Wednesday, February 9, 2022

MỘT THỜI LÃNG QUÊN (ĐỖ BÌNH)

 

MỘT THỜI  LÃNG QUÊN.

- Đỗ Bình

Gió vu vu trên đồi, rừng cây xao xác lá hay tiếng sóng vỗ bờ thoảng nghe chỉ là những tạp âm, nhưng những thanh âm đó cùng hòa quyện với nhau phải chăng lại là bản giao hưởng tuyệt vời của tạo hóa? Nghệ sĩ, nhờ cảm xúc bén nhạy lại biết vận dụng kỹ thuật, chắt lọc các âm thanh hòa phối thành nghệ thuật gọi là âm nhạc. Tâm hồn nghệ sĩ rung động tùy theo tâm cảnh và ngoại cảnh mà sự cảm nhận của mỗi người khác nhau dù vẫn hòa chung cuộc sống. Do đó, âm nhạc đến với người nghe sự thưởng thức cũng rất đa dạng, tùy vào tâm trạng và cái gu thẩm mỹ của từng người; nhưng nhạc phẩm được gọi là hay vẫn phải hội đủ một số tiêu chuẩn. Thế nhưng Tình yêu và Quê hương vẫn là nhũng đề tài muôn thuở vì đó là nguồn sáng tác vô tận của nghệ sĩ. Ngay từ buổi ban đầu của nền tân nhạc, dòng nhạc trữ tình tiền chiến cho những giai điệu mượt mà đã dệt nên những ca khúc vàng êm dịu lãng mạn: Valse, Slow, Tango, Blues, Boston nhẹ nhàng phảng phất chút âm hưởng bán cổ điển tây phương làm rung động bao con tim.

Khi đất nước bước vào giai đoạn Nam Bắc phân đôi, dòng nhạc đó dần dần bị loãng, lắng sâu vào hồn khách mộ đìệu, nhường chỗ cho một thể loại khác được gọi là dòng nhạc Thời trang nổi bật là thể điệu Boléro nhằm diễn tả cái thực trạng của xã hội và thân phận con người trong một đất nước có chiến tranh. Chính ở thời đìểm khốc liệt này làng tân nhạc miền Nam xuất hiện nhiều ca khúc quê hương trữ tình đượm chất lãng mạn pha chút chiến chinh. Dòng nhạc Boléro trở nên thịnh hành vì cung bậc chất chứa những đau thương làn điệu mềm mại ai oán, diễn tả nỗi u uất thân phận người mà những người Gitan hát rong Tây Ban Nha sáng tạo ra vào cuối thế kỷ 18 để diễn tả nỗi niềm về thân phận trôi giạt của mình bằng tiếng hát và đàn guitare. Làn điệu Boléro Rumba dịu dàng tha thiết vọng theo nhịp sóng vỗ từ những hải đảo Cap Vert, Cuba xa xăm bên kia bờ đại dương kết thành cung bậc gần gũi với dân ca Việt Nam để diễn tả về thân phận con người trong chiến tranh qua giai đìệu trầm bổng ngũ cung mà lời ca tiếng nhạc đã đi vào lòng người, bàng bạc khắp mọi nơi, từ hang cùng ngõ hẻm nơi phố thị đến những thôn làng hẻo lánh nơi rừng sâu núi thẳm.

Trên quê hương Việt Nam, những nhạc sĩ miền Nam đã từng trải trong chiến tranh, chứng kiến những mất mát, chia ly, đổ vỡ của đất nước, nên từ trong sâu thẳm của nỗi buồn của vết hằn quê hương đã bật lên những hình nốt, tiết tấu gieo thành bản hòa tấu thời chiến mà giai điệu còn vàng hơn thời tiền chiến, đó là: «Tiếng nấc nghẹn của tâm hồn!». Dòng  nhạc thời trang đã làm rực sáng cho một số nghệ sĩ, trong đó có nhạc sĩ Anh Việt Thanh, ông tên thật là Đặng Văn Quang sinh năm 1936 tại Làng An Hữu, Quận Giáo Đức, Tỉnh Định Tường. Ông vốn xuất thân từ gia đình nhạc sĩ có chú và anh trong nhóm nhạc Đức Quỳnh, Mạnh Phát, Châu Kỳ và Hoàng Bửu. Nhờ sự hấp thụ một nền nhạc lý vững vàng của gia đình, ông học hòa âm sáng tác của nhạc sĩ Lê Văn Tài và ngón đàn độc đáo do những nhạc sĩ Nam Huyền, Văn Khánh, Hoàng Bửu truyền dạy. Anh Việt Thanh bắt đầu sáng tác năm 1958 sau đó dạy đàn và dạy nhạc lý. Ông là một nhạc sĩ trong nhóm sáng tác của Cục Chính Huấn của quân đội, những thời gian rảnh rỗi ông đi dạy nhạc nhiều nơi thuộc các tỉnh Đà Lạt, Định Tường, Đà Nẵng, Sài Gòn từ năm 1960 đến 1975. Ông được hai giải thưởng về văn học nghệ thuật: 1966 với nhạc phẩm Phật Tử Kết Đoàn, do Viện Hóa Đạo tổ chức tại Sài Gòn và 1970 Đón Xuân Trên Đồng do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị tổ chức tại Sài Gòn. Ngoài ra, ông là một phụ tá giám đốc cho hãng băng nhạc Nhã Ca.

Năm 1980, ông và gia định định cư tại Pháp và tiếp tục sáng tác. Năm 1990, ông chuyển sang nhạc phổ thơ và phổ nhiều bài thơ của tôi, và tôi đã giới thiệu ông nhà thơ Phạm Ngọc lúc đó làm chủ biên tạp chí Văn Tuyển ở Cali. Năm 2001, CD Tương Tư được phổ biến với 10 Tình Khúc Anh Việt Thanh phổ thơ Phạm Ngọc. Sau đó, ông phổ hàng loạt thơ của nhiều nhà thơ hải ngoại. Năm 2005 nhạc sĩ Anh Việt Thanh gia nhập hội Âm Nhạc Pháp (SACEM) và phát hành một số CD. Anh Việt Thanh đã cống hiến cho đời những nhạc phẩm trữ tình đầy nét thơ; có những nhạc phẩm từng vang bóng một thời trước năm 1975: Lính (Thích) 33, (Hùng Cường trình bày) Tình Khúc Cho Người Cô Đơn, Yêu Thầm (Mai Lệ Huyền trình bày), Bụi Đời (Hùng Cường trình bày), Cho Nhau Chiều Thứ Bảy (Thanh Hùng trình bày), Đời Con Gái (Trang Mỹ Dung, Khánh Ly trình bày) Một Thuở Xa Người (Khánh Ly, Phương Dung trình bày), Hẹn Em Ngày Về (trình bày Thanh Tuyền), Ngày Xưa Em Nói (Trình bày Phương Dung), Ngày Tháng Cho Người, Vùng Lá Mr bay……

Những Sáng Tác Chung:
Buị Đời 2, 3 (Anh Việt Phương), Phố Cũ Người Xưa (Anh Việt Phương), Tình Mùa Ly Biệt (Trúc Minh), Ngày Xưa Em Nói (Anh Việt Linh, Phương Dung trình bày), Chuyện Tình Thiên Nga (Huy Thanh, Hoàng Oanh trình bày), Chuyện Mưa Mây (Phạm Chinh Đông, Trúc Mai trình bày), Tình Mùa Ly Biệt (Trúc Minh, trình bày Trúc Mai) ...

Nhạc sĩ Anh Việt Thanh tính tình hiền hòa đôn hậu, đối xử với bằng hữu chân tình. Ông rất thương vợ con nên ít chịu đi xa, ông thường quanh quẩn ở Troyes. Có một dạo ông bà thường lên Paris thăm người con gái dạy học ở đó và trở về Troyes trong ngày. Sau đó người con gái xin về tỉnh Troyes dạy từ đó ông ít lên Paris. Thỉnh thoảng có sinh hoạt văn học nghệ thuật tôi lại mời ông. Là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, ông sống bằng nghề dựa vào âm nhạc. Do đó, những năm ông mới đến Pháp ông rất trân trọng và hãnh diện là một nhạc sĩ và nghề dạy nhạc của mình, nhưng những năm cuối đời ông đã lơ là sự trân trọng khi chạy theo số lượng cho có nhiều bài nhạc!

