Wednesday, March 16, 2022

THU, HÁT CHO NGƯỜI VÀ GIAI THOẠI (DUY PHẠM)

 


THU, HÁT CHO NGƯỜI VÀ GIAI THOẠI

Thời còn là học sinh,tôi đã rất thích một ca khúc mà ca từ rất giàu chất thơ của các thi nhân tiền chiến: ca khúc " Thu, hát cho người" của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi đưa ông vào danh sách những nhạc sĩ viết nhạc trữ tình nổi tiếng trước đó.


Ca khúc là nỗi niềm của một chuyện tình có thật. Thời học sinh, chàng tuổi trẻ Vũ Hợi( tên thật của VĐSB) đã yêu một cô gái ở quê mình( Hà Lam, Thăng Bình Quảng Nam). Cô tên Hồ Thị Thu, đẹp nức tiếng một vùng và từng là hoa khôi của trường lại hát hay, nên đã là niềm mơ ước của bao chàng trai trẻ lúc đó. Dĩ nhiên là có chàng thư sinh Vũ Hợi tài hoa. Cô Thu đã đi vào thơ ca nhạc họa của nhiều văn nhân nổi tiếng lúc bấy giờ.


Chiến tranh ly tán, nhiều cuộc tình cũng không thành. Vũ Hợi vào Sài Gòn học Văn Khoa. Cô Thu cũng đã lấy chồng là một sĩ quan VNCH. Đó là thời kì chiến tranh ác liệt nhất của nhưng năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70. Cô Thu mở một quán cafe mang tên cô ngay trên quê mình. Quán tuy không lớn nhưng nổi tiếng bởi cafe rất ngon, nhạc hay và đặc biệt là cô chủ quán xinh đẹp trên khuôn mặt giờ đã phảng phất nét buồn u uẩn.


Năm 20 tuổi, một lần trở lại quê nhà, cảnh cũ người xưa đã nhiều thay đổi, Vũ Hợi lang thang trên đồi sim như cố tìm lại những kỉ niệm một thời và trong tâm cảm đó, tuyệt phẩm Thu, hát cho người ra đời (1968)


" Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ..."


Phiên khúc đầu như một câu hỏi tu từ đậm đầy chất Đường thi của Thôi Hiệu
" Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du..."
Ca từ Thu hát cho người là sự nối kết gặp nhau của tư tưởng Đông - Tây khi nói đến biệt ly của những mối tình. Thật ngẫu nhiên nó cũng trùng với ý thơ của một thi sĩ Pháp Guillaume Apollinaire (1880- 1918) trong một thi phẩm để đời : L'Adieu ( Lời vĩnh biệt)


" ...J'ai cueilli ce brin de bruyere
L'automne est morte souviens- t'en..."
"Ta đã hái nhành cây thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi...
( Bùi Giáng dịch)


Và còn có một chút tư tưởng Lão- Trang ẩn mật trong ca từ sâu lắng


" Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi..."


Vẫn là những câu hỏi tu từ liên tiếp không lời đáp, hỏi là đã tự trả lời rồi vậy.
Ca khúc ra đời đã tạo ra nhiều giai thoại trong giới văn nghệ sĩ miền Nam lúc đó. Rất nhiều ca sĩ tên tuổi đương thời hát và thu âm như Hà Thanh, Anh Ngọc, Mai Hương, Quỳnh Giao, Kim Tước...và nhiều ca sĩ rất thành danh khác sau này.


Một điều ngẫu nhiên thú vị, cô nữ sinh Hồ Thị Thu chẳng những đã là nguồn cảm xúc cho Vũ Đức Sao Biển viết thành ca khúc Thu hát cho người mà cô còn là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều văn nghệ sĩ lúc đó ở quê hương Quảng Nam. Trong đó phải nói đến nhạc sĩ, nhà thơ tài hoa Đynh Trầm Ca.


Năm 1967, Mạc Phụ ( tên thật của ĐTC) một lần trở lại Quảng Nam, ông đã viết tặng cho cô Thu một ca khúc mà trong giới yêu nhạc nhiều người biết: ca khúc " Ru con tình cũ" với giai điệu da diết khôn nguôi. Năm 1970, ca sĩ Lệ Thu đã bật khóc khi hát thu âm bài này khi chỉ vừa mới cất lên


" Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình buồn..."


Và hình ảnh thiếu phụ Hồ Thị Thu còn đi vào bài thơ "Cây đàn thương nhớ " của ông sau này.

Đã gần 50 năm trôi qua, người và không gian trong giai thoại đã ít nhiều thay đổi, cô gái nữ sinh ngày nào cũng như cái tên của cô đã bước qua khỏi mùa thu của cuôc đời mình, Cafe Thu một thời vang bóng cũng không còn nữa nhưng 2 ca khúc Thu hát cho người và Ru con tình cũ vẫn còn mãi trong lòng công chúng yêu nhạc.

d u y p h ạ m

 


No comments: