Wednesday, February 15, 2023

DẢI YẾM TRONG VĂN HỌC (ĐẶNG TIẾN)

 Dải yếm trong văn học

Tiểu luận của Đặng Tiến

Ngày tết ngày xuân là những lúc có nhiều lễ hội, cái lễ hội được bao nhiêu trai thanh gái lịch đã dạo chơi là "lễ hội chùa Hương", chắc nhiều người cũng biết nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đã để lại đời những câu thơ trong trẻo " khăn nhỏ đuôi gà cao / em đeo giải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ tay cầm nón quai thao".

Đấy là trang phục của những giai nhân đất Hà thành ngày xa xưa ấy.

Một thời gian dài yếm đào bị lãng quên bởi những chiếc áo dài, áo cách tân, những trang phục tây phương, thì gần đây được các nhà tạo mẫu dựng lại bỏ bớt phần "quần lĩnh áo the" mà được kết hợp theo cung cách mới, được thay thế bằng quần jean hoặc với chiếc váy "jube" để đi lại. Cũng hứng chịu nhiều chỉ trích vì căn bản yếm là đồ “phụ tùng" bên trong chiếc áo the vì phần lưng và đôi cánh tay hoàn toàn là trống trơn. Cũng nhờ khoảng trống này tạo nên nét mềm mại mà kín đáo, tuy hơi lẳng lơ hở ra chút lườn mà lại thấy tế nhị.

Đàn ông đóng khố đuôi lươn

Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh

Những cô áo yếm bao phủ chiếc eo thon với áo tứ thân, thêm nón quai thao phụ tùng này tạo thêm ngọt ngào trong câu hát cổ...đến nỗi

Ba cô đội gạo lên chùa

Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư

Sư về sư ốm tương tư

Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu

 

Không biết sao các sư ông, sư cụ lại hay bị đem ra bỡn cợt đến như vậy

 

Sư ông đang tụng niệm nam mô

Thấy cô yếm thắm mò cua bên chùa

Lòng sư luống những mơ hồ

Bỏ cả kinh kệ tìm cô hỏi chào...

 

Sư mà còn bắt mắt với những chiếc áo yếm thì đừng cười chê những kẻ phàm phu tục tử như hắn, nhìn vào mà không bồi hồi thì chắc thuộc loại "cô đồng Mùi"

Còn một bài thơ hắn thích nói về áo yếm của nhà thơ Hoàng Cầm trong bài “Hội yếm bay"

........

Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội

Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi

Em không buộc thắt lưng thon nữa

Thả búp tròn căng nuột ấy... ơi!

 

Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy

Một chiều khổ cực bốn chiều say

Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết

Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây

 

Hương ngát em lồng kín cõi anh

Yếm đào trút lại phía vô linh

Đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy

Đôi núm hồng em nở hết mình.

 

Nhà phê bình Đặng Tiến viết bài này cũng có gần chục năm, vào thời đó chưa có nhiều kiểu cách tân về "áo yếm", lúc hắn linh tinh vài lời, hắn cũng mong là

"Kiếp sau đừng hóa ra người

hóa đôi dải yếm buộc lời tình nhân"  

Delta ngày mồng 7 tết

Ara

 

Áo dài yếm cách tân có kiểu dáng hiện đại mà vẫn đậm nét

truyền thống

 

Dải yếm trong văn học – Tiểu luận của Đặng Tiến


Thơ Tết, thơ Xuân thường là ước lệ. Nhưng qua những ước lệ chúng ta có được nhiều câu thơ hay, và hay về nhiều mặt: nghệ thuật, tâm cảm và phong tục. Trên ba kích thước ấy, có lẽ Nguyễn Bính là người lưu lại nhiều thơ Tết, thơ Xuân hay nhất, từ tâm sự tha hương đến hình ảnh mùa Xuân đất nước hay ngày Tết dân tộc:

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô

(1937, Tâm Hồn Tôi)


Nhà phê bình Đặng Tiến ở Pháp.

Hình ảnh dải yếm, bắt đầu cũng chỉ ỉà một kỷ niệm, giữa rất nhiều kỷ niệm:

Những nàng dệt sợi

Đi bán lụa màu

Những người thợ nhuộm

Đồng Tỉnh, Huê Cầu

Bây giờ đi đâu? về đâu?

Nhưng “yếm thắm” ở cuối bài thơ Bên Kia Sông Đuống là một hình ảnh tổng hợp toàn thể thanh sắc bài thơ. Giá trị gợi tình của dải yếm, ta đã thấy rồi, không cần nhắc. Chỉ nên lưu ý giá trị thẩm mỹ của từ yếm, làm bằng một câu đầu dài và khép, một nguyên âm đôi (yê) dài và rộng và một phụ âm cuối (m) môi, dài, Mỗi âm vị như vậy đều có giá trị gợi tình; nói đơn giản: trong những chữ yêu em, âu yếm, yên ấm, êm ái.. ta đều thấy phất phơ bóng dáng và âm vang chữ yếm (ngày nay vật dụng tương dượng với dải yếm được gọi là xú-cheng, hương đồng cỏ nội đã bay đi nhiều lắm). Câu thơ Hoàng Cầm Em mặc yếm thắm, mỗi từ đều có chữ m đọc thành em. Về từ vựng, tiếng Việt chỉ có hai chữ yếm: y phục phụ nữ, nới rộng ra thành hình tượng yếm cua, yếm rùa…; và chữ yếm trong nghĩa âu yếm. Nói thêm về nguyên âm đầu (voyelle initiale) thường tạo cho câu thơ cảm giác dịu dàng, mềm mại:

– Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc

(Thế Lữ)

– Trời mưa ướt bụi ướt bờ

Ướt cây ướt lá ai ngờ ướt em

– Yêu anh thịt nát xương mòn

Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh

(Ca Dao)

Ngày xưa nhà thơ Đông Hồ có nhà xuất bản tên Yễm Yễm có lẽ vì hình ảnh về thính giác lẫn thị giác của từ ngữ.

Hoàng Cầm vừa mới xuất bản tập thơ Về Kinh Bắc bị dìm 35 năm nay. Chỉ trong tập thơ mới này thôi, chúng ta đã tìm thấy nhiều hình tượng đẹp về dải yếm, từ người mẹ:

Mùa chưa về

Tu hú gọi Em đi tìm Mẹ

dãy tre xa giấu biệt dải khăn điều

Khi gậy nắng ăn mày đã quăng sau núi

Hàng tre nhả yếm

trả mẹ về

lều dột đón mưa đêm

… Bao giờ Mẹ về

Buổi yếm đào phai vỗ hát ru

(Đợi Mùa)

Cho đến dải yếm “gợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân” (Đinh Hùng) của những ngày hội:

Luồn tay ôm say

giấc bay lay đỉnh núi

Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành

(Thi Đánh Đu)

Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu

Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt

(Hội Vật)

Đến lúc nào đó trong sáng tạo, cái yếm mất tính chất hiện thực của nó, trở thành một hình tượng nghệ thuật có chức năng cấu tứ – như một số điển cố trong thơ xưa:

Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch

Chuông chiều cởi yếm

Chuồng sớm đội khăn

Trưa hè gãy rắc cành hoa đại

Mái hậu cung bồ các tha rơm

Liếu điếu vỗ hoa soan lả tả

Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân

(Đêm Thủy)

Nhưng chức năng cấu trúc (fonction structurante) của hình ảnh dải yếm trong thơ Hoàng Cầm rõ nhất trong bài Hội yếm bay ở tập Lá Diêu Bông (1993). Giữa hàng chục đám hội hè trên quê hương Kinh Bắc. Hoàng Cầm tưởng tượng thêm “huyền sử”, một lễ hội các nàng hoa khôi phải… tung yếm:

Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết

Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây*

Vị trí ưu đãi của dải yếm trong thơ Hoàng Cầm là một biệt lệ, có thể là duy nhất trong thơ Việt Nam, vì bản thân thơ Hoàng Cầm đã mang sắc thái đặc biệt, một định mệnh lẻ loi. Ngày nay, trong thơ hiện đại – và đời sống – ta không còn thấy chiếc yếm, ngoài ký ức những nhà thơ cao tuổi như Đặng Đình Hưng (thân phụ nhạc sĩ Đặng Thái Sơn):

Bến lạ ngay gầm giường mưa to ngay ở gầm bàn và trong hòm mọi người chở một con tàu navir trọng tải những hình thù Hồng Hải, căng lên những cái yếm mùi nồng của đám cưới năm ngoái hong ra khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại (Bến Lạ)

Ngày xưa Tế Hanh đã so sánh u cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, ngày nay những cơn gió xa lộng vào dải yếm. Trong tập thơ Bóng Chữ mới đây, Lê Đạt đã vài ba lần sử dụng hình ảnh dải yếm, có khi lấy lại ý ca dao:

Sếu gọi đò ngang nước đổ

Dải yếm đào gảy cầu

Những cáỉ hôn gửi đi

Biền biệt phù sa

Đất hẹn má mùa nắng hạ

Vườn đồi

ai nhặt lá ô môi

(tr. 45)

Hơi thơ kín đáo, tân kỳ, có phần cầu kỳ vẫn phập phồng hơi thở trên cơ thể người đàn bà, vừa rạo rực vừa trống vắng, đang hiện thực bỗng biền biệt như một hẹn hò mới đó đã xa xăm.

Một câu thơ khác, được xem như là bí hiểm…

Mùa chẳng là xuân

Đất dậy men

Trời ghẹ lạnh

Yếm trúc nẩy măng đôi núm sừng bò

(tr. 60)

Hình ảnh đôi vú măng non căng đầy nhựa sống, mà có khi Lê Đạt tô đậm nét hơn: “cồn đất múp / Sừng gái mười bảy” – Tục ngữ có câu: gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu – Chữ yếm Việt Nam có lẽ do từ yểm chữ Hán nghĩa là che đậy. Thơ Trịnh Cốc thời Đường có câu: “Thúy yểm trùng môn yến tử nhàn”: màu xanh (cây cỏ) che kín mấy lớp cửa vào, chim yến bay thảnh thơi. Có thể Lê Đạt không biết câu thơ Trịnh Cốc, nhưng một số hình ảnh trong thi ca trở đi trở về qua nhiều thời đại. Hình ảnh mà độc giả Việt Nam ngày nay cho lập dị, có khi đã có từ thời xa xưa. Dù sao, cùng một ý thơ (che đậy) chữ “yếm trúc” của Lê Đạt tình tứ hơn chữ “thúy yểm” của Trịnh Cốc. Hoặc câu này nữa:

Lá nẩy chìa

chim yếm đỏ

nhạn thia lia

(tr 34)

Có lẽ “chim yếm đỏ” là do câu dân ca Pháp “Rouge gorge/ Rouge gorge”? mà Lê Đạt đã trích dẫn (tr. 34) như là động cơ của bài thơ Chim ức lửa:

Ôi con chim ức đỏ môi đòng

Thả đỏ đốt xứ đồng không anh nhớ

Một thoáng đào

nhen mấy độ hồng

(trang 34)

Khó mà nói rằng những ý thơ trên không có tương giao. Thậm chí, có khi là Đạt không dừng chữ yếm, người đọc vẫn thấy dải yếm trong bài Quan Họ (tr. 91):

Tóc trắng tầm xanh, qua cầu với gió

Đùi bãi ngô non / ngo ngó sông đầy

cây gạo già

lơi tình

lên hiệu đỏ

La lả cành

cởi thắm

để hoa bay

Ta thử làm một việc bạo tay: cởi thắm. Thay vào đó: cởi yếm. Hoa vẫn bay.

Hoặc thay vào: yếm thắm, Vẫn hoa bay.

***

Ở nước ngoài, hiếm khi chúng ta còn gặp kỷ niệm dải yếm, như trong câu văn mới đây của Mai Kim Ngọc, rất khiêu gợi:

Tuấn cởi khuy áo em, cởi dải yếm em. Em nghe Tuấn áp mặt vào ngực em, như trẻ sơ sinh áp mặt vào ngực mẹ tìm sữa. Mặt sông phẳng lặng mà em tưởng như con thuyền chao đảo, lửa như cháy trong ngực em (…). Như cùng một lúc, em đang làm vợ làm mẹ…”

(Báo Văn Học, California, số Xuân Ất Hợi 1995, tr. 121-122)

Hoặc trong thơ Trần Hồng Châu (bút danh của Nguyễn Khắc Hoạch, cựu khoa trưởng trường Văn Khoa, Sài Gòn), trong một thi tập xuất bản tại Mỹ, có câu:

Em là con gái mười thương

Yếm đào một dải mấy đường nhỏ thon

Thắt lưng hoa lý càng son

Bốn thân áo đẹp gạch non nhuộm màu

(Ước gì sông rộng một gang)

(Nửa Khuya Giấy Trắng, 1992 tr. 106)

Và cùng trong tập thơ ấy, ta lại được đọc:

Tôi lăn mình trên cỏ xanh non

Miệng ngậm nửa vành hoa tường vi

Ôi màu tím nhạt cyclamen của những quầng mắt bài thơ

Của áo ngủ Valisère rung rỉnh thủy triều trên mình em đại lục hoang vu…

(Giới hạn, s.đ.d. tr. 92)

Thơ, ý thơ và lời thơ cốt lõi ở tự do, xoáy sâu vào thời gian nhưng cũng trải rộng ra không gian. Đã đành là vậy, cuộc đời là vậy, nhưng chúng ta vẫn ái ngại cho tâm tình một Nguyễn Bính ngày xưa, khi cô gái “đi tỉnh về”:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm. Em làm khổ tôi

Thị thành bôi nhọ em rồi

Nào đâu cái yếm mua hồi sang xuân

Mấy câu này là nguyên bản bài Chân Quê (1937) trong tập Tâm Hồn Tôi, do nhà Lê Cường in năm 1940. Những bản in sau này đã thay đổi lời và ý. Giấy trắng mực đen, ngày một ngày hai, còn thay đen đổi trắng, trách cứ chi cô gái quê chỉ mới ngấp nghé cài… khuy bấm.

Chuyện cái yếm là cuộc rong chơi dông dài ngày Tết, không nên lấy làm đề tài văn hóa, văn chương hệ trọng.

No comments: