KỶ NIỆM VỀ BÀI HÁT ĐẦU ĐỜI CHIỀU LÊN ĐỒI THÁP TẢ NÚI
NHẠN TUY HÒA
Trần
Chí Phúc
Tuy
Hòa có ngọn núi nhỏ nằm giữa phố, trên đây có một cái tháp của người Chiêm
Thành xây hàng trăm năm trước mà dân chúng gọi là Tháp Nhạn và núi cũng có tên
Núi Nhạn. Nghe nói rằng thuở trước có nhiều con chim nhạn trú ẩn ở tháp cho nên
gọi là Tháp Nhạn.
Nhà
tôi ở sát con sông Chùa- một nhánh sông nhỏ của con sông Ba và cách Núi Nhạn
chừng vài trăm mét và cách Tòa Án cũ cũng vài trăm mét. Thuở bé thức dậy bước
ra cửa là thấy mặt sông, ngoái cổ lại là cái Tháp Nhạn rêu phong cổ kính với
ngọn núi. Hình ảnh sông và núi đó, dù sông không lớn, núi không cao nhưng ăn
sâu vào ký ức suốt cuộc đời mình.
Sát
ngọn núi Nhạn có 2 ngôi chùa; chùa Kim Cang gần đầu cầu sắt 3 nhịp và chùa Kim
Long gần nhà tôi, cách chừng vài trăm mét, thuở nhỏ thường theo ba má lên chùa
Kim Long lễ Phật. Từ chùa Kim Long có lối đi lên Tháp Nhạn chừng vài chục thước
là tới đỉnh, nhưng trơn trợt khá nguy hiểm; khác với lối đi phía bên kia núi
gần rạp hát Diên Hồng mà xe hơi và xe hai bánh có thể chạy lên thoải
mái.
Nhiều
lần, tôi và bạn bè nghỉ học và từ chùa Kim Long leo thẳng đứng lên đỉnh Núi
Nhạn tới ngay mỏm đá được gọi là “ Mũi Cà Mau”. Cách leo núi này rất nguy hiểm
vì lỡ tay trợt chân thì té xuống có thể bị thương nặng hoặc chết. Dù sợ nhưng
tôi cũng phải leo theo cùng bạn bè vì không muốn bị chê là nhát gan.
Buổi
chiều ngồi ngay mỏm đá Mũi Cà Mau nhìn biển, vùng đất bồi Ngọc Lãng bên kia
sông Chùa. Rồi xa hơn là sông Ba có cây cầu Đà Rằng bằng sắt cho xe lửa chạy
qua, dài 1100 mét. Trước năm 1975, cây cầu Đà Rằng có 21 nhịp cầu, được coi là
dài nhất Miền Nam của nước Việt Nam Cộng Hòa. Nhìn quanh là đồng ruộng xanh
tươi, là ngọn núi Chóp Chài, là thành phố Tuy Hòa với mấy con đường chính chạy
xuống biển.
Phong
cảnh thật thơ mộng; phố Tuy Hòa có sông, có biển, có đồng ruộng, có Núi Nhạn và
Tháp Nhạn cổ kính. Tháp Nhạn bên trong thờ một vị nữ thần của dân Chiêm Thành
và tháp là dấu tích văn hóa của một dân tộc đã rời bỏ nơi này vì sự Nam Tiến
của giống dân Lạc Hồng.
Tháp
Nhạn Núi Nhạn là nét đặc biệt của Tuy Hòa. Mấy chục năm trước có nhiều con khỉ
ở trên núi nhưng chỉ sau một đêm thì chúng đi mất tiêu. Thời chiến tranh có
Pháo Binh Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ trên Tháp Nhạn. Có một dạo thuốc khai
quang rải trên núi làm cây lá trơ trụi nhưng bây giờ thì Núi Nhạn trở nên xanh
tươi.
Thời
còn chiến tranh Việt Pháp thì trên Tháp Nhạn có kẻng, mỗi khi máy bay Pháp ném
bom thì dân đánh kẻng báo động để dân chúng tìm cách ẩn nấp tránh bom đạn.
Tuổi
thơ và tuổi học trò của tôi có Núi Nhạn. Trước khi từ giã trường trung học
Nguyễn Huệ, bạn bè sắp chia tay mỗi đứa mỗi nơi thì tôi nảy sinh ý định viết
một ca khúc về Núi Nhạn và kỷ niệm với bằng hữu.
Tôi
phân vân về hai chữ Chiều Lên Núi Tháp hoặc Chiều Lên Đồi Tháp, và tôi nghĩ là đồi
có vẻ thơ mộng hơn, vả lại ngọn núi Nhạn không cao lắm. Trong nghệ thuật đôi
khi cũng có nét chủ quan của tác giả, và cho đến nay tôi vẫn băn khoăn về sự
đặt tên bài hát.
Tôi
nhờ chép nhạc rồi in trên giấy Stencil, tặng cho bạn bè và vài người trong đó
có mấy ông thầy ở trường Nguyễn Huệ. Lúc đó trong ánh mắt của họ có cái gì mà
mơ hồ tôi cảm nhận thiếu sự tán thưởng nồng nàn. Mà thật ra muốn thưởng thức
một ca khúc thì phải đàn, phải hát chứ nhìn tờ nhạc thì chỉ đọc được lời ca mà
thôi. Viết được một ca khúc đầu đời, quả thật là một điều hãnh diện, đặc biệt
mãi nhớ trong đời.
Nhưng
không có người bạn nào thời đó hát dùm tôi ca khúc Chiều Lên Đồi Tháp cả. Và
bài hát chìm sâu trong phần tối của ký ức.
Cho
đến khi tôi vượt biển qua đến đất nước Canada năm 1979, rồi vài năm sau thì cô
em gái viết thư chép lời ca bản này và giúp tôi nhớ lại toàn bộ ca khúc Chiều
Lên Đồi Tháp.
“ Chiều nay lên đồi Tháp. Nhớ thương ơi dạt dào. Lòng tôi
sao trìu xuống. Đâu kỷ niệm hôm nao. Một mình trên đồi Tháp. Gió vi vu lạnh buồn.
Nhìn cỏ cây xơ xác. Ôm nỗi buồn quê hương. Chiều xuống nắng chiều thướt tha,
đồng quê bao la, vui mùa cày cấy. Quê hương ơi chiến chinh bao ngày, bao giờ
vui khúc thanh bình đó đây. Tìm đâu những chiều đẹp nắng, ta cùng ngồi lại thả
hồn bềnh bồng theo nước mây trôi. Còn đâu Tháp Nhạn êm mơ, còn đâu những ngày
vui thơ, để tôi với nỗi buồn đơn côi.
Giờ
tôi xa đồi Tháp. Nắng hiu hiu nhạt màu. Bạn bè nơi mỗi đứa. Biết có còn gặp
nhau. Tình sao mãi hờ hững. Khói lam xa lững lờ. Hoàng hôn êm buông rơi. Xin giã
từ đồi mơ.”
Năm
1982 tôi in tập nhạc Sài Gòn Em Ở Đó và có buổi ca nhạc ra mắt tại thành phố
Calgary Canada. Trong tập nhạc này ngoài những ca khúc được ưa thích như Sài
Gòn Em Ở Đó, Chiều Winnipeg, Xác Em Nay Ở Phương Nào, Mai Em Đi, Hoa Ngọc Anh
Nở Chưa Em, Thu Tiễn Người....và có bản Chiều Lên Đồi Tháp.
Đêm
ra mắt này có anh bạn Huỳnh Thắm hát bản Chiều Lên Đồi Tháp điệu Rumba và Ngọc
Trọng hát bè nghe rất rộn ràng.
Khi
thực hiện cuốn CD Chào Em Năm 2000, tôi mời ca sĩ Hương Lan thu âm bản Chiều
Lên Đồi Tháp, giọng ca ngọt ngào đậm nét quê hương. Cô ca sĩ nổi tiếng này có
duyên với Tuy Hòa vì cũng thu âm bản Tuy Hòa Quê Anh trong cuốn CD Chiều San
Francisco phát hành năm 1996.
Năm
1995 tôi từ Hoa Kỳ về thăm Mẹ ở Tuy Hòa, có nhờ người quay phim kỷ niệm . Dĩ
nhiên cảnh Tháp Nhạn không thể thiếu.
Năm
1998 nhà nước Hà Nội cho người tu sửa các tháp của người Chiêm Thành với tiền
tài trợ của UNESCO. Muốn giữ lại được nét rêu phong cổ kính của Tháp Nhạn thì
phải tốn rất nhiều công sức và thời gian, vì thế họ làm cẩu thả, dựa trên nền
tháp cũ mà họ xây mới lại. Xây mới lại thì công việc dễ dàng hơn nhưng làm mất
đi những nét cổ xưa – chính những nét cổ xưa này tạo nên giá trị cho Tháp
Nhạn. Nó giống như một cái bình cổ ngàn năm giá tiền gấp hàng trăm,
hàng ngàn lần cái bình mới.
Tôi
thật tiếc, và người dân Tuy Hòa cũng tiếc cho sự việc này. Nếu còn giữ được
Tháp Nhạn cổ xưa thì du khách bốn phương trong đó có khách quốc tế sẽ nườm nượp
đến Tuy Hòa, lên Tháp Nhạn để thưởng thức những viên gạch mà dân Chiêm Thành đã
xây nên ngọn tháp. Họ sẽ thắc mắc làm sao để những viên gạch dính liền với
nhau. Chính những nét xói mòn, những rêu phong trên ngọn tháp tạo nên vẻ đẹp mà
chỉ có thời gian nhiều năm tháng mới tạo nên.
Tôi
đã từng trò chuyện với một vài nhân sĩ ở Tuy Hòa về chương trình giúp cho Tuy
Hòa với Tháp Nhạn để thu hút khách du lịch. Nên biết rằng Tháp Bà ở Nha Trang,
Tháp Chàm ở Phan Rang, Bình Định thì không ở ngay giữa thành phố. Chỉ có Tháp
Nhạn Tuy Hòa ở một vị trí thật thơ mộng: gần sông, gần cầu, gần đồng ruộng.
Nhưng Tháp Nhạn cổ đã không còn, làm sao hấp dẫn du khách. Nên biết Hội An chỉ
có mấy chục căn nhà cổ nằm trên 2 con đường nhỏ ngắn , mà trở nên địa điểm du
lịch nổi tiếng khắp nước.
Bây
giờ Tháp Nhạn mới khác hẳn Tháp Nhạn cổ xưa. Cũng may tôi giữ được đoạn phim
quay năm 1995 dù có hơi mờ.
Biết
chút ít về kỹ thuật ráp nối phim, kết hợp phong cảnh Tháp Nhạn và bài hát Chiều
Lên Đồi Tháp đưa lên Youtube để bằng hữu và đồng hương Tuy Hòa xem nghe, để nhớ
về một thời, về hình ảnh Tháp Nhạn cổ kính đã không còn nữa.
Và
ca khúc sáng tác đầu tay Chiều Lên Đồi Tháp với tiếng hát Hương Lan được phổ
biến. Chỉ tiếc một điều ba má tôi, nhiều bạn bè cùng thời đó đã ra đi, không
còn dịp để thưởng thức. Bây giờ nghe lại ca khúc này, mơ hồ nỗi sầu mất nước
của dân Hời bàng bạc trên ngọn Tháp Nhạn.
Người
xưa bảo rằng xem tác phẩm đầu đời thì cũng đoán được phần nào khuynh
hướng và sự nghiệp sáng tác của tác giả. Đến nay tôi đã viết được khoảng 100 ca
khúc từ thương nhớ Sài Gòn, vượt biển, quê hương, thời sự đấu tranh, tình ca.
Xem xét lại thì nỗi buồn xa xứ vẫn bàng bạc trong nhiều bài hát của Trần Chí
Phúc.
Kể
lại vài kỷ niệm của sáng tác đầu đời Chiều Lên Đồi Tháp để nhớ một thời. Mời
bằng hữu thưởng thức với tiếng hát Hương Lan và hình ảnh tác giả và Tháp Nhạn
năm 1995 :
https://www.youtube.com/watch?v=YY0GkF-wfYM
No comments:
Post a Comment