VẾT HẰN MÙA XUÂN
Dì Sáu đang giúp bà Thái lượm những hạt
cứt chuột, những hạt sâu cùng những thứ khác lẫn lộn trong mấy thúng nếp thì
Liên về. Cô gái với khuôn mặt bầu bĩnh
tươi như hoa, dựng chiếc xe đạp trước sân, hớn hở bước vào nhà nói như khoe
khoang:
- Chào dì qua chơi! Mạ với
dì thấy chiếc xe đạp của con chưa?
Hai người đàn bà đều ngừng tay nhìn ra.
Một chiếc xe đạp đàn bà mới toanh láng coóng, sườn sơn màu tím óng ánh, ghi
đông, vành, tăm đều sáng choang.
- Trời! Chiếc xe của công
chúa có khác! Cho dì mượn đi phố một bữa đi!
Bà Thái ngắm nghía chiếc xe, mặt bà cũng
tươi rói, hết nhìn Liên lại nhìn dì Sáu hài lòng, hãnh diện:
- Mất của tôi gần ba chục
thúng lúa đấy! Rứa là cô ưng chi tôi cũng thỏa mãn cho cả rồi. Vô thay quần áo
đi mà ra phụ mạ làm sạch sẽ ba cái nếp để lo bánh trái cho rồi! Tết ni đình chiến
chắc mấy thằng anh mi cũng về. Tổ cha mi hai ngày nữa là lên mười tám rồi, phải
siêng siêng lên cho mạ nhờ một tí chứ!
Liên cười qua con mắt, nũng nịu nhìn mẹ:
- Thì con lo học chứ có lười
nhác đâu nào! Mạ lo chuẩn bị quà thưởng khi con đậu tú tài cuối niên khóa đó!
- Thì đã thưởng trước chiếc
xe đạp rồi cô! Cô liệu hồn để trượt vỏ chuối là chết với tôi đó chứ đừng nói!
Dì Sáu cười chung hòa niềm vui:
- Thì thưởng cho hắn một thằng
dôn cao ráo đẹp trai, cháu có chịu không?
Cô gái vẫn mặt tươi như hoa cười khúc
khích:
- Con không cần tới một thằng
dôn cao ráo đẹp trai đâu dì! Con chỉ cần một anh chồng xấu ỉn thôi.
Cả ba người cùng cười ròn rã. Dì Sáu hỏi:
- Mụ nội mi nói cái chi lạ đời
rứa! Răng không ưng chồng đẹp mà lại ưng chồng xấu nói cho dì nghe thử coi!
Liên lại cười khúc khích:
- Dì không nghe người ta nói
“củi nè dễ nấu chồng xấu dễ sai” đó sao? Con dại gì mà lấy chồng đẹp!
Dì Sáu cười nghiêng ngửa:
- Thì ra con nhỏ tinh ranh tới
rứa là cùng! Cho hắn bấp một thằng chồng hay đặp vợ cho biết mặt!
Bà Thái cũng cười ròn rã:
- Tổ cha mi nói rứa có chó
mà dám ưng mi! Coi chừng ở quá đó nghe con!
- Ở quá con cũng không sợ. Ở
với ba với mạ lo chi!
Liên vừa nói vừa nhí nhảnh đi vào phòng
của mình. Dì Sáu nhìn theo cười:
- Hắn tuổi Tân Mão phải
không chị? Mới nhỏ chút xíu đó mà! Hèn chi lớp mình mau tra cũng phải.
- Có thư đi thư lại rồi đó
dì! Thấy cái thằng cũng hiền lành dễ thương!
- Chị không la hắn à?
- La mần chi! Trước mình
răng thì chừ hắn rứa! Nhưng mình cũng phải ngó chừng chừng cho hắn chứ! Tôi chỉ
ớn ớn mấy thằng lường gạt thôi. Nói cho cam quả, con ni cũng ngộ thiệt. Từ ngày
đẻ hắn ra trong nhà cứ ăn mần nên phơi phới. Học hành thì chuyên đứng nhất đứng
nhì, năm mô cũng có phần thưởng. Cha hắn cưng lắm, muốn chi được nấy mà!
- Hắn dễ thương quá đi chứ!
Thằng mô mà gặp hắn thiệt là có phước!
Hai người đang vui vẻ bàn tán thì Liên
đã thay xong quần áo, chạy vụt ra phụng phịu đưa cả hai tay đấm thùm thụp vào
lưng bà Thái.
- Ồ, cái con! Mi mần cái chi
rứa?
- Mạ tầm bậy lắm! Mạ đọc
chùng mấy cái thư của con hết trơn rồi phải không? Trong phòng con ngoài mạ ra
ai vô được?
Cả ba người lại cùng cười ròn rã. Bà
Thái nhìn con gái âu yếm:
- Thì mạ phải kiểm soát chứ
lỡ gặp thằng mô ba láp hắn dụ dỗ con mạ dắt đi mất mạ biết mần răng? Nói rứa chứ
con của mạ đứa mô mà dụ dỗ được!
- Lần sau cấm mạ không được
coi chùng thư riêng của con nữa đó!
Dì Sáu nhìn cái cảnh hạnh phúc tràn trề
của hai mẹ con mà thèm khát. Chồng dì, ông Hữu, tập kết ra Bắc biệt tăm đã hơn
mười năm rồi. Con Lý, đứa con gái của dì và ông Hữu kém Liên một tuổi, học hành
chưa tới đâu hết phải bỏ ngang. Sau này dì cũng có thêm một thằng nhỏ nữa giờ
đã lên sáu, không rõ cha nó là ai. Cuộc sống của mấy mẹ con dì chưa lúc nào được
thoải mái cho lắm. Bà Thái là chị con ông bác của dì vốn rất thương dì nên vẫn
hay giúp đỡ dì nhiều mặt. Hai chị em qua lại với nhau khá tâm đắc. Dì nhìn hai
mẹ con bà Thái rồi bất giác thở dài:
- Con gái chỉ ở với cha mẹ
được một thời. Mai mốt là con người ta rồi đó.
Lời nói của dì Sáu như là một cái đánh động
nhẹ vào tâm tư bà Thái. Bà Thái quay lại nhìn người em họ rồi lại nhìn Liên.
Thình lình bà ôm lấy Liên hôn lên tóc, lên má, lên cổ nàng tới tấp. Nước mắt bà
trào ra ràn rụa trước sự ngơ ngác của dì Sáu. Giọng bà thổn thức nấc lên:
- Mai mốt con đi lấy chồng rồi
mạ ở với ai đây?
Cặp mắt nai của Liên cũng mở lớn tròn
xoe long lanh nước. Nàng cũng ôm chầm lấy mẹ rồi sau đó gục mặt vào vai mẹ. Bà
Thái lại nghẹn ngào:
- Con khoan đi lấy chồng đã
nghe! Con đi lấy chồng rồi thì mạ ở với ai đây?
Dì Sáu sững sờ rưng rưng nước mắt lặng
người chốc lát trước hoạt cảnh ấy. Sau đó dì làm tỉnh lên tiếng:
- Cái chị ni vô duyên thiệt!
Con gái lớn ai không lấy chồng? Mà đã có chi mô nà? Gả hay không đều còn do
mình mà! Hắn đi lấy chồng thì chị ở với anh Thái chứ ở với ai nữa!
Một chốc sau hai mẹ con buông nhau ra, mắt
người nào cũng đẫm lệ. Dì Sáu vươn vai đứng dậy cười:
- Ngồi ngó hai người tôi
cũng mệt. Thôi, hai mạ con làm với nhau đi, tôi về!
*
Ông Thái trước đây đã từng làm Đại Diện
xã. Ông là người kiến thức rộng, có đạo đức, làm việc gì cũng có lý có tình nên rất được lòng người. Bây giờ
ông đã thôi việc nhưng mọi người, kể cả lớp có chức sắc trong xã lúc nào cũng tỏ
ra trọng vọng kính mến ông. Những việc làm lớn nhỏ liên can đến chuyện an ninh
thôn xã, phát triển văn hóa, quân cấp ruộng đất, cúng tế hàng năm... những người
gánh vác công việc lúc nào cũng thỉnh hỏi ý kiến ông. Những mối bất hòa, những
vụ xung đột gia đình hay xóm giềng với nhau, dù không còn làm việc, hễ ông đứng
ra dàn xếp thì thế nào cũng yên.
Cúng giao thừa xong, ông Thái toan đi ngủ
bỗng nhiên ông cảm thấy có gì hơi khác trong tiếng pháo nổ như mọi năm. Ông lắng
tai và ngạc nhiên nghe những tiếng nổ lạ có thể không phải là tiếng pháo. Không lẽ lại có bắn nhau? Cái tin hưu chiến
đã được loan đi rộng rãi cho đồng bào yên tâm ăn tết mà! Ông áy náy không thể
nào ngủ được. Đến khi nghe thêm nhiều tiếng nổ lạ một vài nơi nữa, ông Thái mới
đoan quyết đấy là tiếng súng. Ông liền tìm cách liên lạc với xã để biết tình
hình.
Sau khi ra ủy ban xã, ông Thái liền nhắn
về nhà cho biết tình hình đang xấu lắm, ông chưa thể trở về liền được. Nếu có
ai tới thăm hỏi ông cứ bảo là ông đi thăm viếng ai trên phố.
*
Sáng mồng một tết thì cả xã nhốn nháo về
tin Cộng Sản đã kéo về khắp nơi. Thế là sau đó chẳng ai còn bụng dạ xuất hành
chúc tết họ hàng chung quanh. Mọi người đều lăng xăng lo cất giấu hoặc thủ tiêu
những thứ gì trong nhà có liên can đến binh lính và chính quyền miền Nam như bức
hình chụp, giấy tờ, quần áo giày mũ... Và Cộng Sản đã kéo về làng thật. Ngoại
trừ những căn nhà ven quốc lộ 1, nhà nào cũng có vài ba anh bộ đội đến trú
đóng. Bà Thái đang hồi hộp nhìn ra đường thì thấy bốn người lính Cộng Sản đi
vào nhà bà. Ba người trẻ mang súng dài tỉnh bơ đến thẳng thềm hiên nhà lớn, cởi
ba lô và súng ra ngồi xuống nghỉ. Có lẽ họ đang mệt. Những nhà theo kiểu cổ, trừ
khi có cúng giỗ tiệc tùng, ít khi người ta mở cửa nhà lớn. Mọi người trong nhà
vẫn vô ra bằng cửa nhà lều. Người thứ tư, một người trung niên mang súng ngắn,
tỏ vẻ đã hiểu biết thói tục ở đây, bước tới cửa nhà lều gọi:
- Anh chị Thái ơi, em là Trí
đây, anh chị có nhớ em không?
