Saturday, January 29, 2022

MÙA LỄ, TẾT, COI CHỪNG TRỘM VIẾNG NHÀ (ĐƠN DƯƠNG)

 

Mùa lễ, Tết, coi chừng trộm viếng nhà

January 28, 2022

 

WESTMINSTER, California (NV) – Những dịp nghỉ lễ, Tết, nhiều gia đình lo buôn bán, làm thêm, có người lại thích lấy ngày nghỉ sớm để thăm gia đình, bạn bè phương xa. Đây là thời điểm tuyệt vời để trộm đi… làm ăn, và viếng nhà bạn. Bằng cách nào để bạn yên tâm vắng nhà trong “mùa trộm cắp” này?

Nhiều gia đình Việt khóc không thành tiếng khi bị trộm viếng nhà và đem đi luôn gói tiền mặt giấu dưới đầu giường vì nghĩ đó là nơi an toàn nhất. Vậy thì cất ở đâu, và quan trọng là làm sao để trộm không vào nhà được.

 

Kẻ trộm rất “quan tâm” đến những ngôi nhà đóng cửa lâu ngày, sân đầy lá, báo, và hộp thư thì đầy nhóc. (Minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)

 

Nơi giấu chìa khóa kẻ trộm rành nhất

Dưới thảm, hộp thư, trong chậu hoa là những vị trí mà ai cũng tưởng ít người để ý tới, lại dễ nhớ, nên thường giấu chìa khóa ở những chỗ ấy. Nhầm! Đó là nơi kẻ trộm “kiểm tra” trước tiên, và cũng dễ dàng tìm thấy rồi ung dung đi vào nhà, theo Brighside.me.

Biết đó là những nơi dễ nhớ và cũng dễ tìm, bạn nên chọn chỗ khác để giấu chìa khóa. Tùy đặc điểm từng ngôi nhà, bạn mới là người chọn được vị trí tốt nhất để người lạ không nhìn thấy được, nhưng dễ hướng dẫn cho người nhà, khi cần đưa chìa khóa cho họ mà không cần phải chạy về để đưa tận tay.

 

Nếu nhà không có két sắt, bạn nên giấu đồ quan trọng ở các chỗ khác nhau, chứ đừng gom lại một chỗ. (Minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)

Cất vật có giá trị ở đâu trong nhà?

Đã lọt vào nhà rồi, kẻ trộm bắt đầu lục soát, nên những đồ vật có giá trị, bạn nên cất giữ ở nơi an toàn. Nếu nhà không có két sắt, bạn nên giấu đồ quan trọng ở các chỗ khác nhau, chứ đừng gom lại một chỗ, thậm chí có người còn ghi rõ “đồ quý giá” để dễ nhớ. Tránh để những vật có giá trị cao ở đầu giường, hộp trang sức và tủ khóa.

Những chỗ trộm khó để ý tới thường là két sắt rất nặng khó bưng đi, hay mặt sau của tủ lạnh, trong tủ bếp,… Nhưng nếu có thời gian, kẻ trộm cũng lục tung và tìm thấy. Chỉ có bạn mới là người biết rõ chỗ nào trong nhà là an toàn để cất giữ đồ quý giá.

“Bán anh em xa mua láng giềng gần”

Kẻ trộm cũng rất “quan tâm” đến những ngôi nhà đóng cửa lâu ngày, sân đầy lá, báo, và hộp thư thì đầy nhóc. Trong trường hợp bạn cần phải vắng nhà lâu ngày, bạn nên nhờ hàng xóm láng giềng (những người chơi thân) ngó mắt giùm. Tốt nhất, bạn nên nhờ người thân hoặc bạn bè đáng tin cậy thỉnh thoảng ghé qua cất báo, quét lá và lấy thư giúp.

Nhưng cẩn trọng hơn hết, bạn đừng nên nói chuyện với nhiều người, đặc biệt với người lạ về thời gian vắng nhà dài ngày của mình. Thông tin sẽ truyền đi rất nhanh, và ai bảo đảm nó không lọt vào tai một kẻ xấu chuyên đi ăn trộm nào đó.

 

Nên hạn chế làm thêm chìa khóa, chỉ cần đủ cho các thành viên trưởng thành trong gia đình. (Minh họa: Mohamed Hassan/Pixabay)

Càng ít chìa càng tốt

Bạn nên hạn chế làm thêm chìa khóa, chỉ cần đủ cho các thành viên trưởng thành trong gia đình. Nhiều gia đình đông con, nên cha mẹ làm cho mỗi đứa một cái, sử dụng khi cha mẹ chưa đi làm về. Kể cả các bé lớp nhỏ, đi xe buýt nhà trường, cũng có được chìa khóa vào nhà.

Nếu con chưa ở tuổi thành niên, cha mẹ nên dạy con về tầm quan trọng của việc cất giữ chìa khóa. Nhắc các em không nên cho ai mượn chìa khóa vào nhà, nhất là những người lạ và không thân thiết với gia đình.

Đánh lạc hướng

Để kẻ trộm đừng để ý tới ngôi nhà của mình, khi phải rời nhà trong thời gian lâu, bạn nên tạo cảm giác cho mọi người là vẫn có người trong nhà. Cách đơn giản là lập trình thiết bị truyền âm thanh như bước chân, giọng nói hoặc tiếng ồn vô nghĩa.

Một cách đánh lừa là hét to lời tạm biệt khi rời khỏi nhà, dù chẳng có ai bên trong. Đây là thủ thuật đơn giản nhưng hiệu quả, khiến trộm từ bỏ ý định nếu đang thập thò đâu đó lúc bạn rời nhà.

Tuy nhiên, bạn cần nhớ đóng hết các cửa sổ, nhất là cửa ở tầng hai. Cửa sổ mở sẽ dễ biết ngôi nhà có người bên trong hay không.

 

Thay vì đến phòng gym như thói quen hằng ngày, bạn có thể chạy hoặc đi bộ quanh nhà, để tránh có người biết lịch trình của bạn. (Minh họa: Pikurā/Pixabay)

Thay đổi vài thói quen hằng ngày

Nhiều người có thói quen ra-vào nhà rất đúng giờ. Ví dụ, có người sáng nào cũng phải rời khỏi nhà hai tiếng để vào phòng gym. Cứ đúng 6 giờ đi, 8 giờ về, rồi chuẩn bị đi làm từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Biết lịch trình như thế, kẻ trộm dễ dàng… hành động.

Giữ thói quen là tốt, nhưng bạn cũng nên thay đổi một chút, phòng khi có người rình rập. Thay vì lên xe đến phòng gym, bạn có thể chạy hoặc đi bộ quanh nhà. Thỉnh thoảng bạn nên ghé qua nhà vào giờ trưa. (Đơn Dương)

No comments: