đôi
mắt mùa xuân
Phạm Tín An Ninh
Nếu không nhờ đôi mắt ấy có lẽ tôi không bao
giờ nhận ra vợ chồng người bạn trẻ, từng là ân nhân đã giúp tôi giữ được mạng
sống của nhiều đồng đội và của cả chính mình, thời tôi còn lăn lộn trên chiến
trường, khi lằn ranh sống chết nhiều khi còn mỏng hơn sợi tóc.
Cuối năm 1966, vừa rút quân ra khỏi Mật Khu Lê
Hồng Phong, Phan Thiết, tôi dắt đại đội theo toàn bộ tiểu đoàn di chuyển lên
Quảng Đức, tham dự một cuộc hành quân dài hạn nhằm truy lùng một đơn vị địch
mới xâm nhập từ biên giới Miên-Việt. Cuộc hành quân kết thúc vài ngày trước Tết
Nguyên Đán, nhưng tiểu đoàn có lệnh phải tiếp tục ở lại, biệt phái dài hạn cho
Tiểu Khu Quảng Đức. Tiểu đoàn (-) về nghỉ quân tại Đạo Nghĩa, một khu
dinh điền do Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng lập nhằm định cư di dân từ miền Bắc
sau Hiệp Định Genève, và cũng để tạo thành một vòng đai chiến lược. Riêng đại
đội tôi được “solo” xuống tăng cường cho Chi Khu Kiến Đức, một quận hầu hết dân
cư là người Thượng và tương đối mất an ninh. Quận trưởng lúc ấy là một sĩ quan
lớn tuổi gốc Lực Lượng Đặc Biệt, người Kinh, tuy chỉ mang cấp bậc trung úy
nhưng khá dày dạn, nhiều kinh nghiệm chiến trường. Các sĩ quan còn lại trong
Chi khu phần đông là người Thượng, gốc Bảo An đồng hóa.
Sau một cuộc hành quân tảo thanh chung quanh
khu vực, đại đội tôi về đóng quân bên cạnh Chi khu để binh sĩ ăn Tết. Nói vậy
thôi, chứ lính đánh giặc thì có cái gì để mà ăn Tết, ngoại trừ được ăn cơm nóng
thay vì gạo sấy lương khô. Riêng tôi, được ông quận trưởng biếu cho mấy lon bia
và một gói đậu xanh với đường đen để nấu chè đón giao thừa. Tôi cho ban chỉ huy
đại đội và trung đội vũ khí nặng đóng quân trên ngọn đồi thấp giữa một vườn cà
phê khá lớn, nằm không xa quận lỵ. Ngọn đồi chỉ là một cái chấm rất nhỏ giữa
trùng điệp những vòng cao độ trên tấm bản đồ quân sự đang có trên tay tôi,
nhưng đây là một vị trí có xạ trường tốt và tầm quan sát bao quát chung quanh.
Mặc dù chỉ còn hai ngày nữa là Tết, tôi vẫn lệnh cho đại đội luôn trong tư thế
tác chiến. Ban ngày các trung đội tảo thanh chung quanh, tối tổ chức các toán
tiền đồn và phục kích theo tin tình báo của Chi Khu.
Phía dưới chân đồi là con đường đất và bên kia
đường là ngôi trường tiểu học. Trường chỉ gồm một dãy nhà cũ kỹ, mái tôn gỉ sét
phủ đầy bụi đỏ. Đang mùa mưa, cả sân trường và các con đường chung quanh đều
đầy bùn đỏ, nhão nhoẹt, nên bọn tôi cũng không muốn bước vào.
Buổi chiều ba mươi Tết, khi đang nằm trên võng
mơ màng, hồi tưởng đến những cái Tết ngày xưa, thời còn thơ ấu ở quê nhà, bỗng
tôi nghe văng vẳng tiếng đàn và tiếng hát khá hay, đặc biệt giọng hát không có
chút âm hưởng gì của một người sắc tộc, tôi tò mò rủ thêm hai chú lính rảo bước
xuống chân đồi, đi vào trường, tìm đến nơi phát ra tiếng hát. Khi thấy bọn tôi
lấp ló ngoài cửa, một thanh niên cầm đàn bước ra cười chào mừng rỡ, mời vào
phòng. Trông anh còn rất trẻ như một thư sinh, nên tôi khá ngạc nhiên khi nghe
anh tự giới thiệu mình là hiệu trưởng, và căn phòng lớn nguyên là một lớp học
được sửa sang lại làm chỗ ở cho anh. Trong phòng đang có một đám học trò, toàn
là người Thượng, cả nam lẫn nữ. Bọn tôi đưa tay chào và mời thầy trò cứ tiếp
tục cuộc vui. Anh hiệu trưởng yêu cầu tôi hát tặng thầy trò anh một bài, nêu lý
do đám học trò hồi giờ chỉ nghe có mỗi giọng hát của anh nên cũng chán. Tôi khó
từ chối, nên gật đầu nhờ anh dạo đàn rồi đứng lên hát bài “ Con Đường Mang Tên
Em” , bài ruột của tôi khi ấy, vì cứ mỗi lần nghỉ quân, lính tráng thường năn
nỉ “ông thầy hát bài rất tình này cho tụi em nghe để thấy đời còn lên hương một
chút.” Trong những ánh mắt của các cô cậu học trò chăm chú nhìn lên, tôi bỗng
lưu ý tới một đôi mắt đẹp, mở to, xanh biếc. Cô bé khoảng 14 – 15, có khuôn mặt khá xinh, mái tóc rối, màu
nâu đỏ, mang nét hoang dại của núi rừng. Tiếc rằng ngày ấy không có máy ảnh, và
tôi lại dốt về vẽ, nên chẳng giữ lại được hình ảnh đặc biệt của đôi mắt này,
nhưng rồi nó vẫn ở mãi cùng tôi trong ký ức.
Ông thầy giáo trẻ luôn tỏ ra mừng rỡ, vồn vã.
Có lẽ từ khá lâu rồi anh mới gặp lại những người Kinh. Anh ngưng hát, bảo đám
học trò phụ anh làm thịt một con gà, nấu cháo đãi bọn tôi. Tôi xin cho bọn tôi
được góp phần. Tôi nhờ chú lính chạy về lấy mấy ký gạo, một xâu bia, và gói đậu
xanh cùng những thỏi đường đen của ông quận mới cho. Một buổi tiệc dã chiến xem
như mừng giao thừa sớm, cũng vui và cảm động. Kể từ hôm ấy, tôi trở thành bạn
của anh thầy giáo hiệu trưởng, có tâm hồn nghệ sĩ và rất dễ thương này. Quê anh
ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau khi đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp anh thi vào một Khóa Sư
Phạm Cấp Tốc và chỉ học một năm thì tốt nghiệp. Chờ khá lâu mà chưa tìm được
chỗ dạy, hơn nữa nhà nghèo, cần phải phụ giúp mẹ già lo cho hai đứa em nhỏ đang
tuổi học hành, anh tình nguyện lên “vùng cao” nhận ngôi trường này, một nơi mà
ai cũng chê. Vài người được chỉ định nhưng tìm cách chạy chọt để được ở lại hay
chuyển về nơi khác. Nhưng bù lại, trong cùng khóa sư phạm mới ra trường, anh là
người đầu tiên được nhận chức danh hiệu trưởng, ngoài ra còn được phụ cấp thêm
một số tiền “đắt đỏ, vùng cao”. Anh ở đây đã tròn một năm. Tháng ngày gần
như chỉ ở trong trường, làm bạn với đám học trò, hầu hết nói tiếng Việt chưa
thông và hoàn toàn khác phong tục, tập quán. Nhưng cũng nhờ cuộc sống hiu quạnh
giữa núi rừng này, lương tháng nào anh cũng còn nguyên để gởi về phụ mẹ, giúp
các em ăn học. Học sinh không nhiều, có khi hai lớp khác trình độ phải dồn lại
học chung. Ngoài công việc hiệu trưởng, anh còn phải dạy thêm lớp Nhì và lớp
Nhất, nhưng cũng chỉ gần hai mươi học sinh được gộp lại thành một lớp. Có đứa
đi học trễ, nên dù cùng lớp nhưng tuổi tác khá chênh lệch nhau.
Từ khi quen biết anh, lúc nào
không bận hành quân, đặc biệt những dịp cuối tuần tôi đều ghé lại trường ca
hát, ăn uống với anh. Dù vậy, tôi cũng cẩn trọng, không dám cho anh vào gặp tôi
trong khu vực đóng quân.
Điều vui là lần nào ghé lại, tôi cũng gặp vài
cô học trò xúm xít bên anh, giúp anh dọn phòng, nấu nướng. Trong số này có cô
bé mang nét đẹp hoang dại với dôi mắt to, xanh biếc, từng làm tôi bất ngờ xao
xuyến. Nhờ có thầy trò anh mà những ngày sống giữa núi rừng đất đỏ buồn hiu này
trở nên thú vị. Tôi còn học được một số tiếng Ê-đê và vài tập quán khá lạ lẫm
của họ. Đặc biệt khi sống gần họ, những con người hiền lành chân chất ấy, tôi
cảm thấy tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng yên ả, tạm quên phía trước đang có
nhiều trận chiến đẫm máu đang chờ.
Một hôm, khi trời sắp tối, anh thầy giáo nhờ
một người lính nhắn tôi ra gặp anh gấp. Thấy anh có vẽ bồn chồn, lo lắng, trên
môi không còn nụ cười vui vẻ như trước đây, tôi ưu tư, không biết có chuyện gì.
Anh kéo tôi vào trong phòng, đóng kín cửa lại, bảo nhỏ cho tôi biết là một đám
Thượng cộng sẽ tổ chức pháo kích và tấn công vào khu vực đóng quân của tôi, có
thể ngay trong tối hôm nay. Anh bảo chính cô bé học trò có đôi mắt đẹp ấy, vừa
chạy vào cho anh biết để báo tin gấp cho tôi. Cô bé cũng tỏ ra lo lắng lắm. Một
người bạn của cô có cha mẹ quen biết, dính dáng đến đám Thượng cộng này. Tôi
bắt tay cám ơn rồi vội vàng trở về đại đội, lệnh cho im lặng vô tuyến và âm
thầm rời khỏi vị trí, di chuyển đến đóng quân tạm tại một địa điểm khác cách đó
không xa, báo cho ông Chi khu trưởng biết, để có kế hoạch đề phòng, và cho Pháo
Binh một số tọa độ tiên liệu để yểm trợ khi cần thiết. Và đúng như vậy, vào
khoảng một giờ khuya hôm ấy Cộng quân đã pháo kích vào ngay vị trí Ban Chỉ Huy
Đại Đội của tôi trên đỉnh đồi trong vườn cà phê, nơi tôi vừa rời khỏi, bằng hai
khẩu súng cối 82 ly, bắn đi từ hai hướng.Tôi đã may mắn, kịp thay đổi phòng
tuyến để đánh lừa, và có kế hoạch bao vây chúng, nhưng không hiểu vì sao chúng
không tổ chức tấn công, nên đại đội tôi đã mất một dịp lập chiến công. Pháo
Binh của Chi Khu phản pháo kịp thời, nhưng không hiệu quả, có lẽ không biết
chính xác vị trí hai khẩu pháo của địch. Sáng hôm sau, trở lại vị trí, tôi giật
mình khi thấy đạn pháo đã cày nát vị trí đóng quân của mình. Ngay chỗ tôi nằm,
bây giờ trở thành mấy cái hố sâu, cỏ cây tung tóe.
Tôi kể cho ông quận trưởng biết sự tình. Ông
cho mời anh thầy giáo vào quận khen thưởng và đãi anh cùng bọn tôi một chầu.
Nhưng anh bảo, công này không phải của anh, mà là của cô học trò người Thượng.
Hôm sau, chính tôi đã mang quà của ông Quận đến kín đáo trao cho cô bé, nói nhỏ
lời cám ơn, và cùng ăn uống hát hò với thầy trò suốt ngày hôm ấy.
Khoảng năm tháng sau, đại đội tôi có lệnh rời
khỏi Kiến Đức. đến phi trường Nhơn Cơ, sáp nhập với tiểu đoàn, để được không
vận về Di Linh tiếp viện cho một đơn vị Biệt Động Quân bị địch quân phục kích
và đang tăng cường vây hãm. Tôi chỉ kịp ghé lại trường vài phút để vội vã chia
tay anh. Tôi mang tặng anh tấm poncho-light (loại chăn đắp rất mỏng và nhẹ) của
một anh Cố vấn Mỹ đã tặng tôi trước khi về nước. Anh bảo sẽ rủ đám học trò ra
ngã ba, nơi đoàn xe đang chờ, để tiễn tôi đi, nhưng tôi ngăn lại, không cho,
bảo là không còn nhiều thời gian và tôi cũng rất bận với đồng đội của mình.
Tiểu Khu cho biết đã có một đại đội Bảo An mở
đường, an ninh lộ trình, nhưng khi đoàn xe đến một ngã ba thì bị Cộng quân phục
kích. Chiếc xe phía trước tôi bị giật mìn ngay chỗ đoạn đường đang sửa chữa.
Tôi nhảy xuống khỏi xe vừa điều động phản công vừa gọi Pháo Binh yểm trợ và xin
L-19 bao vùng. Mặc dù bất ngờ, và khoảng phân nửa một trung dội trên chiếc xe
đầu bị giật mìn, bất khiển dụng, nhưng nhờ những người lính thiện chiến, can
đảm, giàu kinh nghiệm, nên đại đội tôi kịp làm chủ tình hình. Khi đang đứng
liên lạc tìm chiếc L-19 để hướng dẫn đến vị trí, một quả đạn súng cối rơi xuống
cách tôi khoảng mấy mét, mảnh đạn đâm vào chân trái làm tôi có cảm giác tê
buốt. Sau khi được anh y tá chich thuốc cầm máu, sát trùng và băng bó, tôi giao
đại đội lại cho anh đại đội phó, và thay vì đi đến phi trường Nhơn Cơ, tôi được
tản thương cùng các thương binh khác về bệnh viện tỉnh Quảng Đức ở Gia Nghĩa.
Trưa hôm sau, Ông Chi Khu Trưởng Kiến Đức đến thăm, chở theo anh thầy giáo và
cô học trò người Thượng đã từng giúp tôi một lần thoát chết trước đây. Cả hai
người đã ôm chầm lấy tôi mà khóc, làm tôi cũng chạnh lòng.
Sau vài ngày, tôi được chuyển tiếp xuống QYV
Nguyễn Huệ, Nha Trang, ngay quê tôi, bằng loại máy bay Caribou của Úc Đại Lợi.
An ủi phần nào vì được gặp lại cha tôi mỗi ngày và một số bạn bè thường xuyên
đến thăm. Cái chân trái của tôi bị thương khá nặng, nhưng may mắn là không bị
cưa. Tôi phải điều trị ở đây hơn ba tháng. Những ngày nằm treo cái chân băng
bột cứng đơ lên thành giường, nghe những đồng đội thương binh bên cạnh rên
xiết, tôi càng nhận ra mình chỉ là một thằng lính mạt hạng, năm tháng chỉ còn
biết có đồng đội, súng đạn, chiến trường, và ranh giới giữa sống – chết nhiều
khi còn mỏng hơn sợi tóc, thì đâu dám mơ gì đến chuyện tương lai hay công hầu
khanh tướng! Đôi lúc, nhớ tới tiếng đàn giọng hát của anh thầy giáo trẻ và nhất
là đôi mắt của cô bé học trò người Thượng, tôi cũng có chút xao xuyến, chạnh
lòng. Đôi mắt hồn nhiên yên ả như mặt nược hồ thu giữa núi rừng tĩnh mịch mà
sao cứ làm tôi gợn sóng mãi trong lòng.Tôi viết thư thăm và báo tin về cái chân
ngày một phục hồi, nhưng mãi đến khi sắp xuất viện tôi mới nhận được tấm
carte-postal, chỉ viết mấy dòng, với nét chữ của hai người. Tôi bỗng nhớ tới
lần cuối cùng, khi hai thầy trò đến thăm tôi tại Bệnh viện Gia Nghĩa, và đã nhỏ
những giọt nước mắt ân tình xuống giường bệnh của tôi.
Sau khi xuất viện, được nghỉ hai tuần phép,
tôi về quê sống bên cạnh cha tôi. Từ ngày đi lính, ngoại trừ lần về phép ra
trường, đây là dịp lâu nhất tôi được ở bên cạnh cha tôi, trong gió nội hương
đồng nơi tôi đã ra đời và những năm tháng lớn lên không có mẹ. Về trình diện
hậu cứ ở Ban Mê Thuột, tôi lại nhận sư vụ lệnh theo học khóa tham mưu đặc biệt
một tháng tại Bộ Tổng Tham Mưu. Trở về đơn vị, vì cái chân còn yếu tôi không
được về lại đại đội mà sang nắm Ban 3 Tiểu Đoàn (đặc tránh hành quân & huấn
luyện, một phần vụ có liên quan ít nhiều tới khóa học vừa qua.)
Tháng 6 năm 1970, lúc này tôi đã được điều
động về Bô Chỉ Huy Trung Đoàn giữ một chức vụ khác , cả trung đoàn di chuyển
lên Quảng Đức, để được tăng cường một tiểu đoàn Biệt Động Quân, và một Chi đoàn
Thiết Quân Vận, thành lập Chiến Đoàn , mở cuộc hành quân khá qui mô sang địa
phận Cam-Bốt. Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn đặt bên cạnh Phi trường Nhơn Cơ. Cuộc hành
quân mang tên “ Bình-Tây III” này kết thúc sau hơn một tháng với nhiều thắng
lợi. Các đơn vị thống thuộc được về nghỉ quân chung quanh khu vực, chờ phương
tiện triệt thoái. Một tiểu đoàn đóng quân tại Kiến Đức, anh tiểu đoàn trưởng
lại là ông anh rất thân, trước kia là đại đội trưởng đầu tiên của tôi khi tôi
mới ra trường. Lính bắn được con nai, anh gọi máy bảo tôi lên nhậu với anh,
nhân anh cố vấn tiểu đoàn mới nhận tiếp tế, biếu lại mấy chai whisky. Tôi mừng
thầm, tuy thèm lắm. nhưng nghĩ đến rượu với thịt nai thì ít mà nhớ đến đôi mắt
cô bé người Thượng lúc trước thì nhiều, tôi xin phép ông Trung Đoàn Trưởng rồi
hú theo mấy chú lính hộ tống chạy lên Kiến Đức. Nhai mấy miếng thịt nai và uống
vội mấy hớp rượu, tôi chạy sang ngôi trường tiểu học. Rất vui khi bất ngờ được
gặp lại anh thầy giáo và có cả cô học trò thuở trước. Nhưng điều làm tôi bất
ngờ hơn là hai người bây giờ đã là vợ chồng. Một tấm ảnh cưới thật đẹp được
phóng lớn treo trên vách, Căn phòng ngày xưa giờ đã được nới rộng, sửa sang và
trang hoàng khá ấm cúng. Tôi ngạc nhiên reo lên mừng rỡ và ôm lấy hai người.
Anh còn cho biết, bây giờ cô cũng đang là cô giáo phụ trách lớp mẫu giáo của
trường.
Tôi đùa, bảo “cô học trò cưới ông thầy
làm chồng mà không cho tôi biết để có quà mừng”, rồi đưa cái nón sắt tôi đang
cầm trên tay bảo cô ôm trước bụng, như một ví von khi chúc cho cô sớm có bầu,
“bắt được cái con” để tôi gởi bù quà. Anh chồng đưa tay chỉ cái poncho-light
trên giường, bảo “bọn em vẫn đắp chung cái mền quí mà anh cho đấy chứ!” Khi
chia tay, tôi ôm vai hai người và nói với anh: “Chắc bây giờ anh đã chịu
nhận nơi này làm quê hương rồi phải không?” Hai vợ chồng cười. Khi nói lời
chia tay, cô vợ khệ nệ cầm cái nón sắt trả lại, ngước nhìn tôi với nét xúc
động, đôi mắt đẹp của ngày xưa lại khuấy đông trái tim tôi. Tôi cười mà thấy
lòng man mác!
Trong nhiều năm bị tù tội từ Nam ra Bắc, dù
cuộc sống tăm tối khốn cùng, nhưng hình ảnh của anh thầy giáo và đặc biệt đôi
mắt của cô bé người Thượng thỉnh thoảng vẫn thấp thoáng từ ký ức. Tôi nghĩ chắc
chắn sẽ không bao giờ còn gặp lại họ. Hơn nữa lúc ấy, dường như tôi cũng chẳng
còn tha thiết tới điều gì.
Ra tù một thời gian ngắn, tôi cùng ông anh và
một số bạn bè cùng tù tổ chức vượt biển. Tất cả quá khứ đành bỏ lại phía sau
lưng, có còn chăng chỉ thấp thoáng đâu đó ở trong lòng.
Mới đây tôi bất ngờ đọc được bản tin trên
Facebook của một người nào đó ở trong nước, có kèm theo một clip ngắn. Bản tin
với cái tựa “Người đàn bà khí khái của Dăk-Nông đã vĩnh viễn ra đi”. Đó là
người đàn bà từng viết đơn gởi đi các nơi để phản đối việc chính quyền CS cho
Trung Cộng khai thác bauxite và thiết lập nhà máy Aluminum ở Dăk-Nông (Tình Quảng
Đức cũ). Bà cũng là người kịch liệt phản kháng khi chính quyền cưỡng chế, cướp
đất đai canh tác của người Thượng, truy bức xô đuổi họ ra khỏi nương rẫy, bản
làng, nơi mà họ đã từng bao đời khai phá và sống chết ở đây. Bà cùng người chồng
đã từng bị đàn áp, bắt bớ, tù đày rất nhiều lần. Đặc biệt cái clip đã ghi lại
hình ảnh bà cùng chồng tổ chức biểu tình vào tháng 7 năm 2016, khi đường ống từ nhà máyAluminum Nhơn Cơ của nhà thầu Chalieco Trung Quốc bị vỡ
khiến 9,63 mét khối chất kiềm chảy ra ngoài, làm nhiễm độc trầm trọng nguồn
nước và hủy hoại môi trường sống của dân chúng trong vùng. Đứng trước một rừng
công an với đủ loại vũ khí trên tay, ông bà không hề nao núng, dang tay bảo vệ
những người dân khốn khổ. Khi một đám công an lên đạn chĩa súng thị uy, bà bước
tới, mở to đôi mắt sáng quắc đầy uất hận, thách thức. Tôi bỗng giật
mình. Đôi mắt đâp mạnh vào tâm não làm tim tôi đau buốt. Tôi vừa nhận ra đó chính là đôi mắt đẹp hiền lành của cô bé học trò người Thượng ngày
xưa, sau này là vợ anh thầy giáo mà tôi hằng quí mến. Họ đã từng cứu tôi cùng
đồng đội của tôi một lần thoát chết. Và cũng chính từ đôi mắt đẹp này đã nhỏ
những giọt nước mắt ân tình xuống giường bệnh tôi nằm, sau một lần tôi bị
thương ở Quảng Đức, đúng 55 năm về trước. Zoom lớn cái clip trên màn ảnh
computer, tôi xem thật kỹ lại một vài lần nữa để nhận rõ khuôn mặt và nhất là
đôi mắt của cô nàng, mặc dù bây giờ ánh mắt ấy đã không còn hồn nhiên như mặt
nước hồ thu thuở trước. Sau đó tôi cũng nhận ra người chồng, anh hiệu trưởng
trẻ tuổi, dễ thương, đàn và hát rất hay ngày trước. Bây giờ cả hai đều già đi
nhiều, tóc đã hoa râm và gầy gò hơn trước. Người viết bản tin cũng cho biết anh
chồng đã chết trước đó gần hai năm, sau nhiều ngày bị đày ải, tra tấn trong tù.
Giờ thì hai người đã gặp lại nhau ở chốn bình an vĩnh cữu.
Từ nay, tôi sẽ mãi mãi không bao giờ còn nhìn
thấy hai người trên thế gian này, nhưng bóng dáng của họ và nhất là đôi mắt của cô bé người
Thượng năm nào sẽ không bao giờ rời khỏi ký ức và trái tim tôi. Đôi mắt đã để
lại trong tôi biết bao tiếc thương, cùng cả niềm tin yêu và hy vọng. Đôi mắt
của mùa Xuân.
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment