Vợ chồng Việt 'xách' 100 lít mắm tôm
mở quán bún ở Mỹ
Tác giả : Việt Hà - Diệp
Bình
Nguồn: Báo Mai
Ngày đăng: 2023-06-24
Chuyện
tình "mắm tôm"
New York 17 độ C nhưng trong căn bếp nhỏ, trán anh Jerald Head vẫn lấm
tấm mồ hôi. Người đàn ông Mỹ thuần thục rán đậu trên chảo dầu. Từng miếng đậu
vàng giòn bên ngoài, béo bùi bên trong được anh đặt giữa mẹt bún, xếp vào thêm
chút chả cốm, lòng, dồi…
Cuối cùng, anh thêm chén mắm tôm tím sẫm, sóng sánh vào mẹt, mang ra cho
khách.
Món ăn nồng nàn hương vị Việt Nam ấy được bán ngay trên vỉa hè New York,
thành phố đông dân nhất nước Mỹ. Vợ anh, chị Nhung Đào đặt tên nhà hàng của
mình là Mắm NYC như cách nhấn mạnh về nguyên liệu đặc trưng nhất trong món ăn.
Năm 2016, đầu bếp trẻ người Mỹ Jerald Head tới Việt Nam để học hỏi kinh
nghiệm ẩm thực. Anh không ngờ chuyến đi lần này lại "se duyên" cho
mình. Tại đây, anh tình cờ gặp gỡ Nhung Đào khi cô đang là một nhân viên văn
phòng ở TP.HCM.
Cả hai nhanh chóng có ấn tượng tốt về nhau và bắt đầu hẹn hò.
"Đối với nhiều người, đặc biệt là người nước ngoài, mắm tôm rất nặng
mùi. Tôi không hiểu sao anh ấy lại "nghiện" món ăn này đến thế. Chúng
tôi đã từng gọi liền 4 suất bún đậu để thưởng thức cho đã thèm", Nhung nhớ
lại.
Sau khi kết hôn được 2 năm, năm 2020, Nhung Đào sang Mỹ định cư với
chồng. Đây cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành dịch vụ ăn
uống ở Mỹ gặp khó. Anh Jerald lâm vào cảnh thất nghiệp.
Nhưng cũng từ đây, một cánh cửa mới mở ra với hai vợ chồng. Từ tháng
9/2020, chính quyền thành phố New York cho phép các nhà hàng, quán ăn được bán
mang về.
Một ngày nọ, chị Nhung Đào nói với chồng: "Hay chúng ta bán món bún
đậu mắm tôm, giới thiệu ẩm thực Việt đến với nhiều người?".
Jerald liền gật đầu đồng ý. Vậy là Mắm NYC ra đời tại con phố thuộc trung
tâm China Town, Manhatta, New York. Đây là cửa hàng phục vụ thời vụ, mở cửa vào
khung thời gian cố định trong tuần.
"Xuất phát từ việc hai vợ chồng rất mê bún đậu mắm
tôm. Nhưng để tìm món này ở New York rất khó, nên mỗi khi thèm, cả hai lại lọ
mọ tự làm. Qua những lần nấu thử, chất lượng đồ ăn lại cải thiện hơn. Khi ấy
mình đã nghĩ, tại sao hai vợ chồng không thử giới thiệu món này để người dân ở
New York có cơ hội nếm thử", chị Nhung nói.
Vậy là, những mẹt bún đậu mắm tôm được bày trí "chuẩn Việt", lót lá
chuối bên dưới, đầy ắp dồi luộc, chả cốm, rau mùi… bắt đầu lan tỏa trong cộng
đồng người Việt tại New York. Thậm chí, một số khách Tây cũng đến thử món ăn
này và tấm tắc khen ngợi.
Nhung kể, cô chưa bao giờ gia giảm khẩu vị món ăn để phù hợp với người
Mỹ. Cô muốn họ trải nghiệm món Việt nguyên bản nhất. Để làm được mẹt bún đậu
mắm tôm như thế, khó khăn nhất là tìm nguyên liệu.
Mắm tôm chính là "linh hồn" của món ăn. Những ngày đầu, Nhung
đã lùng sục khắp các siêu thị châu Á để tìm mắm tôm, tuy nhiên, hương vị vẫn
không ngon như ý muốn. Cô quyết định tìm nguồn nguyên liệu ở Thanh Hóa rồi nhờ
người gửi sang. Khi cho mắm tôm hòa quyện cùng đường, nước cốt chanh và ớt sẽ
dậy lên mùi thơm tuyệt hảo. Tương tự, với chả cốm, Nhung chỉ sử dụng cốm từ Hà
Nội.
"Quán chỉ là nơi chúng tôi thuê để bán hàng, còn
mọi thứ đều làm ở nhà, từ xay đậu nành, ép khuôn làm đậu, làm chả cốm cho tới
dồi lòng. Mọi thứ đều chuẩn bị trong gian bếp ở căn hộ nhỏ nên mất rất nhiều
thời gian, công sức để hoàn thiện từ đầu tới cuối", chị Nhung nhớ lại.
Trước đó, họ đã mang chiếc máy làm đậu phụ nặng 60kg từ Việt Nam chuyển qua. Cô
gái Việt tiết lộ được bác họ ở quê nhiều đời làm đậu phụ hỗ trợ "truyền
nghề". Bên cạnh đó, hai vợ chồng thường mua loại bún khô từ Việt Nam xuất
sang, sau đó tự chế biến rồi ép thành từng tảng bún lá.
Với rau thơm, thời gian đầu chị Nhung mua lẻ ở các siêu
thị Việt ở Mỹ. Tại đây đầy đủ tía tô, húng quế, diếp cá và thỉnh thoảng cũng có
lá kinh giới.
Đến với cửa hàng, thực khách được trải nghiệm cảm giác thân thuộc như ở giữa
quê nhà Việt Nam. Nhung cùng chồng đã mua từng thứ nhỏ nhất từ Việt Nam sang
như bàn ghế nhựa, rổ tre, ống đũa, mẹt bún… Khách ăn sẽ ngồi trên vỉa hè, có
cảm giác như đang thưởng thức bún đậu mắm tôm ở Hà Nội.
Với mẹt bún đậu cơ bản có giá 14 USD (hơn 320.000 đồng), thực khách có
thể gọi thêm những đồ ăn kèm tùy thích. Còn phần bún đậu đặc biệt có giá 32 USD
(hơn 750.000 đồng). Suất ăn đầy đủ như bún đậu, dồi heo, lòng nướng, lưỡi luộc,
chả cốm, thịt chân giò luộc và chả nem rán ăn kèm các loại rau thơm.
Khách nước ngoài tăng đột biến, "phải lòng"
món mắm tôm
Thời điểm tháng 5/2022, dịch Covid-19 ở Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt cũng là lúc nhà
hàng MẮM NYC khai trương trên cùng địa điểm ở Chinatown.
Thậm chí, có hôm cửa hàng bị mất điện, khách ngồi bên trong vẫn kín chỗ.
Họ ăn trong bóng tối và cái nóng hầm hập nhưng vẫn rất hài lòng. Cặp đôi đã
"níu chân" khách hàng của mình bằng món ngon Việt Nam, sự tỉ mỉ và
tận tâm trong khâu chuẩn bị.
Khách Mỹ đến ăn bún đậu mắm tôm của Nhung đã nhận xét món ăn này thật sự
là trải nghiệm đậm đà chất Việt. Với những người không ăn được mắm tôm, cô sẽ
thay nước chấm là nước mắm hoặc xì dầu.
Không lâu sau đó, nhà hàng được các chuyên gia ẩm thực
ở thành phố New York "để mắt" tới. Tờ New York Times - một trong
những tờ báo danh tiếng hàng đầu nước Mỹ có bài viết giới thiệu "món ăn
Việt Nam hấp dẫn nhất New York".
Bài viết nhận định, ngay cả ở Việt Nam, mắm tôm cũng là thứ nguyên liệu gây
"chia rẽ". "Tuy nhiên bún đậu mắm tôm đang được tận hưởng sự đối
xử đẳng cấp tại New York, trong quán ăn Việt có tên MẮM thuộc khu Lower East
Side", tờ New York Times chia sẻ.
Trong bảng xếp hạng 100 nhà hàng Việt ngon nhất thành phố New York, quán
Mắm xếp vị trí 26. Sự xuất hiện của Mắm khiến nhiều tín đồ mê ẩm thực Việt ở Mỹ
thích thú.
Peter Well, tác giả bài viết trên tờ báo này mô tả: "Mắm tôm có màu
tím bầm, mùi dai dẳng hằn sâu vào khứu giác.
Hãy tưởng tượng khi bạn cạo cá cơm ra khỏi bánh pizza và để chúng trên
quầy vào mùa hè, bạn sẽ biết được mùi mắm tôm ra sao". Ông cũng khẳng định
điểm nhấn mà thành phần món ăn này xoay quanh đó chính là mắm tôm.
Chị Nhung cho biết, khi được chuyên gia ẩm thực từ New
York Times ghi nhận, cửa hàng thu hút lượng khách nước ngoài "tăng đột
biến".
"Khách Tây muốn trải nghiệm những gì mới lạ hoàn toàn so với những gì họ
từng biết về ẩm thực Việt Nam. Nếu như phở hay bánh mỳ đã quen thuộc, thì bún
đậu mắm tôm lại khác biệt hẳn. Dù biết mắm tôm là thứ không dễ ăn, nhưng nhiều
khách hàng tới cửa hàng trên tinh thần sẵn sàng trải nghiệm điều mới lạ",
chủ quán tiết lộ.
Đến thời điểm hiện tại, chị Nhung cho biết, tới 80%
khách nước ngoài tới quán đều thích thú hoặc hài lòng khi nếm thử mắm tôm. Thậm
chí, có khách "mê" tới mức có thể ăn được hai bát.
Mỗi ngày, quán bán trung bình khoảng 100 suất bún đậu đặc biệt. Do quy mô còn
nhỏ nên đôi khi khách tới và phải về vì hết đồ. Hiện nhà hàng vẫn duy trì mở 3
ngày từ thứ 6 đến chủ nhật và dự kiến sẽ mở thêm một ngày nữa trong tuần vào
thời gian tới.
Nếu như thời gian đầu chỉ có hai vợ chồng cùng nhau xoay xở mọi việc, thì
nay lượng khách tăng vọt khiến đội ngũ nhân viên cũng đông thêm.
Ngoài món chủ đạo, thực đơn của cửa hàng hiện đã thêm
các món "ăn vặt, ăn chơi" để thực khách lựa chọn, như chả ốc cuốn lá
lốt, gỏi nghêu trộn rau răm, cà tím nướng chấm nước sốt xì dầu với trứng lòng
đào, chân gà ngâm sả tắc, cùng vài loại đồ uống như trà tắc, đá me, nước sâm,
sữa đậu nành.
Chị Nhung và anh Jerald cho rằng, thực khách nước ngoài rất mê ẩm thực Việt Nam
bởi mỗi món lại có hương vị đặc trưng riêng.
Mùa xuân năm 2023, sau kỳ nghỉ tại Việt Nam, đôi vợ chồng đã trở lại Mỹ
với 100 lít mắm tôm.
"Để tìm nhà hàng món Việt ở Mỹ khá dễ, nhưng quán ăn phục vụ món
chuẩn Việt lại không đơn giản. Bởi vậy chúng tôi luôn ấp ủ mang hương vị thuần
chất nhất, không lai tạp hương vị trên đất khách, để người nước ngoài được tận
hưởng món Việt thực thụ", chị Nhung trải lòng.
Trong thời gian tới, cửa hàng sẽ thuê thêm căn kế bên để mở rộng diện
tích quán. Với căn bếp lớn hơn, vợ chồng chị Nhung, anh Jerald hy vọng sẽ mang
tới thêm nhiều trải nghiệm cho thực khách.
Việt
Hà - Diệp Bình
No comments:
Post a Comment