Wednesday, August 18, 2021

NHỮNG DẤU CHÂN BƯỚC NGƯỢC (NHẤT PHƯƠNG)

 Những dấu chân bước ngược



Nhất Phương

Bước nhặt bước khoang lòng cố bước

Bước xuống thương đau một bước dài


-Em gái,

-Dạ chi anh?

-Em nhớ ráng giúp anh chuyện hồi nảy anh nhờ nhé.

-Dạ, em đã hứa và em sẽ cố gắng, nhưng kết quả ra sao thì còn tùy duyên nhen anh.

-Anh biết mà.  Mấy chục năm rồi còn gì, nhưng nghĩ tới nghĩ lui không tìm không được.  Dẫu sao, đó cũng là kỷ niệm ở quãng đời… còn con nít của anh.

Lưu Ly mũm mĩm mím môi cười khi nghe anh nhắc lại mối tình đầu từ thời “còn con nít”:

-Chèn ui, con nít mà cũng biết chung tình dữ hén?  Nhưng anh yên tâm, em hiểu mà.  Ai cũng có “một thời để nhớ”.  Em không dám phê phán gì anh hết.  Tuy nhiên, anh là anh rể của em, lại nhờ em vợ kiếm tìm giùm “cố nhân” cho anh, thiệt quá quắc lắm lắm.  Nhưng, nghĩ cho cùng, anh đã hơn độ tuổi thất thập cổ lai hy rồi, còn gì nữa để so đo hơn thiệt.  Người ấy lại quen biết anh trước khi anh đến với chị của em.  Thôi, để cổ võ cho sự tốt tươi của tình người, một lần nữa, em khẳng định là sẽ ráng tìm cố nhân cho anh.  Yên tâm tịnh dưỡng nha anh.

 

Lưu Ly kéo tấm mềm, cẩn thận đắp lên chéo cổ cho người anh rể rồi mĩm cười từ biệt.  Đi được vài bước, nàng ngoảnh lại nhìn, thấy anh đã xoay nghiêng, nhắm mắt im lìm, nhưng trên nét mặt vẫn in hằn dấu vết khổ đau, mệt mõi.

Bước vào thang máy bịnh viện để xuống lầu, lòng Lưu Ly nặng oằn những ưu tư về niềm tâm sự chứa chan anh vừa kể.  Lưu Ly cố mường tượng ra “cô con nít sống lâu năm” trong ký ức anh mình duyên dáng kiểu gì, để có đủ năng lực đeo đuổi theo anh đến tận những phút giây đoài đoạn.

Xuống lầu, chưa kịp ra khỏi cửa, Lưu Ly đã thấy chị mình mang thêm hoa bánh vội vã bước vào.

-Chị,

-Em về rồi sao?

-Dạ, anh ấy đang ngủ.  Hay là,…hai chị em mình vào cafeteria nói chuyện một lát nhen chị?

-Ưà, có lẽ để anh ấy ngủ được lúc nào hay lúc ấy.  Chị sẽ ở lại đến tối luôn.

 

Mơn trớn xoay tròn ly cà phê thơm lừng, ấm áp trong lòng bàn tay, Lưu Ly nhìn chị mình hồi lâu rồi ôn tồn hỏi:

-Bịnh tình của anh có khả quan được chút nào không chị?  Em thấy anh tiều tụy quá.

-Bác sĩ nói còn nước còn tát em à.  Hôm qua anh đã cố nở nụ cười héo hắc khi thấy chị vào, chớ mấy hôm đầu được đưa đến đây, anh nhìn chị như nhìn người xa lạ.

Lưu Ly ngập ngừng giây lát rồi đột nhiên hỏi chị mình:

-Chị có là…phân nửa nguyên nhân của cơn đột quỵ này không?

Chị Linh Lan buông vội chiếc muỗng đang cầm, tạo nên một tiếng động tuy nhỏ nhưng khá bất ngờ, thảng thốt nhìn Lưu Ly:

-Em hỏi gì lạ vậy? Bộ em thấy chị lạnh lùng tàn nhẫn với anh ấy lắm sao?

-Không.  Chỉ là “méo mó nghề nghiệp” thôi.  Em là phóng viên đã nhiều năm tuổi, gặp đâu hỏi đó vậy mà.

-Em là em gái ruột của chị, chớ nếu là phóng viên lạ, chị đã đứng lên tiễn khách không mời.

 

Biết chị mình khó chịu vì câu hỏi quá nhạy cảm không kềm chế được, Lưu Ly vỗ nhẹ lên đôi bàn tay đang nắm chặt của chị mình, kiên nhẫn giải bày:

-Xin chị đừng hiểu lầm em soi mói vào cuộc sống riêng tư của anh chị.  Chỉ tại em thấy tội nghiệp cho anh quá.  Một con người trí thức, hoạt bát, giỏi dang, có cơ ngơi vững vàng ngay trên đường phố SG Hải Ngoại, được đồng hương nức tiếng khen ngợi bởi tấm lòng quảng đại, chơn chất, mà giờ phải nằm im re một chỗ cho các học trò đồng nghiệp của chính mình chửa trị…

-Cộng đồng có không ít người được thương yêu như anh ấy, cũng đã bị đột quỵ, cũng đã nằm “im re” một chỗ, em cũng đến phỏng vấn, hỏi tội gia đình người ta như vậy hay sao?

-Phải mà không phải thưa chị.  Phải là em có đến viếng thăm những gia đình ấy, còn không phải vì em chẳng có lý do gì để phỏng vấn ai nếu mọi chuyện bình thường.  Sự thăm viếng của mình đối với mọi hoàn cảnh khó khăn, mọi cuộc đời bi đát, chỉ là để biểu tỏ mối quan tâm mà thôi.  Hơn thế nữa, hai từ “phỏng vấn” tuy thông dụng, nhẹ hẫng nhẹ hâng, nhưng khi đụng chuyện lại nặng oằn, quan trọng lắm chị ơi.  Nếu không hợp tình hợp lý là bị phỏng tay và gặp vấn nạn ngay.

-Vậy sao em đem nghề nghiệp ra nhát chị chi vậy?

-Em đâu dám nhát chị.  Em chỉ…hùa theo chị, tưởng có thể nhận lại sự đồng cảm để tâm tình, chia sẻ cùng nhau.  Phần khác, bởi anh không có bịnh trạng gì nghiêm trọng trước đây.  Mặc dù đã cao tuổi, anh vẫn sinh hoạt bình thường cho đến giây phút ấy.  Ngày trước, em vẫn nghe hoài các từ “mở đường máu” của các phóng viên chiến trường khi tường thuật những trận đánh nhau khốc liệt với đám “người thân khác họ” miền Bắc.  Không ngờ giờ đây, ba từ ấy lại được lạm dụng hàng ngày cho các bác cao niên…cao mỡ-cao đường-cao máu.  Anh mình khá may mắn, không còn trách nhiệm phải mở đường cho ai đi trên những bước quân hành nữa, nhưng sao máu lại sục sôi cao ngất từng trời đến độ phải đột quỵ như vậy.  Ý quên, em xin lỗi, trời sập lâu rồi còn ngất ngưởng nỗi gì…

Chị Linh Lan mím môi cười nửa nụ, nhìn Lưu Ly với ánh mắt lim dim như đang say ngắm cảnh biển chiều yên ắng, và Lưu Ly biết mình nên nói lời gì tiếp theo:

-Thôi chị vào với anh.  Em còn chút việc quan trọng cần hoàn tất trước khi trời tối.

 

Hai chị em, người ra người vào hành lang bịnh viện.  Vừa ngồi yên sau tay lái, trí tưởng Lưu Ly lại xoay dần với niềm tâm tư u ẩn của người anh rể.  Tin tức về “đối tượng” không mấy khả quan, đại để là cựu giáo sư của viện Văn Hóa Pháp năm 1962, thông thạo nhiều ngoại ngữ, sau về dạy tại ngôi trường nữ X.   Xa quê hương, không biết “nàng” sống nơi nào trên toàn cõi ta bà.  Kiểu tóc và nhan sắc giông giống Silvie Vartan thời tuổi trẻ, bây giờ cũng chẳng biết ra sao.  Tin tức gì như đi trong đêm ba mươi giữa trời giông bão, nhưng Lưu Ly tự hứa sẽ bắt tay vào việc tìm kiếm người bạn cũ cho anh.   Cố gắng tận đáy lòng chắc sẽ thành công.  Chỉ hy vọng đây không phải là “tìm em như thể tìm chim, chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam”…

 

Nhớ về một tối thứ bảy thuở nào, khoảng lưng chừng Hạ sớm, cùng thời anh lâm trọng bịnh, bên trong nhà hàng Hoàng Gia trên đại lộ chính của thủ đô Saigon Hải Ngoại, đã diễn ra khung cảnh êm đềm, nho nhã của các nàng “cụ học sinh” trường X.  Dường như việc tiếp đón quý cựu GS đã trở thành truyền thống, nên cứ vài ba tháng một lần, hoặc mỗi khi có các thầy cô từ những tiểu bang xa đến viếng Nam Cali, hoặc ở ngoại quốc về thăm nước Mỹ, BQT cựu học sinh của ngôi trường hiếu học này đều mời thầy cô cũ của mình đến các nhà hàng khang trang yên ắng để họp mặt cùng nhau.   Nhà hàng Hoàng Gia vừa đẹp, vừa đủ lớn nên không khí đêm ấy không những trang trọng mà lại còn đậm đà ấm áp.  Cả thầy lẫn trò đều tươi vui thoải mái, thật thà chia sẻ tâm tư với muôn trùng kỷ niệm, ấp ủ từ thuở thủ đô Sài-Gòn  còn bị giới nghiêm mỗi tối đêm về:

-Linh Lan, nhớ xưa mỗi lần đến giờ tân hay cổ văn em đều bị phạt vì không làm kịp bài tập, nhưng em lại là học trò cưng của cô K. Loan, GS Anh Văn.  Chị L. ơi, cô học trò của chị vẫn xuất sắc về mọi phương diện.  Nhìn em ấy kìa, đã làm bà mà dáng dấp vẫn như thời của mỹ miều thắm tươi hoa Phượng.

Cô KL tỏ rõ sự vui mừng, vỗ nhẹ lên đôi bàn tay trắng mịn của Linh Lan đang e ấp kế bên mình, khe khẽ thốt lời:

-Thật không thể nào hình dung được để thẩm định ngày đầu tiên, khi quân dân miền Nam đánh rớt quê nhà xuống đáy vực có bao nhiêu thời khắc, phải không em? Chắc hẳn, ngày ấy cũng chỉ ẩn chứa 24 giờ giữa đất trời, không hơn không kém.  Cái lạ là sao “nó” cứ kéo dài ra mãi mãi.  Như ngay lúc này đây, vẫn hiển hiện đủ đầy quá khứ trong lòng mọi người.  Dòng lịch sử tang thương của đất nước tuy lạnh lùng thầm trôi, nhưng không hề mai một.  Ngấp nghé trên bốn mươi mùa xa xứ trôi qua, Linh Lan, cô rất vui được gặp lại em hôm nay, lần đầu tiên tại Nam CA.  Em là một trong những học trò “hoa khôi” của cô, vậy mà cô đã không hề được dự đám cưới của em.  Bây giờ còn đang là mùa Hè.  Hạ về mang theo ngàn lọn gió ấm áp nồng nàn, khiến tóc lang thang bay tứ phương, với những lời hát trải dài trên quãng đường mất dần quá khứ, nhưng càng nghe, lại càng cảm thấy bùi ngùi, gần gủi với Hạ xưa.  Cô còn nói thêm nhiều điều gì đó có vẻ khác thường, nhưng giọng cô nhỏ lại, trùng xuống như chỉ muốn một mình học trò cưng của cô nghe và hiểu.  Bất ngờ cô ngưng ngang giữa những giọt vắn giọt dài của chị Linh Lan, hòa chung cùng cung bậc bổng trầm của bài hát nào vừa mới được bắt đầu, như trách như hờn “ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu…”.

Lưu Ly thật sự ngạc nhiên.  Hóa ra, ngoài tình cô trò, cô KL và chị Linh Lan còn xem nhau như hai người bạn.  Đây là lần đầu tiên cô về Cali.  Không biết sau khi ra hải ngoại, từ lúc lập gia đình với anh đến bây giờ, có khi nào chị Linh Lan điện thoại qua Tây thăm cô hay không?