Qua giây phút lo sợ, ngỡ ngàng, bà Thái
mừng rỡ bước ra chào hỏi người em họ của chồng. Ông Trí là em con ông cậu ruột
của ông Thái, tập kết ra Bắc năm 1954. Sự có mặt của một người bà con trong
toán người xa lạ mà xưa nay gia đình bà vẫn coi như là thù địch làm bà Thái đỡ
lo hơn nhiều. Bà niềm nỡ săn đón:
- Trời ơi, không ngờ còn gặp
lại được chú Trí! Chú khỏe mạnh không? Có vợ con rồi chứ chú? Anh Thái vẫn nhắc
đến chú hoài! Sáng ni anh Thái lên phố chúc tết mấy người quen không biết răng
tới chừ chưa thấy về!
- Tình hình lộn xộn thế mà
anh không ở nhà à? Chị có biết bây giờ anh đi đâu không? Nguy hiểm lắm đó nghe!
- Thôi, ông đi mô rồi ông
cũng lo về. Chừ mời chú và mấy anh em vô nhà nghỉ ngơi. Chắc mấy chú cũng đói bụng
rồi, tôi dọn cơm cho mấy chú ăn nghe!
Ông Trí vui vẻ tự nhiên bước vào ngồi xuống
cái giường lèo:
- Để họ nghỉ ngoài đó được rồi.
Còn cơm nước lo chi chị! Bộ đội bác Hồ đến
dân vui, đi dân nhớ, ở dân thương, đến đâu nhân dân cũng lo cho đầy đủ cả làm
sao mà đói! Em tới đây mục đích chính là thăm anh chị. Sau nữa là xin cho mấy
anh em ở tạm vài hôm. Rồi tụi em cũng phải lo đi tiếp thu những chỗ khác. Anh
em đàng hoàng lắm, không có phá phách như bọn lính ngụy đâu! Chị đừng lo lắng
chi cả!
- Thôi, chốc nữa nói chuyện
tiếp. Chừ chú nói mấy anh em rửa tay để ăn cơm, tôi đi dọn ra đây!
- Cứ thủng thẳng đã chị, à,
mấy cháu đi đâu mà chẳng thấy cháu nào hết?
- Khi đêm tụi nó ham chơi thức
khuya quá chừ còn ngủ đó chú!
Cơm dọn ra, một mâm thịt chả cá canh phủ
phê. Ông Trí cùng mấy chú bộ đội ăn uống rất thiệt tình. Họ vừa ăn vừa huênh
hoang nói về những bước hành quân kỳ diệu của họ. Những món ăn khoái khẩu làm
cho thực khách càng nói cười vui vẻ cởi mở thêm. Với bà Thái, mấy chú bộ đội cứ
một điều thưa mẹ hai điều thưa mẹ rất thân mật. Bầu không khí lo lắng nghi kỵ
trong nhà cũng dần loãng đi. Chốc sau, bà Thái vào phòng kêu chị em Liên và Thảng
ra chào ông chú họ và mấy anh bộ đội. Cả hai đều đã thức dậy từ sớm nhưng thấy
người lạ vào nhà nên cố nằm nín trong phòng. Thấy mẹ gọi, Liên rụt rè đẩy em đi
trước.
- Thưa chú! Chào mấy chú bộ
đội!
- Ối chao! Mấy cháu của chú ngoan thế này à!
Lập tức, ông Trí bước lại ôm lấy thằng
Thảng mà hôn hít tới tấp. Thằng nhỏ từ khi lên mười tuổi đã xa hẳn kiểu biểu lộ
tình cảm nồng nàn thắm thiết đó, đâm ra ngượng ngập, lúng túng, thụ động. Liên
trố mắt ngạc nhiên rồi cũng lúng túng thối lui một bước. Liên sợ ông Trí cũng
hôn nàng như hôn Thảng. Bà Thái cũng ngạc nhiên cảm động vì cử chỉ của người em
họ chồng. Bà mừng vì như thế, những người trong gia đình bà, ông Thái và hai đứa
con đi lính chắc không đến nỗi nào. Bà có chút ân hận vì lâu nay nghe chồng mà
bà đã hiểu lầm về người Cộng Sản. Tình cảm họ chan chứa mặn nồng như thế mà bảo
họ vô tình thì đúng là đặt điều! Mấy chú bộ đội hình như chẳng quan tâm tới
chuyện đó. Họ chỉ cười chào lại Liên và Thảng rồi tiếp tục ăn.
