Chặn
SWIFT sẽ ‘làm kiệt quệ kinh tế và cỗ máy chiến tranh Nga’
02/03/2022
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga ở Moscow. Nước Nga
đang đối diện sức ép kinh tế chưa từng thấy từ phương Tây
Tòa Bạch Ốc hôm 26/2
tuyên bố Mỹ và các đồng minh đã đồng ý loại một số ngân hàng Nga chọn lọc ra
khỏi SWIFT, hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu.
Tuyên bố chung của các
nhà lãnh đạo Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada, nói rằng việc Nga bị
loại khỏi SWIFT đảm bảo ‘các ngân hàng Nga bị ngắt ra khỏi hệ thống tài chính
quốc tế và gây tổn hại cho khả năng hoạt động trên toàn cầu của họ’
‘Chiếc chìa khóa để
chuyển tiền’
SWIFT là viết tắt của
‘Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication’, tức Hiệp hội
Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu. Đây là hệ thống nhắn tin toàn cầu
kết nối hàng ngàn định chế tài chính khắp thế giới.
SWIFT được thành lập
vào năm 1973 và đặt trụ sở tại Bỉ. Nó được Ngân hàng Quốc gia Bỉ giám sát, bên
cạnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các định chế
khác. Nó kết nối hơn
11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế
giới để thông báo cho các ngân hàng về các giao dịch.
Alexandra Vacroux,
giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Davis về Nga và Á-Âu ở Đại học
Harvard, nói với trang NPR: “Nó không di chuyển dòng tiền, nhưng nó di chuyển
thông tin về tiền”.
SWIFT cho biết họ ghi
nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày vào năm 2021, bao gồm trao đổi tiền
tệ, giao dịch và những thứ khác.
Hệ thống SWIFT không
phải là ngân hàng, không có tiền và cũng không thực hiện thao tác chuyển tiền,
Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, người giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị
Kinh doanh tại Trường Cao học Keller về Quản lý, nói với VOA từ Texas.
Ông giải thích mỗi
ngân hàng, mỗi chi nhánh, mỗi địa chỉ tham gia vào SWIFT được cấp cho một mã
riêng biệt để định danh. Khi cá nhân hay tổ chức thực hiện thao tác chuyển tiền
thì phải gửi thông tin bằng cách cung cấp mã SWIFT thì tiền mới đến được tay
người nhận.
Ông ví von dòng tiền
luân chuyển giữa các ngân hàng giữa các nước trên thế giới như là ‘dòng sông
chảy qua các nước’ và hành động chặn SWIFT giống như đắp đập bao quanh một nước
khiến cho dòng nước không thể lưu thông vào ra quốc gia đó được nữa.
“SWIFT chỉ là tín hiệu
gửi để mở khóa [ngân hàng đó ra] cho nước chảy vào,” ông nói và cho biết khi
Nga bị chặn khỏi SWIFT, họ bị mất chiếc chìa khóa để mở cánh cửa lưu thông dòng
chảy.
Còn việc nước chảy từ
chỗ gửi và chảy đến chỗ nhận nào đó không liên quan gì đến chiếc chìa khóa này,
ông nói thêm và cho biết đây là ‘cách hữu hiệu nhất, nhanh nhất nhưng không
phải là cách duy nhất để chuyển tiền’.
“Bây giờ khóa đập nước
lại thì có chuyển tiền được không? Vẫn được, bằng cách mình bỏ nước trong xe
tải chuyển đi đến chỗ khác nhưng mà nó rườm rà, không hữu hiệu và không an toàn
nữa,” ông Lộc phân tích.
‘Vũ khí hạt nhân tài
chính’
Việc này sẽ gây hại
cho nền kinh tế của nước Nga ngay lập tức và về lâu dài, nó cắt đứt Nga khỏi
một loạt các giao dịch tài chính quốc tế. Điều đó bao gồm lợi nhuận quốc tế từ
sản xuất dầu và khí đốt, vốn chiếm hơn 40% thu nhập của Nga.
Bộ trưởng Tài chính
Pháp Bruno Le Maire đã gọi hành động chặn SWIFT này là ‘vũ khí hạt nhân về tài
chính’.
Giáo sư Lộc giải thích
giờ đây các doanh nghiệp và cá nhân ở Nga không thể gửi hay nhận tiền từ nước
ngoài. “Ví dụ Việt Nam có hợp tác về dầu khí với Nga, bây giờ họ không thể trả
tiền cho Nga hay Nga có bán dầu cho Việt Nam thì Việt Nam cũng không thanh toán
được,” ông nói.
Còn nếu thanh toán qua
hệ thống ngân hàng Trung Quốc thì ‘phải dùng đồng nhân dân tệ’ nên sẽ ‘rườm rà,
khó khăn’ khiến cho việc làm ăn với Nga ‘trở nên rất khó’.
Iran đã mất quyền tiếp
cận SWIFT hồi năm 2012 nằm trong lệnh cấm vận chương trình hạt nhân của nước
này, mặc dù nhiều ngân hàng của họ đã tái kết nối với hệ thống vào năm 2016.
Alexandra Vacroux nói với NPR rằng khi Iran bị đá ra, ‘họ đã mất một nửa doanh
thu từ bán dầu và 30% giao thương với nước ngoài’.
Ngay cả dự trữ ngoại
hối trị giá trên 600 tỷ đô la của Nga để ở các ngân hàng nước ngoài bây giờ
Moscow cũng gần như không thể tiếp cận được, ông Lộc chỉ ra.
Hiện tại các ngân hàng
Trung Quốc cũng không dám làm ăn với Nga vì họ biết nếu không nhận tiền được
thì các khoản thanh toán cho Nga từ nước ngoài sẽ không đến được và ‘các ngân
hàng Nga sẽ phá sản’, cũng theo lời vị giáo sư này.
“Nước Nga đường dài sẽ
không trợ giúp chiến tranh được vì không có ngoại tệ. Ngay cả khoản tiền dự trữ
mấy trăm tỷ đô la Nga chuẩn bị cho chiến tranh cũng không xài được,” ông nói.
Theo giải thích của
ông thì mặc dù Nga có thể có đủ tiền dự trữ trong nước để chi trả cho binh sỹ
đi chiến đấu nhưng việc này không kéo dài được lâu vì họ sẽ không còn tâm trạng
chiến đấu nếu biết người thân của họ trong nước sẽ lâm vào cảnh khổ cực khi lạm
phát tăng cao, thiếu thốn hàng hóa, đời sống đi xuống…
“Nếu Ukraine cầm cự
được lâu với sự chi viện tiền bạc và vũ khí của quốc tế, thì Nga sẽ bị sa lầy
như Mỹ ở Afghanistan,” ông phân tích. “Nga có thể thắng trận đầu (nhờ vào tiềm
lực quân sự vượt trội), có thể chiếm được Ukraine, nhưng đường dài sẽ không thể
giữ được vì không có nguồn lực kinh tế để nuôi chiến tranh.”
Con dao hai lưỡi
Cách xoay sở của Nga
có thể là dùng tiền mặt trong giao dịch, hay dùng hệ thống tín hiệu gửi tiền
của Trung Quốc hay của riêng Nga, hay thanh toán qua ngân hàng Trung Quốc, cũng
theo lời vị giáo sư này, tuy nhiên các hệ thống thay thế của Nga hay Trung Quốc
mới xây dựng ‘không được thành công như SWIFT’.
Kể từ năm 2014, sau
khi Nga bị phương Tây trừng phạt vì sáp nhập Crimea, họ đã thành lập hệ thống
thanh toán SPFS của riêng mình để tránh lệ thuộc vào phương Tây. Theo Ngân hàng
Trung ương Nga, SPFS hiện có rất ít, chỉ khoảng 400 khách hàng sử dụng và 20%
giao dịch chuyển tiền tại Nga hiện được thực hiện thông qua SPFS mà hệ thống
này chỉ vận hành trong giờ hành chính.
Trung Quốc cũng xây
dựng Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) và có khả năng
Nga và Trung Quốc sẽ kết nối hai hệ thống của họ để đề phòng những rủi ro từ
SWIFT.
Tổng thống Ukraine
Volodymyr Zelenskyy là người kêu gọi Mỹ và các nước phương Tây đưa Nga ra khỏi
hệ thống này. Một số quốc gia đã chống đối vì lo ngại cho nền kinh tế nói
chung, nhưng khi cuộc xâm lược của Nga leo thang, nhiều nước Liên minh châu Âu
đã nhất trí.
Đức là một trong những
nước chần chừ và chỉ đồng thuận với biện pháp này vào giờ chót.
Theo lời ông Lộc thì
những nước lâu nay vẫn làm ăn, đầu tư, buôn bán với Nga thì khi Nga bị chặn
khỏi SWIFT, họ cũng bị thiệt hại vì sẽ không nhận được tiền thanh toán từ Nga.
Chỉ có Mỹ ‘không bị ảnh hưởng gì nhiều’ do Nga chủ yếu xuất khẩu dầu hỏa và vũ
khí, ông cho biết.
“Khối Âu châu bị ảnh
hưởng nhiều nhất nhưng vẫn can đảm nuốt liều thuốc đắng này,” ông Lộc ca ngợi.
Các ngân hàng châu Âu
hiện là một trong những chủ nợ lớn nhất của Nga, chiếm phần lớn trong số 121 tỷ
USD mà Nga nợ các ngân hàng nước ngoài.
Riêng Việt Nam, ông nói do xuất nhập khẩu của
nước này với Nga ‘chiếm tỷ trọng rất nhỏ’ trong cán cân thương mại nên cũng
không bị thiệt hại nhiều.
No comments:
Post a Comment