Bút danh Anh Việt Thanh của ông thường bị lẫn với bút danh của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu, một tác giả sáng chói trong làng âm nhạc miền Nam với nhiều nhạc phẩm nổi tiếng trước năm 1975: Giòng An Giang, Hai Vì Sao Lạc, 8 Điệp Khúc, Đa Tạ… Riêng nhạc phẩm Giòng An Giang tác phẩm đầu tay viết năm 1957 giai điệu Valse lãng mạn trữ tình được nhiều danh ca trình bày, nhạc phẩm còn được đưa vào học đường, lễ hội vì đã diễn tả nét quê hương rất độc đáo, mà thuở đó ít có nhạc sĩ nào viết, mà nếu có viết cũng không thể lột tả được nét duyên quê, chất phù sa của dòng sông miền Nam. Vì rất thân với nhạc sĩ Anh Việt Thanh do đó tôi đã mời được ông lên Paris ở chơi nhà tôi nhiều lần, có lần tôi hỏi ông: «Tại sao khi sáng tác anh lại lấy bút danh Anh Việt Thanh, anh không sợ người đời nhầm với nhạc sĩ Anh Việt Thu quá nổi tiếng?». Anh Việt Thanh trả lời: «Sở dĩ tôi lấy tên Anh Việt Thanh là vì tôi và Anh Việt Thu ở cùng làng, có bà con xa bên mẹ, hơn nữa tôi rất phục tài của Anh Việt Thu, nên ước muốn nơi chúng tôi sinh ra có nhiều nhạc sĩ.». 

Quen biết ông rất lâu nhưng chưa bao giờ nghe ông nhắc đến nhạc phẩm sáng tác đầu tiên của ông dù rằng khuynh hướng sáng tác của ông vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước thiên về thể nhạc Boléro, Slowrock, Twist, Agogo... Bản nhạc Bụi Đời thể điệu Blues ra đời từ năm1962 được hãng dĩa Việt nam phát hành tại Sài Gòn, do danh ca Hùng Cường trình bày. Không biết nhạc sĩ Anh Việt Thanh có biết trước đó có nhạc phẩm mang tên Bụi Đời đã được nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên viết ngày 06. 9.1957 cho nhạc phim do Trường Sơn Công Ty Đìện Ảnh phát hành, đạo diễn Lê mộng Hoàng thực hiện. Khoảng năm 1965 lại xuất hiện thêm hai nhạc phẩm Bụi Đời 2 và Bụi Đời 3, vì quá lâu ngày tôi nhớ lầm tên tác giả cứ nghĩ hai bài đó là của Huỳnh Anh! Nhưng thâm tâm tôi lại thắc mắc không thấy tác giả Huỳnh Anh ghi tên nhạc phẩm đó vào danh sách những nhạc phẩm đã sáng tác của mình. Trong cuộc điện đàm vào đầu tháng 11 năm 2014 nhạc sĩ Anh Việt Thanh  phône cho tôi cáo lỗi việc ông không lên Paris tham dự sinh hoạt ngày văn học nghệ thuật do Câu Lạc Bộ văn Hóa Paris tổ chức hôm 26 tháng 10 năm 2014 vì ông bị bệnh khá nặng, đó là lần cuối cùng tôi được nghe giọng nói ông. Trong câu chuyện tôi hỏi nhạc sĩ Anh Việt Thanh về nhạc phẩm Bụi Đời, ông cho biết không phải là tác gỉả hai bản đó nhưng đã có người cho ông biết tìm thấy trên internet. Tập nhạc cuối cùng của ông gởi tặng tôi: Em Nhớ Hay Quên cũng chỉ ghi bài Bụi Đời 1, thiếu nhạc phẩm Cho Nhau Chiều Thứ Bảy. Nhưng may thay nhạc sĩ Phan Anh Dũng đã biết những nhạc phẩm đó và gởi cho tôi xem hình bìa của nhạc phẩm, trên đó ghi tác giả 3 bản nhạc Bụi Đời là sự hợp tác của hai nhạc sĩ: Anh Việt Thanh và Anh Việt Phương.

Vào thời nhạc tiền chiến thể điệu Blues đã được nhiều nhạc sĩ viết, ý nhạc tuy ray rứt nhưng tiết tấu giai điệu thiên về Slow, hành âm Andante diễn tả sự lãng mạn nhẹ nhàng trữ tình như: Ngày Về của Hoàng Giác, Dư âm của Nguyễn văn Tý, Anh Đến Thăm Em Một Chièu Mưa của Tô Vũ, Ai Về Sông Tương của Thông Đạt, Em Tôi của Lê Trạch Lựu…vv…. Điệu Blues Jazz ngoài cấu trúc phức tạp, tiết tấu giai điệu trầm bổng lãng mạn, buồn tê tái như lời than chứa đầy những giọt nước mắt của những người da đen nô lệ xa xưa đã sáng tạo ra dòng nhạc này được điễn tả qua tiếng kèn đồng vút cao rồi trầm xuống âm thanh nức nở hòa với chất giọng nghe não nuột, u uất đã thực sự chinh phục giới thưởng lãm âm nhạc miền Nam. Giữa chốn phồn hoa đô thị đầy ánh đèn màu rất yên bình có một lớp người đang sống thụ hưởng trong men rượu, khói thuốc, vũ trường mà quên đi hiện trạng của đất nước đang mịt mù khói lửa, Phần đất tự do đang bấp bênh giữa cái mất còn!

Vào giữa thập niêm 60 nền tân nhạc đã đi một bước khá dài nhưng vẫn chưa hòa nhập với dòng nhạc thế giới, nhạc sĩ vẫn nặng tính dân nhạc, chưa dám xa rời chất  ngũ cung để tìm những mới lạ trong âm nhạc, nhưng lại khéo léo xử dụng thể ngũ cung, biến các thể điệu tây phương gần gũi với tinh thần Việt Nam nên các thể điệu Boléro, Tango, Habanera, Blues đã nhập vào lời ca để diễn tả nỗi lòng, do đó những giai điệu nhạc trở nên Vàng hơn tạo thành nhạc sóng vàng. Sau nhạc tiền chiến những ca khúc mang thể điệu Blues vang bóng một thời:Thuở Ấy Có Em của Huỳnh Anh, Đời Tôi Chỉ Một Người của Huỳnh Anh, Loan Mắt Nhung của Huỳnh Anh, Những Chiều Không Có Em của Trường Hải, Đêm Nguyện Cầu của Lê Minh Bằng, Điệu Ru Nước Mắt của Vũ Lai, Anh Sơn, Linh Hồn Tượng Đá của Mai Bích Dung, Thương Hận của Tú Nhi & Hồ Đình Phương, Thúy Đã Đi Rồi của Y Vân,…Nhạc phẩm Lòng Mẹ của Y Vân cũng thể điệu Blues nhưng vì bản nhạc ca ngợi về tình Mẹ, đượm tính thiêng liêng nên được trân trọng do đó các nhạc sĩ hòa âm phối khí diễn tả theo cách riêng phù hợp với người hát. Nhạc phẩm Sao Đêm của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có thể xem là nhạc phẩm đầu tiên mang tính Blues Jazz đặc sắc nhất ở giai đoạn đó. Thể điệu Blues :2/4,4/4 hay C thường dùng cho những loại nhạc nhẹ nhàng, lãng mạn có âm hưởng buồn bã nên giữa thập nên 60 nhạc sĩ Anh Việt Thanh lại cho ra nhạc phẩm Cho Nhau Chiều Thứ Bảy mang thể điệu Blues do danh ca Thanh Hùng trình bày. Cách nay nhiều năm, lúc danh ca Thanh Hùng còn tại thế, rất nhiều lần nhạc sĩ Anh Việt Thanh lên Paris đều gặp gỡ Thanh Hùng tại nhà tôi. Trong câu chuyện chúng tôi có đề cập đến bài: Cho Nhau Chiều Thứ Bảy, nhạc sĩ Anh Việt Thanh cho biết đã quên lời, ông hỏi  chúng tôi còn nhớ? Tôi còn nhớ lõm bõm giai điệu với ít lời, anh Thanh Hùng cũng chỉ nhớ rất ít ca từ trong bài.

Cuối năm 2010 ông từ tỉnh Troyes lên Paris ở với chúng tôi một tuần để sinh hoạt văn học nghệ thuật với chủ đề Tác Phẩm và Tác Giả do câu lạc Bộ Văn Hóa VN Paris tổ chức được 200 người tham dự. Trong dịp này có hai nhà thơ Miên Du Đà Lạt và Chúc Anh từ Mỹ sang Paris ra mắt tác phẩm. Đặc biệt là chuyến du ngoạn Paris, cứ mỗi lần dừng chân nơi công viên hay trong quán cà phê đều là dịp trao đổi với nhau trên lãnh vực âm nhạc và thơ văn. Nhạc sĩ Anh Việt Thanh tuy ít nói nhưng cũng tranh luận sôi nổi với Miên Du, Nguyễn Thùy, Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Mây Thu, Kim Long và tôi.

 

 

GS Minh Cầm, GS TS Phạm Đình Liên, GSTS Lê Mộng Nguyên, BS Nguyễn Bá Hậu, GS Nguyễn Thùy, Nhà thơ Miên Du, Nhà Giáo Kiều Hạnh, Nhà thơ Nguyễn Mây Thu (Đại diện tạp chí Cỏ Thơm), Nhà thơ Chúc Anh.
Hàng sau: Nhà thơ Đỗ Bình, Nhà Biên Khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh và Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng. Bà Bạch Sương (Đại diện tạp chí Nguồn), Nhà giáo Thúy Hằng, Nhà giáo Quang Tuyển, BS Phan Khắc Tường

               

           Miên Du, Mây Thu, Nguyễn Thùy, Anh Việt Thanh .

            

Lần cuối cùng là năm 2013 chúng tôi: nhà biên khảo Mỹ Phước Nguyễn Thanh, nhà thơ Mây Thu, nhà thơ Trịnh Cơ và tôi đến Troyes thăm ông. Hôm đó chúng tôi ghé thăm nhà văn Hồ Trường An, trên đường đưa ông trở lại nhà ông nói rất e ngại cho sức khỏe của nhà văn Hồ Trường An, lúc đó trông Hồ trường An rất yếu và họa sĩ, nhạc sĩ Vũ Thái Hòa thì vừa mới mất ! Tôi còn nhớ trong lần tổ chức Thu Đất Khách, nhà thơ Hoàng Xuyên Anh từ Cali sang ra mắt tác phẩm, Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh thành viên cuối cùng của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn sang Paris nói chuyện đề tài: Người Phụ Nữ Hôm Nay. Nhà thơ, Họa sĩ Nguyễn Hữu Nhật từ Na Uy sang Paris cùng Họa sĩ Nguyễn Đức Tăng trang trí sân khấu, Nhà văn Nguyễn Thùy từ Thụy Sĩ sang Paris.

Tất cả các bạn đều ngụ tại nhà tôi thật vui vẻ dù rằng nhà không lớn. Chúng tôi kéo ra thương thương xá uống café, 4 người: Nguyễn Thùy, Nguyễn Hữu Nhật, Anh Việt Thanh và tôi; chúng tôi vui quá bá vai nhau bước trước cặp mặt ngạc nhiên của nhiều người Pháp. Tôi chợt nhận ra và nói: "Các ông ơi họ đang nhìn mình và ngỡ mình đồng tính! " Mọi người cuời ồ vui vẻ buông nhau ra. Nay Nguyễn hữu Nhật và Anh Việt Thanh đã thật sự buông bỏ cõi đời để tìm về mọi cõi xa không vương tục lụy. Các bạn tôi không còn lo âu sự đời miếng cơm manh áo và không phải cầm bút cưỡng lòng.

Trời viễn xứ thời gian nhanh như gió thoảng, nhìn hạ đến thu đi đông tàn tuyết rơi xuân về hoa lá nẩy mầm.. mà nghĩ về thân phận con người chợt thấy những mất còn quanh ta. Khói lửa chiến chinh hôm nào nay đã thành cổ tích, Chuyện quê hương đầy huyền thoại vẫn trong mơ dù vị đắng cay đã thành kỷ niệm. Nhiều lúc đọc lại quyển sách cũ, nghe lại cuộn băng xưa cả khung trời qưê hương thơ mộng hiện về nhập vào trang sách, theo tiếng hát thật êm đềm.

Đỗ Bình
Paris 26/03/2015

No comments: