Chuyện gia đình của ca sĩ Ái Vân
dưới thời V.C miền Bắc
Ông Ngoại Ái Vân là bạn thân
với Bác Hồ, nhưng tài sản của gia đình Ái Vân cũng bị cướp trắng...
" Sau ngày đó, miền Bắc mọi thứ được
đưa vào công hữu. Ba không còn là công tử Hà Thành, không còn là ông bán xe hơi
túi tiền rủng rẻng, không còn là ông chủ đại diện hãng xe đạp Dura Mercier tiền
vào như nước, rồi ông chủ hãng Vietfilm làm phim một vốn bốn lời cũng không nốt.
Ba nói “Tất cả cứ thế mà không. Chả hiểu vì sao.”
Ông tư sản Hà Quang Định trở thành kẻ thất
nghiệp. Gánh nặng gia đình đổ lên lưng má từ đấy. Với một người yêu vợ
con đến mê muội như ba tôi, đó là nỗi đắng cay
Trg. 40: Với tôi ông nội thật hiền, có
khi cả tuần mới nghe ông nói một tiếng. Ông sống khép kín, loanh ới. Má kể năm
tôi sinh ra cũng là năm ông mất của (10-1954).
Của cải ông thừa kế của cụ nội đều bị quốc
hữu hóa. Tôi lên hai tuổi ông chẳng còn gì, chỉ còn cái bóng thu lu trên gác. Tội
nghiệp ông nội. Ông cố nấp vào cái bóng của chính ông, giấu kín hai tiếng “tư sản”,
giấu kín đến nỗi ba tiếng “tiểu tư sản” người ta gán cho ba má tôi ông cũng sợ.
Ông sống ẩn dật không hề tiếp xúc với một ai, kể cả con cháu trong nhà. Rất ít
khi nghe tiếng ông. Thi thoảng lắm mới thấy ông nhóng cổ qua cửa sổ nói với ai đó
dưới đường phố: “Tôi nhất trí…nhất trí…nhá, nhá!”. Chẳng có ai cả, ông cứ nhất
trí vậy thôi.
Trg. 55: Tôi nhớ gia tài của cả nhà tôi
dần dần thu bé lại chỉ còn có 4 món đáng giá nhất: chiếc xe đạp Dura của Pháp,
quạt máy Morelli, chiếc máy khâu Singer và đài bán dẫn hiệu Philips. Dàn xe đạp
Dura Mercier dàn hàng ngang trước cửa nhà đã biến mất, chỉ còn một chiếc nằm chỏng
gọng ở lối vào, phương tiện đi lại duy nhất của cả nhà.
Bẩy tuổi tôi biết sau tiếp quản Thủ đô,
cuộc đời ba tôi đột ngột thay đổi. Hình ảnh ông bầu của rạp hát lẫy lừng, người
quản lý cho nghệ sĩ nổi tiếng Ái Liên không còn nữa. Đang là người đàn ông trụ
cột gia đình rất phong lưu hào hoa bỗng dưng ba tôi mất trắng, không còn gì cả.
Ba gần như thành kẻ thất nghiệp, còn má
bất đắc dĩ thành trụ cột gia đình. Thỉnh thoảng ba cũng nhận được về nhà việc đánh
máy chữ các kịch bản cải lương, phần còn lại chủ yếu dựa vào đồng lương của má.
Tuy thất nghiệp ba vẫn cố giữ chút phong
lưu thời vang bóng còn sót lại. Tôi nhớ những sáng được ba đưa cả nhà sang hàng
ông Bảy ở phố Nguyễn Du ăn bánh mì chim quay, món quà sáng sang trọng lúc bấy
giờ.
Ba mặc complet trắng, đội mũ phớt, má mặc
áo len dài mầu đỏ khoác tay ba đi trước, cả đàn con lít nhít đi theo sau. Con
trai mặc cotton trắng, con gái mặc đồ đầm hoa sặc sỡ dắt díu theo sau, trước ánh
mắt ngưỡng mộ của dân hàng phố.
Có lẽ đó là hình ảnh phong lưu cuối cùng
của nhà tôi. Sau đó không còn nữa, không bao giờ nữa.
Trg. 107: Năm 1965 Bộ Văn Hóa trưng dụng
nhà số 38 Phố Huế làm
nhà ăn tập thể của Bộ.
Trg. 140-143: Mất nhà.
Nếu bỏ qua việc mất nhà, chính xác là bị
cướp mất nhà, chính là bỏ qua một mất mát to lớn, một nỗi đau dai dẳng của gia đình
tôi. Khu nhà 36-38 phố Huế rất rộng, thực tế gia đình tôi chỉ sống ở nhà số 36
với diện tích 136 m2, còn nhà số 38 với diện tích 600 m2 chỉ dùng làm sân chơi.
Sau 1945 ba tôi cho làm sàn nhẩy Paramount rất nổi tiếng, hàng đêm thanh niên Hà
Nội tụ tập về đây rất đông. Mãi đến năm 1952, gánh hát Ái Liên sau nhiều năm lưu
diễn khắp Đông Dương về “định cư” ở Hà Nội, ba dùng mảnh đất 600 m2 của nhà số
38 xây Rạp Ái Liên.
Gánh hát Ái Liên ta rã vào cuối năm
1953. Ba tôi chuyển sang làm phim, ông sử dụng rạp Ái Liên là trụ sở Hãng Phim
Vietfilm.
Sau Giải phóng Thủ đô năm 1954 hãng
Vietfilm cũng tan rã nốt. Ngay sau đó Đoàn Ca Kịch Liên Khu 4 từ Thanh Hóa trở
về Thủ Đô, mượn ngôi nhà này làm nơi tập luyện và biểu diễn. Khi Đoàn Ca Kịch
Liên Khu 4 hỏi mượn ngôi nhà 38 làm trụ sở và rạp hát, ba má tôi rất phấn khởi.
Còn bao nhiêu vốn liếng ba má tôi bỏ ra tu sửa rạp, mua thêm ghế ngồi, lắp quạt
trần, trang bị âm thanh cho rạp hát.
Má tôi và chị Ái Loan cũng đầu quân vào Đoàn
này, coi đây như gánh hát của gia đình, rất gần gũi thân thiết.
Một thời gian sau Vụ Nghệ Thuật-Bộ Văn Hóa
đề nghị cho Vụ thuê, tiền thuê nhà mỗi tháng là 24 đồng. Số tiền chẳng đáng là
bao nhưng ba má chấp thuận vì đây là nơi diễn của hai má con Ái Liên, Ái Loan.
Ngày 3 tháng 5 năm 1959, ông Mai Vy, Vụ
Phó Vụ Nghệ Thuật viết cho ba má một tờ giấy là văn phòng Bộ định sửa chữa nhà 38 phố Huế, muốn mượn giấy
tờ ngôi nhà. Ba má tôi vui vẻ đưa liền, không nghi ngờ gì.
Từ đó giấy tờ không trả lại, đòi thế nào
cũng không trả lại. Rồi Vụ Nghệ thuật ra thông báo không thuê nhà 38 nữa mà “chuyển
lên Bộ quản lý”. Tưởng “Chuyển lên Bộ quản lý” thế nào, té ra Bộ tiếp tục đưa Đoàn
múa rối đến diễn ở đây. Đoàn Múa rối bỏ đi thì Bộ nhanh chóng biến nơi đây thành
nhà ăn tập thể, rồi dần dà cho các gia đình cán bộ, công nhân viên của Bộ Văn Hóa
tới ở, biến nơi đây thành một khu tập thể nho nhỏ của Bộ Văn Hóa. Nhà 38 phố Huế của gia đình
tôi mất trắng từ đó.
Năm 2007 ba tôi chuẩn bị về trời, ông
cho gọi con cháu về đầy đủ. Ba lần lượt cầm tay các con nói: “Ba má không
có gì để lại cho các con hết, chỉ có khu nhà 36-38 phố Huế nhưng đã bị người ta
lừa lấy gần hết. Tại bố mẹ cả tin…” Ba nghẹn lại không nói thêm được lời nào nữa,
nước mắt lưng tròng. Ít lâu sau ông đi.
Trg. 143: Khu nhà 38 rộng, có đến 600
m2, xung quanh sân khấu múa rối vẫn thừa nhiều đất. Để cải thiện bữa ăn, ba má
tôi nuôi lợn, nuôi ngỗng, thỏ, gà và trồng một giàn nho xanh mướt, cây lá che kín
khắp cả miếng sân trước nhà. Chiều chiều mấy anh em tôi mang thùng sang Đoàn Cải
Lương Nam Bộ số 23 Ngô Thì Nhậm xin nước gạo về để nấu cám cho lợn ăn.
Trg. 145-147: Lúc này chẳng những nhà 38
bị chiếm dụng mà một phần gác trên của nhà 36 cũng bị Bộ Văn Hóa “bố trí” cho
ba gia đình của Bộ tới ở. Cuối năm 1967 Bộ Văn Hóa rút luôn nhà ăn tập thể, dần
dà cấp đất cấp nhà cho các gia đình của Bộ về đây ở mà không thèm hỏi ba má tôi
một câu nào.
Lúc này chẳng những nhà 38 bị chiếm dụng
mà phần lớn gác trên của nhà 36-38 cũng bị “bố trí” cho các gia đình của Bộ. Ba
má tôi phản đối, đơn từ khiếu kiện rất nhiều nhưng chẳng ăn thua, đành thủ phận
sống chung với lũ”.
Kể từ khi biến thành khu tập thể, nhà
36-38 phát sinh nhiều khó khăn mới trước đây chưa từng có, đặc biệt nước và vệ
sinh. Cái vòi nước ngày xưa chỉ là chỗ rửa chân cho chúng tôi mỗi khi đi chơi về,
nay là vòi nước chung của cả xóm. Suốt ngày đêm luôn luôn có một dẫy xô
chậu xếp hàng lấy nước.
Rồi nước thành phố cấp cũng yếu dần, lắm
lúc chỉ nhỏ giọt hứng cả giờ không đầu xô. Bí thế phải đào giếng. Thế rồi cái
giếng nước trở thành nơi sinh hoạt của xóm. Lâu ngày nó giống như một hãng thông
tấn. Ai muốn biết thông tin thời sự cứ ra đây ngồi hóng chuyện, biết hết.
Cái nhà vệ sinh cũng trở thành hãng thông
tấn. Sáng nào cũng vậy, cả mấy chục người xếp hàng dài trước nhà vệ sinh, mỗi
người một tờ báo đọc và chuyện trò đợi đến lượt mình. Đàn bà con gái ớn nhất mấy
vụ này nhưng chẳng biết sao, đành “ngồi trên hố xí đợi ngày mai”. Lâu ngày cũng
chai mặt, cũng xếp hàng chuyện trò ỏm tỏi, hứng lên còn hát nữa.
Rồi chiến tranh, hết sơ tán tới đào hầm.
Xóm nhà 36-38 chúng tôi đào hầm ngay nền nhà ăn tập thể, tức là sân khấu rạp hát
xưa kia. Chiếc hầm chiếm trọn chiều ngang gian nhà, được trát xi măng rất kiên
cố.
Hầm rộng, có thể chứa được khoảng 20 người.
Những lần có báo động, người lớn trẻ con hốt hoảng xuống hầm. Về sau, khi đã
quen, việc chạy xuống hầm đã thành bình thường, thậm chí nhiều người còn mang cơm
xuống ăn uống và chuyện trò rôm rả. Cái hầm lại trở thành một hãng thông tấn.
Muốn biết thông tin từ thượng vàng hạ cám cứ chui xuống hầm.
Ở nhà 36 ba tôi cũng đào một chiếc hầm
ngay dưới gầm giường…khi có báo động trẻ con được xuống hầm, người lớn thì
chui xuống nằm dưới gầm giường, còn ba tôi ở bên trên phủ vài chiếc chăn bông và
những chiếc gối, để phòng có bom bi.
Thời chiến di tản liên tục, để tránh đồ đạc
thất lạc, mất mát thứ gì ba đánh dấu tên má bằng hai chữ AL. Xoong nồi AL, công
tác điện AL, xô chậu AL, thìa muỗng AL, chén bát AL…thậm chí đển cả bức tường của
nhà vệ sinh công cộng, ông cũng viết lên đó hai chữ AL.
Tháng 8/2011, khi quay trở về Việt Nam,
tôi có tới thăm căn nhà phố Huế của mình, vẫn nhìn thấy cái công-tắc có chữ
A.L. được khắc trên đó.
No comments:
Post a Comment