Wednesday, July 19, 2023

THÔN VỸ DẠ (LÊ MỘNG NGUYÊN)

 


Thôn Vỹ Dạ 

Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên


Ghi chú của Tòa Soạn KTTT: Ðây là một bài viết tiêu biểu của cố Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên, được đăng tải trong Khai Thác Thị Trường & Phúc Trình Doanh Thương VN sô 105 tháng 1-2-3/2017. Tòa Soạn cho đăng lại bài tiêu biểu này để Tưởng Nhơ đên Nhạc Sĩ LÊ MỘNG NGUYÊN, qua đời ngày 19-5-2023.

Ðây là một bai viết tiếng Việt, trong đó có bài thơ tiếng Việt của Ông, được dịch ra tiêng Pháp bởi chinh tác giả.

Sau này nếu có dịp, chúng tôi sẽ đăng tải lại các bài viết của Ông trong Khai Thác Thị Trường và Ðối Lực, trong sự nghiệp cộng tác của Ông suốt 20 năm, kể từ Ðại Hội Thế Giơi Công Bố Hiên Chương 2000 ngày 26/11/2000 tại Hội Trường Quốc Tế FIAP - Paris, mà Ông trở thành Thành Viên chủ chốt của Hội Ðồng Cố Vấn của Phong Trào Hiến Chương 2000.

                 *     *     *

Thôn Vỹ Dạ - hiện nay thuộc phường Vỹ Dạ (Huế) - lấy tên  « Từ gốc là Vĩ Dã ( – vĩ : lau, - dã : cánh đồng) nằm ở ngoại vi thành phố Huế, bên bờ sông Hương. Trước kia, nơi đây có nhiều vườn tược rất xinh xắn, nên thơ ; là nơi cư ngụ của nhiều vương hầu, quý tộc, danh sĩ thời trước. Vĩ được viết i ngắn, vì theo cách viết trong sách giáo khoa Ngữ văn đang hiện hành » (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Thôn Vỹ Dạ nổi tiếng từø xưa đến nay nhờ bài thơ « Ðây thôn Vỹ Dạ » (lúc đầu gọi là Ở đây thôn Vĩ Dạ ) của Hàn Mặc Tử :

Sao anh không về chơi thôn Vỹ ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

 

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay ?

 

Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà ?

 

 

VỸ DẠ mon amour

 

Pourquoi ne venez-vous pas au village Vỹ Dạ ?

Nous y admirerons ensemble le lever du soleil

Dardant ses rayons lumineux sur les rangées d’aréquiers

À l’avenant de ce jardin verdoyant, resplendissant d’émeraude,

 

Qui appartient à celle dont le beau visage de forme carrée

Se trouve dissimulé derrière le feuillage de bambou éclairé.

Le vent poursuit sa direction et les nuages leur course

Tout en effleurant le cours du fleuve mélancolique


Et en secouant sur les deux rives les fleurs de maïs…

Quant au sampan anonyme,

Amarré près de la berge du Fleuve au reflet de Lune,

Serait-il en mesure de la transporter chez nous pour cette nuit ?

 

Tu rêves toujours, ô bien-aimée, au voyageur très lointain

Dans ta robe si blanche que tu sembles irréelle…

Te confondant avec la brume du matin

Qui rend blafarde toute image humaine,

Comment, dans ces conditions, peut-on savoir

Toute l’intensité de ton amour pour moi ?

(Traduction française de Lê Mộng Nguyên)


Bài “Ðây Thôn Vỹ Dạ”  phản ảnh một mối tình vô vọng của nhà thơ đối với người mình yêu tha thiết nhưng không bao giờ được gặp mặt « … Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra… », tương tự mối tình muôn thuở mà Félix Arvers ấp ủ trong tim, không bao giờ dám nói thẳng với Marie Nodier phải đi lấy chồng năm 1833 và trở thành Bà Marie Mennessier-Nodier : 

HÌNH MINH HỌA.


Tình muôn thuở (Sonnet d’Arvers)


Ðời ta ôm ấp một mối tình

Mối tình muôn thuở mới sơ sinh

Tình không hy vọng, tình ngang trái

Mang bệnh thương này ta lặng thinh

Than ôi trong cuộc thế thăng trầm

Bên cạnh em mà như xa xăm

Thời gian qua vẫn luôn cô quạnh

Không dám cầu xin, không nói năng

Em là thần diệu của tình si

Trong tâm lơ đãng có nghe gì

Trái tim đau khổ không hàn gắn

Âm thầm theo dấu bước em đi

Cho tròn tiết nghĩa vợ trung thành

Với chồng là phận gái đoan trinh

Xem thơ ta gửi em toàn vẹn

Không hiểu là thơ nói chuyện mình

(Bản dịch sang Việt ngữ của Lê Mộng Nguyên)

Theo Nguyễn Ðình Niên (Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mặc Tử (Nxb SEACAEF, 2009) : « …những người đàn bà thi sĩ đã kinh qua cuộc đời Hàn Mặc Tử, đó là : Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Ðình và Thương Thương ». Wikipedia trích GS Nguyễn Ðăng Mạnh nói về nguồn gốc hứng cảm của bài thơ Ðây thôn Vỹ Dạ : « Hồi làm nhân viên ở sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có thầm yêu trộm nhớ đơn phương một cô gái người Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con ông chủ sở. Một thời gian sau, nhà thơ vào Sài Gòn làm báo, khi trở lại Quy Nhơn thì cô gái đã theo gia đình về Vĩ Dạ (Huế). Một buổi kia , cô Cúc do sự gợi ý của một người em thúc bá, bạn của Hàn Mặc Tử, gửi vào cho nhà thơ một tấm bưu ảnh (carte postale) chụp một phong cảnh sông nước có thuyền và bến, kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đã mắc bệnh hiểm nghèo (Bệnh phong) ». Lời thăm hỏi không ký tên, nhưng bức ảnh và những dòng chữ kia đã kích thích trí tưởng tượng, cảm hứng, và đã gợi dậy những gì thầm kín xa xưa của Hàn Mặc Tử… » (theo Văn Học 11 tập 2, Nxb Giáo dục, 2008, tr. 40…).

Bài thơ « Ðây Thôn Vỹ Dạ » làm tôi động lòng, và dưới một xúc cảm dạt dào, đã viết  ngay trong chiều 25 tháng 4 – 1950, tại Huế (đường Gia Long) sáu tháng trước khi lên máy bay qua Pháp, bài nhạc lấy tên chính thức « Về Chơi Thôn Vỹ », cảm tác thơ « Ðây thôn Vỹ Dạ » của Hàn Mặc Tử, để tặng hương hồn người thi sĩ đa tài nhưng bạc mệnh :

Về Chơi Thôn Vỹ (Nhạc và lời : Lê Mộng Nguyên)

Chiều vàng gió thu reo mây mờ

Người về thăm chốn năm xưa

Sao ta không về chơi thôn Vỹ ?

Vờn nắn hàng cau, lá trúc lao xao, bờ thu xuyến xao,

bến xưa còn loang nắng đào

Sao ta không về chơi thôn Vỹ ?

Nhớ người mắt biếc khuôn mặt chữ điền,

chiều chiều lai láng tình quê,

chờ ai ra đi không về

Gió lướt theo gió mây về đâu ?

Con sông này thu xưa mến thương nhiều

Này đây lối về năm trước còn ghi mấy lời thề ước

Ai đi cho lòng đau thương

Chiều nay bước về năm xưa

Xào xạc bên hàng tre thưa

Bóng dáng ai hầu phai mờ

Chiều vàng lòng tha hương mong ngày về

Rồi cùng ai nối duyên tơ

Bao năm không hề quên thôn Vỹ

à bóng nàng thơ

nhớ nhung say sưa,

ngàn năm ước mơ,

hắt hiu lòng ta đợi chờ…

Nhạc phẩm « Về Chơi Thôn Vỹ » của Lê Mộng Nguyên  được đưa lên Trang Nhà « Nhạc Ngô Càn Chiếu » chiều ngày chủ nhật 26 tháng 06 – 2011, 16:26 (giờ Paris) thì  tôi nhận được ngay trong ngày chủ nhật ấy (16 :58),  những cảm tưởng của nhà thơ TỪ NGUYỄN như sau : 


« Lại được thưởng thức thêm một nhạc phẩm đặc biệt hay của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên viết cho miền cố hương, cho một mối tình thơ dang dở. Mọi dang dở đều gợi nên nhiều tiếc nhớ nhất là dang dở trong tình yêu. Chuyện xưa đã qua lâu, nỗi đau tình đã phai đi ít nhiều qua lớp bụi thời gian, nhưng bàng bạc suốt cả chiều dài nhạc phẩm là những hoài niệm, luyến thương, có lúc lại tràn lên, chất ngất. Trên nền ý thơ. « Ðây thôn Vỹ Dạ » của Hàn Mặc Tử, những cảm xúc về hình bóng một người thương đã xa khuất trời xa, trong mối tình bất toại, lại như càng tăng thêm muôn ngàn nuối vọng… Cảm ơn nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên, nhạc sĩ Võ Công Diên và ca sĩ Quốc Duy đã cho mọi người thưởng thức nhạc phẩm tuyệt vời này ! » Và cũng trong ngày chủ nhật 26/06/2011 nhà thơ Từ Nguyễn viết trên mạng lúc 17:36 : … Nhân hôm nay nghe bài hát của nhạc sĩ mới gửi lên Site của nhạc sĩ Ngô Càn Chiếu

http://www.ngocanchieu.net/ngocanchieu/audio ),

thấy thật nhiều hoài niệm về một bóng nàng thơ của Huế trong mối tình xưa… Từ Nguyễn viết vội bài thơ này, gọi là chút cảm hoài cho mối tình dang dở ngày ấy bên sông Hương của nhạc sĩ. Mong sẽ được nhạc sĩ và bạn bè đón nhận !

Người Thơ Năm Cũ (Thơ Từ Nguyễn do Lê Mộng Nguyên phổ nhạc, với giọng ca Quốc Duy và hòa âm Võ Công Diên): 


Nàng thơ mắt biếc đã về đâu

Lá trúc vườn xưa mấy độ sầu

Mưa nắng bao mùa phai nhan sắc

Bên dòng sông lặng có chờ nhau ?

Mặt chữ điền xưa có hắt hiu ?

Có dõi hàng cau ngắm nắng chiều

Nhớ một người đi xa vạn dặm

Nợ suốt đời dài một chữ yêu !

Bến vắng bên bờ Vỹ Dạ xưa

Khóm tre còn đội nắng, che mưa ?

Người bao năm trước ngồi chải tóc

Bây giờ đã bạc mái đầu chưa ?

 

Thôn Vỹ chưa một lần về lại

Xa xôi còn đó những miệt mài

Hỏi thăm chừng cũng nghe ngần ngại

Nỗi màu má úa…, nỗi đời phai

Nhạc Sĩ Lê Mộng Nguyên (Paris)

No comments: