THƠ, EM VÀ QUÊ HƯƠNG TRONG “THƠ TRẦN VẤN LỆ”
“Nhà thơ Trần Vấn Lệ, sinh ngày 31-5-1942 tại Phan Thiết tỉnh Bình Thuận.
Trưởng thành và dạy học ở Đà Lạt. Hiện định cư tại Los Angeles - Hoa Kỳ” từ năm
1989. Trước năm 1975, là Giáo sư Việt Văn trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), đã từng
tham gia Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, phục vụ trong đơn vị Bộ binh, Quân khu II
của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Tập thơ “Thơ Trần Vấn Lệ” là tập thơ thứ 22 của ông đã xuất bản thành
sách.
Thơ ông viết tự nhiên, chân thực, không câu nệ hình thức, viết như trải
lòng, như có gì viết nấy nhưng lại rất tài dùng câu chữ trong những văn cảnh cụ
thể, cũng rất khéo ngụy trang cách thể hiện thi ảnh thi tứ để bạn đọc luôn cảm
nhận được sự chân chất, tự nhiên mà sâu lắng, tinh tế trong không gian thơ ca
đa tầng, đa chiều của thế giới thơ ca Trần Vấn Lệ.
Bài viết này là chút cảm nhận của tôi khi đọc tập thơ “Thơ Trần Vấn Lệ”
qua một số bài thơ viết về THƠ, EM VÀ QUÊ HƯƠNG.
1.- Ông viết về “Em” và tình yêu ông dành cho “Em” lạ lắm, chả như mọi người
cứ gồng lên em đẹp đến thế này, em đẹp đến thế kia, em đẹp đến “nghiêng nước
nghiêng thành”, đến “hoa ghen nguyệt thẹn”... “Em” của ông đơn giản chỉ là những
niềm vui bình dị chợt đến từ câu thơ “nói về em”, từ nụ cười “mỉm” của “Em”...
chỉ vậy thôi cũng đủ khiến cuộc sống quanh ông trở nên tươi ấm:
“Có câu thơ, một hôm rất lạ,
nói về em như nói một ngày vui!
Em biết không em đã mỉm cười
và hôm ấy tự nhiên trời nắng ấm!”
(Bài thơ làm từ hồi năm xưa xưa lắm)
Những câu thơ được cố ý viết bằng cách sắp xếp câu chữ thật bình dị, cấu tứ
thật đơn giản với chủ ý diễn tả tâm trạng thật tự nhiên như tiếng lòng chân chất
bật ra, đã khiến những câu thơ có ngữ điệu mộc mạc như thế trở nên ấm áp hơn,
thật hơn, đời hơn bằng giọng thơ rất riêng của thơ Trần Vấn Lệ. Người đàn ông
Trần Vấn Lệ ấy đã rất si mê, cũng rất biết nhịn nhường và biết hết mình vì “Em”
với một tình yêu ăm ắp lãng mạn!
Hay những câu thơ:
“Sáng thức dậy, đóa hoa hồng trắng nở,
nụ môi em thì lại rất hồng!
Đang còn là tháng Chạp mùa Đông
em chớp mắt mùa Xuân đẹp quá!”
(Bài thơ làm từ hồi năm xưa xưa lắm)
là khối tình si ông giành cho "Em" thật độc đáo đến độc nhất vô
nhị. Hỏi thế gian này liệu có người thứ hai yêu "Em" như nhà thơ Trần
Vấn Lệ?! Tôi không biết "Em" ở đời thực của ông đẹp thế nào nhưng với
những câu thơ: "Đang còn là tháng Chạp mùa Đông / em chớp mắt mùa Xuân đẹp
quá!" thì hẳn "Em" trong tâm tưởng của nhà thơ Trần Vấn Lệ không
chỉ "bát ngát Xuân", căng tràn nhựa sống mà còn đem đến cho nhà thơ
niềm tin yêu phơi phới. Hai chữ “chớp mắt” khiến câu thơ: “em chớp mắt mùa Xuân
đẹp quá!” trở thành điểm nhấn lấp lánh làm bừng sáng "Em", bừng sáng
sang cả bài thơ. Những câu thơ tinh tế đậm chất riêng như thế tôi gặp khá nhiều
trong “Thơ Trần Vấn Lệ”.
Ông viết về tình yêu, về nỗi nhớ "Em" cũng lạ lắm, cũng chả cần
phải "cồn cào", "da diết", "thôi thúc"... đến ồn
ã, khuếch đại như nhiều nhà thơ mà là những cảm xúc rất thật, những tưởng tượng
cũng rất thật với những hoàn cảnh thực tại mà ông - nhân vật trữ tình trong thơ
- đang cô đơn độc thoại với lòng mình:
“Giờ này, Mỹ, tôi thức. Mặt trời lên. Chói chang
Em vẫn ở Việt Nam. Đêm. Trăng cài song cửa.
Tôi dang tay. Tôi thở. Tay em trên ngực em?
Tôi đang nghe tiếng chim. Em lim dim đi nhé...”
(Một bài thơ nằm ngoài giới hạn)
Hay:
- “Tôi nhìn nước mênh mông. Tôi nhìn trời bát ngát. Tôi muốn nghe ai hát
bài Tình Xa. Tình Xa...
Em ơi em dễ thương, bài Tình Xa cứ hát... Tôi thèm cơn gió tạt áo dài em
mênh mông!”
(Tình xa)
- “Màu tím của áo dài, gió vương nhòa sắc đá, đôi mắt huyền đẹp lạ... làm
nao nao lòng người!”
(Dốc nhà làng Đà Lạt để thương để nhớ)
- “Ờ nhỉ anh hôn mắt
của em xinh quá nha!
Cái miệng em nở hoa
hình như... chưa hôn nhé!”
(Đi chơi hoài trong thơ)
Những câu thơ đầy ắp cảm xúc với cách bộc lộ trực tiếp bằng những lo lắng
cụ thể, những nỗi nhớ cụ thể của tâm thế cô đơn: Lặng lẽ yêu, lặng lẽ nhớ của
nhà thơ Trần Vấn Lệ đã tạo sức nặng ám ảnh tới người đọc bởi những da diết yêu
thương, những quặn thắt nỗi nhớ và dằng dặc những nỗi buồn bủa vây “khách lãng
tử” đa tình cô đơn, cay đắng:
“Thương em quá, bàn tay, hai cái bàn tay ngọc! Thương em quá, mái tóc...
Mái tóc dài như sông! Thương em quá cái lưng... cái lưng tàn nhang bám... Hay
là anh phơi nắng... giấy trắng cho nó vàng?
Tôi đã nói với nàng những câu buồn như vậy!
Nước mắt nàng vẫn chảy. Thơ tôi ràn rụa theo!”
(Thơ và em)
Hay:
- “Thương em quá cái mặt. Nhớ em quá cái lưng.
Nói với nụ hoa hồng... Nụ hoa hồng màu trắng!”
(Một bài thơ nằm ngoài giới hạn)
- “Hoa có hương là hương Xuân nồng
Mưa phùn không chỉ một bên sông!
Người đi nửa bước đầu không nón
Nửa bước làm ai vạn nhớ nhung!”
(Mưa phùn mỗi Tết)
Không cố ý cách tân làm mới thơ theo hình thức Thơ Hậu Hiện đại, cũng
không cố công gọt dũa câu chữ, sáng tạo ngôn từ nhưng nhà thơ Trần Vấn Lệ luôn
chú trọng cách thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình bằng sự nâng niu cảm xúc, bằng
cách chọn lựa câu chữ, sắp xếp câu chữ và sắp xếp thi tứ, thi ảnh sao thật chân
chất, gần gũi, dễ thương, dễ cảm để thông điệp bài thơ truyền tải đến bạn đọc
thật tự nhiên nên thơ Trần Vấn Lệ luôn mộc mạc mà tinh tế, bình dị mà sâu lắng:
- “Lúc đó gió động lay bức rèm xuân...
Lúc đó bâng khuâng mấy nhành liễu chạm!
Mặt trời bỗng sáng - sáng hơn hôm qua
Con ngõ vàng hoa - vàng hơn bữa trước ...”
(Bài thơ yêu quá)
- “Trước khi em đi ngủ, em gọi tôi: "Anh à...
Trăng, đúng là trăng ngà, đêm nay Rằm anh ạ!”.
Mới "anh à, anh ạ". Em không nói gì thêm,
có lẽ em kéo mền che hai chân ngà ngọc?”
(Một bài thơ nằm ngoài giới hạn)
- “Mưa Đà Lạt trong veo, tôi nhớ thương Đà Lạt, tóc ai trầm hương ngát, chạm
nhẹ mà ngát hương!”
(Dốc nhà làng Đà Lạt để thương để nhớ)
“Hình như tôi mới bật cười! Con sông Ba nước cuốn trời Phú Yên... cuốn em
luôn cái mặt hiền... câu thơ tôi sợi chỉ viền áo xưa!”
(Dẫn nhau đi tới Đỉnh Ngàn)
- “Anh nhớ vườn cau, em với Ngoại
Mưa làm lá rụng ngỡ tàu bay
Em sau bước Ngoại nâng tà áo
Chút xíu mưa làm má đỏ hây”
(Mù sương mùa đông)
- “Nàng mỉm cười như hoa ban mai
Tuyết băng óng ánh cặp chân mày
Mùa Xuân không đợi chờ chi nữa
Nắng bỗng chói ngời mỗi ngón tay!”
(Noel quê người quê nhà)
Đến cách đặt tên bài thơ ông cũng không giống mọi người, rất khác, rất ngộ,
rất riêng của Trần Vấn Lệ: Năm nay năm con hổ năm nào năm con người, Buồn tay
ghi lại dòng năm tháng, Dốc nhà làng Đà Lạt để thương để nhớ, Bạn có bao giờ nhặt
nắng chưa, Bài thơ làm từ hồi năm xưa xưa lắm, Bài thơ có vị thơ, Bài thơ mồ
côi, Mãi mãi thơ là thơ, Một bài thơ nằm ngoài giới hạn, Bài thơ yêu quá, Đi
chơi hoài trong thơ, Gió chờ hoài không gió, Thế mà cũng xong một bài thơ...
2.- Cuộc chiến tranh 2 miền Nam - Bắc Việt Nam kết thúc vào ngày 30 tháng
4 năm 1975 và ông (nhà thơ Trần Vấn Lệ) thuộc phía những người "thua cuộc".
Dời bỏ Tổ Quốc đến định cư tại xứ sở cờ hoa từ năm 1989 nhưng mãi tới tháng 3
năm 2016 ông mới có cơ duyên trở về thăm lại Cố Hương. Có lẽ vì thế mà thơ ông
luôn đau đáu trầm buồn 2 tiếng Quê Hương:
“Lâu quá, lâu rồi, hai Thế Kỷ, người thì cuối biển kẻ đầu non... Tôi xa Tổ
Quốc như chim én nhớ tổ bay tìm hương Cố Hương...”
(Hương tóc)
Hay:
- “Đà Lạt đào nở thắm
mùa Xuân ôi mùa Xuân!
Tôi đang sống tha hương,
mơ màng về thiên cổ!”
(Đi chơi hoài trong thơ)
- “Tết nay năm mới mùa Xuân mới
Đào đứng mong hoài gió ấm, không!
Gió có tới bay vào cửa điện
Giai nhân chải tóc, điểm môi son...”
(Nhắm mắt buồn thôi nhé Cố Hương)
Đọc thơ ông, chỉ thấy những nhớ thương đầy vơi, những xót xa buồn tủi nặng
lòng kẻ phải cô đơn tha hương nơi xa xứ. Và lãng đãng trong thơ Trần Vấn Lệ,
nhưng cũng hiếm hoi lắm mới chợt gặp tâm trạng ngậm ngùi tiếc nuối về quá khứ của
“miền Nam tự hào”, của “Sử vàng một giấc chiêm bao”, xen lẫn chút xót xa trước
(hiện trạng) “Sử hồng máu lệ đã trào tiếp theo...” (?) bằng tâm thế bi ai của
người phía "bên thua cuộc":
“Mình yêu biết mấy Đà Rằng, yêu cây cầu thuở miền Nam tự hào... Sử vàng một
giấc chiêm bao. Sử hồng máu lệ đã trào tiếp theo...”
(Dẫn nhau đi tới Đỉnh Ngàn)
mà tuyệt không thấy câu thơ oán thán, hô hào "chống cộng" như
không ít nhà văn nhà thơ đứng bên kia chiến tuyến với những người "anh em
cùng dòng giống Tiên Rồng" phía "bên thắng cuộc". Có lẽ nhà thơ
Trần Vấn Lệ đã ngộ ra được nỗi đau sau cuộc chiến sẽ loang tới tận hang cùng
ngõ hẻm, luồn lách tới mọi ngóc ngách cuộc sống của người dân nên dù là
"bên thắng cuộc" hay "bên thua cuộc" thì những di họa của
cuộc chiến cũng đổ hết lên đầu người dân và những di chứng của cuộc chiến do đối
lập ý thức hệ giữa 2 chính thể ở 2 miền Nam - Bắc còn mãi âm ỉ đau trong dòng
chảy lịch sử của dân tộc:
“Tôi biết quê tôi không có tuyết
Chỉ làn khói quyện mỗi mai, chiều
Khói nhang hay khói cơm dằn bụng?
... những tấm bia mồ lính ngả xiêu...”
(Noel quê người quê nhà)
Hay:
“Có những miếu đình trơ đống gạch
Có những Nhà Thờ dấu đạn ghim
Những túp lều tranh đều lụp xụp
Bếp còn củi gộc cháy trong đêm...”
(Buồn tay ghi lại dòng năm tháng)
Tôi nghĩ đó là những cảm xúc rất thật của nhà thơ Trần Vấn Lệ, không phải
ông cố diễn để dung hòa với những “người bạn” đang cổ súy tinh thần "chống
Cộng" cực đoan nên Thơ và "Em" đã trở thành cứu cánh để nhà thơ
Trần Vấn Lệ bám víu, tự xoa dịu những hệ lụy tàn khốc của cuộc chiến
"huynh đệ tương tàn" mà trụ lại với đời. Nhưng rồi Thơ và cả
"Em" nữa cũng trở thành thứ yếu, không đủ sức để làm dịu mát nỗi đau,
nỗi buồn, nỗi nhớ... khi tuổi ông đã dần ngả về chiều, khi trái tim ông ngày
đêm thêm quặn thắt hướng về Cố Hương:
“Liệu còn về được hay không? Quê Hương, nhật nguyệt hay vòng khói nhang?
Khói vòng rồi khói cũng tan, cây nhang cắm đất mà tàn không bay...”
(Giấc mơ hồi hương)
Hay:
- “Thế là chúng ta đã thấy
Bốn tám năm rồi phù vân
Giao thừa không một âm thanh
Chỉ tiếng thở dài thậm thượt!”
(Thêm một mùa Xuân tha hương)
- “Tôi muốn về Cheo Reo... đứng nhìn mãi ngọn núi.
Tôi muốn tìm bờ suối, hái, săm soi hoa quỳ...
Em ơi, anh muốn đi / tới đầu trời cuối biển. Thơ, anh hốt, anh liệng, ném
khắp Thái Bình Dương? Ai cũng có Quê Hương... thơ thì vô Tổ Quốc?
Bây giờ thì tôi khóc!
Tại sao tôi làm thơ?”
(Thơ và em)
Tôi có chút “kỷ niệm” về câu kết một bài thơ với nhà thơ Trần Vấn Lệ khi
viết vài dòng cảm nhận về bài thơ "Như Một Bài Tập Làm Văn" của ông.
Khổ cuối của bài thơ, ông bỏ lửng, chỉ có 2 câu:
“Cho tôi được im lặng
khi nghĩ về Quê Hương!”
Đây là dạng câu "kết mở", sẽ có những cảm nhận khác biệt giữa những
người đọc và cả người đọc với tác giả.
Khi cảm nhận bài thơ này tôi đã viết: "Tôi không thích cái kết của
bài thơ như thế! Bởi yêu Quê Hương ai lại chọn giải pháp im lặng? Bất kỳ lý do
nào, hoàn cảnh nào thì tôi nghĩ giải pháp: "Cho tôi được im lặng / khi
nghĩ về Quê Hương" vẫn thuộc tâm thế của người có tình yêu Quê Hương chưa
đủ lớn để vượt qua những trở ngại của phép tính giữ mình.", nhưng khi đọc
tập thơ "THƠ TRẦN VẤN LỆ" - (những sáng tác từ mùa Đông năm 2021 đến
mùa Xuân năm 2022), với những câu thơ day dứt, nặng lòng về Quê Hương:
- “Trăng rơi! Có lẽ trăng rơi thật?
Ướt mắt tôi là những ánh sương!
Lấy giấy lau khô mà vẫn ướt
Lẽ nào đang bão ở Quê Hương?”
(Hỏi bờ lau sậy gió bay qua)
- “Ai yêu Hà Nội, xa Hà Nội, chỉ để buồn cho ai ngó theo... Còn để lại
chăng là tiếng gió, tiếng dương cầm những giọt trong veo!”
(Vĩnh biệt nhạc sỹ Phú Quang)
- “Vừa mới Noel rồi sắp Tết
bao giờ nước Mỹ hết mùa Đông?
Dĩ nhiên ai cũng nhìn lên lịch
hoa sắp nở nhiều, Xuân phải không?”
(Đường xa chi mấy)
- “Quê Hương thành cái ảo, từ lâu rồi, quá buồn! Khi không mình tha hương,
ba mươi ba năm, nhớ!”
(Gửi hương cho gió)
- “Những người lầm lũi, nay lầm lũi
Gánh núi non mình lên núi xa
Họ hứng mây sương làm áo mặc
Hứng mưa làm nước mắt, tuôn ra”
(Nhắm mắt buồn thôi nhé Cố Hương)
- “Bao giờ mình về thật
cúi nhặt tuổi hai mươi?
Không lẽ cứ đi chơi
trong thơ hoài, buồn quá!”
(Đi chơi hoài trong thơ)
- “Nụ hồng trắng đắm đuối
Nở trong bàn tay ai...
Đó không phải Tương Lai
... mà Trời ơi! Dĩ Vãng!”
(Nụ hoa hồng trắng và bàn tay em)
- “Đời đẹp như bài thơ! Đâu bài thơ nào đẹp?
Mắt tôi từ từ khép. Lòng cửa kính sương lăn...”
(Đêm mùa đông)
“Chắc chắn Chúa giật mình... giật rớt cây Thánh Giá, cái lư hương được trả...
khói thơm suốt bờ sông...”
(Thế mà cũng xong một bài thơ)
Từng là người lính, tuổi cũng đã dần ngả về chiều nên có lẽ nhà thơ Trần Vấn
Lệ sợ chiến tranh, sợ tái diễn cảnh “huynh đệ tương tàn”, sợ những đau thương mất
mát lại tái hiện trên mảnh đất Việt Nam nên ông đã chọn phép dung hòa để “giữ
mình”, để hy vọng tình yêu ông dành cho Quê Hương Việt Nam được vẹn nguyên,
không sứt mẻ.
Ngày 15 tháng 5-2022
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
No comments:
Post a Comment