Nhạc sĩ Cung Tiến: Cây đại thụ trút lá trong lặng lẽ
5 tháng 6, 2022
Những người thân cận với gia đình của nhạc
sĩ Cung Tiến đều biết ông đã qua đời ngày 10 Tháng Năm, nhưng đến ngày 4 Tháng
Sáu 2022, sau khi hậu sự hoàn tất, gia đình mới đăng cáo phó. Những người thân
biết ngày qua đời của nhạc sĩ cũng được dặn dò là xin hãy giữ yên lặng cho đến
khi hoàn tất tang lễ.
Khi mất, nhạc sĩ Cung Tiến hưởng thọ 83
tuổi, và lễ hỏa táng thực hiện vào ngày 2 Tháng Sáu, ở Nam California. Ông để lại
cho đời nhiều tác phẩm cao quý như bài học mở đường của tân nhạc Việt Nam, đồng
thời đóng góp nhiều công sức của mình cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa, nơi ông giữ
chức Tổng Giám đốc Kế hoạch và Dự án, hoạt động như kinh tế gia, giúp cho Bộ
tài nguyên và Thiên Nhiên Minesota nhiều năm, sau khi tỵ nạn từ 1975.
Với giới chức cũ của Việt Nam Cộng Hòa,
nhạc sĩ Cung Tiến được nhớ đến như là một trong ba Tổng Giám đốc trụ cột của Bộ
Kế hoạch trước năm 1975. Còn với giới văn nghệ, ông được đánh giá không khác gì
một thần đồng âm nhạc. Từ khi đi di tản sau 1975, nhạc sĩ Cung Tiến chưa có lần
nào về Việt Nam, cũng như được biết ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn từ Việt
Nam hoặc về nước tham dự biểu diễn.
Nhạc sĩ Cung Tiến tên thật là Cung Thúc
Tiến, sinh ngày 27 Tháng Mười Một 1938 tại Hà Nội. Thời kỳ trung học, Cung Tiến
học xướng âm và ký âm với hai nhạc sĩ nổi tiếng Chung Quân và Thẩm Oánh. Trong
khoảng thời gian 1957 đến 1963, Cung Tiến du học ở Australia ngành kinh tế và
ông có tham dự các khóa về dương cầm, hòa âm, đối điểm, và phối cụ tại nhạc viện
Sydney. Từ năm 1970 đến 1973, với một học bổng cao học của Hội đồng Anh
(British Council) để nghiên cứu kinh tế học phát triển tại đại học Cambridge,
Anh, ông đã dự các lớp nhạc sử, nhạc học, và nhạc lý hiện đại tại đó.
Ngoài sáng tác, ông còn là nhà hòa âm,
soạn khí nhạc, hợp xướng… và chơi được các nhạc cụ như sáo, mandolin,
guitar và piano.
Tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến bộc
phát trong một gia đình không có ai theo nghệ thuật. “Cụ thân sinh tôi là một
nhà thơ, một nhà cách mạng. Ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng, không có ai dính
vào âm nhạc nhất là âm nhạc mới, không có ai cả”, nhạc sĩ Cung Tiến lưu bút.
Trong lớp nhạc sĩ đầu thế kỷ, với những
khúc tân nhạc hoàn chỉnh như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Cung
Tiến là người hiếm hoi viết hoàn chỉnh ca khúc ở năm 14 tuổi (1953). Bài Hoài Cảm
– cũng là ca khúc đầu tay của ông, mà theo tâm tình lúc sinh thời là lúc đó,
ông mới học đệ lục và là một học sinh chịu nhiều ảnh hưởng thơ mới lãng mạn của
Huy Cận, Xuân Diệu ….”Riêng với tôi nó là đứa con đầu lòng vẫn còn được thính
giả yêu thích tôi vẫn thích vì nó giản dị và là một thời học trò của mình”, lời
của nhạc sĩ Cung Tiến.
Nhạc sĩ Cung Tiến cũng là người dùng từ
ngữ mô tả mãnh liệt nhất, và đầu tiên: “lòng cuồng điên vì nhớ” cho một nỗi nhớ
nhung của một thiếu niên về tình yêu đầu đời. Vào lúc bài hát ra đời cũng có
nhiều người không quen và cảm thấy khó chịu với sự mô tả hết sức dữ dội này.
Nhưng rồi dần người ta nhận thấy rằng đó là cách diễn đạt chân thành và không
kém phần tinh tế khi hoán đổi “điên cuồng” thành “cuồng điên” – khiến khung cảnh
bài hát cũng nhẹ nhàng, bay bổng hơn. Nhà thơ Du Tử Lê từng gọi đó là cách sắp
xếp đầy mỹ cảm về phương diện tu từ học (rhetoric).
Nhiều người khi biết về ông đều ngạc
nhiên, vì sao có một kinh tế gia và một nhạc sĩ xen lẫn trong cuộc đời một con
người. Thế nhưng khi tìm hiểu sâu thêm về bối cảnh xã hội và cuộc đời của nhạc
sĩ Cung Tiến, người ta lại càng thán phục. Là một nhạc sĩ và có tinh thần hiếu
học, ông chỉ muốn mình được học sâu và cao hơn về âm nhạc. Thế nhưng lúc đó các
con đường du học và cấp học bổng chỉ có cho kinh tế. Vì vậy, nhạc sĩ Cung Tiến
quyết định thi lấy học bổng kinh tế để đi nước ngoài du học rồi bên cạnh đó sẽ
tìm hiểu và học thêm âm nhạc ở xứ người. Và từ đó chính quyền Việt Nam Cộng hòa
có thêm một nhạc sĩ và một kinh tế gia tài giỏi.
Nhưng không phải ai cũng biết rằng nhạc
sĩ Cung Tiến còn là một nhà văn và là một dịch giả. Ông có thời gian cộng tác
chặt chẽ với nhóm Sáng Tạo, một nhóm tiền phong về văn hóa nghệ thuật của những
người miền Bắc di cư vào Nam sau năm 1954. Nhiều người trong nhóm Sáng Tạo đã dựng
nên một góc trời văn chương cho người Việt, trong đó có Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc
Sỹ, Thanh Tâm Tuyền … Bút danh của nhạc sĩ Cung Tiến lúc đó là Thạch Chương,
ông tham gia cả mảng sáng tác, nhận định và phê bình văn học. Ông có dịch hai đại
tác phẩm của hai văn hào Nga là Fyodor Mikhailovich Dostoevski và Aleksandr
Isayevich Solzhenitsyn ra Việt Ngữ. Đó là Hồi Ký Viết Dưới Hầm (bản dịch tác phẩm
của M. Dostoievski, 1969) và Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch (dịch từ A.
Solzhenitsyn, 1969). Riêng về Một Ngày của Ivan Denissovitch kể về những gì xảy
đến cho một người tù cải tạo tên Ivan Denissovitch trong một ngày dưới chế độ bạo
ngược cộng sản Stalin.
Năm 1956, nhân 200 năm ngày sinh của
thiên tài âm nhạc Mozart, tổng thống Ngô Đình Diệm có tổ chức một buổi hòa nhạc
với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Lúc đó nhạc sĩ Cung Tiến chỉ mới gần
18 tuổi, nhưng vì nghe danh tiếng của ông, đích thân tổng thống Ngô Đình Diệm
đã viết thư mời ông tham dự. Trong tâm tình với báo chí về sau, nhạc sĩ Cung Tiến
nói lúc đó ông tràn ngập niềm vui sướng vì được tham dự chương trình hòa nhạc về
một tài năng âm nhạc thế giới mà ông vô cùng hâm mộ. Và kế đó, là ngỡ ngàng là
vì sao một cậu bé như mình lại được tổng thống mời đích danh.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông có viết
cho một số báo với bút danh là Đăng Hoàng. Nhưng với âm nhạc, nhạc sĩ Cung Tiến
vẫn nối dài các sinh hoạt của mình. Ngoài chức vụ Ủy viên Diễn đàn các nhà soạn
nhạc Hoa Kỳ, ông vẫn sáng tác và sinh hoạt âm nhạc thính phòng để quảng bá tinh
thần âm nhạc Việt Nam. Năm 1987, Cung Tiến viết nhạc tấu khúc Chinh phụ ngâm,
soạn cho 21 nhạc khí tây phương, được trình diễn lần đầu vào năm 1988 tại San
Jose với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã được giải thưởng Văn Học nghệ thuật
quốc khánh 1988.
Vào đầu thập kỷ 1980 Cung Tiến phổ nhạc
từ 12 bài thơ trong tù cải tạo của Thanh Tâm Tuyền mang tên “Vang Vang Trời Vào
Xuân”, tập nhạc này được viết cho giọng hát và Piano và được trình bày lần đầu
tiên tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào năm 1985.
Năm 1992, Cung Tiến soạn tập Ta Về, thơ
Tô Thùy Yên, cho giọng hát, nói, ngâm và một đội nhạc cụ thính phòng. Năm 2003,
Ông đã thực hiện một tác phẩm nhạc đương đại Lơ thơ tơ liễu buông mành dựa trên
một điệu dân ca chèo cổ. Ông cũng là hội viên của diễn đàn nhạc sĩ sáng tác Hoa
Kỳ.
Hầu hết người yêu nhạc, biết đến một
Cung Tiến, là đều tìm về kho tàng của 20 năm văn hóa vàng son của miền Nam.
Trong một phát hiện mang tính sử nhạc của nhà thơ Du Tử Lê, một dấu ấn đặc biệt
của riêng ông, là nhạc sĩ đầu tiên phổ nhạc từ dòng thơ tự do.
No comments:
Post a Comment