Thursday, May 7, 2020

NGƯỜI CHẾT TRỞ VỀ (NGƯ SĨ)



Ngày dài côvi, mời đọc lại câu chuyện của những chàng trai thời chinh chiến........

Đây là câu chuyện có thực của một người bạn tù, được viết lại theo lối tự thuật,
không hư cấu. Để tôn trọng tính riêng tư, người viết chỉ thay đổi tên và dấu tên các địa danh.
HN



NGƯỜI CHẾT TRỞ VỀ

Ngư Sĩ


Là một sĩ quan Trưởng đầu ngành Cảnh Sát ở một tỉnh thuộc vùng núi sương mù, chàng  bị địch bắt trên đường “di tản chiến thuật” ở Tỉnh Lộ 7. Thành, tên người sĩ quan Cảnh sát, được xếp vào “thành phần nguy hiểm” của “Bộ Máy kềm kẹp Mỹ Ngụy”, bị giam cách ly cùng với một số viên chức và Cảnh Sát thuộc “Bộ Máy Ngụy Quyền Sài Gòn.”

Ngày Cộng quân tiến chiếm  Sài Gòn, trại giam được dời xuống đồng bằng. Sau một cuộc thanh lọc, Thành bị nhốt chung với một số cán bộ viên chức khác bị liệt vào “Bộ Máy Tề-Điệp”, là thành phần được coi là ác ôn, cần bị quản lý và theo dõi chặt chẽ. “TỀ” để chỉ viên chức chính quyền, “ĐIỆP” chỉ ngành cảnh sát, là 2 “công cụ đàn áp nhân dân”, bị coi là kẻ thù “có nợ máu với nhân dân” cần bị tiêu diệt.

Là thành phần bị coi là nguy hiểm, Thành biết mình khó có ngày về. Lần thăm nuôi đầu tiên, vợ Thành từ Sài Gòn tìm ra thăm chồng, ăn mặc theo lối sống của người dân thành phố, cũng tóc uốn quăn áo dài tha thướt. Lợi dụng cảnh đông người nơi nhà thăm nuôi cán bộ không chú ý, Thành khuyên vợ nên thay đổi trong cách ăn mặc để tránh sự chú ý của bọn cai tù. Không biết chàng thuyết phục thế nào mà lần thăm kỳ sau, chị Thành hoàn toàn lột xác, tóc để dài bới búi củ hành, mang đôi dép râu. Đã thế, chị ta còn chứng tỏ là “mẫu người tiến bộ”, cầm cây chổi quét cả khu nhà thăm nuôi khi thấy có thủ trưởng cán bộ trại giam ra đứng xem cảnh thăm tù.

Tên thủ trưởng trại giam gục gật đầu ra vẻ đắc chí nói lớn cho mọi người nghe :
“ Đấy, các anh thấy chưa? Như chị này, hắn chỉ tay về phía chị Thành, sớm giác ngộ cách mạng, đã lột xác từ vợ của một sĩ quan cao cấp trong hàng ngũ ngụy quyền bây giờ trở thành một phụ nữ lao động chân tay. Các anh nên lấy tấm gương của chị này mà học hỏi để mau sớm giác ngộ cách mạng.”

Từ đó, mỗi lần vợ ra thăm là Thành được dễ dãi hơn, vợ chồng được cho thêm giờ gặp gỡ mà không có cán bộ đứng kế bên quan sát. Nhờ thế, Thành thì thầm thố lộ tâm sự với vợ :
--Anh chắc không có ngày về đâu em. Anh bị liệt vào thành phần “bộ máy ác ôn có nợ máu với nhân dân” mà còn là “CIA CỦA MỸ” do thời gian được tu học nghiệp vụ tình báo ở Hoa Kỳ. Thôi, em đừng ra thăm anh nữa mà dành dụm tiền dẫn các con ra đi. Phần anh, em coi như anh đã chết, đừng chờ đợi anh nữa em ạ!  Vợ Thành khóc đầm đìa nước mắt siết chặt tay anh. Không, không …em luôn chờ đợi anh, em không thể bỏ mặc anh giữa chốn núi rừng thế này được. Nếu anh không chịu đựng nỗi, chết đi thì em sẽ chết theo anh.

