“Mèo” trong Ca Dao Việt Nam
Lê Ngọc Châu
Mỗi năm lịch của người Việt đều gắn liền
với một con giáp. Đi theo thứ tự từ năm Tý đến năm Hợi rồi vòng trở lại. Thắm
thoát năm Nhâm Dần 2022 vẫy tay giã từ. Xuân Quý Mão 2023, năm con Mèo lại về với
chúng ta.
Khi nói đến Mèo, hầu hết người Việt Nam
lại nhớ đến bốn câu Ca Dao bất hủ sau đây:
“Con Mèo mà trèo cây cau
Hỏi
thăm chú Chuột đi đâu vắng nhà
Chú
Chuột đi chợ Đồng xa
Mua
mắm mua muối Giỗ Cha con Mèo”.
Mèo với Chuột là
hai con vật mà nói chung ai cũng biết. Riêng miền quê Việt Nam thì chẳng ai lạ gì “chuột” vì chúng hay phá
hoại mùa màng, ngủ cốc lúa gạo, bắp khoai, đậu. Ở thành phố thì ít thấy chuột
vì thực phẩm được lưu trữ, cất giấu kỹ. Để chống lại chuột người ta nuôi mèo.
Mèo và chuột xét về bản chất thì hai con vật này đối kháng nhau. Chuột thân phận
nhỏ bé nên luôn là miếng mồi ngon cho mèo, vì thế nơi nào có mèo, chuột khó sống.
Với chuột,
mèo là kẻ tử thù, chẳng thân thiết gì cả. Vậy thì tại sao chuột lại tận tâm với
ông tổ nhà mèo như ngụ ý bốn câu ca dao trên?.
Tương
truyền rằng có một chú chuột bị con mèo vớ được, tính ăn thịt. Chuột sợ quá bằng
năn nỉ ỉ ôi, lạy mèo tha cho rồi chuột ta sẽ mua “cao lương mỹ vị” như tôm, thịt
… làm giỗ mời mèo hôm sau tới ăn. Nghe thế, mèo vì thèm các món ăn ngon chuột
nói trong khi chuột nhỏ xíu, thịt đâu có bao nhiêu nên tha chết cho. Y như hẹn,
mèo đến nơi trèo lên cây cau réo gọi nhưng nào thấy chuột, bàn cổ để cho mèo ăn
cũng chẳng thấy. Lúc đó mèo ta mới biết mình bị chú chuột kia đánh lừa. Chỉ biết
tức giận, không được gì hết, ngay cả miếng thịt chuột!
Qua những
câu ca dao trên chúng ta nhận ra điều kỳ lạ ở đây là chuột lo đi chợ mua đồ ăn
để giỗ cha mèo, kẻ thù truyền kiếp luôn hại giống nòi nhà chuột. Tuy nhiên khi
mèo đến chơi nhà chuột, leo lên cây cau nhưng không gặp được chuột. Câu chuyện
ngắn ngủi nghe phải bật cười bởi sự phi lý của nó và sau đó ngẫm nghĩ kỹ thì thấy
đau đớn, nhức nhối tâm can vì “bị lừa”!. Ngoài ra, 4 câu ca dao còn hàm chứa sự
thâm thúy khác mà ai cũng có thể hiểu là muốn giữ được mạng sống thì chuột chỉ
còn cách làm cái việc chẳng đặng đừng với kẻ mạnh hơn mình “năn nỉ tha mạng”.
Đau đớn là thế. Thực ra thì ai cũng hiểu chẳng có chuyện mèo chuột gì cả ở đây
mà chỉ là “chuyện con người “. Trong cuộc sống bên ngoài xã hội cũng thế “mạnh
được yếu thua” vì vậy con người đôi khi phải “hạ mình, quỳ lụy” để giữ mạng sống.
Và những câu ca dao ở trên là “sự mách nước rất khéo léo” cho kẻ yếu ứng xử với
kẻ mạnh!
Công
tâm mà nói, tiếng Việt mình thâm thúy thật! Ca dao Việt Nam lại càng không thể
nào chê được, chẳng những bởi “sự thâm thúy, trừu tượng” thôi mà còn có cả sự
trêu, giễu trong đó.
Để chào
đón Năm Mới Quý Mão 2023, năm con “Mèo“, tôi sưu tầm thêm những câu ca dao khác
liên quan đến “Mèo” và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả qua bài phóng
tác:
“Mèo Trong Ca Dao Việt Nam“.
Không những chỉ ám chỉ loại mèo vô dụng,
câu ca dao sau đây còn đề cập đến loại người chưa học làm điều tốt mà đã nhiễm
phải thói xấu, muốn nói đến những người vô tích sự:
Chưa
học bắt chuột đã học ỉa bếp
Miền Trung, Nghệ Tĩnh có câu:
Chua
như cứt mèo
ám chỉ sự nói năng của ai đó với giọng
điệu gây khó chịu cho người khác, rằng cái “mụ nớ, thằng đó” ăn nói chua như
“kít mèo”, vì cứt mèo mùi chua khắm rất khó chịu. Cho nên chúng ta thường nghe
“Giấu như mèo giấu cứt” là vậy! Cũng còn có ý khác chê những người giấu diếm vật
gì, điều gì đó quá ư là kỹ.
Hoặc
Có
ăn nhạt mới thương tới mèo
ngụ ý muốn diễn tả cảnh ai từng trải qua
sự cực khổ mới biết thương kẻ khốn cùng.
Đã yếu đuối, khốn khổ nếu lại gặp thêm
hoạn nạn, thì người ta đành ngậm ngùi than thở:
mèo
què phải trận chó đòi
Gặp ai quá đanh đá, ghê gớm không từ một
thủ đoạn nào. Khuyên người khác đừng có trêu mệ nớ, là ” mổ mèo lấy
cá ” chứ không phải vừa đâu thì có những câu:
Mẹ
chồng đối với nàng dâu
Như
mèo với chuột có thương nhau bao giò.
Thật chẳng biết đâu mà mò. Đàn ông nếu
ăn như mèo thì bị chê bai, cho là tật xấu. Nhưng phụ nữ ăn uống từ tốn, ăn từng
miếng một, uống từng hớp nhỏ được khen là có nết na:
Ăn
nhỏ nhẻ như mèo
Nói đến kẻ hà tiện, tính bủn xỉn thì có
câu:
Buộc
cổ mèo, treo cổ chó
Hoặc muốn bảo rằng mỗi người có sở trường
riêng, chưa chắc ai đã hơn ai, tế nhị có thể nói:
Chẳng
biết mèo nào cắn mỉu nào
(Mỉu:
do tiếng miu là mèo đọc chệch ra)
Để diễn đạt ai cũng có nghề nghiệp
chuyên môn của mình, cho nên đừng ganh tị, nạnh nhau làm chi và chuyện ai nấy
lo, đừng can thiệp vào việc người khác thì thiên hạ thường buông lời:
Chó
giữ nhà, mèo bắt chuột
Đặc biệt để phê phán kẻ không nhìn thấy
lỗi nơi mình, mà chỉ tìm thấy lỗi ở người khác:
Chó
chê mèo lắm lông
Dùng để chê những kẻ đần độn, ngu ngốc:
Chó
gio, mèo mù
hay để chê bai hạng người không có tài
năng:
Chó
khô, mèo lạc
Để ám chỉ những vật vô giá trị, bị bỏ
lăn lóc chẳng ai thèm lấy:
Chó tha đi, mèo tha lại
Người ta thường treo thức ăn trên cao để
tránh chó ăn và đậy kỹ để không cho mèo lục đớp. Câu ca dao sau đây ngụ ý cảnh
giác chúng ta cẩn thận cửa nẻo đề phòng trộm cuỗm mất:
Chó
treo, mèo đậy
Muốn gián tiếp khuyên lơn người khác hãy
thận trọng, đừng làm ơn cho kẻ có thể hại mình:
Chuột
cắn dây buộc mèo
Như chúng ta biết, mèo thấy chuột là vồ
lấy ăn thịt ngay. Để cảnh giác ai đó không nên làm một việc liều lĩnh, nguy hiểm
thì ca dao mình cũng có câu:
Chuột
gặm chân mèo
Hay tỏ vẻ tức giận người khác bằng cách
chửi mắng vu vơ. Bực mình họ nhưng lại trút bực tức qua những con vật nuôi
trong nhà. (giận cá, chém thớt) chẳng hạn:
Chửi
chó mắng mèo
Đá
mèo, quèo chó
Nhằm nói đến sự đau khổ càng lớn của những
ai mất quyền lợi ở địa vị cao, nhiều hơn nếu so sánh sự đau khổ với người ở địa
vị thấp:
Hùm
mất hươu hơn mèo mất thịt
Hoặc để ám chỉ những kẻ cố tình che giấu
tội lỗi bằng cách im lặng tuyệt đối, hay đề cập đến những kẻ hễ thấy lợi là giấu
giếm không cho ai hay biết hưởng một mình:
Im
ỉm như mèo ăn vụng
Trong trường hợp mỉa mai, đánh giá cho
việc sử dụng người trong một công việc không đúng với sở trường, khả năng của
người đó:
Không
có chó bắt mèo ăn cứt
Ám chỉ ai nói dai, thường nói đi nói lại
để nài xin:
Lèo
nhèo như mèo vật đống rơm
Ngụ ý khuyên ai trước khi làm việc gì phải
tự lượng sức mình, cố gắng cho lắm cũng vô ích:
Mèo
cào không xẻ vách vôi
Muốn khen người trẻ tuổi tài cao, làm được
việc mà nhiều người lớn làm không nổi:
Mèo
con bắt chuột cống
Muốn nói người già nhờ sống lâu nên đúc
kết được nhiều kinh nghiệm quý báu. Nghĩa khác là mới đầu làm việc gì có vẻ rụt
rè nhút nhát, nhưng lâu năm thì tinh ma ranh mãnh:
Mèo
già hóa cáo
Ám chỉ những kẻ vô lại thường hay kết bè
tựu đảng với nhau, thiên hạ thường nói rằng:
Mèo
hoang lại gặp chó hoang;
anh
đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai
Còn ai tự đề cao, khen ngợi mình thì ca
dao Việt Nam cũng chẳng tha:
Mèo
khen mèo dài đuôi
Ngụ ý so sánh thanh niên bạo gan hơn,
trong khi người lớn tuổi thì nhút nhát:
Mèo
già lại thua gan chuột nhắt
Một đặc điểm khác, khi nói đến hai chữ
“mèo chuột” thì chúng ta, nhất là những người đầy lãng mạn tính thường liên tưởng
ngay tới chuyện “trai gái, bồ bịch, mèo mỡ”, vì từ xưa, ông bà mình cũng từng
diễn tả sự thu hút lẫn nhau giữa nam nữ qua những câu tục ngữ sau đây mà mọi
người đều đã nghe biết, ý nói đặt trước mặt người ta một thứ gì hay muốn chế giễu
họ trước thứ mà họ đang mong muốn, thèm khát, ví dụ như chuyện “người đàn ông
khi … gần gũi muốn chiếm đoạt phụ nữ“, đó là:
Như
mèo thấy mỡ
Mỡ
để miệng mèo
hay
Lửa
gần rơm không cháy cũng tròm trèm
Mèo
không ăn vụng đi đêm làm gì ?
Để diễn tả cảnh “bất hoà giữa mẹ chồng
nàng dâu”, ca dao Việt Nam cũng mượn “con mèo”:
Con
mèo trèo lên cây táo
Mẹ
chồng nương náu, chưởi mắng nàng dâu
Bà
ơi không sợ bà đâu
Bà
đừng chửi mắng mà mang tiếng đời
Hay để chọc quê người khác:
Con
mèo trèo lên cây vông
Con
chó đứng dưới ngó mong con mèo
Mèo
rằng, sao chó chẳng theo ?
Lên
đây mèo sẽ dạy leo cho mà
Xa hơn nữa, nhằm ám chỉ đến những người
đàn bà bị chồng chê, chồng bỏ vì hư đốn, phải về nhà cha mẹ ruột. Thay vì biết
thân phận âm thầm sống đến già, nhưng lại khoa trương nọ kia để củng cố danh
giá mình thì thiên hạ hay nhắc đến, mỉa mai qua các câu ca dao sau đây:
Mèo
làm ai nỡ cắt tai;
gái
kia chồng bỏ khoe tài làm chi?
Hoặc để chê bai các người đàn bà tính
hư, tật xấu, ngày hai bữa cứ ăn cơm hàng cháo chợ, không lo cơm nước cho gia
đình:
Mèo
lành chẳng ở mả;
ả
lành chẳng ở hàng cơm
Hay nhằm ám chỉ hạng người vô lại, trai
trộm cướp, gái lăng loàn khiến ai cũng khinh ghét:
Mèo
mả gà đồng
Nói đến những kẻ không còn phương kế
sinh nhai:
Mèo
mù móc cống
Đề cập kẻ nghèo hèn đang túng quẫn nhưng
gặp vận may bất ngờ:
Mèo
mù vớ cá rán
Khuyên người hãy biết liệu sức mình mà đảm
đương công việc. Tài hèn sức mọn nhưng nếu ham đảm trách một việc lớn thì trước
sau chỉ chuốc lấy thất bại mà thôi:
Mèo
nhỏ bắt chuột con
Nói đến kẻ có quyền hành làm việc sai
trái thì không sao, trong khi kẻ dưới bị trừng phạt nặng (như chuyện tham nhũng
ở dưới xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay chẳng hạn! Theo Internet, tham nhũng
hạng “bự” thì cứ “phây phây”; còn cở “nhỏ” thì lại bị kết án xử tù!).
Mèo
tha miếng thịt xôn xao;
hùm
tha con lợn thì nào thấy chi
Khuyên người ta nếu biết tiện tặn chi
tiêu thì không sợ túng:
Mèo
uống nước bể chẳng bao giờ cạn
Chỉ kẻ tài thô trí thiển mà thích, muốn
cáng đáng việc lớn lao quá sức mình, không đúng với khả năng cho phép, thiên hạ
nghịch rằng:
Mèo
vật đụn rơm
Nhằm nói cho dù kẻ thù nguy hiểm đến cỡ
nào nhưng nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì thế nào cũng thắng:
Sắc
nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo
Bày tỏ vì thất vọng nên buồn rầu, không
muốn nói năng, làm ăn gì cả:
Tiu
nghỉu như mèo cắt tai
Sự kiên nhẫn, siêng năng cho đến khi được
việc mới thôi được thể hiện qua câu :
Rình như mèo rình chuột
Ca dao Việt cũng khuyên các ông chồng
không nên quá nuông chiều và cũng đừng hiếp đáp vợ quá, vì nuông chiều quá thì
vợ lờn mặt, lâu dần sẽ lấn áp quyền chồng. Còn hiếp đáp thì vợ buồn rầu, gia
đình mất hòa khí, hạnh phúc:
Vợ quá chiều ngoen ngoẻn như
chó con liếm mặt;
vợ
phải rẫy tiu nghỉu như mèo lành mất tai
Nhằm mục đích răn dạy người đời hãy tìm
cách giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống để sống hòa thuận, đoàn kết,
yêu thương nhau vì ngay cả loài vật còn biết nhường nhịn nhau mà sống huống chi
con người, ca dao mình cũng có câu:
Trâu
bò ở với nhau chia nhau phần cỏ,
Người
ở với nhau như chó với mèo
Và để kết thúc bài phóng tác này vì năm
2023 là năm con “Mèo (Mẹo)”, tôi xin trích dẫn câu ca dao sau đây đề cập đến
quan niệm mê tín từ xưa lưu truyền lại:
Mèo
đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang!
Mong rằng Quý độc giả luôn được sức khoẻ
dồi dào, đầy đủ “Phước, Lộc, Thọ” cho dù “Chó” hay “Mèo” đầu năm
tình cờ ghé đến thăm nhà quý vị.
Như chúng ta thấy, Ca Dao Tục Ngữ thường
đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, đặc biệt là xã hội, gia
đình và tình yêu. Riêng về con “Mèo” thì còn rất nhiều nhưng rất tiếc bài viết
có giới hạn nên người viết không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quí vị,
xin thông cảm. Tuy nhiên qua đó cũng gói ghém đủ ý nghĩa sâu sắc của Ca Dao, có
thể nói là căn bản nền văn hóa của Dân Tộc Việt Nam.
Trước thềm năm mới, xin kính chúc quý độc
giả một Năm Quý Mão 2023 “An Khang Thịnh Vượng và Hạnh Phúc”.
© Lê-Ngọc Châu (Ger_E2022)
Ø Phỏng theo tài liệu sưu tầm
từ Internetvà từ Website của Hà Phương Hoài
Ø Bài viết nhân Xuân 2011, chỉ
thay đổi tên cho phù hợp Xuân Quý Mão 2023.
No comments:
Post a Comment