Wednesday, February 15, 2023

TÌM HIỂU CHỮ VIẾT CỦA NGƯỜI VIỆT (ĐĂNG NGỌC SINH - GS. BỒ ĐỀ TH)

 TÌM HIỂU CHỮ VIẾT CỦA NGƯỜI VIỆT


GS. Đặng Ngọc Sinh

 

Nước Việt ở vùng Đông Nam Châu Á, ngôn ngữ Việt thuộc ngữ hệ Nam Á(Austroasiatic) tiếng Tàu/Hán ảnh hưởng rất lớn, đối với nhận thức về nguồn gốc dân tộc và ngôn ngữ Việt. Bởi vậy, qua những năm làm giảng viên cho các khoa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm Việt Ngữ, đã có rất nhiều thầy cô giáo trẻ hỏi tôi, tiếng Việt của chúng ta sao mà rắc rối quá, nào là tiếng Hán-Việt, tiếng Việt-Hán, tiếng thuần Việt…chữ viết cũng không kém phần rắc rối, nhữ Nôm, chữ Nho, chữ Hán, chữ Quốc ngữ làm sao chúng em phân biệt được? Để giải đáp phần nào thắc mắc trên, trong bài này tôi trình bày 3 vấn đề:

 

1.-Tìm hiểu khái quát chữ viết người Việt đã dùng: chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc Ngữ.

2.- Lý do người Tàu không đồng hóa được người Việt.

 3.- Có nên duy trì tên gọi những từ ngữ gốc Tàu/Hán là tiếng Hán-Việt hay không?


1.-Tìm hiểu khái quát chữ viết người Việt đã dùng: Lịch sử Việt nam đã có trên 4.000 năm, tiếng nói và chữ viết cũng phát sinh từ đó. Nhưng rõ nét nhất là qua 1000 năm bắc thuộc, tiếng nói và chữ Việt chịu ảnh hưởng nặng nề của chữ Tàu/Hán, nhưng chúng ta không bị đồng hóa mà ngược lại chữ Tàu/Hán bị Việt hóa, tổ tiên chúng ta đã mượn nhiều từ ngữ của Tàu/Hán để dùng và làm phong phú cho ngôn ngữ Việt. Sự thay đổi của tiếng Việt, phần lớn là do tự thân tiếng Việt, bên cạnh những tác động trực tiếp của hay gián tiếp ngôn ngữ khác trong vùng Đông Nam Á, cùng tiến hóa chung, trong đó có tiếng Tàu /Hán. Người Việt tiếp nhân một số từ ngữ từ các nước lân ban nhưng vẫn giữ cốt lõi ngôn ngữ của mình với những đặc điểm riêng biệt. Về chữ viết, trong lịch sử Việt Nam đã có 4 loại chữ viết đó là: chữ khoa đẩu

 


còn gọi là chữ nòng nọc (loại chữ này là cổ tự, đã thất truyền từ lâu nên ít được nhắc đến), chữ Tàu/Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ viết theo mẫu tư Latin như ngày nay, chữ Quốc ngữ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của văn hóa, văn minh và văn học của Việt Nam. Chữ Tàu/Hán được biết đến như là một trong những ký tự cổ xưa nhất trên thế giới đã trên 4.000 năm. Chữ Tàu/Hán đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu/Hán trong đó có Việt Nam.

 

Chữ Hán: chữ Tàu/Hán du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ X hoặc trước đó, ta có thể chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn học tập (học chữ Tàu/Hán để phục vụ cho sự cai trị, ghi chép sổ sách v.v…). Giai đoạn mượn dùng (Năm 968 Việt Nam Độc lập các chế độ quân chủ Việt Nam mượn chữ Tàu/Hán với tên gọi là chữ Nho để ghi âm tiếng Việt). Giai đoạn sáng tạo, đến thế kỷ XIII chữ nôm xuất hiện (Chữ Nôm là chữ viết của nước Nam) Trong suốt thời gian

Bắc thuộc, các triều đại Tàu đều tiến hành các chính sách khác nhau nhằm đồng hóa người Việt, mong biến Việt Nam thành một quận của Tàu vĩnh viễn. Cùng với các chính sách cai trị về mặt chính trị, việc biến tiếng Tàu /Hán tự trở thành ngôn ngữ và chữ viết hành chính, khoảng thời gian Tàu đô hộ kéo dài1000 năm, đã mang lại những ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Tàu/Hán tới người Việt. Văn hóa Tàu/Hán vào Việt Nam qua các thời kỳ đô hộ khác nhau, với các cách tiếp cận cũng khác nhau: qua tôn giáo như Đạo Phật, đạo Lão và đạo Khổng… Ngay từ những tiếp xúc ban đầu, Sĩ Nhiếp, Thái Thú Giao Chỉ, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Hán tự, đạo Khổng được coi là nền tảng của các triều đại quân chủ Việt Nam. Văn hóa Tàu/Hán đã gây ảnh hưởng đến tầng lớp tinh hoa và quan lại người Việt. Trong nhiều thế kỷ theo dòng lịch sử, Hán tự từng được coi là hệ thống chữ viết chính thức ở Việt Nam. Mãi đến hơn 1000 năm sau, khi Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp mới chấm dứt.

 

Chữ Nôm là sự kết hợp giũa chữ Tàu/Hán và những đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt tạo thành. Chữ Nôm phát triển và hoàn thiện trong văn học Việt Nam từ thế kỷ XIII được sử dụng cho tới đầu thế kỷ XX.

 

Dù chữ Tàu/Hán có sức sống mạnh mẽ đến đâu chăng nữa, một văn tự ngoại lai không thể nào đáp ứng đầy đủ cho ngôn ngữ bản địa, thậm chí bất lực trước đòi hỏi việc trực tiếp ghi chép hoặc diễn đạt lời ăn tiếng nói cùng tâm tư, suy nghĩ và tình cảm của bản thân người Việt. Chính vì vậy chữ Nôm do người Việt tự sáng tạo đã ra đời để bù đắp vào chỗ mà chữ Tàu/Hán không đáp ứng nổi. Chữ Nôm do người Việt sáng tạo tạm chia làm 2 giai đoạn:

 

Giai đoạn một: Tạm gọi là giai đoạn “đồng hóa chữ Hán”, tức là dùng chữ Hán để phiên âm các từ Việt, thường là tên người, tên vật, tên đất, cây cỏ chim muông, đồ vật... Dùng chữ Tàu/Hán phát âm theo tiếng Việt có tên là chữ Nho.

 

Giai đoạn hai: Ở giai đoạn này, bên cạnh việc dùng chữ Nho/Hán để phiên âm từ ngữ tiếng Việt, đã xuất hiện chữ Nôm tự tạo theo một số nguyên tắc nhất định. Loại chữ Nôm tự tạo phát triển theo hướng ghi âm, nhằm ghi chép ngày một sát hơn, đúng hơn với tiếng Việt. Từ thời Lý thế kỷ thứ XI đến đời Trần thế kỷ XIV, hệ thống chữ Nôm mới thực sự hoàn chỉnh. Theo sử sách đến nay còn ghi lại được một số tác phẩm đã được viết bằng chữ Nôm, đời Trần có cuốn Thiền Tông Bản Hạnh.

 

Ðến thế kỷ XVIII - XIX chữ Nôm đã phát triển tới mức cao, át cả địa vị chữ Nho (Hán). Các tác phẩm như Hịch Tây Sơn, các Khoa thi hương dưới thời Quang Trung (1789) đã có bài thi làm bằng chữ Nôm. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng được viết bằng chữ Nôm là những ví dụ.

Chữ Việt (chữ Quốc ngữ)

 

Chữ Quốc ngữ là một hệ thống chữ viết, do người Âu châu sáng tạo và được hoàn thiện bởi những người bản xứ, đã thay thế hai hệ thống chữ Nho và chữ Nôm trong đời sống văn hóa giáo dục của người Việt, chữ Quốc ngữ là tổng hợp của hệ thống alphabet Latin và những đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt tạo thành.

 

Việc chế tác chữ Quốc ngữ là một công việc tập thể của nhiều linh mục dòng tên người châu Âu, trong đó nổi bật lên vai trò của Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và Alexandre de Rhodes. Việc chế tác chữ quốc ngữ nhằm mục đích truyền giáo.Trong công

việc này có sự hợp tác tích cực và hiệu quả của nhiều người Việt Nam, trước hết là các thầy giảng Việt Nam (giúp việc cho các linh mục người Âu). Alexandre De Rhodes đã có công lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc ngữ. Ðặc biệt là ông đã dùng bộ chữ ấy để biên soạn và in ấn lần đầu tiên cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - La Tinh (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày.

 

Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes biên soạn năm 1651 trong cuốn từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - Latin đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ đến năm 1772 từ điển Việt Nam - Bồ Ðào Nha - Latin được xuất bản, tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine (Bá Ða Lộc) thì chữ Quốc ngữ mới có hình thức như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay, là loại chữ văn minh nhất của Đông Nan Châu Á.

 

2.- Lý do người Tàu không đồng hóa được người Việt. 

Thông thường, tại các nước bị các nước lớn cai trị đều coi việc đồng hóa ngôn ngữ là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Sự đồng hóa này thường diễn ra rất nhanh có thể chừng 5 hay 6 thế hệ (mỗi thế hệ 25 năm), tiếng nói của người bản xứ đã bị thay thế bằng ngôn ngữ của nước cai trị. Lịch sử nhân loại cho ta thấy: đầu thế kỷ XV. Brazil bị Bồ đào nha chiếm, chẳng bao lâu tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chính thức của người Brazil. Nhiều thuộc địa ở châu Phi như Bénin, Sénegan… cũng dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính, ở Việt Nam, dưới sự cai trị của người Pháp. Năm 1918 bắt đầu dạy tiếng Pháp từ lớp vỡ lòng, học sinh đến trường phải nói tiếng Pháp, thầy cô giáo dạy bằng tiếng Pháp. Nếu sự đô hộ của Pháp còn kéo dài chừng 20 hoặc 30 năm nữa thì có thể ngày nay tiếng Việt không còn trên quê hương chúng ta nữa mà Việt Nam có lẽ trở thành một nước nói tiêng Pháp như các nước Châu Phi thuộc địa Pháp

 

Nhưng tại sao sau 1.000 năm đất nước ta bi người Tàu/Hán cai trị, cưỡng bách học chữ Tàu/ Hán để đồng hóa. Dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại, vẫn giữ nguyên được phong tục, tập quán, tiếng nói của người Việt. Đây quả là một điều kỳ diệu có lẽ chưa dân tộc nào khác làm được. Là một thành tựu vĩ đại của tổ tiên ta, là niềm tự hào nhất của dân tộc.

 

Ta thử phân tích xem vì sao? Nguyên nhân nào? đã giúp cho tổ tiên ta giành được chiến tích vẻ vang vô cùng quý báu, là chống lại sự đồng hóa của người Tàu/Hán mà không dùng vũ lực, mà chỉ bằng vào tài trí. Có lẽ trên thế giới chưa một dân tộc nào làm được.Trong bài này tôi không có tham vọng trình bày đầy đủ các nguyên nhân tổ tiên ta đã làm nên kỳ tích. Đây là quan điểm cá nhân tôi cho là cốt lõi, nếu có điều chi sai sót mong được chỉ bảo thêm.

 

• Đọc chữ Hán bằng tiếng Việt: Một sáng tạo xuất sắc của tổ tiên ta.

Đời Đường (thế kỷ VII) tên 漢字 (Hán tự, chữ Hán) xuất hiện lần đầu trong Bắc sử 北史 do Lý Diên Thọ biên soạn. Sau đó người Nhật và người Triều Tiên cũng gọi chữ này là Hán tự; tiếng Nhật đọc là Kanji, tiếng Triều Tiên gọi là Hantzu.

Khi vào Việt Nam, Tổ tiên ta không gọi là Hán tự mà đặt cho nó một cái tên khác là chữ Nho, với ý nghĩa là người có học, chữ nho là từ ngữ dùng để chỉ những người có học. Thầy dạy học gọi là Đồ Nho. Đây là điều độc đáo vì Tiếng Tàu/ Hán không có từ ngữ Nho tự 儒字 . Mỗi chữ Tàu/Hán được tổ tiên ta quy ước đọc bằng môt hoặc hai âm tiếng Việt, xác định có gốc là âm chữ Tàu/Hán, nay gọi là âm Hán Việt, nghĩa là mỗi chữ Hán đều được đặt cho một hoặc hai tên tiếng Việt gọi là từ Hán Việt. Bằng cách đọc chữ Hán theo âm tiếng Việt, không 4 đọc theo ân người Hán; tổ tiên ta đã thành công trong việc mượn chữ Hán để dung làm chữ Việt chính thức của dân tộc mình và gọi đó là chữ Nho. Sự vay mượn này không làm cho tiếng Việt bị biến mất mà còn làm cho nó linh hoạt phong phú hơn nhiều, nó có thể tiếp nhận và Việt hóa hầu như toàn bộ từ ngữ mới xuất hiện trong tiến trình phát triển của nhân loại.

 

Chữ Nho khác với chữ Hán ở phần ngữ âm: Nó là chữ Hán được đọc bằng âm tiếng Việt. nói cách khác Chữ Nho là chữ Hán được Việt Nam hóa phần ngữ âm, còn về tự dạng và nghĩa chữ gần như chữ Hán của người Hán. Có thể nói chữ nho là chữ của người Việt Nam vì đã được Việt hóa phần ngữ âm nên không thề coi đó là chữ của người Tàu/Hán, Chữ Mho đã là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam trong hơn 2000 năm, kể từ thời Bắc thuộc cho đến khi được thay thế bằng chữ quốc ngữ.

 

Cách đọc chữ Hán bằng âm Việt, đáp ứng được nhu cầu giao tiếp giữa người Việt và giới qyan lại thống trị phương Bắc bằng bút đàm, Người Hán vẫn thực thi được quyền lực của kẻ thống trị, vì vậy chúng không còn cưỡng bức dân ta phải học, đọc, nghe, nói tiếng Tàu.

Tóm lại, với cách học và đọc chữ Nho của tổ tiên ta là một sáng tạo đặc biệt, một kỳ công đã giúp cho dân tộc ta thoát khỏi sự Hán hóa. Dù đã cai trị Việt Nam cả ngàn năm vẫn không tiêu diệt được tiếng Việt và văn hóa Việt của dân tộc ta. Tiếng Việt còn, Dân Việt còn, nước ta còn.

 

3.- Có nên duy trì tên gọi những từ ngữ gốc Hán là tiếng Hán Việt hay không?

* Ngôn ngữ của một dân tộc là thứ tiếng nói và chữ viết khi nói hoặc viết ra, mọi người của dân tộc đó đều hiểu, là phương tiện giao tiếp chung của toàn dân tộc, bất kể sự khác nhau về lãnh thỗ hay xã hôi của họ đang sinh sống. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng của mình.

 

Cụ thể: Dân tộc Việt Nam sau biến cố lịch sử tháng 4 năm 1975. Dân tộc Việt Nam hiện đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, dù không cùng chung một lãnh thổ, chế độ xã hôi có khác nhau nhưng dân tộc Việt đều có chung một ngôn ngữ đó là Tiếng Việt. 

Sự thành hình ngôn ngữ của bất cứ một dân tộc nào đều do sự vay mượn của rất nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới, nó được du nhập bằng nhiều hình thức khác nhau theo chiều dài lịch sử của dân tộc đó. Tất cả có điểm chung là đã được nâng lên thành tiếng nói thống nhất mà mọi người đều hiểu, nó đã trở thành ngôn ngữ riêng của một dân tộc. Nói chung, sự khác biệt ngôn ngữ của một dân tộc thể hiện chủ yếu ở ngữ âm, sau đó đến từ vựng, còn sự khác nhau về ngữ pháp ít hơn. Ta thử xét xem qua vài ví dụ cụ thể như sau:

 

Do sự pha trộn nhiều dân tộc.

 

*Tiếng Anh hiện nay là sự pha trộn của ba thứ tiếng Anglo-Saxon (tiếng Anh cổ), Đan Mạch và Normand. (do sự xâm lược của người Đan Mạch và của người Normand) Người Anh có nói từ ngữ nào gọi là từ ngữ Anh-Anglo-Saxon, hay từ ngữ Anh- Đan Mạch…không? Hay tất cả là tiếng Anh!

 

*Tiếng Pháp. Có sự pha trộn của tiếng Latin với tiếng Celtic. Đến thời Phục hưng, tiếng địa phương miền Paris đã chiếm ưu thế, dần dần phát triển thành ngôn ngữ dân tộc vào thế kỷ 16–17. Người Pháp có nói từ ngữ nào gọi là từ ngữ Pháp-Latin, hay từ ngữ Pháp - celtic…không? Hay tất cả là tiếng Pháp!

 

*Tiếng Mỹ là tiếng nói vay mượn rất nhiều từ ngữ của các tiếng khác trên thế giới (tiếng Anglo-Saxon, Đan Mạch và Normand, tiếng Tây Ban Nha v.v..) nhờ vậy mà nó rất dồi dào và sống động nhất trên thế gới hiện nay. Người Mỹ có nói là từ ngữ Mỹ-Latin, từ ngữ Mỹ - Đan Mạch, từ ngữ Mỹ -Tây Ban Nha…không?Hay tất cả là tiếng Mỹ! không phân biệt từ ngữ đó xuất xứ từ đâu.

 

*Tiếng Việt thì thế nào? Tiếng Việt là tiếng nói chung của người Việt, khi nói ra, mọi người Việt đều hiểu dù ở bất cứ nơi đâu.Tiếng Việt được thành hình cũng do sự pha trộn từ nhiều ngôn ngữ của các dân tộc khác, qua lịch sử lâu dài trên bốn ngàn năm mới có được như ngày hôm nay. Bởi vậy tiếng Việt có nguồn gốc rất đa dạng. Trải qua thời kỳ 1000 năm bi giặc Tàu đô hộ, tổ tiên ta đã mượn rất nhiều từ ngữ gốc Tàu/Hán và rất nhiều tiếng của các dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á để giao tiếp đâu phải chỉ có tiếng Tàu. Ngoài ra chúng ta còn mượn rất nhiều, hàng trăm thứ tiếng khác để làm giàu cho ngôn ngữ Việt như: Anh, Pháp, Mỹ vv… Đó là điều hay, nó đã làm cho Tiếng Việt dồi dào thêm, nhiều cách nói, nhiều ngữ vựng, nhiều cách trình bày…Chắc quý vị cũng đồng ý với tôi các thứ tiếng ta đã mượn dùng lâu ngày (không biết nó từ đâu và du nhập vào Việt Nam lúc nào) đã Việt hóa, trở thành tiếng Việt, nó là tiếng Việt, không cần phải thêm vào tên tiếng gốc như: Hán, Khmer, Lào, Pháp, Anh gì cả, dù có bao nhiêu thứ tiếng khác nhau đã du nhập vào Việt Nam, khi nói ra mọi người đều hiểu đã trở thành một thứ tiếng đó là tiếng Việt. Tôi xin đơn cử một vài ví dụ: tha thiết là tiếng Việt gốc Thái (ta không cần nói tha thiết là tiếng Thái-Việt), vẩn vơ là tiếng Việt gốc Lào (ta không cần nói vần vơ là tiếng Lào-Việt), chân tay là tiếng Việt gốc Khmer (ta không cần nói chân tay là tiếng Khmer-Việt),, tiếng Anh Pháp Mỹ chúng ta đang tiếp tục mượn như: kaki, kilo, battery,computer, charde, stop (ta không cần nói stop là tiếng Anh-Việt), … mượn lâu ngày sẽ trở thành tiếng Việt (theo BS Nguyễn Hy Vọng). Chữ quốc gia, gia đình, dân tộc, độc lập là tiếng Việt gốc Hán, tại sao ta lại cứ phải gọi các từ ngữ Việt có gốc là tiếng Tàu/ Hán với tên gọi là từ Hán-Việt, còn các thứ tiếng khác đã Việt hóa lại không có tên của tiếng gốc đi kèm? Phải chăng vì nước ta bị người Tàu/ Hán đô hộ quá lâu, bị ám ảnh từ vô thức đã không thoát ra ngoài ảnh hưởng của người Tàu!

 

Xin thưa cùng quý thức giả hằng quan tâm đến việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt, với phương châm là TIẾNG VIỆT CÒN, DÂN VIỆT CÒN, SỬ VIỆT CÒN, NƯỚC VIỆT TRƯỜNG TỒN. Hãy đồng thuận với nhau là: tất cả các thừ tiếng đã được dân tộc Việt mượn dùng từ lâu, bất kể từ đâu đến, đã Việt hóa như ngày nay chỉ có một tên gọi duy nhất là Tiếng Việt. Điều này sẽ giúp cho gới trẻ dễ học tiếng Việt hơn. Như đã phân tích trên, tiếng Việt rất đa dạng nhờ sự tổng hợp của nhiều thứ tiếng chứ không phài chỉ nhờ vào tiếng Tàu/Hán.

 

Do vậy nên bỏ tên gọi là từ Hán-Việt.

 

Lý do: muốn phân biệt được chữ nào là chữ Hán-Việt, chữ nào là chữ Hán-Hán, chữ nào là chữ Việt-Việt, chữ nào là chữ Nùng-Việt, chữ nào là chữ Khmer-Việt v.v… không phải ai cũng biết được, nó đòi hỏi phải có khả năng , kiến thức sâu rộng mới biết được. Nếu muốn tìm hiểu xuất xứ của một từ ngữ nào đó thì phải tầm nguyên mới biết dược. Phần trình bày trên đây là lời đề nghị của tôi nếu có điều chưa hợp lý, nhờ quý vị góp ý cho.

No comments: