CHÓ TÂY, CHÓ TA
Những con vật được nuôi trong nhà, gọi chung là gia cầm thì
con chó được loài người thuần hóa sớm nhất từ loài sói xám và được nhắc
đến nhiều trong văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây với những từ ngữ
ngọt ngào: trung thành, tình nghĩa, khôn ngoan, thân thiện... Nhưng không
hiểu tại sao người Việt mình khi giận hờn nhau thường đem con chó ra chửi:
“đồ chó,” “cái mặt chó, ” “cái đồ chó đẻ!”.
Lúc bực bội những chuyện ngoài đường, về nhà con chó chạy
ra ngoắc đuôi mừng rỡ, ông chủ lại cho nó một đá cho hả giận… mặc dù nó
chẳng có tội tình gì - nó cúp đuôi, tiu nghỉu chạy trốn - chẳng hiểu tại
sao(?) Trong nhà vợ chồng cãi nhau, chó là con vật đầu tiên bị mang tai
họa. Vì không biết làm sao cho bớt ấm ức, bèn đá con chó, chửi con mèo…
Bởi thế, mới có thành ngữ “mắng chó chửi mèo” hay “chỉ chó mắng mèo” là
vậy. Thật khốn khổ cho cuộc đời con chó!
Trời sinh ra con chó có được cái tính bẩm sinh: thính tai,
thính mũi, khôn ngoan, thân thiện, gắn bó, thủy chung với chủ. Người ta
nuôi chó coi như một bạn đồng hành giúp ích được nhiều việc như: giữ nhà,
săn bắt, dẫn dắt người mù… ở Bắc Cực còn bắt chó kéo xe. Ngày nay, một số
người nuôi con chó nhỏ để làm cảnh, coi như thú cưng trong nhà vì nó luôn
luôn quấn quít, thân thiện, trung thành giúp họ bớt cô đơn và có được
những giây phút mơn trớn, vuốt ve, dịu dàng làm bớt đi những căng thẳng.
Mỗi con chó sinh ra đều có một phần số: “chó tây” có đời
sống khác với “chó ta” - “chó ta” được nuôi ở miền Bắc khác con “chó ta”
nuôi ở miền Nam.
Đọc những truyện ngắn của nhà văn Nam Cao, mô tả “cậu Vàng”
của Lão Hạc, Cái Chết Của Con Mực… hay Kim Lân kể về Con Chó Xấu Xí,
ta cảm thấy số phận con “chó ta” sao mà thê lương đến não lòng – dù hết
lòng trung thành với chủ, cuối cùng vẫn bị bạc đãi - người ta bán đi hay
giết thịt. Thật khốn nạn cho cuộc đời con “chó ta”.
Trong văn học cổ Việt Nam còn lưu lại bằng chữ Nôm câu
chuyện “Lục Súc Tranh Công”: trâu, chó, ngựa,dê, gà, và lợn - viết
theo thể “nói lối”. Con chó tranh công với trâu và kể lể với
chủ: “Trời đã sinh các hữu kỳ tài/ Lớn việc nặng, bé thì việc nhẹ…
Vốn như đây ốm yếu chân tay/ Cũng hết sức gia trung xem xét … Kẻ đầu kia,
người việc nọ/ Đứa coi ngoài, có đứa giữ trong/ Đêm năm canh con mắt như
chong/ Đứa đạo tặc, nép oai khủng động/ Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống/Đứa
gian tham thấy bóng cũng kinh… Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh/ Cũng ra
sức săn chồn, đuổi sóc/ Bao quản chui gai, lước góc/ Chi này múa mỏ, lòn
hang/ Anh trâu sao chẳng biết thương/ Nỡ lại ra lời sanh nạnh… Ăn thì cơm
thừa, canh cặn, môn sượng, khoai sùng/ Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều/ Có
cũng rằng, không cũng chớ… Vốn như đây gia tài ủy ký/ Mà chủ không tốn kém
đồng nào/ Nên không muông coi trước, giữ sau/ Thì của ấy về tay kẻ
trộm…”
Con “chó ta” bị hắt hủi, nó phải kể lể như trên. Con “chó
tây” cũng đi vào văn học Âu - Mỹ từ xa xưa, nhưng lại được ca ngợi và tôn
vinh qua câu chuyện rất cảm động và thâm thúy sau đây:
Năm 1870, Luật sư George Graham West (1830 – 1904) đã đọc
một bài “bào chữa” chỉ có 375 chữ ca ngợi con chó trong vụ kiện của người
thợ săn kiện người chăn cừu đã giết con chó của mình. Bài bào chữa có tên
“A Tribute to The Dog” đã thuyết phục toàn thể Bồi Thẩm Đoàn và thân chủ
ông đã thắng kiện. Sau đó, bài bào chữa này được lưu truyền trong văn học
Mỹ và được tờ New York Times bình chọn là bài diễn văn hay nhất thế kỷ.
Ngày nay, trước tòa án Warrensburg, bang Missouri người ta dựng tượng đài
con chó Old Drum với bài “A Tribute to the Dog” để ghi nhớ sự kiện lịch sử
này. George Graham West nổi tiếng trong lịch sử Mỹ nhờ bài diễn văn này.
Đọc một đoạn trong bài diễn văn (đã dịch ra Việt ngữ) làm
ta suy ngẫm và ngậm ngùi:
….” Trên thế gian vụ lợi ích kỷ này, con người chỉ có
thể có được một người bạn vô tư không điều kiện, một người bạn không bao
giờ rời bỏ ta, không bao giờ vô ơn bạc nghĩa, không bao giờ phản bội, đó
là con chó của ta.
* Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta, dù ta giàu sang hay ta
nghèo khó, dù ta khỏe mạnh hay ta ốm đau bệnh tật. Nó ngủ dưới nền đất
lạnh, bất chấp giá rét mùa đông hay bão tuyết, miễn sao được ở gần ta. Nó
vẫn hôn vào bàn tay ta dù ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm
vào những vết thương và những chỗ ta đau đớn khi va chạm với sự tàn bạo
của cuộc đời. Nó canh giấc ngủ cho ta khi ta là kẻ khốn cùng cũng giống
như khi ta là một ông hoàng.
* Khi tất cả bạn bè đều rời xa ta, riêng con chó thì ở
lại.
* Khi ta mất hết của cải, thân bại danh liệt, thì tình
yêu thủy chung của con chó đối với ta vẫn ngời sáng như ánh mặt trời xuyên
thấu chín tầng mây.
* Nếu chẳng may ta bị cuộc đời ruồng bỏ, rơi vào cảnh
không bạn bè không nhà cửa, thì đối với con chó trung thành, không có một
đặc ân nào cao cả hơn là được ở bên cạnh ta, để bảo vệ ta chống lại những
hiểm nguy, chống lại kẻ thù.
* Và đến lúc cuộc đời ta kết thúc, thần chết rước ta
đi và thân xác ta nằm dưới lòng đất lạnh, khi người thân bạn bè đưa tiễn
đã quay về để tiếp tục bận rộn với cuộc sống của họ, thì con chó cao quý
vẫn còn nằm bên nấm mồ ta, đầu gục xuống giữa hai chân, đôi mắt đau buồn
nhưng vẫn mở to cảnh giác, trung thành và chân thực ngay cả khi ta đã
chết.”
Đọc những truyện kể về con chó, tôi nhớ đến “con Đớm” nhà
tôi.
Năm đó bà chị dâu của tôi có bầu trên năm tháng, anh tôi
xin một con chó con của nhà ông Lý Bản về nuôi, gọi nó là “con cún”, trông
nó mũm mĩm rất dễ thương, nhưng lại làm nhiệm vụ “dọn bãi” cho đứa con sơ
sinh của anh chị - mỗi lần bà chị dâu gọi: “cún… cún… chậc…chậc…” Nó lăng
xăng chạy đến ngoắc đuôi lia lịa “dọn bãi” một cách cần mẫn, tận tình –
tôi thấy nó hèn hạ và dơ dáy! Cho nên mỗi lần nó đến gần, tôi cho nó một
đá - đuổi đi… Nhiều lần như thế, nó biết phận, đứng xa xa, nhìn tôi với
ánh mắt lấm lét, nhưng cái đuôi vẫn ve vẩy hững hờ. Hình như nó mong đợi
tiếng tôi gọi nó. Nhưng chưa bao giờ! Rồi nó lặng lẽ bỏ đi…
Khi đứa con của bà chị dâu lên hai, con “cún” không còn làm
nhiệm vụ “dọn bãi” nữa. Lúc này thân hình nó tròn trịa, cao to, hai tai
vểnh lên, hai đớm trắng trên mi mắt rõ nét, trông rất ngộ. Anh tôi đặt tên
cho nó “con Đớm” và bắt đầu huấn luyện cho nó săn chuột, canh giữ chuồng
gà, không để chồn, cáo vào bắt gà ban đêm. Ban ngày, khi trải lúa ra sân
phơi, “con Đớm” nằm đuổi bọn gà đến ăn lúa. Có mặt “con Đớm”, bọn gà không
dám bén mảng. Khi nó lang thang đâu đó mà anh tôi gọi: “Đớm… ô… ô! Đớm… ô…
là nó chạy đến ngoắt đuôi - chờ lịnh. Nó hiểu và làm được những việc anh
tôi sai bảo.
Anh tôi thương và quý “con Đớm”, nhưng tôi vẫn còn mặc cảm
với nó. Nhưng có một lần con Đớm làm tôi cảm động và thích thú. Chuyện thế
này:
Thằng Thương ở trong xóm, nuôi một con chó Vện - con chó
này nổi tiếng khôn ngoan và hung dữ - thấy ai lạ là nó nhe răng gầm gừ,
như muốn xông đến cắn người ta, nhưng khi thằng Thương tỏ vẻ niềm nỡ với
khách thì nó liền tỏ ra thân thiện, ngoắt đuôi, mừng! Thằng Thương hãnh
diện về con Vện của mình, đi đâu cũng dẫn con Vện theo cùng. Một hôm tôi
gặp thằng Thương ở đầu ngõ, con Vện vừa trông thấy tôi, nó gầm gừ … Con
Đớm từ trong nhà chạy ra đứng cạnh tôi, sủa vang và nghênh con Vện. Thương
là thằng ngổ ngáo, chẳng những nó không la con Vện mà còn “sịt… sịt…” chỉ
tay cho con Vện xông vào con Đớm. Hai con chó cắn nhau dữ dội. Thằng Thương
vỗ tay reo…
Nhưng sau một hồi cắn đấu kịch liệt, con Vện của thằng
Thương cúp đuôi bỏ chạy. Thằng Thương tiu nghỉu bỏ đi. Con Đớm chạy lại
bên tôi, tôi cúi xuống vuốt ve nó – lông nó ướt đẫm, trên mũi và chân
trước bị cắn chảy máu . Tôi vào nhà giã củ nghệ, kêu nó lại, lấy nghệ đắp
lên vết thương, nó ngoan ngoãn nằm yên. Từ đó tôi thương con Đớm - đi đâu
tôi cũng cho nó đi theo. Và cũng từ đây con Đớm là bạn thân thiết nhất của
tôi thời thơ ấu ở làng quê Vĩnh Phú.
Đến một ngày có lệnh diệt chó để ngừa bệnh “chó dại”. Hằng
ngày có một toán đi diệt chó, họ rảo quanh làng rình rập, bắt chó… Họ mang
theo gậy, búa, và dây thòng lọng. Anh tôi thương con Đớm, anh tỉ tê với nó
thế nào mà nó hiểu - mỗi khi nghe tiếng người, nó chạy vào gầm giường trốn
biệt. Nó cũng không theo tôi ra khỏi nhà. Nó thoát nạn một thời gian.
Nhưng sau đó Ủy Ban Hành Chánh xã ra thông báo: “Nhà nào còn lén lút nuôi
chó mà không khai báo, coi như có hành vi phản động.” Hồi đó, ở trong vùng
Việt Minh kiểm soát, ai cũng sợ bị ghép vào thành phần phản động hay Việt
gian – bị ghép vào hai thành phần này, sớm muộn gì cũng bị cho đi “mò
tôm”. Bởi vậy, anh tôi đành chỉ chỗ con Đớm trốn cho toán diệt chó. Sáng
hôm ấy anh tôi đem đến cho con Đớm đĩa cơm có chan nước thịt và mấy lát
thịt heo. Anh tôi vuốt ve nó, nhìn nó ăn, anh tôi khóc! Rồi anh ra khỏi
nhà trước khi toán diệt chó đến. Anh tôi không muốn thấy cảnh đau lòng…
Khi toán diệt chó đến, con Đớm chạy trốn dưới gẩm giường,
họ xông ngay vào chỗ nó đang trốn. Nó hết đường tẩu thoát… Lúc ấy ở nhà
chỉ có mình tôi, tôi nhìn họ hung bạo như quân cướp. Tôi sợ họ như con Đớm
đang sợ - nó co dúm lại, run run, không kháng cự. Họ lấy cây gậy dài đè
vào cổ, một tên khác đưa dây thòng lọng vào cổ, kéo nó ra… Hai chân trước
con Đớm cố bám vào sàn nhà, miệng kêu ẳng ẳng, mắt nhìn tôi như cầu cứu…
Tên bắt chó chẳng chút xót thương, hắn lôi xệch con Đớm ra cửa. Khi cái
dây thòng lọng siết chặt cổ, lưỡi con Đớm thè ra, không còn kêu được nữa,
nhưng mắt nó hướng về phía tôi, ướt đẫm… Nước mắt tôi cứ tuôn ra, tôi khóc
nức nở…cho đến lúc bọn họ lôi con Đớm ra khỏi ngõ, tôi kêu lên Đớm ơi
trong tiếng khóc nghẹn ngào.
Vào thời đó, ở làng tôi chưa biết ăn thịt chó. Họ giết con
Đớm và đem chôn nó bằng cách nào, tôi không được chứng kiến, nhưng cách họ
bắt con Đớm lôi đi quá tàn nhẫn. Hình ảnh đó ám ảnh tôi trong một thời
gian dài. Sau này nghe anh tôi kể: - Họ ra lịnh diệt chó để ngừa bệnh dại
chỉ là cái cớ - mục đích chính là để ban đêm cán bộ rình rập các nhà địa
chủ, phú nông nghe ngóng tin tức, không bị lộ (lúc đó chính sách cải cách
ruộng đất bắt đầu ló dạng ở Liên Khu 5).
Năm 1954, Hiệp Định Genève chia đôi đất nước, Chính quyền
Quốc Gia tiếp quản Liên Khu 5. Bấy giờ tôi đã qua thời thơ ấu – tôi rời
làng quê ra tỉnh theo việc học hành. Chuyện tiếc thương con Đớm rồi cũng phôi
pha theo năm tháng.
Tiếp theo, đời tôi nổi trôi theo vận nước với bao thăng
trầm, khổ nhục, vì cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Cho đến một ngày,
thời cuộc đẩy đưa, tôi được định cư trên nước Mỹ.
Từ đây, cuộc đời đưa tôi đi vào ngã rẽ mới. Những ngày đầu
tiên sống trên đất Mỹ, với tôi không biết bao nhiêu điều lạ lẫm - phải tìm
hiểu, học hỏi mới quen dần. Chuyện “con chó ở xứ Mỹ” là một trong những
câu chuyện được nghe người ta ví von nhiều nhất: “ Xã hội Mỹ xếp hạng đàn
bà số một, thứ hai là chó mèo, đàn ông đứng hàng thứ ba.” Chớ có quen tật
bạo hành phụ nữ; ngược đãi, hành hạ chó mèo. Loạng quạng phạm vào những
điều căn bản đó, cảnh sát còng tay đưa ngay về bót - phải trái: hạ hồi
phân giải. Học được điều đó, nên biết thân phận của mình, tôi không dám to
tiếng với vợ; tránh xa chó mèo để khỏi mang họa vào thân.
Nhưng càng sống lâu trên đất Mỹ, tôi thấy thuơng cho thân
phận cho con “chó ta”. Vì thấy con chó Mỹ sướng quá! Con “chó ta”
thì: “Ăn cơm thừa, canh cặn, môn sượng, khoai sùng…Tới bữa ăn chẳng luận
ít nhiều/ Có cũng rằng, không cũng chớ…” Còn con chó Mỹ được luật
pháp bảo vệ. Theo “Texas Penal Code # 420”: Người nuôi súc vật trong nhà
phải có bổn phận cho ăn, cho uống, cho chỗ ở. Thiếu một trong các điều nêu
trên và cố ý hành hạ, bỏ bê, giết hại chó mèo sẽ bị bỏ tù một năm và số
tiền phạt có thể lên tới bốn chục ngàn dollar.
Thỉnh thoảng báo chí Mỹ đưa tin về những vụ như ông Dennis,
ở Tennessee bị bỏ tù 9 tháng vì bỏ đói, bỏ lạnh và xích con chó ngoài vườn
cho đến chết. Những tin như thế có làm tôi xúc động, nhưng rồi cũng chỉ
thoáng qua vì lúc đó còn nhiều công việc khác phải lo toan, chuyện chó mèo
coi như phù phiếm.
Đến một hôm, tôi nghe nhiều người “kháo” nhau về chuyện chó
- đây là chuyện “chó Mỹ”. Nguồn tin loan truyền rằng: “Một người Việt Nam
tỵ nạn, sang Mỹ hơn một năm, chỉ làm công việc dẫn chó đi chơi, đi ị, hốt
cứt chó…mà kiếm được tiền mua nhà.” Ở cái xứ Hiệp Chúng Quốc này, có những
chuyện mới nghe rất khó tin, nhưng rồi có thật, nên tôi để ý theo dõi và tìm
hiểu… Thì ra chẳng ai xa lạ - thằng Tuất bạn cùng quê với tôi, qua Mỹ theo
diện HO3 đã tạo nên câu chuyện này.
Hôm gặp nhau ở Cali, nó mời tôi về nhà chơi, đãi đằng cơm
nước chu đáo. Tôi chăm chú nhìn căn nhà, tuy không lớn lắm, nhưng có sân
trước, vườn sau – cây trái sum suê, mát mẻ, êm đềm. Tôi biết nó có được cơ
ngơi như thế này là nhờ công việc “dẫn chó đi chơi, đi ị...” đúng như
người ta đã “kháo”. Nhưng chẳng lẽ hỏi hết ngọn ngành, tôi tế nhị, nói:
- Mày giỏi thật!
- Giỏi giang gì - trăm chuyện cũng nhờ con chó. Nó trả lời.
- Thì tao cũng nghe thiên hạ nói thế, nhưng chưa biết công
việc cụ thể thế nào? Mày có thể kể cho nghe, được không?
Nó thành thật kể hết đầu đuôi:
- “Khi mới sang đây, gia đình tao được hưởng trợ cấp
xã hội, lại được cho thêm tiền Food Stamps - đủ sống. Hai đứa con đi học
được xe đưa đón, ăn trưa ở trường miễn phí, tao đi học ESL. Vợ tao muốn có
thêm chút tiền mua sắm này nọ, nên xin vào làm nhà hàng, mỗi tháng kiếm
được năm, sáu trăm. Với tao như thế là Thiên Đàng. Nhớ lại những ngày cơ
cực trước đây, tao thầm cảm ơn nước Mỹ đã cưu mang. Nhưng phải tính chuyện
tương lai, khi hết được hưởng trợ cấp xã hội, phải lo tìm việc, nên hằng
ngày sau giờ học ESL, tao đi tìm tin tức đó đây, thì vận may đưa đến:
chiều hôm ấy trên con đường vắng, tao gặp một bà già Mỹ, một tay chống
gậy, một tay cầm dây dắt chó. Con chó của bà to và khoẻ, nó cứ lăng quăng
chạy nhảy, cái dây xích đã kéo ra hết cỡ, nó vẫn muốn chạy xa hơn, kéo bà
già xiêu xiêu muốn ngã và trông bà có vẻ mệt lắm, tao bèn xổ tiếng Anh mới
học được: - May I help you? Bà già vừa thở vừa đưa đầu dây xích cho tao.
Lúc này tao muốn kêu con chó trở lại. Tiếng Việt mình thì
gọi “ô... ô…” hay “chấc… chấc”, còn tiếng Mỹ không biết nói làm sao, tao
bèn dùng thứ ngôn ngữ “ba rọi”- tao lấy tay ngoắc ngoắc, miệng kêu chấc…
chấc… rồi nói: - come here. Ấy vậy mà con chó hiểu, nó chạy đến bên tao,
ngoắc đuôi, mừng, rồi nhảy cửng lên người tao. Tao bế nó vuốt ve, nó nằm
yên. Bà già Mỹ nói: “Hai ngày mới cho nó ra ngoài chơi một lần, nên mỗi
lần được ra khỏi chuồng nó chạy nhảy lung tung - tên nó là Johnny - cứ kêu
tên là nó chạy về.”
Thằng Tuất nhấp ngụm nước, tiếp tục kể:
- Bà già gọi: “Johnny, go home”. Con chó nhảy ra khỏi tay
tao, lon ton chạy trước.
Bà già quay sang hỏi tao: “Nhà anh ở đâu?” Tao cho bà ta
địa chỉ. Mặt bà ta có vẻ vui, bả nói: “Vậy là rất gần nhà tôi”. Rồi bả hỏi
tao đủ thứ chuyện: về gia cảnh, về lý do được định cư ở Hoa Kỳ và cuộc
sống hiện tại ra sao? Tao kể hết sự thật. Bà ta tỏ ra xúc động. Bà nói rất
nhiều, nhưng tao chỉ hiểu đại ý. Khi về trước cổng nhà, bà mở ví đưa tao
hai chục đô, tao không nhận, bà nài nỉ, nhưng tao nhất định không nhận.
Tao cúi xuống, đưa bàn tay ra, con Johnny đưa chân trước lên bàn tay tao như kiểu
bắt tay từ giã. Tao đứng lên, chào bà với câu vừa học được – “Bye bye,
see you tomorrow.” Bà ta nở nụ cười thân thiện, rồi bảo: - “Nếu anh không
bận việc, mỗi ngày đến đây dẫn Johnny đi chơi vài giờ, tôi sẽ trả thù lao
20 dollar.” Tao OK liền. Ngày hôm sau tao đến, bà vui mừng, chỉ tao cách
dẫn chó đi chơi ở nơi nào và chỉ cách hốt cứt chó khi con Johnny làm xấu.
Thế là từ đó tao có cái nghề mới “dẫn chó đi chơi… đi ỉa…” kiếm mỗi tháng
gần năm trăm đô.
Thằng Tuất nheo mắt, cười cười, hỏi tôi:
- Ở Mỹ có nhiều chuyện “khó tin mà có thật”, đôi khi “làm
chơi mà ăn thiệt”. Mày có thấy như vậy không?
- Chỉ có mày may mắn, chứ tao cày bở hơi tai mới kiếm được
đồng dollar.
Nó kể tiếp:
- Một hôm dẫn chó đi chơi về, tao thấy vườn cỏ nhà bà cao,
tao ngõ ý cắt giùm cho bả. Bà ta bảo: “Trước đây có thằng Xì, cứ hai tuần
đến cắt cỏ một lần, mỗi lần nó lấy $30,00, nhưng cả tháng nay không thấy
nó trở lại, có lẽ nó về xứ. Bây giờ anh muốn giúp tôi thì lấy máy cắt cỏ
trong kho ra cắt, tôi sẽ trả tiền công như thằng Xì.
Tao Ok liền! Tao cắt cỏ xong còn dọn dẹp, tỉa cây gọn gàng,
sạch sẽ.
Tao làm việc cần mẫn, bà ta thích lắm, khi ra về bả đem cho
tao lon coca với 40 dollar, nhưng tao chỉ lấy $25,00. Tuần sau, bả giới
thiệu cho tao cắt cỏ hai nhà bên cạnh, cứ thế tiến lên… thêm mấy nhà. Thế
là bây giờ tao có hai nghề: “cắt cỏ và dẫn chó đi chơi”, mỗi tháng kiếm
trên ngàn đô. Tao dành dụm gần một năm, có được số tiền kha khá, gặp lúc
nhà hạ giá, điều kiện dễ dàng, chỉ cần down 10% là có thể mua được nhà.
Thế là tao liều mua căn nhà này với giá dưới trăm ngàn.
Ngồi nghe nó kể mà thấy thèm, lúc đó tôi ở Tiểu bang
Maryland, xin được việc làm trong tiệm 7- Eleven, lương $6.00 một giờ,
chuyện mua nhà chỉ là giấc mơ - chắc phải chờ đến kiếp sau. Nhưng trong
lòng vẫn có cái ước mơ và hy vọng - biết đâu cũng có được cái may mắn như
nó, nên tôi hỏi:
- Hai cái việc này có dễ tìm không?
- Tìm việc cắt cỏ không khó lắm, nhưng cái Job “dẫn chó đi
chơi…” phải tùy cái duyên, cái nghiệp. Nó trả lời như thế, rồi kể tiếp:
- Mấy ngày đầu tao dẫn chó đi chơi, dân ta nhìn tao với con
mắt thiếu thiện cảm. Họ bảo tao “học làm sang”. Nhưng khi biết tao “dẫn
chó thuê”, họ thông cảm. Nhưng khổ nỗi, con Johnny, thấy người Việt là nó
sủa vang trời. Tao chửi thầm trong bụng: “bố khỉ, chó mà cũng kỳ thị chủng
tộc…” Nhưng không phải thế, một vài người nó lại tỏ ra thân thiện, như hôm
gặp thằng Hóa, một phật tử thuần thành, nó ngoắc đuôi, mừng! Cũng hôm ấy,
đi một đoạn đường gặp thằng Phong, dân Bắc kỳ, mới đi lễ nhà thờ ra, con
Johnny lại sủa vang, tao lại chửi thầm: “con chó này kỳ thị tôn giáo”
Nhưng cũng không phải thế. Có người nó thân thịện, có người nó sủa vang.
Cuối cùng tao khám phá một điều kỳ diệu nơi con chó: hễ người nào không ăn
thịt chó thì con Johnny tỏ ra thân thiện; ngược lại những người đã ăn thịt chó
thì con Johnny tỏ ra căm thù, tránh né và sủa không ngừng.
Về lại Maryland, tôi cố lân la với mấy ông bà già dẫn chó
đi chơi, may ra tìm được cái Job “thơm” như thằng Tuất, nhưng khi
tôi đến gần, mấy con chó nhảy dựng lên, sủa vang trời. Nhớ lại chuyện
thằng Tuất kể: “con chó căm thù những nguời đã ăn thịt đồng loại của nó.”
Thế là tôi không còn hy vọng gì với cái nghề “dẫn chó đi chơi…” Vì trước
đây, đã mấy lần theo bạn bè xuống Ngã Ba Ông Tạ nhậu thịt chó. Bấy giờ tôi
nghiệm ra cái nhân duyên và nghiệp quả trong kiếp nhân sinh. Tôi an phận
với công việc hiện tại của mình.
Rồi ngày tháng trôi qua, tôi đến tuổi về hưu, các bạn già
đồng hương rủ nhau họp mặt ở nhà thằng Tuất. Bây giờ thằng Tuất giàu sụ,
mua nhà mới, rộng rãi thênh thang. Bạn bè gặp nhau, mừng vui kể lại những
thăng trầm trong cuộc sống và rồi “chuyện chó” được nhắc đến. Một ông bạn
kể về con chó của đứa cháu ngoại. Ông bảo: “con chó Mỹ, nó sung sướng đến
độ tôi phải ganh. Này nhé: nó được đưa đi tỉa lông, cắt móng, khám bịnh
định kỷ; ăn toàn đồ organic, ngủ thì chiếu hoa nệm gấm… Khi con cháu đi du
lịch xa gởi chó vào khách sạn chó (animal shelter), bịnh thì vào nhà
thương chó (Animal Hospital), có bác sĩ thú y chăm sóc. Tính ra tiền
chi phí nuôi con chó còn nhiều hơn tiền già của tôi” Rồi ông ta kết luận:
“Sau khi chết, nếu có sự đầu thai, tôi sẽ xin đầu thai làm con chó.”
Một ông già ngồi cạnh, cười khẩy và nhắc nhở:
- Ông cẩn thận khi xin đầu thai - phải xin ghi vào sổ là
“chó tây” ở trên nước Mỹ mới được - Chứ để lọt vào danh sách “chó ta” mà ở
Việt Nam thì bỏ mẹ cuộc đời!
LÊ ĐỨC
LUẬN (tháng 2-2023)
No comments:
Post a Comment