Wednesday, July 12, 2023

CHUYỆN CÔ BÉ ĂN XIN & CHÚ THƯƠNG BINH (MAI THỊ MÙI)

 


CHUYỆN CÔ BÉ ĂN XIN & CHÚ THƯƠNG BINH

MAI THỊ MÙI 

 

Mùng 3 tết Đinh Mão 1987 tôi cùng bố mẹ bắt tàu lửa tuyến Biên Hòa-Sài Gòn.

 

Trên tàu có một cô bé cùng cha đi ăn xin. Cô bé trạc tuổi tôi hay hơn 2-3 tuổi gì đó cầm chiếc nón vải đi loanh quanh các toa tàu. Người cha bị cụt hai chân tới háng. Chú buộc một tấm cao su dưới mông. Ngón đàn của chú không điêu luyện, chỉ đủ để “hành nghề”. Cô bé dường như cũng chỉ thuộc rất ít bài hát. Cả buổi tôi chỉ nghe cô hát mỗi bài “Hồi Tưởng”. Cô vừa hát vừa đi khắp các toa tàu. Người cha nếu thấy con đi quá xa, tiếng hát không còn ăn với tiếng đàn đệm nữa thì lại khó nhọc lê thân theo con. Cô bé đang tuổi chim non, giọng hát khá trong trẻo. Cô hát với giọng Nam thuần hậu không trau chuốt “ Biềng biệc một bóng đím từng cơng gió đông. Anh nhớ tui mong đím lá thu zàng bao lần rồi anh biếc không?”.

 

Khi ấy người Nam còn nhiều hơn người Bắc. Ra ngoài đường nghe giọng Nam còn khá nhiều. Trên tàu còn nhiều người bán hàng rong như thuốc lá, trà đá, bánh kẹo, đậu phộng, cóc, ổi. Tôi thấy nhiều người mua. Mua rồi để đó chứ không ăn. Người ta thấy người bán vất vả đáng thương thì mua ủng hộ, cũng không kì kèo trả giá. Người ta mua cho con mình ăn và cũng cho cả cô bé hát ăn nữa. Cô bé tuổi hồn nhiên, vô tư ngừng hát ngồi ăn. Mỗi lần nhận đồ ăn cô đều vòng tay lễ phép cám ơn, nét lễ nghi của con nhà có giáo dục, nề nếp. 

 

Khi ấy thương bệnh binh đổ về Quân Y Viện 7B rất nhiều. Mấy chú thương binh phe thắng cuộc khi ấy là niềm kinh hoàng của các chị bán chôm chôm khu Ngã Tư. Buồn buồn là mấy chú tiến lại gần sọt chôm chôm xin đểu. Có chú không xin thì giằng nghiến. Mấy chị mấy cô bị áp bức riết phản kháng thì bị mấy chú giơ nạng dọa đánh (và cũng có lần mấy chị ăn nạng thật). Những năm ấy xe tải chở mía từ các nông trường về rất nhiều. Quốc Lộ 1 khi ấy (đường Nguyễn Ái Quốc bây giờ) là con đường huyết mạch. Ngày ngày các xe tải mía ùn ùn từ hướng Hố Nai đổ về Biên Hòa. 

 

Hố Nai khi ấy là vùng cao. Đoạn đường từ cầu Săn Máu đổ về Ngã Tư là một con dốc. Xe tải vừa chạy qua cầu 1 chút là đã thấy bóng rồi. Các chú thương binh ngồi sẵn hai bên đường đón lõng. Ban đầu chỉ là đu theo xe rút mấy cây mía. Càng về sau mức độ trấn lột càng tàn bạo hơn. Mấy chú bắt xe dừng hẳn lại hất mấy bó mía xuống đường, sau đó bán lại cho mấy chị bán trái cây. Hết trò trấn hàng đến trò trấn tiền. Mấy chú bắt tài xế nộp tiền. Cánh tài xế bàn nhau đóng kín cửa kính xe thì bị mấy chú ném đá hoặc lấy nạng phang cho vỡ. Về sau thành thông lệ, hễ xe chạy gần đến cổng Quân Y Viện thì lơ xe tự giác xuống “làm lễ”. Chả biết đây có phải là nguồn gốc của hình thức làm lễ khi bị CSGT làm luật ngày nay không?

 

Khi có tiền rồi mấy chú chả tha thiết gì chiến lợi phẩm nữa. Rau củ quả, trái cây mấy chú bỏ mứa. Ngầm ý cho bọn con nít. Bọn con nít tụi tôi đố đứa nào dám lại lấy. Chờ cho mấy chị mấy cô tới lấy về cho ăn. Tuy vậy, lúc ấy cứ nhắc đến “thương binh” là trẻ con im phăng phắc như nghe tới ông Kẹ vậy.

 

Tôi vốn nhát gan. Những hình ảnh ấy thật sự gây ác mộng cho đầu óc non nớt của một đứa bé gái. Thật lạ là “chú thương binh” trên tàu lửa lại không như vậy. Dù thân thể thương tật đau đớn, lê thân khó nhọc mà chú vẫn tươi cười, nói năng hòa nhã. Ai cho tiền chú đều gật đầu cảm ơn. Ngày ấy tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại có “chú thương binh” trên tàu lửa không mặc áo may-ô, không rút mía, không lấy nạng phang người khác, mắt không vện lên tia máu. Đến nhiều năm sau nữa tôi cũng vẫn chưa hiểu nổi tại sao một số thương binh được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, con cái họ khi học hành, thi cử hay công tác đều được ưu tiên, mà một số  “thương binh” lại lay lất ăn xin, làm thuê, vác mướn, làm những công việc nặng nhọcRồi một ngày tôi mới hiểu, họ là thương binh của bên bại trận.

 

“Đim trắng đim chong đèn tôi viếc những chiệng xưa bọn mình”, giọng Nam líu lo của cô bé vang khắp các toa tàu. Khi ấy tôi tưởng là “trong đèn”, tức là trong ánh đèn. Ngày ấy đâu phải nhà nào cũng có điện dùng, nên mới có khái niệm xài điện ké, tức là câu điện từ nhà có đồng hồ điện. Có đồng hồ điện riêng là niềm hãnh diện đến nỗi  mỗi khi rao bán nhà kèm theo câu “điện nước riêng” là nâng tầm căn nhà lên một bậc. Đèn ở đây là đèn dầu. Chong đèn có nghĩa là thắp đèn. Người cha cô bé ấy đã bao đêm chong đèn nhớ về người đồng đội như hình với bóng, kết thân đôi đầu xanh? 12 năm sau ngày “giải phóng” chú vẫn hoài niệm về những ngày đón nhau khi bình minh, gối tay nhau tàn canh, nhìn đời bằng ánh mắt chân tình sáng long lanh, vào đời bằng tiếng hát trung thành. Tiếc gì lá xa cành!

 

Những năm 1980 phong trào vượt biên vẫn còn nhiều. Với thân thể tàn phế như thế chắc chú không thể nào “ôm phản lao ra biển” như bao đồng đội, đồng bào đau thương của mình. Với tình cảnh đi hát xin ăn như thế vàng đâu chú đưa cho chủ tàu mà lên thuyền?

 

Cô bé hát “Hồi Tưởng” năm nào, vẫn mong rằng tình yêu thương của những con người nhân ái chưa bị nhuốm màu thời đó nuôi dưỡng chị qua cơn oằn mình của cả dân tộc. Có phép màu nào đó đã đưa chị đến chân trời mới không? Dù chị nơi đâu, ký ức tôi vẫn nhớ về cô bé nón vải trên chuyến tàu lửa mùng 3 tết Đinh Mão 1987.

 

MAI THỊ MÙI

No comments: