Tuesday, January 10, 2023

NHẠC SĨ NGỌC CHÁNH VỪA QUA ĐỜI! RA ĐI ĐỂ LẠI NHIỀU THƯƠNG TIẾC (GLN)

 

Nhạc Sĩ Ngọc Chánh Vừa Qua Đời! Ra Đi Để Lại Nhiều Thương Tiếc!

 

Posted by GLN

  

Một Trong Những Khuôn Mặt Hoạt Động Trong Lãnh Vực Âm Nhạc Sáng Chói Nhất, Nổi Đình, Nổi Đám Nhất, Trước 75 Là:

Nhạc sĩ Ngọc Chánh

(Người Viết Nhạc Cho 3 Nhạc Phẩm Nổi Tiếng: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Bao Giờ Biết Tương Tư và Tuổi Biết Buồn.)

Vừa ra đi vào 6 giờ chiều Thứ Bảy (hôm qua), ngày 7 tháng 1 năm 2023. Tại Nam Cali. Hưởng Thọ 86 Tuổi. 

 

*Ra Đến Hải Ngoại, Ngọc Chánh Người Nhạc Sĩ, Làm Thương Mại Thành Công Đầu Tiên của Miền Thung Lũng Hoa Vàng! Thập Niên 79, 80!

Những người Việt tị nạn, định cư tại Thành phố San Jose những năm 1979 đến năm 1983, đều biết đến Nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Những năm đầu tị nạn, ai cũng mang tâm trạng nhớ Quê Hương da diết, ray rứt, (nhìn về Quê Mẹ, ruột đau chín chiều) nhất là qua những bản nhạc trước 75. Ngọc Chánh, chính là những người cung cấp món ăn tinh thần này.

Khoảng năm 1978, Ngọc Chánh cùng gia đình vượt biển sang Mã Lai, đến Mỹ đầu năm 1979, nơi định cư đầu tiên là Thành phố San Jose, Bắc Cali, chỉ cần cuối năm sau đó, ông tái lập ngay lại ban Shotguns, một Trung tâm sản xuất dĩa và băng nhạc cùng tên, cộng với vũ trường có tên Maxim’s. Nằm tại góc đường St. James và đường số 2. Vũ trường chỉ mở 2 ngày cuối tuần, nhưng tiệm băng nhạc ngay trước khi vào bên trong, thì mở cửa suốt tuần.

Tính ông hiền hòa, vui vẻ, ăn nói nhỏ nhẹ, cộng với bản tính nghệ sĩ, lại có kinh nghiệm làm thương mại, luôn luôn nở nụ cười trên môi, nên rất thành công. Vừa là vũ trường độc nhất, tiệm băng nhạc độc nhất trong TP. Nên nơi đây, vừa giải trí, nghe nhạc sống, nhảy nhót, (sống lại không khí Sài Gòn vui chơi thủa nào) trước khi ra về, ai cũng phải bước qua tiệm băng nhạc, mua thêm vài ba dĩa, để về trên xe, ở nhà, hay đi làm nghe. Trung tâm nhạc của ông, sản xuất, phát hành khắp hải ngoại. Thời đó, chưa có những đài radio, nghe nhạc miễn phí, muốn, chỉ có một cách mua băng dĩa nhạc thôi. Hiểu luật cung cầu, nên ít có ai làm thương mại thành công ngay từ phút đầu như ông cả. Được vài năm, đến năm 1983, không biết vì lý do gì, vũ trường Maxim’s bị cháy! Sau dó ông và gia đình dọn xuống Nam Cali. Tiếp tục thành công qua những dịch vụ trên, cho đến ngày ông về hưu.

 

*Một Trong Những Nhạc Sĩ Nổi Danh Nhất Miền Nam Trước 75!

Ca sĩ, Nhạc sĩ Ngọc Chánh và ban nhạc – băng nhạc Shotguns lừng danh một thuở Sài Gòn năm xưa. Lúc đó ông còn là trưởng ban nhạc nổi tiếng Shotguns, đồng thời thành lập hãng băng đĩa mang cùng tên Shotguns và có nhiều đóng góp quan trọng trong làng nhạc, khi đã lăng xê thành công được nhiều bài hát, ca sĩ và nhạc sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn trước năm 1975. Sau 75, một nữ ca sĩ nổi danh, có số băng bán chạy nhất tại hải ngoại, vào những năm 1982 đến 1984, là ca sĩ Kim Anh, với nhạc phẩm Mùa Thu Lá Bay! 

*Cùng Với Lời Của Phạm Duy, Nhạc Của Ngọc Chánh, Không Cần Là Dân Mê Nhạc, Mà Người Thường Ai Cũng Biết 3 Nhạc Phẩm Này: Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, Tuổi Biết Buồn và Bao Giờ Biết Tương Tư.

Về Sự Nghiệp Sáng Tác của Ngọc Chánh, ông được biết đến với 3 ca khúc nổi tiếng nhất, đều là bài hát do ông viết nhạc, sau đó nhạc sĩ Phạm Duy viết lời.

-Bài hát đầu tiên là Bao Giờ Biết Tương Tư, ban đầu là bản nhạc nền của Ngọc Chánh viết cho phim Điệu Ru Nước Mắt của đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện năm 1970, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Duyên Anh, nói về chuyện tình thơ mộng của trùm du đãng nổi tiếng là Đại Cathay.

-Bài hát thứ 2 là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang, cũng là bài nhạc phim chính cho một cuốn phim cùng tên của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, cũng chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Duyên Anh mang tên Vết Thù Hằn Trên Lưng Con Ngựa Hoang, nội dung của bài hát là lời tâm sự của một giang hồ cộm cán từng “dẫm nát tơi bời” nay quay đầu hoàn lương “từ nơi tối tăm về miền tươi sáng”.

-Đến năm 1973, ban tổ chức đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Nhật Bản đã mời đoàn Việt Nam và nhạc sĩ Phạm Duy tham dự. Nhận được lời mời, nhạc sĩ Phạm Duy tìm gặp Ngọc Chánh, ngỏ ý muốn viết chung một ca khúc để gửi dự thi. Nhạc sĩ Ngọc Chánh đã viết nhạc, và nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời để thành ca khúc Tuổi Biết Buồn. Tại Nhật, tiếng hát Thanh Lan cùng với ca khúc này đã vào đến vòng chung kết của đại hội âm nhạc Yamaha. 

 

*Giai Đoạn Nhạc Sĩ Ngọc Chánh Chuyển Về Quận Cam

Ông liền mở ngay vũ trường Ritz, được sang lại từ nhạc sĩ Vô Thường. Phòng trà vũ trường Ritz mở rộng được quy mô gấp nhiều lần chỉ sau 5 năm, trở thành bệ phóng để hàng loạt ca sĩ thế hệ sau 1975 trở nên nổi tiếng là Ý Lan, Don Hồ, Dalena, Ngọc Lan, Lynda Trang Đài… Sau gần 20 năm làm chủ ban nhạc, vũ trường và phòng trà ca nhạc, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã quyết định giải nghệ vào năm 1998

Từ đó đến nay, ông cùng với vợ dành nhiều thời gian để đi du lịch nhiều nơi và theo đuổi niềm đam mê mới: nhiếp ảnh. Từ đầu thập niên 1980, mặc dù rất bận rộn trong việc gầy dựng lại ban Shotguns và điều hành vũ trường những nhạc sĩ Ngọc Chánh vẫn dành thời gian đi học môn nhiếp ảnh. Đến năm 2007, ông thực sự bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp, chuyên chụp ảnh thiên nhiên, phong cảnh, rất đẹp! 

*Chút Tiểu Sử Về Nhạc Sĩ Ngọc Chánh.

Nhạc sĩ Ngọc Chánh tên thật Nguyễn Ngọc Chánh, sinh ngày 13 tháng 3 năm 1937 tại Sài Gòn trong gia đình có tất cả 10 anh chị em. Tuy nhiên 8 trong số 10 anh chị em này đều không may qua đời từ lúc nhỏ, chỉ còn lại 2 người là nhạc sĩ Ngọc Chánh (thứ sáu) và người em gái út là Ngọc Lan (tên giấy tờ là Nguyễn Thị Trí). Nhạc sĩ Ngọc Chánh mê nhạc và có năng khiếu từ thuở bé. Lúc lên 6 tuổi, ông được học guitar với một người bạn lớn tuổi hơn tên là Cổ Tấn Tịnh Châu, rất giỏi về ngón đàn Flamenco, rồi sau đó học thêm với một nhạc sĩ người Philippines là Monito.

Có lẽ nhờ vậy mà ngay từ lúc nhỏ ông đã có kiến thức khá vững vàng về nhạc lý, có thể tự soạn được 2 cuốn sách hướng dẫn Tự Học Đàn Guitar từ khi mới 14, 15 tuổi.

Năm 1950, trong khoảng thời gian học tại đây, nhạc sĩ Ngọc Chánh viết 2 cuốn sách tự học về guitar rồi bán bản quyền sách cho nhà xuất bản Mỹ Tín vào năm 1953. Đây có lẽ là một trong những cuốn sách dạy về guitar sớm nhất của làng nhạc thời đó.

Năm 1968 ban nhạc Shotguns đã được thành lập, với Ngọc Chánh (piano), Duy Khiêm (bass), Đức Hiếu (trống, sau đó thay bằng Lưu Bình), Hoàng Liêm (guitar) và 2 tiếng hát Pat Lâm, Elvis Phương. Lấy tên Shotguns, bắt nguồn từ bài nhạc Mỹ của Junior Walker trong đĩa đơn cùng tên là Shotgun rất ăn khách vào thời điểm đó.

Đầu năm 1970, khi ca sĩ Jo Marcel rời phòng trà Queen Bee để xây dựng Ritz, ca sĩ Khánh Ly đã thuê lại Queen Bee nằm trên tầng 2 của khu thương xá Eden và mời ban nhạc Shotguns về đóng đô mỗi đêm. Đầu năm 1971, Khánh Ly rời Queen Bee để khai trương phòng trà – vũ trường Tự Do, thì nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận thầu lại Queen Bee, đồng thời thuyết phục được ca sĩ Thanh Thúy trở lại sân khấu ca nhạc sau 5 năm giải nghệ đi lấy chồng! từ đó Queen Bee lên luôn!

Tại phòng trà Queen Bee và Quốc Tế, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tạo ra được một nơi sinh hoạt văn nghệ sôi động, với những giọng ca nổi tiếng nhất Sài Gòn là Thái Thanh, Thanh Thúy, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu, Mỹ Thể, Trúc Mai… và là nơi làm bệ phóng cho những giọng ca thế hệ sau đó được thành danh: Thanh Lan, Dạ Hương, Thái Châu, Nguyễn Chánh Tín…

  

Kết: Bầu Trời Âm Nhạc Hải Ngoại Lại Mất Một Vị Sao!

Kể từ 1969 đến 1975, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã thực hiện khoảng trên 30 băng nhạc Shotguns, đến nay đã gần nửa thế kỷ, kể từ ngày cuốn băng Shotguns cuối cùng được phát hành, nhưng đông đảo người yêu nhạc trước 1975, vẫn đang tìm nghe lại những băng nhạc này, như là tìm lại những giá trị xưa cũ, không bị phai mờ theo thời gian. Người nghệ sĩ thì chết, nhưng đứa con tinh thần sẽ sống mãi!

Ông ra đi, để lại nhiều thương tiếc, trong lòng nhiều thính giả một thời mến mộ.

No comments: