Friday, April 2, 2021

GÓI CƠ SỞ HẠ TẦNG CỦA BIDEN "TỐT NHƯNG CẦN BỎ TIỀN ĐÚNG CHỖ" (GS.TS. KHƯƠNG HỮU LỘC)

 

Gói cơ sở hạ tầng của Biden ‘tốt nhưng cần bỏ tiền đúng chỗ’ 02/04/2021

VOA Tiếng Việt

 

Xe cộ lưu thông trên một tuyến đường cao tốc Los Angeles, bang California. Chính quyền Joe Biden sẽ bỏ một số tiền lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng

 

Gói cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ đô la có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ với điều kiện phải chi tiêu đúng chỗ thay vì thúc đẩy năng lượng xanh hay các chương trình xã hội và phải đảm bảo tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ, một kinh tế gia nói với VOA.

 

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/3 công bố đề xuất cơ sở hạ tầng trải rộng đầy tham vọng mà nếu được thực thi, sẽ thay đổi triệt để cách người Mỹ di chuyển, sản xuất điện, kết nối Internet, nâng cao chất lượng nước và chỉnh trang diện mạo các trường học.

Có tên gọi là Kế hoạch Việc làm Mỹ, dự án đề xuất đại tu cơ sở hạ tầng mà cả hai đảng lớn – cũng như đa số dân Mỹ - đều mong muốn, bao gồm nâng cấp cầu, băng thông rộng và các tòa nhà.

 

Các nội dung chính

Đề xuất trị giá 2 nghìn tỷ đô la bao gồm: 115 tỷ đô la để sửa chữa và xây dựng lại cầu, đường cao tốc và đường bộ; 100 tỷ đô la để mở rộng băng thông rộng tốc độ cao trên toàn quốc; 100 tỷ đô la để nâng cấp và xây dựng trường học mớivà 100 tỷ đô la để mở rộng và cải thiện đường dây điện cũng như thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch bản thân nó được xem là một trong những sáng kiến tham vọng nhất từ trước đến nay của chính phủ liên bang nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra còn có các nội dung giải quyết bất bình đẳng sắc tộc và thúc đẩy kinh tế Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc.

Đảng Dân chủ hiện chiếm đa số trong Hạ viện và kiểm soát Thượng viện với đa số sít sao. Đảng Cộng hòa đã lên tiếnglo ngại về cái giá của dự luật và phải tăng thuế doanh nghiệp để bù lại. Do đó, phía Dân chủ một lần nữa có thể phải một mình một chợ đẩy dự luật này qua các thủ tục phức tạp của Thượng viện. Khi đó, phạm vi và quy mô của dự luậtchung cuộc có thể bị thu hẹp lại đáng kể.

Không những thế, nội bộ Đảng Dân chủ cũng phải đồng lòng nhất trí quanh nỗ lực tốn kém lịch sử mà một số đảng viên ôn hòa không mấy mặn mà trong khi các thành viên cấp tiến nổi bật lại muốn chi tiêu nhiều hơn nữa.

Giải quyết bất bình đẳng khí hậu, sắc tộc

Dự luật ban đầu gồm hai ý tưởng về môi trường mà Biden thường nói đến khi ra tranh cử: thành lập Nhóm Giữ gìn Khíhậu để làm việc trong các dự án bảo tồn khí hậu và nỗ lực công bằng môi trường, cũng như thúc đẩy sự chuyển đổi không thể đảo ngược từ xe chạy xăng sang xe chạy điện.

Ông Biden muốn chi hàng tỷ đô la cho các khoản hoàn thuế và ưu đãi thuế để khuyến khích người Mỹ mua xe điện và đề xuất bỏ tiền để chuyển đổi hàng nghìn xe buýt và xe đưa rước học sinh từ động cơ diesel sang điện. Đồng thời, ông muốn đưa ra khuyến dụ cho chính quyền tiểu bang và địa phương để họ xây dựng các trạm sạc điện.

Nhìn chung, ông Biden đề xuất chi 174 tỷ đô la để thúc đẩy thị trường xe điện – nhiều hơn ngân sách chi cho sửa chữa đường cao tốc và cầu.

Kế hoạch cũng cố gắng đẩy mạnh các khoản đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch như gió và mặt trời bằng cách mở rộng tín dụng thuế đầu tư và sản xuất, đồng thời tài trợ cho các dự án năng lượng sạch hiện có của tiểu bang và địa phương.

Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng giải quyết tình trạng bất bình đẳng sắc tộc là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền ông và điều đó cũng được thể hiện trong kế hoạch cơ sở hạ tầng này. Tất cả các đường ống nước bằng chì - những hạn chế cơ sở hạ tầng nguy hiểm chủ yếu ảnh hưởng đến các cộng đồng thiểu số - sẽ được thay thế, và sẽ có 85 tỷ đô la được chi cho mở rộng và cải thiện hệ thống giao thông công cộng, vốn là phương tiện di chuyển chủ yếu của các sắc dân thiểu số.

Kế hoạch của Biden thậm chí còn bao gồm một đề xuất trị giá 20 tỷ đô la nhằm tái kết nối các khu vực dân cư đô thị bị san ủi, cách ly và tàn phá do bị lấy đất xây đường cao tốc mà không quan tâm đến những người sống dọc theo tuyến đường, chủ yếu là các cộng đồng nghèo hay thuộc sắc dân thiểu số.

 

Tăng thuế bù vào

Để có tiền chi trả cho kế hoạch này, Nhà Trắng muốn tăng thuế doanh nghiệp lên 28% từ mức hiện tại là 21% mà chính quyền Donald Trump áp dụng hồi năm 2017, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức thuế 35% dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Ông Biden cũng sẽ tăng mức thuế tối thiểu toàn cầu lên các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ làm ăn ở nước ngoài trong nỗ lực ngăn chặn họ chuyển lợi nhuận sang các ‘nơi trú ẩn’ về thuế.

Bản kế hoạch này không đả động đến tăng thuế cá nhân, bao gồm cả những người giàu.

Phần lớn trong số tiền 2 nghìn tỷ đô la này sẽ được chi tiêu trong 8 năm tới, nhưng chính quyền cho biết tiền thu thuếtăng lên sẽ trang trải cho tất cả các dự án trong khoảng thời gian dài 15 năm.

“Đừng quá ưu tư về kiếm ra tiền để bù từng đồng từng cắc cho kế hoạch vì cơ sở hạ tầng là một trong những lĩnh vực có thể tự chi trả,” ông Zac Petkanas, cố vấn cấp cao của Invest in America, một tổ chức cấp tiến cổ súy cho gói cơ sở hạ tầng mở rộng, được NPR dẫn lời nói.

Kế hoạch của ông Biden lập luận rằng nhiều việc làm sẽ được tạo sẽ giúp tăng thu thuế và tăng tính hiệu quả, chẳng hạn như tiết kiệm tiền bạc trong lưới điện. Nhưng Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ chất vấn điều này.

 

Khả năng đồng thuận

Về mặt lịch sử, chi tiêu là lĩnh vực mà đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể làm việc cùng nhau cộng tác và hiện nay đã có sự nhìn nhận rộng rãi trong hai đảng về lượng tồn đọng lớn các dự án cơ sở hạ tầng cần giải quyết.

Cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Heidi Heitkamp cho biết điều có thể giúp dự luật cơ sở hạ tầng dễ được chấp nhận hơn là có cái gì đó cụ thể trong tay để các nghị sĩ đưa ra cho cử tri của họ.

“Quý vị có cầu! Quý vị có đường! Quý vị có bệnh viện! Đó là cách thu hút cử tri về cơ sở hạ tầng,” bà nói và cho biết thêm rằng các thành viên Dân chủ ôn hòa có thể làm ồn ào để đòi các khoản chi tiêu trong kế hoạch phải được cân nhắc đúng mục tiêu, điều mà phía Đảng Cộng hòa chắc chắn cũng sẽ làm.

Nhiều thành viên Cộng hòa đã nói rõ rằng họ thấy đề xuất cơ sở hạ tầng của ông Biden là quá dàn trải và quá tốn kém.

“Tôi nghĩ, một dự luật về đường sá cần phải là dự luật về đường sá. Không phải là một Kế hoạch Xanh Mới. Nó phải là cầu và đường,” dân biểu Sam Graves, thành viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Cơ sở hạ tầng và Giao thông của Hạ viện, đã cảnh báo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg trong một phiên điều trần mới đây.

Nhiều thành viên Dân chủ dường như chấp nhận thực tế rằng đây có thể sẽ là một dự luật khác của họ được thông qua hoàn toàn theo đảng phái.

“Tôi tin rằng có sự ủng hộ nào đó trong Đảng Cộng hòa đối với các khoản đầu tư nhất định vào cơ sở hạ tầng,” ôngJamal Raad, người đồng sáng lập tổ chức vận động vì khí hậu Evergreen Action, được NPR dẫn lời nói. “Một số khoản đầu tư nào đó vào cộng đồng của họ để tạo công ăn việc làm. Thậm chí trong lĩnh vực năng lượng sạch. Nhưng tôi không nghĩ sẽ không thể có được gần 10 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa cho quy mô, phạm vi, thách thức mà chúng ta đối mặt.”

 

‘Có hại nếu xài không đúng chỗ’

Từ Dallas, bang Texas, Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giảng dạy chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Trường sau đại học Keller về quản lý, nhận định với VOA rằng bản kế hoạch của ông Biden quá dàn trải với nhiều nội dung không cần thiết vào lúc này.

“Bản kế hoạch này gồm tất cả những gì mà các đời Tổng thống Dân chủ khác muốn làm mà chưa làm được,” ông Lộc nói. “Có nhiều nội dung mang tính xã hội hay về bảo vệ môi trường chứ không phải cho hạ tầng cơ sở.”

Ông cho rằng các khoản đầu tư vào đường bộ, đường sắt, giao thông công cộng, băng thông rộng, trường học, đường ống nước nhiễm chì ‘đều rất tốt và rất cần thiết’ nhưng đầu tư vào năng lượng xanh ‘vào lúc này là không nên’.

“Đường sá của Mỹ đã gần 100 năm, đã quá cũ kỹ nên không an toàn nữa mà đường sá lại là huyết mạch của nền kinh tế,” ông nói. “Còn năng lượng xanh là điều phải làm nhưng phải đi từng gia đoạn chứ làm nhanh quá thì sẽ có hại cho kinh tế Hoa Kỳ nhất là trong thời điểm đại dịch COVID.”

Theo phân tích của ông, nếu chính quyền Biden gây khó khăn cho ngành năng lượng hóa thạch hay đặt ra các quy định cởi mở cho nghiệp đoàn ‘sẽ khiến các công ty và ngành nghề Mỹ mất khả năng cạnh tranh’.

Ngoài ra, việc tăng thuế sẽ càng thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ tìm nơi khác làm ăn và như vậy thì ‘tạo công ăn việc làm cho người Mỹ ở chỗ nào’, ông Lộc lập luận. Ngoài ra, thuế cũng sẽ khiến chi phí của doanh nhiệp tăng lên làm giá cả hàng hóa tăng lên ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.

“Trong bốn năm của cựu Tổng thống Donald Trump đã làm mọi chuyện, trong đó có giảm thuế, để kéo các công ty về lại Mỹ mà họ đã về rất ít. Bây giờ tăng thuế trở lại thì sẽ không ai trở về hết,” ông Lộc cảnh báo.

Mặc dù ông cho rằng Mỹ ‘buộc phải tăng thuế’ sau khi đã liên tục tung ra các gói cứu trợ khổng lồ trong đại dịch, giờ thêm gói cơ sở hạ tầng này nữa, nhưng ‘nên tăng từ từ’ chứ ‘tăng từ 21 lên 28% là quá nhiều’.

Trong khi đó, khả năng chính quyền Biden tăng thuế lên người dân ‘sẽ không xảy ra’, cũng theo Giáo sư Lộc, vì trong hoàn cảnh đại dịch chính quyền còn phải cho tiền dân để chi tiêu và bản thân ông Biden khi tranh cử cũng đã hứa sẽ không tăng thuế lên những người dân có thu nhập thấp.

 

‘Sẽ thúc đẩy kinh tế’

Vị giáo sư này nhìn nhận là nếu gói này đổ tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng, qua đó tạo công ăn việc làm cho người Mỹ, thì ‘sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Mỹ hơn nữa’ sau khi gói cứu trợ 1.900 tỷ trước đó được dự đoán sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng 5% trong năm nay.

Khi đó, kế hoạch này tự thân nó ‘sẽ tạo ra tiền tự trang trải cho chi phí’. Nhưng nếu có các điều khoản khiến các công ty Mỹ ‘khó cạnh tranh thì kinh tế sẽ suy sụp’, cũng theo lời Tiến sĩ Lộc.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang trông chờ xem ‘họ được cho tham gia bao nhiêu phần trăm vào gói cơ sở hạ tầng này để tham gia đấu thầu’, ông nói.

“Phải quy định rất rõ là bao nhiêu phần trăm không được giao cho ngoại quốc và các công ty Hoa Kỳ phải được ưu tiên,” Giáo sư Lộc lưu ý.

So sánh với kế hoạch cơ sở hạ tầng dưới thời cựu Tổng thống Trump, ông Lộc cho biết các nội dung về xây dựng cơ sở hạ tầng cũng giống nhau nhưng dự luật của Đảng Cộng hòa ‘không ra các điều luật siết chặt năng lượng hóa thạch, thúc đẩy công nghệ xanh, không tạo điều kiện cho nghiệp đoàn, không có những chương trình giúp đỡ cho các cộng đồng yếu thế’.

Tuy nhiên, chính quyền Trump chưa kịp thông qua kế hoạch này thì đã phải lo đối phó với đại dịch và việc ông Trump để mất Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ chỉ sau hai năm nắm quyền cũng khiến ông khó lòng thúc đẩy kế hoạch này.

Giáo sư Lộc dự đoán nếu bỏ các nội dung xã hội và môi trường thì khả năng gói này được sự đồng thuận của Đảng Cộng hòa ‘là rất cao’. Nếu không, Đảng Dân chủ sẽ phải tự mình thông qua bất chấp sự phản đối của Đảng Cộng hòa như hồi gói cứu trợ đại dịch 1.900 tỷ.

No comments: