúng
tôi phải giả vở lỡ tay…làm nước đổ vào người bố ướt át rồi nên bố đành chịu
“tắm ướt”. Tăm xong đưa bố ra khỏi phòng tắm chị em tôi lại “dụ dỗ” tiếp nhân
thể đây để con cắt móng chân cho bố luôn. Ai ngờ ngay tối ấy 23 tháng 7, 2021
phải đưa bố vào bệnh viện Arlington Memorial Hospital cấp cứu, coi như bố tắm
rửa sạch sẽ để đi vào bệnh viện.
Suốt đêm tôi trong phòng cấp cứu với
bố, khi y tá gắn ống vào đường tiểu của bố để lấy nước tiểu thì bố đau đớn kêu
lên tôi ngồi bên chẳng dám nhìn, chỉ nghe tiếng bố kêu mà giật mình và đau
lòng. Suốt hai ngày qua bố không đi tiểu nên họ phải làm thế để lấy nước tiểu
đi xét nghiệm.
Những ngày bố nằm bệnh viện họ truyền
IV ống kim đâm trên cánh tay gầy gò nhăn nheo đến bầm tím, rồi giải phẫu, hóa
trị …tôi đã cảm nhận bao nỗi đau thân thể bố phải chịu đựng.
Tôi ở bên bố “ca một” từ sáng đến
chiều và có nhiều thì giờ “nói chuyện” với bố những lúc bố tỉnh, tôi luôn “thử”
bố, hỏi bố có biết ai đây không, lần nào bố cũng trả lời đúng “Thanh chứ ai”,
tôi lại “thử” thêm mở iphone facetime cho bố thấy nhỏ em ở Canada và hỏi bố
biết con nhỏ này không, bố vẫn chưa hề lú lẩn trả lời “Thoa chứ ai”. Tôi vui
mừng khi bố còn tỉnh táo.
Bố than lạnh dù nhiệt độ phòng tôi đã
chỉnh lại thấp nhất. Khi thấy bố nằm vùi trong đống chăn mền tôi mủi lòng khóc,
bố không mở mắt nhìn mà biết tôi khóc, cố thì thào dỗ dành là bố sẽ khỏi sẽ về
nhà sao lại khóc, chắc bố an ủi cho tôi lên tinh thần mà thôi vì lát sau bố lại
thiếp đi mê mệt.
Tôi nghe nhiều người nói và cả khi coi
phim truyện thấy rằng khi người bệnh hôn mê ta cứ ngồi bên nói chuyện, kể lại
những kỷ niệm đẹp, kỷ niệm vui, người bệnh sẽ nghe sẽ hiểu và sẽ hồi tỉnh nên
tôi vẫn cứ thỉnh thoảng gọi tên bố và kể chuyện. Biết đâu trong thâm tâm, trong
tiềm thức sâu thẳm bố cũng đã nghe thấy nhưng vì bố quá già yếu, quá mệt nên bố
chẳng hồi âm.
Bố biết con gái bố đa cảm yếu lòng và
nhát gan hay sao mà bố lựa lúc ra đi khi không có tôi bên cạnh. Hôm mồng 7
tháng tám tôi cần phải đi chợ và người em đến bệnh viện trông bố thay tôi. Khi
tôi đang trên đường đi chợ về thì em báo tin bố mất rồi, lúc 1;50 Pm. Thế là từ
ngày hôm nay tôi không có dịp đến bệnh viện “chuyện trò” cùng bố nữa.
Cuối cùng bố cũng ra đi, không một lời
trăng trối, tôi hiểu bố với tâm hồn giản dị và phóng khoáng bố coi
sự ra đi là điều tự nhiên của một kiếp người, như chuyến đi chơi xa nhưng
bố…mải vui quên trở về nhà mà thôi. Suốt 94 năm cuộc đời với đủ cả những buồn
vui sướng khổ của bản thân và thăng trầm thế sự, nhưng bố có một điều may mắn
không phải ai cũng có, bố đã được sống theo ý mình muốn, bố có sức khỏe rất
tốt, không ốm đau bệnh tật gì cho đến những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Lúc còn sống mỗi lần bố đi ra ngoài dù
chuyện lớn hay chuyện nhỏ, là cuộc hẹn với nhân viên sở xã hội, hẹn bác sĩ, ra
ngân hàng rút tiền, thậm chí bố ra chợ lấy tờ báo hay sang nhà con cháu gần đó
đi bộ chỉ “vài ba” bước, bố cũng đều ăn mặc lịch sự áo bỏ vào quần, chải đầu
tóc, đội mũ chống gậy, không thể thiếu một món gì trên người.
Hôm nay ngày 14 tháng 8 năm 2021 bố
tôi nằm trong quan tài nhà quàn Wade Funeral Home và ngày mai 15 tháng 8 bố sẽ
được an táng tại nghĩa trang Moore Funeral Home. Hình ảnh bố trong bộ đồ vest
mới, thắt cà vạt lịch sự và gương mặt bố thật tự nhiên thoải mái với cặp kính
lão, mái tóc chải gọn gàng, chiếc mũ màu xám thân quen của bố úp trên ngực và
chiếc gậy, người bạn từng đỡ đần bước chân bố lúc tuổi già sức yếu vẫn ở bên
cạnh. Bố sẵn sàng để đi vào cuộc hành trình mới.
Bố đã từng mỗi lần đi ra ngoài chỉnh
tề thế nào, giờ lần đi này bố vẫn chỉnh tề như thế ấy.
Bố đi nhé.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( Sept.15, 2021)
No comments:
Post a Comment