Wednesday, February 9, 2022

EM ĐI CHÙA HƯƠNG (NGUYỄN NHƯỢC PHÁP) & EM ĐI LỄ NỬA ĐÊM (LÊ TUẤN)

 

Có một tác phẩm rất nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ biết đến chính là ca khúc “Em đi chùa Hương” của nhạc sĩ Trung Đức được phổ từ bài thơ Chùa Hương của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.

 

Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938)

ông là  con trai của nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, mẹ ông là bà Phan Thị Lựu (vợ thứ của ông Nguyễn Văn Vĩnh). Mẹ ông qua đời khi ông mới được 2 tuổi, nên ông đã mồ côi mẹ, phải sống với Mẹ cả (Tức vợ cả của cha ông). Tên gọi Nguyễn Nhược Pháp, được cha ông đặt, dựa theo lịch sử năm 1914 quân đội Pháp bị quân Đức đánh cho thê thảm, cha ông đã nhìn thấy sự suy nhược của nước Pháp, do đó ông đặt tên cho con trai mình là Nhược Pháp. Cũng chính cái tên ấy như vận vào cuộc đời ông, mang vóc dáng nhỏ con và một vẻ ngoài rất thư sinh yếu đuối. Tuy nhiên ông rất thông minh, đẹp trai, học giỏi có đầu óc tổ chức, nhiều sáng kiến.

Năm 14 tuổi thi đỗ lớp 6 Trường trung học Albert Sarraut, năm 20 tuổi đỗ tú tài phần nhất, 1935 đỗ tú tài phần hai, ông vào đại học luật khoa Hà Nội. Từ năm 1930 trở đi, kinh tế gia đình ông lâm vào cảnh túng thiếu, khó khăn.

Nguyễn Nhược Pháp vừa đi học để thi tú tài, thi đại học Luật, vừa làm ở tòa báo An Nam mới, từ đó ông viết thơ gửi cho các báo,  để có tiền nhuận bút, giảm bớt chi tiêu của gia đình cho mình.

Thêm một giai thoại vui về hoàn cảnh sáng tác bài thơ (Chùa Hương): Vào những năm 1930 người Hà Nội xưa có 4 cố tiểu thư nổi tiếng xứ Hà Thành, mà người ta mệnh danh là “Tứ Mỹ Nhân Hà Thành” gồm có:

 

Cô Síu ở Cột Cờ Hà Nội

Cô Phượng ở Hàng Ngang

Cô Nga ở Hàng Gai

Cô Bính ở Hàng Đẫy.

Trong 4 cô gái xinh đẹp này, Cô Bính lại lọt vào mắt xanh của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Nhà thơ đã thầm yêu trộm nhớ cô Bính Hàng Đẫy.

Lê Thị Bính sinh năm 1915, trong gia đình nề nếp, gia giáo tại Hà Nội. Bản chất thông minh, thanh lịch nhưng được giáo dục trong môi trường khép kín, nên tiểu thư Lê thị Bính hội tụ đầy đủ tố chất công dung ngôn hạnh của người phụ nữ Hà Nội.

Cô Bính sống khép kín trong ngôi biệt thự xây ba tầng lầu, thiết kế theo kiểu kiến trúc Pháp, ngôi biệt thự được bao quanh một lớp hàng rào. Cô Bính được cha mẹ rất thương yêu, đã dành riêng cho con gái một tầng lầu để làm phòng đọc sách và phòng học. Thuê riêng gia sư về dạy học.

Khi ấy nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đang làm việc tại tòa báo (L’ Annam nouveau) ngày nào ông cũng kiếm cớ đi ngang qua khu nhà cô Bính ở, chỉ để được ngắm nhìn giai nhân cho thỏa lòng mong nhớ.

Qua ánh mắt ấy cô Bính cũng cảm nhận được tình cảm mà Nguyễn Nhược Pháp đã dành cho mình.

Trước vẻ đẹp thanh thoát, trong sáng của giai nhân, làm chàng thi sĩ nhỏ nhắn đã gởi gắm tất cả những yêu thương vào vần thơ của mình thể hiện qua 12 thi phẩm qua thi phẩm “Ngày Xưa”.

Trong đó có bài thơ “Em đi chùa Hương” thể hiện sự tinh nghịch, trẻ trung của cô gái tuổi 15 xuân thì, ngây thơ trong sáng và rất hồn nhiên. Sắc đẹp của nàng đã làm ngẩn ngơ bao chàng thi sĩ trong đó có Nguyễn Nhược Pháp.

Nhưng cuộc tình đẹp này lại đầy ngang trái. Nguyễn Nhược Pháp qua lại với cô Bính, hai gia đình cũng đã biết chuyện.

Sau ngày gia đình ông lâm vào cảnh tán gia bại sản, ông trở thành kẻ trắng tay. Vốn lòng tự trọng rất cao nên ông đã chấp nhận rút lui khỏi cuộc tình này.

Từ sau khi chị gái của ông là Nguyễn Thị Nội đang theo học Luật năm thứ ba, chị lâm trọng bệnh rồi mất (năm 1933), tiếp theo cha ông là Nguyễn Văn Vĩnh mất năm (1936), và tin anh trai Nguyễn Hải mất trong Nam.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp đau buồn rồi mắc bệnh lao hạch và mất năm 1938 khi mới 24 tuổi.

Có một cơ duyên sau này bài thơ “Em đi chùa Hương”: Nhạc sĩ trung Đức khi đọc bài thơ “Em đi chùa Hương” cảm thấy thật sự rất yêu thích bài thơ này nên ông đã phổ nhạc. Trong thời gian đó Trung Đức đang sinh hoạt văn nghệ tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, với hy vọng sẽ đưa được bài hát này vào trình bày tại nhà hát, nên ông đã trình ca khúc lên nhà hát để duyệt.

Nhưng vì ông chỉ là ca sĩ, không phải nhạc sĩ nên bài hát đã không được hội đồng nhà hát để ý đến.

Đánh liều ông gởi thêm lần nữa, nhưng lần này ông ký giả danh Trần Văn Khê lên tờ nhạc (một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian nổi tiếng, là giáo sư, cư trú tại Paris). Nghĩ rằng bên trời Tây xa xôi Trần Văn Khê sẽ không biết đến việc này. Quả nhiên nghe danh Trần Văn Khê nhà hát đồng ý ngay, và ông xin được hát bài “Em đi chùa Hương” trên sân khấu.

Sau khi bài hát trở nên nổi tiếng ông cũng đính chính lại tác giả chính là ông, và cũng đã xin Trần Văn Khê thông cảm vì không muốn bỏ phí một bài nhạc ấy. Với giai điệu vui nhộn nhạc sĩ Trung Đức đã thể hiện được sự hồn nhiên, nhí nhảnh mà Nguyễn Nhược Pháp đã hướng tới.

Khi được hỏi làm như vậy không sợ ông Trần Văn Khê “kiện” sao? Trung Đức nói nói: “Sẽ phải xin lỗi ông ấy. Nhưng chắc ông ấy sẽ tha thứ việc “mượn râu hùm” này, cũng chỉ vì muốn một bài hát không bị bỏ phí mà đành phải làm vậy”.

Sau này, Trung Đức chưa một lần gặp Trần Văn Khê. Nghe nói ông cũng dễ dàng cho qua, không có ý kiến gì vì đến nay tên tác giả đích thực đã được phục hồi. Có thể nói Trung Đức đã phổ bài thơ hoàn toàn do cảm xúc, cộng với việc tìm kiếm được một giai điệu rất phù hợp với nội dung bài thơ mà bỏ qua những yếu tố kỹ thuật cần thiết.

 

Tôi tìm hiểu thêm về bối cảnh tình tiết về bài thơ (Chùa Hương) theo lời kể của Nguyễn Vỹ (người bạn thân của nhà thơ)

Bài thơ Chùa hương là bài hay nhất trong tập thơ Ngày Xưa của Nguyễn Nhược Pháp. Có một chi tiết khá ly kỳ không ngờ.

Trong chuyến đi Chùa Hương ngày hôm ấy. Nguyễn Nhược Pháp cùng đi với tôi (Nguyễn Vỹ) và hai người bạn là hai cô nữ sinh, hai cô mang theo máy ảnh chụp hình. Nhược Pháp và tôi thì đi tay không.

Chúng tôi trèo lên đến rừng mơ, bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường đi leo dốc gồ ghề lởm chởm, do đó bà cụ vừa đi vừa niệm Phật “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát”. Cô gái quê con gái bà cụ, cũng đang niệm Phật theo mẹ, bất ngờ cô ngước lên trông thấy hai chúng tôi là hai chàng trai đang nhìn cô trân trân, cô bẽn lẽn và ngưng không niệm Phật, bỏ lửng câu kinh mà cô vừa niệm “Nam mô cứu khổ cứu nạn..” rồi cô im lặng, đôi má cô chợt ửng đỏ cúi mặt xuống. Hai đứa chúng tôi hỏi:

Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa. Cô gái quê tỏ vẻ bối rối muốn khóc, không ngờ hai cô bạn nữ sinh đưa máy ảnh chụp vội tầm hình, hai đứa tôi đang nói chuyện với cô gái. Chúng tôi mải mê nói chuyện với cô gái quê, mà quên đi hai cô nữ sinh đi cùng, hai cô đã bỏ đi lúc nào không biết, cũng chẳng nói gì với chúng tôi. Chợt nhớ lại hai cô bạn nữ sinh, chúng tôi vội đi tìm nhưng không theo kịp. Hai cô đã đến chùa Ngoài, rồi lên chùa Tiêu Sơn.

Đêm hôm ấy chúng tôi ngủ lại trong chùa Hương, sáng hôm sau đi về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn nữ sinh đồng hành. Chúng tôi phải xin lỗi mãi.

Nguyễn Nhược Pháp thì cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau Nguyễn Nhược Pháp đem đến khoe cho tôi đọc bài thơ Chùa Hương, mà trong bản thảo đầu tiên nhà thơ đề là Cô Gái Chùa Hương. Nhà thơ Nguyễn nhược Pháp đã lấy bối cảnh cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với cô gái quê làm đề tài và tưởng thêm ra thành bài thơ rất đẹp, từ ngữ ngây thơ giống như cô gái quen gặp gỡ trên đường đi chùa Hương.

 

Hôm nay đi Chùa Hương,
Hoa cỏ mờ hơi sương.
Cùng thầy me em dậy,
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao,
Em đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới,
Tay cầm nón quai thao.
Me cười: “Thầy nó trông!
Chân đi đôi dép cong,
Con tôi xinh xinh quá!
Bao giờ cô lấy chồng?”
Em tuy mới mười lăm
Mà đã lắm người thăm
Nhờ mối mai đưa tiếng,
Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai,

Vì thầy bảo người mai
Rằng em còn bé lắm,
(Ý đợi người tài trai)…
Em đi cùng với me.
Me em ngồi cáng tre,
Thầy theo sau cưỡi ngựa,
Thắt lưng dài đỏ hoe.

Bài thơ này rất dài, xin trích lại vài đoạn ngắn. Ngày xuân chúng ta ôn lại những câu chuyện xa xưa, tìm hiểu thêm vài bản nhạc xuân và những bài thơ nổi tiếng viết cho mùa xuân.

Khi tháng mười hai mùa đông về trên thung lũng hoa vàng, miền bắc Cali, những cơn gió lạnh thổi về, những cơn mưa giăng mắc trên vùng trời phố núi.

Ngoài trời một màu sương trắng che mờ, nhìn cảnh vật đẹp như một bức tranh thuỷ mặc. chợt nghe trên youtube một ca khúc phát ra từ cái laptop, đó là bài (Em đi chùa Hương) phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp.

**************

Tôi chợt nghĩ tại sao không viết một bài thơ Em đi Nhà Thờ. Vì tôi là người theo đạo công giáo, tôi chưa thấy bài thơ nào viết về chủ đề này. Từ ý tưởng đó, tôi đã viết bài thơ (Em đi lễ nửa đêm).

 

Em Đi Lễ Nửa Đêm

Tháng mười hai giáng sinh
Lòng vương vấn chân tình
Ngoài kia trời gió lạnh
Ánh đèn màu lung linh
Em mặc áo len hồng
Khăn quàng cổ quấn vòng
Giày cổ cao nhung ấm
Em đi vào mùa đông
Mọi người vẫn nhìn trông
Em thấy thẹn trong lòng
Tiếng người khen xinh quá
Gió lay nhẹ lá thông.
Mẹ cười nghe lời khen
Em nhìn theo ánh đèn
Những sắc màu lóng lánh
Giáo dân mừng Noel.

Thánh đường tiếng chuông ngân
Vinh danh Chúa giáng trần

Bình an nơi trần thế
Xoá tan lòng phân vân
Hôm nay đến nhà thờ
Màn sương trắng che mờ
Chúa đóng đinh!
Thập giá Giang tay như đón chờ.
Dải sương trắng lững lờ
Đẹp như là trong mơ
Em làm dấu thánh giá
Lòng hân hoan đợi chờ.
Giáo đường lễ nửa đêm
Mỗi lúc một đông thêm
Trang nghiêm vào thánh lễ
Hoa tuyết rơi bên thềm.
Đêm hiển thánh vô cùng
Lòng người hoà nhịp chung
Ca đoàn vang tiếng hát
Rực sáng cả vương cung.
Cây thông mừng giáng sinh
Ánh đèn sáng lung linh
Quả châu treo rực rỡ
Em chụp vài tấm hình.
Em chắp tay nguyện cầu
Chúa giáng sinh nhiệm mầu
Xuống trần gian cứu chuộc
Loài người mối tội đầu.
Xin Chúa ban bình an
Những ân tình chứa chan
Thoát bao cơn dịch bệnh
Loài người hết gian nan.
Em đi lễ nửa đêm
Tâm hồn em yếu mềm
Xin Chúa ban sức mạnh
Vượt qua những nỗi niềm.

Lê Tuấn

No comments: