Wednesday, January 19, 2022

TÂM SỰ CỦA ÁI VÂN KHI MẮC BỆNH UNG THƯ (ÁI VÂN)

 TÂM SỰ ÁI VÂN KHI MẮC BỆNH UNG THƯ.

Những năm 1999 - 2000 là thời gian tôi có lịch diễn dày đặc, hầu như tuần nào cũng đi hát. Hàng tuần cứ đến thứ năm là xếp đồ đạc để thứ sáu bay show, hát ngày thứ bảy rồi chủ nhật bay về. Tuần nào cũng vậy, thứ hai, thứ ba, thứ tư chỉ có ngủ. Đến thứ năm lại xếp va li chuẩn bị đi. Nhân ngày nghỉ đầu tuần tôi lấy hẹn đi khám sức khỏe định kỳ. Hôm ấy bác sĩ Rebecca Phan Bích Vân khám cho tôi bỗng nói: “Chị có cái gì trong ngực ấy. Chị đi làm mammogram (chụp nhũ) kiểm tra ngực đi” - “Cái gì chị?” - “Có một cái gì rất kỳ, chị cố gắng chụp xong thì mổ đi nhé”.

Tôi đi làm mammogram theo yêu cầu của bác sĩ Vân nhưng chẳng thấy gì. Cô kỹ thuật viên đưa phim cho bác sĩ đọc ngay nhưng cô nói bác sĩ không thấy có gì bất thường. Tôi yên tâm vào toilet rửa tay chuẩn bị đi về. Nhưng khi xong việc đi ra tôi bỗng thấy cô kỹ thuật viên đứng ngay trước cửa: “Xin lỗi bà cho tôi chụp lại một lần nữa”. Lại vào chụp, xong, tôi về nhà và vẫn đinh ninh không có vấn đề gì. Ba tuần sau bác sĩ Vân gọi: “Chị à, chị đã đi mổ chưa?” - “Mổ gì cơ?” - “Thì đi mổ lấy cái hạt ấy ra.” - “Hạt nào? Bác sĩ xem phim bảo không có gì.” - “Chị có máy fax không, bật lên đi, em sẽ gửi kết quả chụp hôm trước cho chị”.

Kết quả chụp hình có hình vẽ rõ ràng cho thấy có một hạt nhỏ 1-2 cm2 ở ngực phải. Tôi sờ vào thấy cứng. Khi đó mới hoảng, theo chỉ dẫn của bác sĩ, chúng tôi lập tức liên lạc với bác sĩ giải phẫu Hillsdale xin cái hẹn gặp ông.

Tôi ngưng hết các hoạt động biểu diễn để tập trung chữa trị. Mấy lần hóa trị làm tôi kiệt sức, đầu trọc lóc không thiết làm gì hết. Tôi rút khỏi Thúy Nga Paris từ đó. Bệnh tật làm tôi mệt mỏi không muốn hành nghề nữa, cộng với vài ba chuyện đàn bà vớ vẩn khiến tôi và Thúy Nga xa nhau. Rất đáng tiếc nhưng cũng phải thôi.

"Lúc sinh thời, vào những năm cuối đời, ba tôi thường nói: “Con nên viết hồi ký đi”. Tôi cứ vâng, vâng rồi chần chừ mãi. Trước khi mất ít ngày, ba vẫn không quên nhắc tôi chuyện đó. Bản thân tôi khi nhìn lại quãng đời đã qua, tự thấy phận làm con, tôi đã mang lại cho cha mẹ những niềm vui sướng, tự hào thì ít mà đau đớn, buồn rầu thì quá nhiều, đằng đẵng. Cuốn sách này như lòng biết ơn của tôi đối với công lao sinh thành, nuôi dưỡng và dạy dỗ, dìu dắt anh chị em chúng tôi trên con đường nghệ thuật. Và cũng là lời tạ lỗi muộn màng về những đau khổ của ba má mà tôi đã vô tình gây ra...".

Mười năm gắn bó với Thúy Nga Paris, tôi như con tằm đã nhả cạn tơ nên đôi lần tôi ngỏ ý với Thúy Nga Paris xin được rút lui, nhưng cô Thủy - Marie To không chấp nhận. Đến lúc này tôi chia tay với Thúy Nga Paris là vừa. Chỉ tiếc cuộc chia tay có chút vị đắng. Dù rất buồn vì cái kết không vui nhưng trước sau tôi vẫn nói rằng trong mười năm về với Thúy Nga là mười năm hạnh phúc nhất của đời tôi. Tôi đã được Trung tâm Thúy Nga Paris rất quý mến, cưng chiều và trân trọng. Thúy Nga Paris đã tạo điều kiện cho tôi mặc sức sáng tạo và thể nghiệm trong nghệ thuật, có nhiều tiết mục thành công nhưng cũng có những tiết mục không mang lại hiệu quả về thương mại. Trong một số nhạc cảnh tôi có dịp được đưa những người thân của mình cùng lên sân khấu diễn chung. Tôi coi đấy cũng là một ưu ái của Thúy Nga Paris.

