Kinh tế Mỹ tăng mạnh, nhưng
lạm phát cao: mừng hay lo?
19/02/2022
Khách hàng đang mua sắm ở một
siêu thị Walmart. Niềm tin người tiêu dùng tăng cao là một yếu tố thúc đẩy kinh
tế Mỹ tăng trưởng nhanh
Kinh tế tăng
trưởng nhanh nhất trong vòng gần 40 năm qua là tín hiệu đáng mừng cho thấy Mỹ
đã hồi phục mạnh mẽ từ đại dịch nhưng đi kèm với tăng trưởng là lạm phát tiếp
tục tăng cao, gây tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, các kinh tế gia
nhận định.
Người Mỹ đang
phải đối mặt với những tín hiệu trái ngược trong nền kinh tế. Nền kinh tế đang
gia tăng nhanh chóng, thất nghiệp thấp và tiền lương đang tăng lên. Nhưng lạm
phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập kỷ, và đối với nhiều người Mỹ, lạm phát
tăng dường như đang lấn át bất kỳ tin tốt nào khác về kinh tế.
Tổng sản phẩm
quốc nội (GDP) của Mỹ tăng 5,7% trong năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ
năm 1984 khi Tổng thống Ronald Reagan nắm quyền, Cục Phân tích Kinh tế Mỹ cho
biết.
Nhưng không chỉ
tăng trưởng tăng vọt. Chuỗi cung rối loạn, thiếu hụt lao động và nhu cầu lớn
cũng khiến giá cả tăng vọt ở Mỹ trong năm 2021.
Chi tiêu tiêu
dùng ở Mỹ tăng 7,9% vì người Mỹ tiếp tục móc hầu bao và cũng vì giá cả hàng hóa
và dịch vụ cao hơn. Đây là mức tăng trưởng chi tiêu mạnh nhất ở Mỹ kể từ năm
1946. Trong quý 4 năm 2021, Mỹ ghi nhận mức lạm phát 6,5%, mức cao nhất kể từ
quý 3 năm 1981.
Tăng
nhanh hơn Trung Quốc
“Con số tăng
trưởng GDP trong năm đầu tiên cầm quyền của tôi cho thấy cuối cùng chúng ta
cũng đang xây dựng nền kinh tế Mỹ cho thế kỷ 21, với tốc độ tăng trưởng nhanh
nhất trong gần bốn thập kỷ, cùng với năm tăng trưởng việc làm nhiều nhất trong
lịch sử nước Mỹ,” Tổng thống Joe Biden ca ngợi. “Và, lần đầu tiên trong 20 năm,
nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc”.
Tốc độ tăng
trưởng như vậy là ‘điều đáng mừng’ vì nó cho thấy ‘sau dịch bệnh, người dân Mỹ
đã bắt đầu chi tiêu trở lại’, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy
chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of
Management, nói với VOA từ Fort Worth, Texas.
Phân tích về
nguyên nhân tăng trưởng, ông Lộc chỉ ra tiêu dùng của người dân Mỹ chiếm đến
70% tăng trưởng GDP và khi người dân Mỹ tăng chi tiêu trở lại, nền kinh tế sẽ
gia tăng.
“Trong đại dịch
họ không tiêu tiền được nhiều thì bây giờ họ lấy ra tiêu xài,” ông Lộc nói và
cho biết thu nhập của người dân Mỹ không bị ảnh hưởng nhiểu vì đại dịch mà thậm
chí họ còn có thêm tiền từ các gói cứu trợ của chính phủ.
“Ngay cả lúc xấu
nhất của đại dịch (trong năm 2020), tỷ lệ thất nghiệp cũng chỉ ớ mức 8%, còn
bây giờ thì gần như là ai cũng có công ăn việc làm (full employment),” ông Lộc
chỉ ra.
Trong khi đó,
tiền cứu trợ của chính phủ gửi đến cho mỗi người dân không phân biệt là có việc
hay mất việc (1.200 đô la dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, 1400 và 600 đô
la dưới thời Tổng thống Joe Biden) họ xài không hết nên để dành lại nhiều, cũng
theo lời ông Lộc.