Ông Trí vừa ăn vừa nói:
- Anh chị có hai cháu dễ
thương quá! Tương lai của đất nước đấy! Bác Hồ nói "kế hoạch trăm năm
không gì hơn là trồng người", đào tạo nuôi dưỡng ở lứa tuổi này thì không
chê vào đâu được.
Bà Thái sung sướng hãnh diện cười với
hai con:
- Các con nghe chú nói đó,
phải gắng học thêm lên nữa!
Bữa ăn gần xong, một anh bộ đội nhìn chiếc
xe đạp của Liên rồi khen:
- Chiếc xe trông hết sẩy!
Mọi người đều nhìn theo và thay nhau
khen. Liên nghe như vậy vẻ sung sướng hãnh diện lộ ra mặt. Một anh bộ đội hỏi:
- Chiếc xe này của ai mà
sang quá vậy mẹ?
Bà Thái hãnh diện trả lời:
- Xe sắm cho cháu Liên đi học
đó. Ở đây lên tới trường Đồng Khánh xa lắm
mấy chú!
- Dạ, chúng con cũng có nghe
nói đến trường Đồng Khánh Huế nữ sinh đẹp lắm. Nghe nói ở đó cũng có nhiều nữ
sinh tham gia mấy đội quyết tử của ta chống ngụy quyền gắt gao lắm cơ!
Ông Trí nhìn Liên hỏi:
- Cháu có thấy hoạt động của
mấy đội quyết tử ấy không? Cháu có ủng hộ hay tham gia với họ lần nào chưa?
Liên ngơ ngác ngây thơ trả lời:
- Làm gì có! Cháu chưa bao
giờ thấy đội quyết tử nào hoạt động ở trường Đồng Khánh cả.
Ông Trí vội nói:
- Hoạt động mật, người ta
không phổ biến đâu!
Một anh bộ đội ngập ngừng trở lại chuyện
chiếc xe đạp:
- Được đi chiếc xe như thế
chắc thích lắm nhỉ! Cô Liên cho chúng tôi mượn tập đi thử chốc lát được không?
Câu nói bất ngờ làm cho Liên tắt mất vẻ
cười. Nàng bối rối đưa mắt nhìn mẹ. Bà Thái vốn biết tính con mình rất cưng quí
xe. Bình thường, Liên ít khi cho ai mượn xe huống bây giờ xe mới, mà lại đòi tập
nữa mới khó chứ! Tuy thông cảm với con gái nhưng bà cũng nghĩ tới những khó
khăn hiện tại của mình. Sợ con làm mất lòng mấy chú bộ đội, bà cười giả lả:
- Tập chốc lát cũng được,
nhưng cẩn thận giùm một chút kẻo cháu nó nóng ruột, xe mới sắm chưa đi.
Bà Thái nói thế rồi nhìn ông Trí chờ đợi
một câu nói ngăn cản hay một lời dặn nào đó. Nhưng ông Trí chưa nói gì thì mấy
chú bộ đội đã hồ hởi nhanh nhẹn dắt xe ra sân. Liên nhăn mặt kéo Thảng ra theo
ngồi coi. Ông Trí vẫn ngồi uống nước ăn mứt ở bàn ăn.
Sau khi đã dọn dẹp mâm chén xong, bà
Thái đến ngồi đối diện với ông Trí:
- Chú Trí cưới vợ lâu
chưa? Được mấy cháu rồi?
- Em cưới vợ năm 1957, vợ em
người Sơn Tây, đã được ba cháu gái, đứa lớn nhất mới 11 tuổi.
- Rứa chú có đem theo vô đây
không?
- Giờ thì chưa, nhưng chậm lắm
là cuối năm nay. Giải phóng xong miền Nam em phải đem vô chứ.
- Nì, chị em tôi hỏi thiệt
nghe, như tôi có thằng Long thằng Đạt đi lính quốc gia có can chi không?
- Thì chị biết mấy cháu ở
đâu kêu về là xong. Cách mạng khoan hồng lắm, bác Hồ và Đảng nhân ái lắm chị,
chị đừng lo chi cả.
- Như anh Thái trước đây có
làm Đại Diện xã nhưng nghỉ lâu rồi có bị tội lệ chi với cách mạng không chú?
- Không sao đâu, chị biết
anh ở đâu cứ kêu về là yên chí chứ lo gì!
- Chú bảo đảm cho anh ấy được
chứ!
- Được quá đi chứ chị! Anh ấy
là anh của em mà! Cái tình nghĩa của phe dân chủ mình nó thắm thiết sâu đậm lắm
chị à! Có em đây chị cứ yên chí mà gọi anh về. Bác và Đảng bao giờ cũng thương
dân như con đỏ chứ đâu có vô tình vô nghĩa như bọn đế quốc chỉ biết bóc lột,
đàn áp, giết chóc mà ngại! Chị phải mọi cách kéo anh về càng sớm càng tốt. Mười
đời không rời cánh tay, em lo cho anh ấy lắm. Bây giờ em phải đi họp một chốc.
Hi vọng khi em trở lại thì gặp anh ở nhà.
Bà Thái càng ân hận về những hiểu lầm
lâu nay của mình. Thế mà bảo con tố cha, vợ tố chồng, thậm chí còn nói đến chuyện
chôn sống người nữa, toàn đặt điều hết!
Ông Trí ra dặn dò mấy chú bộ đội mấy lời
gì đó rồi đi.
Ông Trí vừa đi khỏi, Liên liền vào nhà với
vẻ bực bội, nói với mẹ:
- Mạ nói họ trả xe lại giùm
con đi! Họ tập té lên té xuống trầy trợt hết mạ ơi! Xe mới lấy về chưa kịp đi
thì gặp như thế thiệt rầu thúi ruột.
Bà Thái giải thích với Liên:
- Họ cũng như khách, người
ta tốt với mình mình phải tốt lại! Đừng làm mất lòng họ không hay mô! Cha con
đang ở thế kẹt lắm. Họ ở đậu vài bữa rồi họ đi thôi con ơi.
Liên cười méo mó:
- Chợt chạt móp méo nhiều rồi
mạ! Khi kia để tết xong rồi lấy về cho rồi!
- Đừng nói nữa con, cầu cho
cha con và mấy anh con yên lành là được rồi. Con đậu tú tài xong mạ mua cho chiếc
khác. Chừ con ra kêu em vô ăn uống mà ngủ cho sớm.
Nói xong, bà Thái đi thắp một lượt tất cả
các bát nhang. Sau đó, bà dọn ra giữa bức phản một mâm bánh thịt và mấy dĩa mứt,
lấy lồng bàn đậy lại. Khi trời đã khá chiều, mấy chú bộ đội vẫn thay nhau tập
xe như tranh thủ thời gian. Bà Thái tươi cười ra sân nói với họ:
- Mấy chú tập xong đói bụng
cứ vô giở lồng bàn có sẵn đồ ăn đó, cứ tự nhiên coi như người trong nhà, đừng
ngại chi hết.
- Dạ, chúng con cám ơn mẹ!
*
Một hiện tượng mà người dân không thể
nào hiểu nổi là bộ đội Cộng Sản đóng khắp trong xã thế mà trên quốc lộ 1 xuyên
qua xã, lính Mỹ dùng xe di chuyển qua lại đều đều vẫn tuyệt nhiên không có một
cuộc đụng độ xảy ra. Rõ ràng là quân hai bên đều trông thấy nhau cả mà! Không
biết cái tình trạng này còn kéo dài tới bao lâu nữa?
Bà Thái mỗi ngày mỗi nôn nóng lo sợ
thêm. Ông Thái vẫn biền biệt không nghe tin tức. Mấy ký thịt heo, mấy thẩu dưa
món, bốn năm con gà choi và bốn ổ trứng gà đã đi trọn rồi. Ban đầu bà cũng tưởng
họ ở đậu vài hôm là cùng, nào ngờ cả tuần rồi vẫn không có chi thay đổi. Ông
Trí ngày nào cũng đi họp một hai lần. Thỉnh thoảng cũng có vài người đi công
tác đâu đó. Mấy chú bộ đội trẻ cứ rảnh rỗi lại thay nhau hành hạ chiếc xe đạp của
Liên. Lúc này Liên cũng phó mặc ra sao thì ra, không cần để tâm tới nữa. Những
ngày sau này ông Trí luôn luôn thúc giục bà Thái tìm cách kiếm chồng về.
"Nếu anh ấy không chịu về, tôi không bảo
đảm được", ông Trí nói.
Rồi một buổi sáng bà Thái thấy toán bộ đội
có vẻ nhốn nháo. Hẳn có chuyện gì xảy ra? Họ hấp tấp sửa soạn hành trang. Sau
đó ông Trí với hai người vội vã mang cả đồ cá nhân ra đi. Chỉ có chú bộ đội
Minh con người trông nghiêm nghị, ít nói ít cười nhất ở lại. Trước khi đi, ông
Trí cũng dặn kỹ người trong nhà từ giờ phút này đừng đi đâu hết. Bữa cơm trưa rồi
bữa cơm tối bà Thái đều mời Minh cùng ngồi với gia đình nhưng hôm nay thấy anh
ta chẳng thiết tha chi đến chuyện ăn uống. Có lẽ anh ta đang có vấn đề căng thẳng
trong đầu. Thấy Minh chỉ một mình, bà Thái tò mò muốn gợi chuyện nhưng không thể
nào cậy môi anh ta được. Anh ta cứ chăm chú hướng mắt ra đường. Tới chạng vạng
vẫn chưa thấy một ai về.
Mãi tới khi thấy mấy bóng đen xăm xăm bước
vào ngõ, bà Thái kêu lên:
- À, mấy chú đã về đó rồi!
Nhưng không phải. Hai người đang tiến
vào sân cũng mặc đồ bộ đội nhưng đều là người lạ. Họ tiến thẳng tới trước mặt
bà Thái nói giọng nghiêm nghị:
- Lệnh của ủy ban, mời ông
Thái sang trường học xã họp ngay bây giờ!
Bà Thái lo lắng trả lời:
- Dạ ông Thái nhà tôi đi
chúc tết rồi kẹt mô đó tới nay chưa về đến. Có chú Minh ở đây lâu nay biết rõ
đó.
- Nếu ông Thái đi khỏi, xin
cho cô Liên đi họp thế vậy!
Một trong hai người quay lại nói với tên
Minh:
- Đồng chí cũng thu xếp lên
đường. Anh em ai còn sót gì mang cho họ luôn!
Bà Thái ngạc nhiên sao không mời mình đi
họp thế chồng mà lại mời Liên? Mà những người này sao lại biết tên của Liên?
- Dạ cháu nó còn dại biết
chi mà họp với hành! Tha cho cháu có được không?
- Bà hiểu cho đây là lệnh của
ủy ban! Xin mời cô Liên ra ngay cho. Chúng tôi không có thì giờ nhiều!
- Dạ thôi được, để tôi đi họp
thế cho cháu.
- Không được! ủy ban chỉ mời
cô Liên, không mời bà!
Bà Thái đang lúng túng thì ông Trí từ
ngoài đi vào. Mừng quá,
bà Thái đón ông lại:
- May quá, có chú về. Mấy
anh này mời cháu Liên đi họp, tôi xin đi thế mấy anh không chịu. Nhờ chú nói
giùm một tiếng.
- Không được đâu! Ai có việc
nấy. Người ta mời ai thì đi nấy, chết chóc chi đâu mà sợ. Tôi cũng đang có việc
của tôi đây.
Bà Thái nghe cái giọng của người em họ
chồng không còn ngọt ngào lễ phép với mình như những ngày trước đây thì lo lắm:
- Rứa thôi để tôi cùng đi với
cháu nghe chú.
Không biết ông Trí có nghe lời bà Thái
không. Ông không trả lời mà chỉ lúi húi tìm cái gì đó tại chỗ ông nằm mấy bữa
nay. Anh bộ đội truyền lệnh dứt khoát:
- Cô Liên đi một mình được rồi,
mời cô ra mau. Còn bà, đừng bước ra khỏi nhà!
Liên mặc bộ đồ bộ màu tím mới may lững
thững đi ra. Bà Thái cầm tay con nhưng không nói gì. Từ khi nghe kêu tên mình tới
giờ Liên không hề nói một lời. Khi ấy ông Trí có lẽ đã làm xong việc mình, bước
lại nói với bà Thái:
- Để nó đi kẻo người ta chờ
kìa. Nó là con chị mà cũng là cháu tôi, tôi cũng biết lo cho nó chứ. Nó qua trường
học nghe năm điều ba chuyện rồi về có gì mà bịn rịn như ra Hà Nội không bằng!
Bà Thái đứng nhìn bóng dáng mảnh mai của
đứa con gái yêu đang theo mấy người bộ đội ra cửa. Bà rưng rưng nước mắt rồi bỗng
chạy vụt vào nhà. Chốc sau bà quay trở ra, chạy theo những người đang đi.
- Chú Trí! Chú Trí ơi!
Ông Trí đang đi quay mặt lui:
- Gì đó nữa? Lôi thôi mãi!
Bà Thái cầm một cái áo len và một gói hạt
dưa trao cho ông Trí:
- Nhờ chú đưa cái áo cho
cháu Liên mặc thêm kẻo sương xuống lạnh và gói hạt dưa ni để nó cúp đỡ buồn.
- Chị làm như đưa tiễn con
lên tàu. Tôi chịu thua chị. Thôi nghe.
Bà Thái có cái cảm tưởng đưa con lên tàu
thật. Trường học chỉ cách nhà bà không tới năm trăm thước mà ngỡ như cách trở
quan san. Bà nhìn theo bước chân đứa con gái. Hình như Liên cũng cố tình bước
nhín nhín vì sợ chóng hết quãng đường. Khi những bóng người đã khuất hẳn trong
màn đêm bà Thái mới trở vào ngồi thừ ra trước thềm cửa. Ông Thái biệt tin cả chục
ngày bà không lo lắng bằng việc đứa con gái đang đi họp ở trường học. Khi bà
vào nhà thì thấy thằng Thảng đang nằm chèo queo ngủ trên chiếc giường lèo. Bà
chụp mấy con muỗi đang bu cắn con rồi ghé ngồi xuống phần giường còn trống dưới
chân nó, mỏi mệt dựa nghiêng đầu vào thanh lèo giường, chờ con gái về.
*
Bà Thái bỗng gật đầu một cái rồi tỉnh thức.
Thời gian này hay mất ngủ, mệt người, bà đã ngủ gục một giấc khá dài. Bà đứng dậy
nhìn đồng hồ: 3 giờ khuya. Bà Thái hoảng hốt chạy lại đánh thức thằng Thảng:
- Dậy con ơi! Đi với mạ qua
coi thử chứ giờ chừ mà con Liên chưa về, họp hành chi lạ rứa! Mạ nóng ruột quá!
Thằng Thảng bừng mắt ngồi dậy nhưng ngại
ngùng:
- Đi giờ này hắn bắn chết! Mạ
không thấy mấy người chết rồi đó à? Chắc là chị Liên qua ngủ lại nhà dì Sáu chứ
gì!
Bà Thái bực bội:
- Tiếc giấc ngủ thì ngủ tiếp
đi! Mi không thương hắn thì tau đi tìm một mình.
Bà Thái bưng cây đèn bóng thắp dầu nhỏ
bước ra khỏi nhà. Thằng Thảng lật đật chạy theo mẹ. Bưng đèn theo chỉ có mục
đích chứng tỏ sự ngay thẳng không mờ ám trong việc đi đêm chứ thật ra lúc đó dù
trăng mờ cũng thấy đường được. Khi nhìn được khu vực trường học, bà Thái ngạc
nhiên không thấy đèn đuốc chi cả. Bà nôn nóng bước thật nhanh. Ngọn đèn trên
tay tắt mất nhưng bà cũng không ngần ngại, càng bước mau hơn. Bấy lâu nay vẫn có một số bộ đội, cán bộ làm
việc ở đây, sao bây giờ chẳng thấy ai canh gác ngăn cản chi cả? Tới gần, hai mẹ
con thấy có nhiều ghế bàn để ngổn ngang trước sân trường nhưng tuyệt nhiên
không có một bóng người.
- Đi qua nhà dì Sáu ngay!
Nhà dì Sáu cách trường học chừng 100 thước.
Hai mẹ con lại lật đật tới nhà dì Sáu, đấm cửa thình thịch:
- Dì Sáu ơi! Dì Sáu ơi! Con
Liên có ngủ lại nhà dì không?
Dì Sáu nghe tiếng vội vàng nhảy dậy xô
cái cửa cho hai mẹ con vào, không kịp tìm diêm bật đèn, dì nói liền:
- Con Liên không về nhà à, tội
nghiệp chưa? Rứa thì họ đem đi rồi, đem đi mô đó không biết. Khi khoảng 1 giờ
khuya họ dắt đi hết không còn một người. Hèn chi em có nghe một ông mô đó nói lớn
"không bắt được lão thì cũng phải làm cho lão đứt ruột nát gan ra
...". Dám họ nói anh Thái lắm! Em mới
vô nằm được một chút chứ mấy!
Nghe đến đây bà Thái liền nằm lăn xuống
nền nhà mà kêu khóc:
- Trời ơi! Con tôi nhỏ dại tội tình chi mà đem đi mô rứa
hỡi trời!
Thằng Thảng sửng sờ đứng ngây người
không phản ứng. Dì Sáu thì hoảng hốt nhào tới ôm bà Thái đỡ dậy và khuyên:
- Bình tĩnh chị ơi, con Liên
còn nhỏ dại vô tội họ không làm chi hắn mô mà sợ. Chắc ngày mai họ cũng thả về
thôi.
Nhưng bà Thái vẫn tiếp tục lăn lộn khóc
lóc:
- Liên ơi là Liên! Chừ mạ biết
con ở mô mà tìm...
Dì Sáu biết lòng thương của người chị họ
mình đối với đứa con gái hơn ai hết. Dì cứ ngồi ốm lấy người chị mà an ủi dỗ
dành. Dì chẳng buồn đi tìm hộp diêm để châm đèn nữa, dì không muốn bà Thái thấy
trên mắt mình cũng có hai ngấn lệ.
*
Khi tình hình đã khá yên, ông Thái mới
trở về nhà. Nhưng ông khựng lại khi thấy thằng Thảng ra đón ông không có một nụ
cười.
- Mạ mô rồi? Chị Liên mô rồi?
- Chị Liên họ bắt đem đi rồi.
Còn mạ khóc từ khi qua nhà dì Sáu tới giờ. Dì Sáu và con mới đưa mạ về hồi
sáng. Mạ hiện đang nằm khóc trong nhà.
Mặt ông Thái chuyển sang tái ngắt. Ông
đã quá hiểu về những con người Cộng Sản. Ông đau đớn nghĩ tới đứa con gái thơ dại
của mình. Thôi, thế là hết. Xưa nay, mỗi khi Cộng Sản đã rớ tới ai thì kẻ đó
không mất xác cũng mất hồn. Trên đường về nhà, ông đã nghe tin nhiều người có
máu mặt ở thôn xã đã bị chúng bắt đem theo trong khi rút lui. Nhưng ông không hề
tưởng tượng rằng đứa con gái của ông cũng chung số phận ấy. Ông đi như chạy vào
nhà.
*
Cả mấy tháng sau trong xã hoàn toàn chưa
ai được nghe chính xác tin tức về số phận những người bị bắt. Có tin đồn là một
số bị giết và một số lại đi theo Cộng Sản. Gia đình ông Thái vẫn hi vọng Liên
ngây thơ vô tội chắc không đến nỗi bị hại. Bà Thái không lúc nào quên nghĩ đến
đứa con gái mình. Ngày nào bà cũng thắp
hương khấn vái cầu nguyện ông bà giúp đỡ phù hộ cho con mình trở về. Gần như
đêm nào bà cũng có khóc. Bà ân hận vì mình không can đảm giữ Liên lại đừng cho
đi họp hay ít nhất cũng cương quyết theo chân Liên đến chỗ họp. Không lý người
ta dám bắn mình lúc đó? Bà ân hận vì đã quá tin tưởng vào những lời phỉnh gạt của
người cán bộ em họ chồng mình. Ngày nào bà cũng vào lau chùi trong phòng Liên
và không cho ai làm thay đổi một cái gì hết. Đến đôi tấc, bộ áo quần Liên thay
lúc ra đi bà vẫn để chỗ cũ, không đem đi giặt. Lúc này bà hay ngủ tại giường của
Liên.
Rồi tin dữ cũng chính thức đến với gia
đình ông Thái. Khoảng nửa năm sau, khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phát hiện một
số hầm chôn người tập thể do lính bác Hồ thực hiện tại quận Phú Thứ, người ta
cho khai quật để cải táng. Trong số nạn nhân, người ta đã chính xác nhận ra
Liên. Khi gia đình nhận được tin báo, bà Thái ngất xỉu đi mấy phút. Bà không thể
tưởng tượng nổi. Hồi còn trẻ, bà đã nghe mấy người từng chứng kiến kể lại vài vụ
chôn sống. Người thì bị đánh cho ngất xỉu rồi đẩy xuống hố mà dập đất lên, đó
là lúc người ta muốn giải quyết nhanh. Người thì dùng sức mạnh ép đứng xuống một
cái lỗ sâu mà dập đất lên ngang bụng, ngang ngực, hay ngang cổ tùy ý thích của
cán bộ lãnh đạo. Những người bị chôn sẽ năn nỉ khóc lóc van xin cho đến khi nào
không còn nói được. Phần thân thể bên dưới của người đó sẽ tê dại nhanh chóng
dưới sức ép của đất, mạch máu không còn lưu thông được, sau cùng đều chết. Đây
là cách giết mà vừa trả thù, vừa thưởng thức. Một cách khác nữa rùng rợn hơn
nhiều, gọi là xác chết đội mồ. Người ta đào một cái lỗ cạn, dùng sức đẩy nạn
nhân còn đang khỏe mạnh xuống rồi dập phủ kín một lớp đất rất mỏng. Nạn nhân sẽ ọ ọ lên mấy tiếng giống như bò rống,
chỗ đất mới đắp nứt nứt ra rồi cái đầu người phủ đầy đất thò lên tưởng như xác
chết đội mồ. Những người chung quanh cứ cười nói thỏa thích chờ cho nạn nhân hồi
sức được phần nào rồi áp lại dập đất lần khác. Đến khi nào nạn nhân lã người chịu
nằm yên dưới lớp đất phủ là xong. Nghe nói không có nạn nhân nào ngoi dậy được
lần thứ ba. Ngày trước nghe kể như thế
nhưng bà đâu có tin! Bây giờ thì những nạn
nhân lại có nhiều người bà từng gần gũi, quen biết, có luôn cả người thân yêu
nhất đời của bà nữa! Bà tưởng tượng ra những nỗi đau đớn quằn quại của đứa con
gái mình mà rùng mình thon thót. Bất giác bà nhớ tới câu mà theo ông Trí là của
bác Hồ, ba mẹ con bà đã nghe trong dịp tết vừa rồi "kế hoạch trăm năm
không gì hơn là trồng người". Con người cả đời hiền lành không biết chửi bới
ai một câu bỗng nghiến răng rít lên:
- Mụ cô cha hắn chứ trồng
người! Té ra trồng người là chôn sống người!
*
Sau khi cải táng cho con, bà Thái ngã bệnh
kéo dài cả năm.
Khi lành bệnh, tính khí bà trở nên thất
thường. Nhiều khi bà ngồi cả buổi để nhìn lên bàn thờ người con gái. Hình như
đôi mắt yếu kém của bà vẫn nhìn thấu suốt qua tấm vải đỏ phủ trên khung ảnh
mang gương mặt ngây thơ bầu bĩnh tươi như hoa của cô gái. Những giọt lệ cứ bò
trên đôi má nhăn nheo của bà. Nhiều khi đang làm việc gì bà bỗng ngưng lại, thở
dài: Bác Hồ nhân ái lắm, bác thương dân như con đỏ, kế hoạch trăm năm không gì
hơn là chôn sống người!
Từ ngày mất Liên, lòng bà Thái cũng mất
luôn mùa xuân, mất vĩnh viễn. Có mùa xuân nào nữa mang lại niềm vui cho bà đâu?
Càng về già cái tính thất thường của bà càng tăng. Lắm lúc bà quên cả mọi người
chung quanh cũng như mọi việc. Nhưng lạ một cái bà vẫn hay nhắc một câu nói cũ
và vẫn không lẫn lộn một chữ nào: "bác Hồ nhân ái lắm, bác thương dân như
con đỏ, kế koạch trăm năm không gì hơn là chôn sống người!"./-
Ngô Viết
Trọng
No comments:
Post a Comment