Những mẫu
chuyện rất cảm động về tình cha.
Very touching stories about father's love.
NHỮNG ĐÔI CHÂN
Mới giữa tháng, Kiên đã gởi thư về xin thêm
tiền. Ba thở dài xoa đầu đứa con út:
- Thôi, để một thời gian nữa mới tính chuyện
mua xe đạp cho con vậy nhé!
Nhưng, cả năm bị mất mùa. Cả nhà gồng gánh hết
sức mới tạm đủ tiền cho Kiên, nói chi đến việc mua một chiếc xe đạp cho đứa con
út.
Tết, Kiên đóng bộ thật bảnh về nhà. Ba mẹ và
em mừng rỡ ra đón. Kiên tháo đôi giầy ra, và chợt nhìn xuống chân: chân ba mẹ
nứt nẻ vì công việc nhà nông vất vả, chân em sần sùi, đen đủi vì phải lội bộ
gần chục cây số đến trường hàng ngày. Chỉ có chân Kiên trắng hồng.
CHAI RƯỢU
Trước khi cô về thăm nhà, luôn gọi điện cho
cha: “Cha ơi, cha có cần gì không?”
Cha cô đáp: Dùng không hết. Lãng phí tiền làm
gì con?
Từ đó, cô luôn về tay không.
Lần nọ, khi đi công tác, nghĩ rằng cha thích
uống rượu, nên mua một chai mang về.
Một năm sau đó, cô vô tình gặp cô hàng xóm gần
nhà. Người hàng xóm kể: “Chai rượu cô mua cho cha. Cha cô để giành uống cả một
năm, gặp được ai cũng khoe đó là của con gái mua cho“.
Mắt cô ươn ướt, sống mũi cay cay.
BA
Xưa, nội nghèo, ba đi ở cho ông bá hộ, chăn
trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng.
Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người
cùng cơ quan. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà
nghỉ cho khỏe.
Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy
người.
Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết
chừng nào, mà giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
LỜI NÓI DỐI CỦA CHA
Mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: “Để tao ăn đầu và xương”.
Nó nhanh nhẩu: “Tại sao hả cha?”
Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị: “Vì cha già
rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau – cái này gọi là ăn óc bổ óc,
hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu
hả?”
Nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật.
Đến bữa nó nhanh nhẩu xẻ đầu và xương cho cha, ba anh em tranh nhau phần thịt.
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của cha nó.
Nhìn di ảnh ba gầy còm, nở một nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to đùng,
vàng tươm mỡ vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu
hiện về nhói lòng vô tận.
Nó phải giấu vợ con, quay mặt lau nước mắt.
Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi. Nó không thể xóa đi
được cái ý nghĩ “nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế”.
Vừa khấn vái, nó lại bất giác kêu lên những
tiếng “cha” từ trong cổ họng.
Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con
cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: “Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ
đi”.
Vợ hiểu, nên bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có
cô con gái nhỏ là thắc mắc “Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm
đau ba đấy”.
Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chầu
chực nơi cổ họng vào trong, bảo “Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau
con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu”.
Nó vừa ăn, vừa cố cho những giọt nước mắt
không tràn xuống bát cơm.
TÔ MÌ
Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy
nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được.
Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con
ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó : "Con ăn đi, ba
no rồi !"
Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi
mới đủ tiền trả tô mì ..
15 năm trôi qua . Em tôi đã là một cô giáo.
Hôm lãnh tháng lương đầu tiên về , nó cầm xấp tiền tần ngần hoài . Tôi hỏi :
- Nhỏ định mua sắm gì đây ?
- Em sẽ mua tô mì thiệt ngon để cúng ba !
MÙA THI
Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục
cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
- Con làm bài tốt không?
Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
- Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không
làm bài được.
Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú
Bảy còi:
- Ba con có đến không?
Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
- Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.
BA TÔI
Học lớp 12, tôi không có thời gian về
nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân
lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe
máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn
ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: ”Có dư đồng nào không
con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp: ”Cho ba bớt hai ngàn, để
lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…
BỮA CƠM TRƯA
Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân,
tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo., khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé
vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai
lang nhỏ ngồi ăn. Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.
Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần
sáu mươi tuổi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng
đồng gửi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba …
BA LÀ MẸ
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng,
tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải
mồ côi…”
Tôi nói với các em: “Chúng ta thật hạnh phúc
khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
– Sao con khóc?
– Con nhớ mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
– Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm
đang đứng trước cổng trường.
TRỜI MƯA
Con gái kết hôn mà không được sự đồng ý của
cha, sau đó lại ly hôn. Hai cha con vì vậy mà không nhìn mặt nhau. Con gái
nghèo khó chật vật nuôi một đứa con nhỏ. Mẹ thương con gái, khuyên con nhân lúc
cha đi bộ thì dắt cháu đến nhà ăn bữa cơm. Vậy là con gái nhân lúc cha đi vắng,
thường xuyên dẫn con về nhà mẹ ăn cơm. Cho đến một hôm trời mưa, hai cha con vô
tình gặp nhau ở trong sân. Tránh cũng không được, người cha bối rối nói: “Lần
sau về nhà ăn cơm không cần phải lén lén lút lút nữa, hại cha mưa to cũng phải
đi ra ngoài!”. Cha lúc nào cũng âm thầm yêu thương con, cho dù con làm sai điều
gì, cha đều tha thứ vô điều kiện.
NGỒI Ở CHÂN TƯỜNG
Có một anh chàng lúc học phổ thông suốt ngày
chìm đắm trong Internet, nửa đêm thường vượt tường trốn ra khỏi trường để lên
mạng. Một hôm như thường lệ anh ta lại trèo tường ra ngoài, nhưng mới trèo được
một nửa thì vội vã rút chân lại, sắc mặt rất kì lạ, không nói không rằng. Về
sau anh ta chăm chỉ học hành, không lên mạng nữa, các bạn học còn tưởng rằng
hôm đó anh ta gặp ma.
Sau này anh thi đỗ vào một trường nổi tiếng,
nhân dịp này bạn bè mới hỏi chuyện trước kia, anh ta trầm ngâm hồi lâu rồi mới
nói: “Hôm đó cha tôi đến đưa tiền sinh hoạt, nhưng không nỡ ở khách sạn, nên
ngồi ở chân tường cả một đêm”.
NHUỘM TÓC
Hôm nay thấy cha tự nhuộm tóc ở nhà. Tôi liền
hỏi: “Cha, cha sắp 60 tuổi rồi còn nhuộm tóc làm gì? Hay là vẫn muốn thử vận
đào hoa?”
Cha nói: “Lần nào trước khi về quê cha đều
nhuộm tóc đen, như vậy bà của con thấy sẽ nghĩ rằng cha còn trẻ, và bà vẫn chưa
già”.
CẠO TRỌC ĐẦU
- Cha: “Con trai, con thấy cha khoẻ
không?”
- Con: “Khoẻ”
- Cha: “Con thấy Kungfu Thiếu Lâm lợi hại
không?”
- Con trai: “Rất lợi hại”
- Cha: “Nếu như cha cạo đầu, luyện Kungfu
Thiếu Lâm có được không?”
- Con trai vỗ tay: “Rất tốt ạ!”
Ngày thứ hai, con trai thấy cha cạo trọc đầu,
vui vẻ nói: “Cha cố lên, nhất định sẽ luyện thành cao thủ”.
Hôm đó, là trước khi cha hoá trị một ngày…
LẦN ĐẦU TIÊN
Mẹ xuất thân gia đình trí thức nghèo,
yêu thích thơ, văn. Ba tuy cũng được học nhưng là con nhà nông “chánh hiệu”.
Mẹ sâu sắc, tinh tế. Ba chất phác, hiền hòa.
Mỗi khi ba mẹ đấu lý, chị em nó thường ủng hộ
mẹ, phản đối ba. Mẹ luôn đúng và thắng.
Hôm ba bệnh nặng, cả nhà lo lắng vào ra bệnh
viện.
Tối ba nói sảng điều gì đó không ai hiểu. Nhưng
lần đầu tiên nó nghe mẹ nói “Đúng! Ông nói đúng…”
Quay đi, mẹ sụt sùi. Nó thút thít khóc.
CHIẾC VÒNG CẨM THẠCH
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm
thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp.
Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm mọi cách từ
chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ
vẫn chưa một lần được đeo.
Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật
đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
- Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng
thấy vui.
CHA TÔI
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng
tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường
như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ
ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết tâm cho người tình của cha tôi một
trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc mẹ. Thấy tôi, ông gượng
nói: “Ba sợ các con còn giận mẹ...”.
No comments:
Post a Comment