Việc đại dịch
dần được kiểm soát giúp cho nền kinh tế mở cửa trở lại và phục hồi, ông nói
thêm và cho rằng đó là ‘nhờ giới khoa học phát triển vaccine’. Tuy nhiên, ông
ghi nhận những biện pháp phòng dịch gắt gao có phần ép buộc của chính quyền
Biden ‘đã giúp kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh’.
Các kinh tế gia
cũng chỉ ra rằng kinh tế Mỹ tăng trưởng không chỉ vì người dân tăng chi tiêu mà
còn vì các hãng xưởng tăng tốc chất đầy kho hàng.
“Lấp đầy kho
hàng góp 4,9 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng, chủ yếu là do ngành xe hơi
dẫn đầu,” ông James Knightley, kinh tế gia quốc tế trưởng tại ING, được CNN dẫn
lời cho biết. “Nhưng với sự gián đoạn nguồn cung đang diễn ra, chúng ta không
thể trông cậy nó sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng trong các quý tới.”
Ông Lộc dự đoán
rằng mặc dù các gói cứu trợ khổng lồ sẽ không còn được chính phủ Mỹ tung ra nữa,
nhưng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục được hà hơi tiếp sức với gói cơ sở hạ tầng trị
giá 1.200 tỷ đô la mà chính quyền Biden được Quốc hội thông qua hồi năm ngoái.
Gói này sẽ phát huy tác dụng ‘trong vòng 3-4 năm’. Trong khi đó, nếu gói chi
tiêu Build Back Better của ông Biden được thông qua, nó sẽ bơm tiền thêm một
đợt nữa vào nền kinh tế Mỹ.
“Còn lâu lắm
những chi tiêu của chính phủ Mỹ mới cạn hụt,” ông Lộc khẳng định.
‘Không
bền vững’
Tuy nhiên, ông
Lộc cho rằng tốc độ tăng đến 5,7% là ‘quá nóng’, ‘không bền vững’ và dẫn đến
nhiều rủi ro, trong đó có lạm phát.
“Mỹ là nền kinh
tế đã trưởng thành (mature economy) và khác với các nước đang phát triển, Mỹ
chỉ mong tăng trưởng hàng năm ở mức 3,5% trở xuống thôi,” ông giải thích.
“Nếu tiếp tục
tăng trưởng nhanh như vậy qua năm 2022 thì sẽ có hại,” ông nhận định nhưng cho
rằng ‘điều này sẽ không thể xảy ra’.
Ông chỉ ra rằng
khi người dân Mỹ tiêu tiền nhiều sẽ dẫn đến tình trạng nhu cầu tăng cao. Trong
khi đó, chuỗi cung toàn cầu tiếp tục bị tắc nghẽn do nhiều nước áp đặt các hạn
chế chống dịch khiến cho nguồn cung khan hiếm. Cầu tăng mà cung lại giảm càng
đẩy nhanh lạm phát.
“Nhiều mặt hàng
họ muốn mua nhưng lại thiếu hụt như xe hơi hay máy tính do tình trạng thiếu hụt
chip toàn cầu,” ông nói thêm.
Bên cạnh đó, lạm
phát còn chịu sức ép của giá xăng dầu thế giới tăng cao, bất ổn địa-chính trị
như nguy cơ chiến tranh ở Ukraine, cũng theo lời ông Lộc.
Ông ví von sự
tăng trưởng nhanh này của Mỹ như là cỗ máy quá nóng (overheat) cần phải được
làm nguội để kiềm chế lạm phát.
Mặc dù thu nhập
của người lao động Mỹ trong năm 2021 có tăng, nhưng chỉ tăng ở 4%, thấp hơn lạm
phát, ông chỉ ra và cho biết điều này khiến ‘đời sống người dân Mỹ tệ hơn’.
Lạm
phát không riêng Mỹ?
Nhưng một số
chuyên gia chỉ ra rằng tăng trưởng nhanh không phải là lý do duy nhất khiến Mỹ
bị lạm phát cao.
Trong khối G7,
Mỹ đang có mức lạm phát cao nhất. Anh và Pháp có tốc độ tăng trưởng GDP gần
bằng Mỹ nhưng lạm phát lại thấp hơn. Trong khi đó, lạm phát của Đức và Canada
cao thứ hai và thứ ba trong khối sau Mỹ mặc dù kinh tế của họ hầu như không
tăng trưởng trong năm qua.
Tuy nhiên, không
nước nào trong khối này– bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh – quay
trở lại mức tăng trưởng GDP như trước lúc đại dịch như Mỹ.
Trong một cuộc
thảo luận bàn tròn ngày 13/2 trên chương trình ‘This Week’ của Đài ABC, ông
Patrick Gaspard – người từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Barack
Obama và hiện là chủ tịch và Giám đốc điều hành của Trung tâm Tiến bộ Mỹ, cho
rằng ‘đại dịch mới là nguyên nhân làm bùng phát lạm phát’.
“Chúng ta đều
biết rằng lạm phát là do các nền kinh tế toàn cầu đóng cửa cùng một lúc, rồi
đồng loạt mở cửa trở lại,” ông Gaspard giải thích. “Và sự thật của vấn đề là...
kinh tế Mỹ đang phục hồi với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia
nào khác trong khối OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế bao gồm 38 nền
kinh tế phát triển trên thế giới).”
Nếu xét trong
khối G20, tăng trưởng Mỹ chỉ sau Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc –
những nước thường có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm qua - nếu bỏ điều
chỉnh lạm phát khỏi tăng trưởng GDP.
Thị trường lao
động khan hiếm với tỷ lệ người lao động đi làm thấp hơn ở Mỹ cũng góp phần tăng
lạm phát khi các ông chủ phải tăng lương mới thuê được nhân công, các kinh tế
gia cũng chỉ ra.
Triển
vọng sắp tới?
Tăng trưởng mạnh
mẽ của Mỹ trong năm 2021 có thể sẽ không kéo dài sang năm 2022. Kinh tế Mỹ đang
vật lộn với hậu quả của biến chủng Omicron vốn bắt đầu đè nặng lên các doanh
nghiệp vào nửa cuối tháng 12 năm ngoái.
Biến thể
Omicron, xuất hiện ở Mỹ vào cuối tháng 11, đã khiến các ca nhiễm tăng vọt và
làm các doanh nghiệp lâm vào cảnh chới với khi cho nhân viên ở nhà dưỡng bệnh.
“Omicron rõ ràng
đang gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động kinh tế tổng thể của Mỹ trong quý đầu
tiên của năm 2022,” ông Joe Brusuelas, kinh tế trưởng gia tại RSM US, được CNN
dẫn lời nhận định.
Giáo sư-Tiến sỹ
Khương Hữu Lộc ví nền kinh tế Mỹ như một cỗ xe đang chạy nhanh quá trớn và cần
phải kiềm lại.
“Lúc này cần
phải rà thắng chứ không phải đạp thắng. Đạp ga thì không cần thiết vì các gói
kích thích vẫn chưa tiêu xài hết,” ông phân tích.
Do đó, ông dự
đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang, tức FED, sắp sửa có hành động rà thắng nền kinh
tế vào tháng Ba tới khi họ dự kiến sẽ tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ
đồng thời kiềm chế lạm phát.
Ông dự đoán FED
có thể tăng lãi suất đến 0.5% so với mức thông thường trong quá khứ là chỉ
0.25% nhưng mục tiêu FED đẩy mức lạm phát xuống còn 2% ‘còn rất xa’.
Ông cho rằng vấn đề trước mắt mà
chính quyền Biden phải giải quyết là ‘giải tỏa cho được sự tắc nghẽn chuỗi
cung’. Nếu làm được, thì phẩn lớn nạn lạm phát sẽ được kiềm chế, ông nói.
No comments:
Post a Comment