Qua đây tôi xin gửi lời tri ân tới Trung tâm Thúy Nga Paris. Dù thế nào tôi cũng vẫn coi Thúy Nga Paris là gia đình nghệ thuật thứ hai, bên cạnh gia đình nghệ thuật của ba má tôi, mãi mãi.

 

Ái Vân, Ái Thanh, Chí Tài trong bìa CD do trung tâm Thúy Nga thực hiện

Sau khi tích cực chữa trị, bệnh tật cũng đã ổn. May phát hiện kịp thời, khối u chưa di căn, nếu không thì trời cứu. Khỏe mạnh rảnh rỗi lại nhớ sân khấu. Thôi Thúy Nga Paris rồi tôi vẫn nhận nhiều show hát cho một vài trung tâm khác. Tôi có nguyện vọng về Việt Nam biểu diễn. Bệnh tật đã ổn nhưng bệnh này khó lường, không biết mình sống chết lúc nào. Tôi nhớ quê, thèm được một lần trở về hát trên sân khấu quê nhà.

Năm 2001, có phái đoàn chính phủ Việt Nam sang San Francisco, dẫn đầu là Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Các doanh nhân Việt kiều ở San Francisco được mời đến dự. Ông xã nhà tôi cũng được mời, giấy mời “ông bà” nên ông xã bảo tôi “đi cho vui”, tôi tắc lưỡi đi theo. Buổi chiều hôm đó ông xã về nhà đón tôi, nói: “Hôm nay phải đi sớm” - “Sao?” - “Hôm nay có thể có biểu tình”. Tôi thấy hơi chờn chợn nhưng đã lỡ đóng bộ rồi nên cứ đi. Gần đến nơi đã nghe hô đả đảo râm ran. Vào sảnh, thấy nhiều khuôn mặt cũng quen, đã từng ăn Tết ở Tổng lãnh sự. Nhưng nhiều khuôn mặt khả nghi lắm - lành lạnh và rờn rợn.

Vợ chồng tôi ngồi đầu hàng thứ hai, thứ ba gì đó. Đến mục ông Nguyễn Tấn Dũng giải đáp, người thì hỏi vấn đề này, người lại hỏi vấn đề kia. Anh Thành Kim Lợi ngồi cạnh, ghé tai tôi nói: “Vân muốn hỏi gì thì hỏi đi, muốn về Việt Nam hát thì hỏi đi, người ta giải đáp luôn”. Thế là tôi phát biểu. Tôi nói là tôi sang đây là chuyện riêng chứ không phải chính trị gì hết. Tôi muốn về Việt Nam biểu diễn, rất muốn được tạo điều kiện cho tôi được về nước diễn. Ông Nguyễn Tấn Dũng bảo thì cứ về, có sao đâu. Tôi cảm ơn và trở về chỗ ngồi...

 

Ái Vân bên người chồng thứ 3 và các con

Phần hỏi đáp vẫn tiếp tục, ông Dũng đang trả lời một câu hỏi thì tự nhiên cửa phòng họp bật mở. Một mùi xăng nồng nặc xộc vào và tiếng đàn bà hét chói tai: “Đả đảo cộng sản!”. An ninh của Mỹ nhanh chóng ập vào lôi người đó đi. Ông Dũng vẫn bình tĩnh phát biểu tiếp. Sau đó giải tán, cũng không nghe ai bàn tán gì cả. Tôi đinh ninh sự việc cũng chỉ đến đó thôi. Chẳng dè ít ngày sau có tường thuật buổi gặp gỡ của Phó thủ tướng với cộng đồng người Việt Nam tại San Francisco của báo Công an Nhân dân, cuối bài có nhắc đến ca sĩ Ái Vân lên phát biểu về việc muốn trở về hát tại Việt Nam. Bài báo nhanh chóng lan truyền trên Internet rồi dần lan ra trên báo chí của người Việt hải ngoại.

Báo hải ngoại gọi tôi là Việt cộng nằm vùng.Tôi còn nghe nhiều tin đồn khác về tôi như “Cô này đảng viên, là thân cộng, thậm chí họ bảo tôi là bí thư chi bộ đảng ở San Jose, là đại úy Việt cộng”... Thật là những sự tưởng tượng phong phú đến không ngờ.

Tết 2002 và 2003 là hai cái Tết khủng khiếp với tôi. Hai năm suy sụp kinh khủng. Bên này đến Tết là dịp nghệ sĩ bận rộn làm ăn, bay show liên tục diễn cho cộng đồng khắp nơi. Trong khi đó tôi phải ngồi nhà trực điện thoại. Mỗi lần chiếc điện thoại trong phòng ngủ réo chuông là tôi biết ngay có một nơi nào đó từ chối show diễn của mình rồi. Thậm chí có nơi nghe tin tôi đến hát, ai đó đã căng biểu ngữ: “Đả đảo Việt cộng Ái Vân!”. Tôi chỉ biết ngồi khóc. Chưa bao giờ tôi lại cảm thấy thân phận người nghệ sĩ lại mong manh đến thế. Họ không có gì cả ngoài lời ca tiếng hát nên khi bị vùi dập, họ chỉ biết kêu Trời.

Tôi chấm dứt nghiệp hát ở hải ngoại từ đấy. Thà đắng cay một lần còn hơn đau khổ suốt đời.

 

ÁI VÂN


No comments: