Gặm cỏ non!
Tỷ phú Hà Hồng Sân cùng bốn bà vợ và con
Macau là một sòng bài khổng lồ, chuyện đó ai cũng biết. Vua sòng
bài Macau là tỷ phú Hà Hồng Sân (Stanley Hồ) thì ít ai biết. Tôi cũng chỉ nghe
tới tên ông khi ông mất vào tháng 5 vừa qua. Ông thọ 98 tuổi. Tôi nhắc tới ông
ở đây không phải vì cái tuổi thọ 98 của ông. Thời bây giờ người ta đạt tới con
số trăm tuổi như không. Có chi mà phải ầm ỹ. Nhưng báo chí Hồng Kông, kể cả
trang mạng Weibo, thì ầm ỹ quá sức.
Sáng ngày 26/5 tên ông ngự rổn rảng trên trang nhất các báo.
Người ta chú ý nhất là tài sản khổng lồ của người giàu nhất
châu Á này sẽ lọt vào tay ai. Ông có tới bốn bà vợ và 17 người con. Gia sản của
ông, khi ông về hưu vào năm 2018, ước tính là 6,4 tỷ đô Mỹ. <!>
Chuyện tiền bạc tôi
không thèm biết, tôi chỉ chú ý tới chuyện năm 78 tuổi ông còn cho ra đời một
tiểu thư. Chuyện này thì tôi rất ngưỡng mộ. Tôi còn ngưỡng mộ hơn vì ngoài bốn
bà vợ, ông còn cưa được ba cô hoa hậu. Đó là các hoa hậu Lợi Trí, Viên Vịnh
Nghi và Địch Ba Lạp. Bà vợ trẻ của ông, bà Lương An Kỳ, là người đã sanh cho
ông cô con gái út tên Hà Siêu Hân. Cô sinh năm 1999, tưởng là kết quả của cuộc
vét hết láng của ông, sẽ là thứ…thêm thắt thôi, ai ngờ lại thông minh đẹp đẽ.
Vừa học giỏi, đàn hay lại còn là vô địch điền kinh dành cho hạng tuổi của cô
tại Hồng Kông. Anh trai cô là Hà Du Quân, học giỏi có tiếng, tốt nghiệp MIT ở
Mỹ. Cô Hân được trường Cambridge ở Anh mời mà chê, nhất định qua Mỹ học ở MIT
cho bằng ông anh!
Tỷ
phú Stanley Hồ
Chuyện mấy ông bạn
tôi muốn biết là chuyện bà vợ thứ tư của ông, mẹ của cô Hà Siêu Hân, kém ông
bao nhiêu tuổi mà còn ra vào xưởng Từ Dũ được. Bà này sinh năm 1961 trong khi
ông sanh năm 1921. Bà kém ông đúng bốn chục tuổi!
Thi hào Vũ Hoàng
Chương có câu thơ: “Yêu nhau ai tính tuổi bao giờ”. Tôi là học trò của thầy
Chương nên cũng chẳng thèm để ý tới tuổi tuy vẫn nghĩ có mấy nàng càng trẻ càng
vui hơn. Nhưng những con số làm cho tôi để ý tới tuổi. Hai con số 1921 và 1961
có sự đồng dạng. Như nắm tay nhau trên một khúc đường. Khác con số của một cặp
uyên ương khác: giáo sư Dương Chấn Ninh và cô Ông Phàm (cái họ thật khó chịu,
cứ tưởng là…ông). Chàng 82, nàng 28. Xào qua xào lại thì… huề!
Tỷ phú Hà Hồng Sân
có nhiều tiền nên có bồ non trẻ đẹp, chuyện thường. Ông Dương Chấn Ninh
chẳng tiền bạc chi nhưng ông có giải thưởng. Giải Nobel Vật Lý năm
1957. Chuyện tình của cặp trai 82 gái 28 này chớm nở từ mùa Hè năm 1995. Ngày
đó ông Dương và vợ tới Sán Đầu bên Trung Quốc để dự một hội nghị quốc tế về vật
lý. Cô Ông Phàm lúc đó đang là một sinh viên được phân công tiếp đón vợ chồng
ông. Cô nói tiếng Anh rất giỏi lại tận tình, chu đáo và rất xinh đẹp. Cả hai vợ
chồng ông Dương đều mến cô. Sau hội nghị, họ trở về Mỹ và thỉnh thoảng vẫn liên
lạc thư từ với cô. Tại Bắc Kinh, cô Ông Phàm lấy chồng là một người Hồng Kông
qua làm việc tại Trung Quốc. Hai năm sau, chồng cô phải quay trở lại Hồng Kông.
Vậy là chia duyên rẽ thúy. Cô không được phép qua Hồng Kông và chồng cô cũng
không được phép lưu lại Hoa lục. Họ đành làm giấy ly dị. Tháng 10 năm 2003, vợ
ông Dương Chấn Ninh, bà Đỗ Trí Lễ qua đời.
Cả hai người đều
phòng không chiếc bóng.
Tháng 2 năm 2004,
sau nhiều năm bặt tin nhau, cô Ông Phàm gửi thư cho ông Dương. Thư đi thư lại,
thân tình ngày càng gắn bó. Một già một trẻ đâm sầm vào con đường tình. Họ đính
hôn vào ngày 5/11/2004 bằng…điện thoại. Tháng 12 năm 2004, hôn lễ được cử hành.
Nhớ lại lần gặp đầu tiên tại Sán Đầu với cô nghiên cứu sinh của Đại học Thanh
Hoa, ông Dương tâm sự: “Đó là cuộc gặp gỡ do Thượng Đế sắp đặt”. Thượng Đế
nhiều khi cũng phóng khoáng. Tin có sự sắp đặt của trời cao nhưng ông Dương
cũng tự cho mình chút điểm. Ông tiến sĩ cho rằng sự thanh xuân không chỉ gắn
với tuổi tác mà còn liên quan tới tinh thần. Tuổi ông tuy có cứng thiệt nhưng
tinh thần ông rất trẻ trung. Ông cho đó là lý do khiến ông được cô gái trẻ cảm
mến. Nghĩ vậy nên ông đã viết tặng cô vợ trẻ một bài thơ.
Dịu dàng, chu đáo, chẳng mưu mô
Nhanh nhẹn, dũng cảm lại hiếu kỳ
Sôi nổi đáng yêu và nghịch ngợm
Em – mùa Xuân vĩnh viễn của lòng anh.
Chúng ta không nên
đặt nhiều kỳ vọng vào thơ của nhà khoa học có giải Nobel. Tôi không có nguyên
bản chữ Hán nên chẳng biết nguyên bản có khá hơn không. Đành phải nhìn vào nội
dung hơn hình thức.
Ông Dương Chấn Ninh ở
tuổi 95 và vợ
Khi cuộc hôn nhân bắt đầu, nhiều nhà báo rảnh rang cho rằng, ngoài danh,
chắc cô Ông Phàm cũng nhắm vào cái túi tiền của ông tiến sĩ.
Họ cho cô Ông Phàm là kẻ đào mỏ. Báo chí và dư luận trong
trường Đại học Ngoại Thương ở Quảng Đông, nơi cô theo học, đều có định kiến như
vậy. Họ theo dõi gắt gao khiến cô phải thường xuyên tắt đường dây điện thoại di
động. Bố cô Ông Phàm đã phải đỡ cho con gái: “Con gái tôi muốn hy sinh, chịu sự
thiệt thòi, để chăm sóc giáo sư Dương lúc tuổi già, đó là một đức tính đẹp
đẽ!”.
Năm nay, ông Dương
đã 98 tuổi, vừa làm di chúc. Tất cả gia tài của ông được chia cho các con
riêng, cô vợ trẻ hơn ông 54 tuổi không nhận một đồng nào cả. Sau 16 năm chung
sống, cô gái trẻ đã cúc cung phụng dưỡng ông chồng già, từ việc nhỏ tới việc
lớn. Con số 54 năm cách biệt giữa hai người đòi hỏi những nhường nhịn. Cô đã
phải bỏ cái thú uống cà phê mỗi sáng để chuyển sang uống trà. Ông Dương thì
khỏi phải nói. Ông cưng cô vợ trẻ hết mức. Khi cô đau ốm, ông săn sóc từng
miếng ăn. Buổi tối, khi cần phải đọc sách, ông lẳng lặng chui vào phòng tắm để
khỏi mất giấc ngủ của vợ. Việc cô không nhận gia tài là do chính cô quyết định.
Cô còn tự mình làm việc nuôi thân được nên không màng tới chuyện tiền bạc của
chồng.
Chồng 82 vợ 28 là
chuyện của ông Dương Chấn Ninh và cô Ông Phàm. Chồng sinh năm 1928, vợ sinh năm
1982, là chuyện của bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng và cô Đinh Thị Bảy. Cũng
ngược tới ngược lui tuổi tác. Ông này là một người tài hoa. Tay cầm ống chích
nhưng cầm kỳ thi họa ông đều thủ trong người. Ngay chuyện nghề nghiệp ông cũng
trội hơn người. Vừa là bác sĩ Tây y vừa là một lương y thuốc Nam, có cả cửa
hàng bán thuốc Nam. Chưa hết, ông còn mở thẩm mỹ viện, kinh doanh bất động sản,
thầu xây dựng, cầm trịch cho phong trào hát quan họ Bắc Ninh, nhiếp ảnh gia nổi
tiếng với nhiều tác phẩm được quốc tế trân trọng.
Tay trong tay ngoài
hanh thông trong trường đời, nhưng trường tình ông lại lận đận. Cái lận đận
nhiều người muốn có. Người vợ đầu tiên của ông do gia đình sắp đặt khi ông còn
trẻ. Ông ở Hà Nội, vợ ở Quảng Ninh, tình vợ chồng lạt như nước ốc. Chỉ được hai
năm, người Quảng Ninh có mối tình tại địa phương, ông ly hôn cho hai vợ chồng
được giải thoát.
Ông sống cu ky tới
năm 40 tuổi. Một bữa kia ông tới chơi nhà một đồng nghiệp, gặp con gái của bạn
lúc đó mới chớm đôi mươi. Cô là giáo viên tiểu học, tính tình đoan trang, nhan sắc
mặn mà. Ông yêu mến hình ảnh cô cháu này. Ông bạn đùa chơi nói nếu ông muốn thì
ông sẽ nhận ông là rể. Nói chơi nhưng nên chuyện thật. Đám cưới được tổ chức
ngay sau đó. Hai người sống rất hạnh phúc. Ông nhớ lại: “Chúng tôi đã từng rất
hạnh phúc bên nhau, có với nhau một trai hai gái. Cô ấy yêu tôi mãnh liệt, cũng
bản lĩnh giỏi giang, gánh vác với tôi mọi thứ. Tiếc rằng cô ấy yêu nhiều mà
ghen cũng lắm. Một lần khi tôi đi công tác với thư ký, cô ấy đã không phân biệt
thị phi mà làm một trận đánh ghen náo động cả khu phố. Thất vọng với cách hành
xử của vợ trong khi tôi cũng yêu cô ấy hết lòng, hoàn toàn trong sạch, tôi làm
đơn xin ly hôn. Lúc đó tôi rất giận và tự ái, cô ấy không nói không rằng mà
đồng ý ly hôn. Chúng tôi rời nhau khi hai bên vẫn còn tình cảm với nhau”. Hai
người đã chung sống được 20 năm và khi ly dị, ông Trọng đã 64 tuổi.
Tưởng yên phận cu ky
một mình với số tuổi được coi như hết đát, nhưng hoàn cảnh không cho ông theo ý
muốn. Năm 1997, khi ông đã 70 tuổi, ông phải ra tay nghĩa hiệp cứu mỹ nhân là
cháu gái của một người bạn, bị bắt vào động mãi dâm. Để ông kể chuyện…trinh thám
này cho sống động. “Tôi phải đóng giả một khách làng chơi. Vào trong, tôi tỏ ra
là một tay chơi, yêu cầu phải đích thân cô gái đó phục vụ. Khi vừa gặp và cánh
cửa phòng vừa đóng lại, cô ấy đã nước mắt giàn giụa. Cô kể là do mẹ mất, cha đi
lấy vợ, cô buồn tủi từ Bắc Ninh lên Hà Nội xin việc làm thuê, không ngờ bị
lừa”. Họ bàn bạc với nhau. Ngày hôm sau, ông mang xe với tài xế lái giỏi tới
trước cửa động ngồi chờ. Khi cô gái vừa bước ra ngoài đi gội đầu, thấy xe, cô
nhảy lên và tài xế rú ga bỏ chạy. Đám bảo kê đuổi theo khiến tài xế phải chạy
vòng vèo qua nhiều con đường nhỏ mới thoát.
Ông cho cô gái về
Bắc Ninh học hát quan họ. Lui tới thường xuyên, hai người thấm tình, ông lấy
làm vợ. Khi sanh được một gái, cô vợ chẳng hiểu vì sao đã bỏ con ra đi khi con
mới được 4 tháng. “Mỗi lần nhớ tới cảnh con gái khát sữa khóc khan tôi lại thấy
tức và hận”.
Ông Trọng thật có nợ
với ái tình. Năm 80 tuổi, khi ông lên Thái Nguyên diễn giảng cho trường đại học
tại đây, cô sinh viên Đinh Thị Bảy, kém ông 53 tuổi, đã tâm phục trước kiến
thức rộng và vẻ hào hoa rất Thăng Long của ông, xin theo ông về trang trại
trồng thuốc để học ngành dược. Cô sinh viên trẻ rất tháo vát và giỏi giang nên
chẳng bao lâu sau, ông cho làm quản lý cả trang trại ở Thạch Thất để ông yên
tâm về Hà Nội. Nhưng ông không được yên vì cô Bảy quá cảm mến người thầy nên đã
chủ động tỏ tình. Số ông vất vả về đường nhân duyên. Đã trên 80 tuổi mà còn
chưa được an nghỉ. Ông đáp lại chân tình của cô gái trẻ. Gia đình cô Bảy phản
đối kịch liệt. Bố của cô còn kém tuổi ông Trọng! Nhưng trước sự cương quyết của
con gái, gia đình đành phải bằng lòng. Lễ cưới được tổ chức ngay. Cưới…chạy nên
khách tham dự không kịp tới. Ông bèn tổ chức đám cưới lần thứ hai tại Hà Nội.
Lần này ông chơi trội, ăn mừng liên tiếp trong 28 ngày, đón trên 4 ngàn khách
tới dự!
Bác sỹ Nguyễn Hữu Trọng và cô Đinh
Thị Bảy
Tưởng chỉ cưới cho
có người bầu bạn lúc tuổi già nhưng ông làm hơn thế nhiều. Ông đã nặn ra được
hai con, một trai một gái với người vợ thứ tư. Nhiều người ngạc nhiên và nghi
ngờ nhưng hai đứa con giống ông như tạc làm mọi dị nghị đều bị xếp xó. Lão giả
hơn tám chịch niên kỷ còn có được vợ trẻ măng nên ông rất chiều vợ. Chị Bảy
hạnh phúc kể: “Anh ấy lãng mạn lắm, lãng mạn hơn tất cả những người lãng mạn!
Anh ấy trồng nguyên một vườn hồng tặng vợ, hát cho vợ nghe, làm thơ tặng vợ,
nấu ăn cho vợ, mà nấu ngon lắm. Anh ấy làm được bất kỳ điều gì tôi muốn”. Tính
tới nay, họ đã sống với nhau được đủ một con giáp!
Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Đức Huy cũng là một tài hoa. Và lãng mạn không thua gì ông bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng. Cô Huỳnh
Thư, người vợ kém chồng 44 tuổi, đã bật mí: “Anh Huy dư thừa sự lãng mạn. Hồi
xưa, tôi ái ngại vì chưa quen với sự lãng mạn ấy còn bây giờ thì…ái mộ. Mỗi
ngày, nếu anh Huy bớt lãng mạn là không được với tôi. Bé 7 tuổi nhà chúng tôi
hay cằn nhằn: ‘Ba mẹ kỳ quá, sáng hôn, trưa hôn, tối hôn mà ăn cơm cũng hôn.
Hôn suốt ngày!’. Ngày nào chúng tôi hôn nhau dưới chục lần thì có nghĩa là
chúng tôi đang cãi nhau. Với chúng tôi, hôn là một phương pháp giao tiếp, thể
hiện sự yêu thương cho nhau. Chúng tôi không bao giờ hôn thủ tục. Lấy nhau mười
năm, hễ tôi “hạ nhiệt” thì anh Huy “tiếp nhiệt”. Thời gian sinh em bé, tôi bận
bịu nhiều việc nên đôi khi quên mất chúng tôi đã lãng mạn thế nào nhưng anh Huy
thì không bao giờ”.
Đức Huy có người vợ
đầu là ca sĩ Thảo My và một mối tình tốn nhiều giấy mực của báo chí với người
đẹp Mai Khôi khi anh về cư ngụ tại Sài Gòn. Cuộc tình thứ ba của anh do sự táo
bạo của cô gái sanh năm 1991 tên Huỳnh Thư mà nên chuyện. Bố của Thư là một fan
của nhạc sĩ Đức Huy nên cô tìm tới nhạc sĩ để xin đĩa hát cho bố. “Ba tôi tán
đổ mẹ tôi nhờ hát nhạc anh ấy, tôi đã nghe những ca khúc của anh từ khi còn nhỏ
xíu!”. Theo lời cô Huỳnh Thư thì không có chuyện sét đánh trong cuộc tình này.
Mọi thứ đến một cách từ từ, vô cùng tự nhiên. Khi cô gặp Đức Huy, cô chẳng biết
anh bao nhiêu tuổi.
Tôi nghĩ, Đức Huy có
phong cách trẻ trung lại chịu khó tươi cười, nên cô bé Huỳnh Thư cứ tưởng anh
trẻ, không cần biết tuổi tác làm chi. Cô Thư kể lại: “Hồi mới yêu, tôi không
biết anh bao nhiêu tuổi. Mười năm trước, khi Iphone 4 mới ra trong đó có ứng
dụng xem bói, tôi hỏi anh sinh năm mấy để xem tình duyên cho hai đứa thì anh
nói sinh năm 1947. Tôi không mảy may để ý, cứ thế trượt mãi trượt mãi mà không
đến năm 1947. Khi tìm thấy, tôi kêu lên: Trời! Vậy là anh đã 63 tuổi rồi!”.
Đấy, trước đó tôi chưa từng quan tâm tới chuyện tuổi tác vì giữa chúng tôi
không có khoảng cách”.
Nhạc
sĩ Đức Huy và cô vợ Huỳnh Thư
Về phần Đức Huy, anh tếu táo: “Chúng tôi là cặp đôi duy nhất đếm hết hai bàn
tay và hai bàn chân vẫn không đủ. Bạn có thấy chúng tôi hạnh phúc không?
Nếu có, chúng tôi
không cần nói bằng lời nữa. Khi giữa chúng tôi không còn ranh giới, khi hai đã
làm một, tôi nghĩ không cần nói về khoảng cách nữa.
Chúng tôi luôn dẫn
đầu danh sách “cặp đôi kỳ cục” nhưng không bao giờ nói nhiều vì thấy quá bình
thường. Chúng tôi không đặt mục tiêu sống sao cho ông hàng xóm hài lòng hay để
họ hàng khen ngợi. Có câu này tôi từng nói nhưng luôn luôn đúng, rằng:
‘Đầu đời của nàng
nhưng cuối đời của chàng’. Bây giờ không chiều chàng thì đợi đến bao giờ?”.
Cuộc tình lệch lạc
không được cha mẹ của Huỳnh Thư chấp nhận nhưng cô vẫn cương quyết: “Anh Huy có
90 tuổi con cũng lấy!”. Cô nghĩ: thà chỉ có chục năm hạnh phúc cũng hơn sống cả
đời mà bất hạnh. Chàng Đức Huy dĩ nhiên bất cần đời: “Khi ra đường, tôi cứ như
điếc vì ai nhìn chúng tôi cũng xì xào. Nếu cứ để ý, chúng tôi lấy thời giờ đâu
để sống, để hạnh phúc”. Họ đã có với nhau một trai và một gái.
Tôi kể vài chuyện
trâu già cỏ non để tặng mấy ông bạn già của tôi. Chẳng biết các ông ấy vui hay…
ngậm ngùi!
Song Thao
No comments:
Post a Comment