Nghe vợ nói mà tim Thành đau nhói như muốn ngừng đập. Thành bồi hồi an ủi vợ. Em phải sống vì bày con của chúng ta 5 đứa. Không có anh, em vẫn là người mẹ hiền lo cho tương lai các con. Em hãy dẫn các con ra đi, tìm đường sống và lo cho chúng nó nên người. Đó là em đã thay anh làm tròn bổn phận làm cha mẹ. Đó là em chứng minh là đã thương anh nhiều lắm rồi đó, em ạ! Em cần phải sống và có thể bước thêm bước nữa với một người khác thay thế anh mà nuôi con, em nhé!  Hai dòng nước mắt khổ đau lúc chia ly cùng đổ xuống đôi tay đang nắm chặt, hòa vào nhau thấm ước những cục u chai sạn năm tháng tù đày. ……..Và đó là lần cuối cùng họ được gặp nhau.

Vợ Thành đã dẫn các con vượt biên. May mắn thay, con thuyền đã tới bến tỵ nạn ở Mã Lai. Sống trong trại tỵ nạn được 6 tháng, có 1 phái đoàn của Mỹ đến trại để phỏng vấn, thanh lọc để đưa đi các nước thứ ba. Lạ lùng thay, khi vào phỏng vấn thì vợ Thành nhận ra ông trưởng phái đoàn lại là “Sếp” cũ của chị lúc làm cho cơ quan USAID ở Sài Gòn. Ông Henry, tên của viên chức Mỹ phỏng vấn, nhận ra chị ông ta không dấu được sự ngạc nhiên mừng rỡ ra mặt. Chị Thành đã kể lại toàn bộ câu chuyện gia đình và trường hợp chồng chị không có ngày về trong nỗi đau khổ nước mắt đầm đìa. Nghe xong câu chuyện bi đát của một thuyền nhân, trong đôi mắt ông Henry dâng lên dòng nước mắt xúc động. Ông Mỹ hứa là ông sẽ đứng ra bảo lãnh chị cùng các con sang Mỹ.
Cuộc đời chị Thành và 5 đứa con bước sang một trang mới bỏ lại sau lưng những năm tháng thuyền nhân. Đến Mỹ, chị Thành cùng các con đã được ông Henry đón tiếp, tìm chỗ ở ổn định, các con chị được đưa đến trường……Tất cả mọi khó khăn của buỗi ban đầu định cư ở xứ người của gia đình chị Thành, ông Henry là vị ân nhân đã dang tay cưu mang đùm bọc và chăm lo tươm tất. Chính ông ta đã đưa đón các con chị Thành đi học, tìm cho chị Thành một việc làm ở một hảng may.

Trong cuộc sống mới, chị Thành không quên bà mẹ chồng nên đã viết thư về địa chỉ cũ thăm hỏi bà cụ và tin tức về chồng. Bà mẹ chồng mừng rỡ khi được thư biết tin con dâu và các cháu nội đã đến được xứ người bình yên. Từ đó chị thường xuyên gởi tiền về cho bà mẹ chồng tiếp tục thăm nuôi anh Thành.

Năm tháng trôi qua, các con chị Thành lớn dần và trưởng thành dưới sự bảo trợ chăm sóc của ông Henry, vị ân nhân của gia đình. Ông ta đã ly dị vợ từ lâu và hiện đang sống độc thân. Trong một bữa cơm gia đình, ông Henry đã ngõ lời cầu hôn khiến chị Thành xúc động. Đã 10 năm trôi qua, anh Thành chồng chị vẫn không trở về, hy vọng đoàn tụ với chồng đã tắt lịm với thời gian dài chờ đợi. Không còn hy vọng gì nữa ngày chồng về đúng như anh Thành đã nói, anh chết dần mòn trong lao tù khắc nghiệt. Trong lúc tuyệt vọng, ông Henry là một cái phao đã cứu vớt chị cùng các con. Trước nghĩa cử và tấm lòng chân thật của ông Henry, chị đã lấy quyết định chấp nhận lời cầu hôn để trả ơn nghĩa mà bao năm tháng ông đã chăm sóc cho chị và các con. Tình người đã biến thành tình yêu và họ đã sống trong những ngày tháng hạnh phúc nhìn các con trưởng thành.

Với những năm tháng đọa đầy nơi rừng núi khắc nghiệt, nhiều bạn tù đã gục ngã không trở về vì bệnh tật đói khát. Trời không phụ người, sau 13 năm tù anh Thành đã vượt qua đói khổ  trở về. Nhưng một nỗi đau đổ xuống với anh là mẹ già cũng qua đời sau bao năm tháng trông con. Bà để lại cho anh 1 căn nhà khang trang và số vốn do vợ anh gởi về cho bà cụ. Thành đã dùng số tiền đó, mua chuộc được bọn công an và cán bộ phường để tạo được lòng tin bằng cách đãi chúng ăn nhậu hằng ngày tại nhà..
Và anh đã sắp xếp ra đi trên 1 chiếc tàu buôn Đan Mạch sau 1 đêm nhậu li bì với bọn cán bộ công an phường khóm. Đến 10 giờ sáng hôm sau khi chúng phát hiện ra thì anh đã ra đi. Ở trại tỵ nạn, anh nhắn tin cho vợ theo địa chỉ mẹ giao lại cho anh. Một thời gan ngắn sau, Thành được bảo lãnh sang Mỹ.

Ngày bước chân xuống phi trường ở Los, Thành ngạc nhiên khi có một ông Mỹ đón mình tại phi trường. Ông ta không nói gì mà chỉ welcome anh đến được bờ tự do. Ông Mỹ đưa anh đến khách sạn đã thuê sẵn và chúc anh cứ nghỉ ngơi cho lại sức và hẹn ông ta sẽ trở lại. Từ đó ông Mỹ thường xuyên lui tới, lái xe đưa anh đi ăn uống và đi chơi nhiều nơi giải trí. Thành thắc mắc hỏi vì sao ông biết Thành và tại sao ông lại tốt với anh như thế. Ông Mỹ giới thiệu tên và chỉ cười nói đó là những gì ông ta cần phải làm cho những người tỵ nạn đầu tiên mới bước chân đến Mỹ. Thành cứ đinh ninh là trên đời này còn có những tấm lòng bác ái thương người nên anh mới có được ân huệ trời cho. Thành cám cảnh tình của vị ân nhân Mỹ nên đã kết bạn thâm giao với người bạn mới.

Rồi một ngày chuyện đến phải đến. Vị ân nhân mà cũng là ông bạn thâm giao đã đưa Thành đến dự bữa tiệc chung vui với gia đình ông. Trên bàn tiệc, sau vài tuần cụng ly, chủ nhà gọi ra để giới thiệu gia đình với khách. Đây là giây phút mấu chốt lâm ly của câu chuyện “Cuộc tình đời tỵ nạn”.

Đứng trước Thành là bà chủ nhà……….cũng là vợ Thành ngày trước cùng mấy cậu con mặt mũi khôi ngô áo quần tươm tất. Trong hơi men rượu, Thành ngỡ ngàng như người lạc từ chốn hành tinh nào nay trở về với hiện thực. Trước mặt anh là vợ con anh đó, người vợ hiền và những đứa con bé bõng ngày xưa nay đã đổi khác. Tất cả là những con người thật. Vợ anh nay đã ra dáng mệnh phụ đẫy đà hơn tuy còn phảng phất nét dịu hiền ngày xưa. Các con anh nay lớn hẳn rồi.. Thành xúc động ngỡ ngàng!

Đoán biết được tâm trạng của Thành, Henry giới thiệu vợ và các con ông. Ông nói tôi đã thay anh chăm lo cho bà và các con từ lúc họ đặt chân đến Mỹ cho đến nay. Chúng tôi nghĩ rằng anh đã chết trong tù và nghĩ đến hoàn cảnh đơn côi của bà và các con cần sự chăm sóc nên tôi đã cầu hôn để được thay thế anh nuôi con. Tôi quý trọng bà và thương các con của anh như con ruột. Chúng nó cần một người bố để dạy dỗ chăm lo cho chúng. Nay anh đã trở về thật là một điều ngoài dự liệu của chúng tôi. Những gì mà tôi đã đối xử với anh thời gian qua là do bà nhà đã yêu cầu tôi cần phải làm cho anh. Tôi đã làm tròn theo lời yêu cầu của bà nhà. Bây giờ trước tình cảnh khó xử này, tôi dành cho bà nhà trọn quyền quyết định và tôi hứa danh dự là sẽ tôn trọng sự chọn lựa của bà.

Vợ Thành trong tâm trạng bồi hồi xúc động, bà nói trong hai hàng nước mắt. Em đã làm theo lời căn dặn của anh, đã đưa các con ra đi được đến nơi bình yên. Ở nơi xứ người xa lạ, nếu không có anh Henry thì một mình em làm sao có thể nuôi nỗi bầy con nhỏ dại. Anh Henry trước đây là Sếp của em ở USAID Sài Gòn, anh ta đã ra tay tế độ, chăm sóc bảo bọc mẹ con em. Vì nghĩ anh đã chết và vì nghĩa tình mà anh Henry đã cưu mang mẹ con em nên em đã chấp nhận lời cầu hôn của anh ấy. Anh Henry là người chồng tốt và là người cha toàn hảo chăm lo cho từng đứa con chúng ta đều học giỏi cả. Bây giờ anh còn sống trở về, em xin tạ lỗi cùng anh, xin anh tha thứ vì đã không thể chờ đợi chồng về. Duyên nợ chúng ta xem như đã tận. Một trang tình sử đã lật qua vì nghịch cảnh mà đôi bên không hề muốn. Em chỉ cầu xin anh nghĩ lại lời anh đã hứa với em khi trước tại nhà tù là không khuấy động những gì đã an bài cho chúng ta. Em không muốn phụ bạc tấm chân tình và ơn bảo bọc mà anh Henry đã dành cho mẹ con em…….Nàng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.......

Thành ngồi lặng yên nghe như núi rừng than thở trong những năm tháng tù đầy. Cuộc tình đã chết, anh đã mất mát tất cả không còn gì. Ngay cả tấm thân tàn tạ sau 13 năm tù ngục, tâm hồn anh đã chai sạn, hàm răng nay chỉ còn vài chiếc lung lay. Anh đâu còn xứng đáng để đứng bên cạnh người đàn bà tròn trịa phúc hậu mà ngày xưa là một cô gái dịu hiền mãnh mai đã từng là vợ anh. Anh thấy mình cũng không xứng đáng với những đứa con mà anh đã không có công nuôi dưỡng chăm sóc chúng. Anh phải mang ơn người đàn ông xa lạ này đã dang tay cứu vớt cả gia đình anh, cho tương lai những đứa con của anh. Anh cần có can đảm để nói lời từ tạ.
Thành nâng ly uống cạn men rượu cho tâm hồn bình yên không còn gợn sóng. Anh đằng hắng lấy giọng, bình tỉnh nói với người tình địch mà cũng là vị ân nhân :

--Tôi xin nói lời tạ ơn anh Henry về những gì mà anh đã lo cho cả gia đình tôi kể cả bản thân tôi. Anh là vị ân nhân nhân hậu của chúng tôi, là người chồng tuyệt vời của vợ tôi và là người cha toàn hảo của các con tôi. Anh rất xứng đáng được hưởng thành quả hạnh phúc mà anh đã gieo trồng. Tôi không có quyền khuấy động hạnh phúc đang yên ấm tràn trề trong cái gia đình này. Tôi xin tôn trọng sự chọn lựa của bà nhà và cầu chúc cho ông bà sống trong hạnh phúc bên cạnh các con. Trước khi từ giã, tôi chỉ xin ông cho tôi được thỉnh thoảng ghé thăm các con---như là một ân huệ cuối cùng mà ông dành cho tôi.
Thành bắt tay ông Henry siết chặt. Henry đứng dậy vỗ vai Thành:
--Bất cứ lúc nào anh cần đến thăm con, chúng tôi rất welcome. Nếu anh có cần sự giúp đỡ gì khác, xin cứ tự nhiên cho chúng tôi biết, chúng tôi sẵn sàng.

Thành bước tới vỗ vai các con lần cuối rồi chào từ giã. Bước ra khỏi tổ ấm, Thành thấy hụt hẵng như đi giữa thinh không…………/.


No comments: