ĐƠN XIN THÔI VIỆC
Sarah, cô bạn da trắng, từng học chung với
tôi chương trình về Day Care tại McEwan College nhưng lại rủ rê tôi làm việc hổng
có dính dáng gì đến Day Care: chuỗi cửa hàng cà phê. Hồi đó, sau khi lấy bằng
Day Care, chúng tôi mỗi người một nẻo, tôi làm trong một Day Care Center một thời
gian, bỗng một hôm gặp lại Sarah, nó bảo nó đang làm manager cho một chuỗi cửa
hàng cà phê, nó khoe ông chủ rất dễ thương, tốt bụng, đang cần một người làm
part time rất đúng “nghề” của tôi!
Tôi hỏi:
– Đúng nghề gì chớ?
– Thì nghề giáo bên
Việt Nam của mày đó.
– Ủa, ổng cần người dạy
Tiếng Việt hay là dạy Toán cho nhân viên cửa hàng sao?
Biết tôi đùa, Sarah
giải thích:
– Mày chỉ cần đến làm
schedules cho 7 tiệm cafe của ổng, tổng cộng gần 100 nhân viên nên ổng bận lắm,
một tuần 2 ngày thôi, đúng với khả năng organized của mày, đúng không nào?
Sarah kèo nài mãi,
tôi cũng xuôi lòng, đồng ý đến nhận việc, khỏi cần phỏng vấn, ổng cho vào làm
ngang hông. Thời gian đầu công việc khá thú vị, khoảng 3-4 giờ chiều đến một tiệm,
trước khi vào office trong tiệm, làm ly cafe và một dĩa bánh, mở computer bắt đầu
làm schedules cho 2 tuần tới, sau đó chạy xe đến tiệm tiếp theo, đến tiệm cuối
cùng là xong việc, thảnh thơi lái xe ra về.
Nhưng rồi bắt đầu có
những problems nho nhỏ, ví dụ như có người bệnh, nghỉ đột xuất, hoặc đi
vacation, hoặc quit job, thì dù là đang nửa đêm tôi cũng bị họ nhắn tin để tôi
điều chỉnh schedules theo đúng nhu cầu của tiệm, vì tiệm nào cũng đông khách,
báo hại tôi phải nhổm dậy, mở computer nhà, xem xét, tìm người từ tiệm này bỏ
qua tiệm kia, réo người part time đi làm thêm, phone gọi người làm extra
time... nhức cái đầu, có lúc “tẩu hỏa nhập ma” tôi làm lộn schedules, gây rắc rối
tới cả nhóm tiệm. Tôi bèn gặp ông boss xin nghỉ việc, ổng đồng ý tôi không làm
schedules nhưng xin tôi ráng ở lại tiệm bán bánh và cafe giúp ổng vì đang thiếu
người. Nhỏ Sarah xúm vào năn nỉ, (vì nó biết trái tim tôi mềm yếu), ừ thì một
tuần 2 ngày ca chiều không bận rộn lắm, đến đây vừa làm vừa... ăn, vừa tán gẫu
với khách hàng, đỡ nặng đầu hơn làm schedules, cũng vui.
Một lý do khác khiến
tôi ở lại và gắn bó với tiệm cafe vì chuyện ơn nghĩa, ân tình. Ông boss là người
Úc gốc Do Thái, qua Canada sinh sống từ lâu, bản tính hài hước, hào phóng làm từ
thiện. Quanh năm đều có những events của các cộng đồng trong city, các hội từ
thiện, ông đều cho mấy thùng cafe pha sẵn kèm theo ly giấy, đường sữa và hàng
trăm cái bánh ngọt. Tôi cũng tranh thủ chớp thời cơ, xin ông “tài trợ” cho Hội
Người Việt nơi tôi đang làm thiện nguyện, nhất là mùa Trung Thu và Tết Nguyên
Đán, ông vui vẻ thoải mái ủng hộ, có lần ông còn đến dự xem tôi làm MC, thấy có
nhiều trẻ em, ông bảo lần sau ông sẽ tặng thêm hot chocolate. Bởi vì mối dây
nghĩa tình với ông chủ và Sarah mà thấm thoát tôi đã làm ở chỗ ấy gần 10 năm trời.
Rồi cũng đến lúc tôi
phải ngưng công việc này, tôi nói với chồng:
– Em thấy áy náy với
Sarah và ông boss, chắc họ sẽ đau lòng lắm, ngoài ra em còn nhớ những khách
hàng thân thuộc, gặp nhau nói chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chuyện thời cuộc
...trời ơi, em chẳng muốn chia tay chút nào.
– Nhưng em đã suy
nghĩ mấy tháng nay rồi còn gì, đã đến lúc em ưu tiên những công việc khác của
cuộc đời em chứ, đâu thể nể nang và yếu đuối mãi.
Lẽ ra tôi nên báo cho
Sarah trước, nhưng biết chắc nó sẽ nài nỉ ỉ ôi, nên tôi quyết định email chung
cho Sarah và ông boss. Viết xong thư xin thôi việc, tôi rầu rĩ đọc đi đọc lại
mà chưa dám nhấn nút “send”. Ngày hôm sau, biết tôi chưa nỡ gửi mail, chồng tôi
lại nói:
– Ối dào, em cứ tưởng
khi họ nhận được mail thì họ sẽ vật vã khóc lóc, tưởng như trái đất này sụp đổ
sao?
– Cũng gần như vậy đó
anh! Anh không hiểu được đâu.
Tôi phone cho nhỏ em
thân thiết trong ca đoàn, nó nói ngay:
– Chị dẹp cái tính ủy
mị cải lương đi là vừa! Tụi Tây đứa nào chả ngọt xớt, sáng còn “how are you, I
love you” rồi đến chiều tỉnh bơ đưa giấy layoff đó nghen.
Thôi thì chẳng ai hiểu
tôi cả, tôi đành phải lấy hết... can đảm gửi mail. Đúng như tôi dự đoán, chưa đầy
nửa tiếng sau, ông boss trả lời một đoạn dài, tuy không níu kéo nhưng những câu
nói chứa chan tình cảm làm tôi ray rứt. Rồi buổi tối, Sarah phone tôi với hàng
loạt câu hỏi “vì sao và vì sao”, thậm chí nó còn “trả giá” tôi làm một tuần một
shift cũng được, rồi kết thúc với giọng rầu rầu: “Mày nghỉ làm, tiệm sẽ không
bao giờ còn như trước nữa, Laura ơi”.
Đến ngày làm việc cuối,
chia tay nhóm nhân viên ca chiều, ông boss đặt mấy món nhà hàng Tàu. Ăn uống
xong, Sarah đại diện đem ra ổ bánh có ghi chữ “farewell Laura”, một giỏ quà và
tấm thiệp mỗi người ghi một câu làm tôi bật khóc. Sarah đưa tôi một túi quà
riêng và tấm thiệp, nói tôi về nhà mới được mở ra đọc vì nó sợ cả tôi và nó lại...
khóc.
Tấm thiệp của nó, với
chữ viết tay, thật dài, trong đó có đoạn đại khái là: “Laura ơi, bạn đã ở cùng
tôi ngần ấy năm, chia sẻ những thăng trầm của tiệm, những buồn vui của nước mắt
nụ cười của hai chúng mình”.
Thực ra “buồn vui” là
của Sarah. Trong số khách hàng quen thuộc của tiệm, có chàng Steve là một
Computer Engineer đến tiệm mỗi ngày hai lần, lúc trưa đi làm, và lúc chiều tối
sau khi xong việc. Lần nào Steve cũng nán lại nói chuyện với chúng tôi, nhất là
với Sarah, rồi hai người nảy sinh tình cảm. Nàng là single mom, chàng một lần
đò dang dở, hai tâm hồn hợp nhau, quấn quít nhau không rời.Tôi cũng nhiều lần
tháp tùng Sarah đi sports bar cùng uống bia, ăn nacho và xem hockey games với
Steve. Những ngày Lễ như Giáng Sinh, Valentines, Canada Day ... Steve đều mang
chocolate đãi cả nhóm nhân viên trong tiệm.
Rồi bỗng không thấy
Steve đến tiệm nữa, Sarah cho biết Steve đã nói lời chia tay, với cả 1001 lý do
khi người ta không còn yêu. Thương Sarah vật vã với sự lẩn tránh của Steve, nên
vào một lần tan ca lúc 11 giờ đêm, tôi lái xe chở nó tìm đến nhà Steve để nói
chuyện một lần rõ ràng. Nhưng khi đến nơi, căn nhà đã treo bảng cho mướn, Steve
đã trả nhà và dọn đi nơi khác. Sarah chui vào xe tôi khóc nức nở, còn tôi lặng
lẽ lái xe khắp các nẻo đường dưới phố, mở cửa sổ xe cho gió đêm mát lạnh ùa vào
ủi an Sarah, giúp nó mạnh mẽ vượt qua nỗi buồn.
Đó là một trong rất
nhiều kỷ niệm khiến tôi lưu luyến khi nhớ về nơi đây. Thương Sarah và quý ông
boss, tôi sẽ cất giữ những món quà, những tấm thiệp và tình cảm của họ trong
trái tim.
Chiều chủ nhật, chồng tôi sau khi đi
đánh golf, về nhà báo tin:
– Anh mới ghé qua tiệm
cũ của em mua cafe và bánh ngọt.
– Thế à ?Anh có gặp
Sarah?
Anh cười tươi như
hoa:
– Anh đi lối Drive
Thru nhưng nhìn vào tiệm có thấy Sarah.
Tôi chờ đợi:
– Rồi sao nữa?
Nhìn qua cửa sổ anh
thấy nó đang hớn hở nói chuyện cười đùa với khách hàng, cứ như là Laura chẳng
còn hiện hữu trong tâm trí nó.
Tôi xịu mặt, chồng
tôi tiếp luôn:
– Khi anh lái xe vòng
ra trước tiệm, anh thấy ông boss của em đứng ngay parking lot, tay cầm ly cafe
nói chuyện với một người nào đó, mặt mũi rạng ngời phơi phới, có thấy nhớ nhung
khổ đau vì Laura gì đâu nà! Em thấy chưa, “không mợ chợ vẫn đông dzui”, em chớ
có mà sầu đau thổn thức.
Tôi liếc chồng, lầm bầm:
“Giỡn hổng dzui tí nào” rồi bỏ vào phòng ngủ. Tôi biết anh nói đúng, tôi biết
câu “life goes on”, tôi biết thời gian chữa lành mọi nỗi buồn, nỗi nhớ thương.
Nhưng tôi cũng tin rằng, những câu nói
tâm tình của ông boss, những cái ôm và nước mắt của Sarah ngày chia tay là có
thật, rất thật.
Chồng à, anh đừng hòng đánh phá,
chia rẽ tình cảm của chúng tôi chớ! Mơ đi!
– Kim Loan
(Edmonton, June 2/2023)
No comments:
Post a Comment