Kêu gọi lòng trắc ẩn cho một cựu thuyền nhân bị bỏ rơi ở Thái Lan
32 năm lưu lạc tìm tự do
18 năm tìm con gái thất lạc trên đường lánh nạn
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 14 tháng 1, 2023
Dù ở xứ người, cận ngày Tết cổ truyền
người Việt chúng ta nhà nhà vẫn sum họp, người người vẫn quây quần bên nhau. Niềm
hạnh phúc đơn giản ấy lại quá xa vời cho một cựu thuyền nhân đang khốn khó, một
thân một mình ở Thái Lan. Bà là một phụ nữ 71 tuổi, người Việt gốc Khmer, còn gọi
là Khmer Krom, sinh quán ở Trà Vinh.
Cách đây vài hôm, bà gửi đến tôi (và đến
LM Thiện) lời cầu cứu dưới dạng video, nói lên ước vọng được đến bến bờ bình
yên và được đoàn viên với người con gái thất lạc đã 18 năm. Xem: https://www.facebook.com/TinanThailan/videos/6670591656288933
32 năm lưu lạc
Sinh năm 1951, bà Thạch Thị Phay theo đạo
Thiên Chúa. Năm 20 tuổi, bà bị Việt cộng bắt đưa vào chiến khu để phục vụ cơm
nước, chùi rửa, lau dọn; thỉnh thoảng bà phải chăm sóc các du kích quân bị
thương. Sau 3 năm, bà chạy thoát và được một toán người Mỹ nuôi dưỡng rồi trả về
quê.
Sau 1975, dù bị nhà cầm quyền cấm đoán,
bà vẫn dạy hát tiếng Khmer cho trẻ em ở nhà thờ. Năm 1985, bà bị bắt về tội gây
mất an ninh, trật tự vì các sinh hoạt tại nhà thờ ấy. Công an đánh đập, tra tấn
bà. Họ châm thuốc lá vào đầu, dí mặt bà vào miểng kiếng sắc nhọn. Sau 6 tháng
giam cầm, bà được thả, nhưng bị điếc cả hai tai, thường xuyên nhức một bên đầu,
và mang nhiều chỉ dấu hậu chấn tâm lý cho đến nay.
Tháng 4 năm 1990, bà vượt biên. Khi đến
Phanat Nikhom, bà bị lực lượng Para, một đội quân kháng chiến người Campuchia,
bắt và hãm hiếp. Sau một tháng bà được chuyển đến trại Kikiew. Năm 1996 bà hạ
sinh một bé gái trong trại, tên gọi ở nhà là bé Nụ.
|
|
|
Hình 2 – Tấm hình kỷ niệm hiếm
hoi của 2 mẹ con bà Phay và bé Nụ, năm 2003 ở Campuchia
Đến với BPSOS
Đầu năm 2014, môt tổ chức nhân quyền ở
Campuchia cử người đến Bangkok để đưa tôi đi thăm các gia đình Khmer Krom đã bị
CUTN/LHQ từ chối tư cách tị nạn. Sau đó tôi đã chuyển hồ sơ của các gia đình
này cho toán luật sư của BPSOS ở Bangkok để làm đơn yêu cầu CUTN/LHQ mở lại hồ
sơ. Trong đó có bà Phay.
Tháng 9 năm 2014, hồ sơ của bà Phay, và
của tất cả các gia đình Khmer Krom mà tôi đã gặp, được CUTN/LHQ đồng ý mở lại.
Cũng khoảng thời gian này, tôi nghe tin
bà Phay đã ghi danh tham gia chương trình định cư nhân đạo vào Canada dành cho
các cựu thuyền nhân, do Liên Hội Người Việt Canada đảm nhận. Tôi mừng vì bà
không phải chờ quyết định của CUTN/LHQ mà thực ra không ai lường trước được sẽ
ra sao..
Giọt nước mắt trào ly
Xem video cầu cứu mới nhận được từ bà
Phayi, tôi đã sững sờ về một tình tiết. Bà kể rằng, vì không thể đóng 11 nghìn
Mỹ Kim lệ phí theo yêu cầu nên đã bị gạt ra khỏi chương trình định cư nhân đạo
của Canada. Tuyệt vọng và buồn nản, bà định gieo mình xuống sông quyên sinh,
nhưng may có người Thái gần đó chặn lại kịp.
Tôi chưa tin ngay: hay là bà Phay nói nhầm,
nhớ sai, lẫn lộn thông tin?
Cho chắc, tôi đã nhờ một người sống gần
nơi bà đến tận nhà để xác minh thông tin, có ghi hình. Bà Phay khẳng định điều
đã nói và kể vanh vách diễn tiến sự việc với tình tiết cụ thể, rõ rệt.
Tia hy vọng cuối đường hầm
Giữa bầu trời u ám của sự tuyệt vọng, một
tia sáng loé lên: Bà Phay được CUTN/LHQ công nhận tư cách tị nạn sau một phần
tư thế kỷ bôn ba tìm tự do.
Với quy chế tị nạn, bà Phay chính thức được
bảo vệ bởi LHQ, được trợ cấp tài chánh hàng tháng do lớn tuổi lại bệnh hoạn,
và, quan trọng hơn cả, có cơ hội định cư tị nạn ở một quốc gia đệ tam.
Cuối năm 2016 bà Phay được phái đoàn Hoa
Kỳ phỏng vấn định cư. Oái oăm, nhân viên phỏng vấn thắc mắc về thời kỳ trong
chiến khu Việt cộng và từ chối đơn xin định cư của bà. Luật sư của BPSOS giúp
bà làm đơn khiếu nại nhưng không thành. Cánh cửa định cư Hoa Kỳ thực sự đã
đóng.
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Chính phủ Canada mới đây công bố sẽ định
cư trung bình 75 nghìn người tị nạn mỗi năm trong 3 năm tới, tăng 50% so với
trước đây. Đây là cơ hội để bà Phay thoát cơn hoạn nạn đã đeo đuổi bà trong 32
năm.
Tôi kêu gọi các tổ chức, các nhóm người
Việt ở Canada đoái hoài đến tình cảnh của một đồng bào bất hạnh và giúp bà Phay
đến được tự do và tìm được sự bình an ở cuối đời. Hãy giang tay đón bà định cư
tị nạn theo chương trình bảo lãnh tư nhân. Nếu ai chưa có kinh nghiệm, tôi sẽ
nhờ người hướng dẫn.
Tôi cũng kêu gọi những đồng hương có
lòng ở Pháp giúp tìm “bé Nụ” để 2 mẹ con có ngày đoàn viên sau hơn 18 năm cách
xa. Đó là ước nguyện cuối đời của người mẹ tìm con. Tôi có một ít thông tin về
cha mẹ nuôi của bé Nụ và sẽ cung cấp cho ai sẵn lòng giúp đỡ. Xem trực tiếp lời
khẩn cầu tìm con của bà Phay: https://dvov.org/wp-content/uploads/2023/01/Thach-Thi-Phay-message-to-daughter.mp4
Yên ấm trong không khí gia đình đoàn
viên, mong rằng có người sẽ động từ tâm, nghĩ đến một đồng bào cả đời bất hạnh.
Xin liên lạc: bpsos@bpsos.org
Nhân đây, tôi kính chúc quý đồng hương ở
trong và ngoài Việt Nam năm Quý Mão tràn đầy sức khoẻ, niềm vui và thắng lợi.
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch
BPSOS
No comments:
Post a Comment