Thành phố càng về khuya càng tĩnh lặng, lạnh lùng và dửng dưng như bất cần mọi thứ đang chơi vơi lạc loài trong nó.  Dường như lúc nào phố xá cũng sẳn sàng đón nhận tất cả những gì đã được tạo hóa áp đặt, không cần bày tỏ, bởi có sum họp ắt sẽ có ly tan, có tương phùng làm sao tránh khỏi phút giây từ biệt…  Niềm vui và nỗi buồn, dù muốn dù không cũng phải đối diện một lần trong cuộc sống tình cảm của mỗi kiếp người.  Do vậy, tiệc vui đêm ấy rồi cũng lụn tàn theo những nốt nhỏ dần của bài hát cuối.  Thầy trò lưu luyến, hò hẹn sẽ gặp lại ở lần sau, lần sau nữa.  Nhưng, biết có lần nào sẽ đến đủ đầy như đêm nay trong tương lai hay không? Bởi tất cả thầy cô bây giờ, ngoại trừ một vài vị, còn lại đều ngất ngưỡng cửa đời “thượng thọ” chớ ít gì.

 

Trong suốt buổi tiệc vừa tàn, Lưu Ly đã tận dụng sự cố gắng và cố ý thăm hỏi xa gần các vị GS cũ của mình, xem có GS nào biết “người xưa” được mệnh danh là “Silvie Vartan” của trường đang hiện diện.  Các thầy cô đều yên ắng lắc đầu.  Tháng lụn năm tàn, có hàng triệu điều đổi thay, làm phôi phai phần nào kiểu dáng “yêu kiều sang trọng” của tất cả thầy cô, tất cả học trò…  Nhìn thầy lau kính cận, nhìn cô tóc thay màu, lòng Lưu Ly xuyến xao bất tận.   Ở từng cốt cách kính yêu nơi các vị GS này, làm sao tìm ra đúng một SV cho người anh rể?

Thời gian trôi.  Thời gian trôi nhanh.  Thời gian dường như trôi quá nhanh khi bịnh tình của anh chẳng hề thuyên giảm.   Mặc dù không còn nằm trong bịnh viện, nhưng anh phải chuyển qua trung tâm hồi sức để tịnh dưỡng.  Có thể lúc này, hình bóng người xưa luôn bao trùm lên từng cơn chợp mắt, từng giấc ngủ nửa vời...  Mỗi ngày, dù bận rộn đến đâu, Lưu Ly cũng cố gắng đến thăm anh một lần.  Song song với sự quan tâm chăm sóc, Lưu Ly còn cố gắng nhín chút thời gian truy tìm người ấy cho anh.  Đôi lúc Lưu Ly cũng thắc mắc về tình cảm giữa anh và chị như thế nào, khi giữa nhau luôn có hình bóng của người thứ ba hiện hữu?

 

Cho đến một ngày, cô T, GS việt văn của Lưu Ly gọi sang từ nước Pháp, cho số điện thoại của một người mà cô nghĩ rằng có thể là SV.  Nghe giọng cô sảng khoái và tươi vui như chính cô vừa tìm được người thân tâm đắc, Lưu Ly vô cùng cảm kích, vội vã cầm số điện thoại vào dưỡng đường thăm anh.  Lưu Ly lạm dụng cơ hội này, xin phép cô y tá đẩy anh ra ngoài hành lang phơi nắng…  Sau một hồi bấm số, nối kết đường giây viễn liên, Lưu Ly nói với anh:

-Anh trò chuyện với chị ấy nhen, em bước vào trong lấy nước.

Chưa đầy năm phút sau, Lưu Ly trở lại.  Cuộc điện đàm đã dứt.

Anh im lìm như đang sống trong cõi khác, in hằn đường nét dở dang, phơi bày khá rõ niềm thất vọng chán chường, như người họa sĩ không mấy hài lòng về tiểu phẩm của mình.

-Sao vậy anh? Chị ấy đã quên giọng nói của anh rồi hay sao?

-Anh không biết, vì có lẽ không phải chị ấy.

Anh nhìn tàng cây lung linh trước mặt, khe khẻ thở dài:

-Em cho anh về phòng.  Có ai ngờ, cuộc đời mênh mong như vậy mà ngõ cùng luôn ở phía trước con đường anh đi.

Lưu Ly đứng lại nhìn anh không chớp mắt:

-Đừng tuyệt vọng anh.  Chỉ mới bắt đầu thôi mà…  Nhưng, sao anh nói giông giống khúc Đoạn Tuyệt của nhạc sĩ Thái Thịnh quá vậy?

-Lời nhạc ấy như thế nào, anh chưa hề nghe qua.

-Sời ơi! Lúc nào anh cũng chỉ nghe nhạc như sóng dập dồn…vời vợi có hơi biển cả mênh mông, có chim hải âu và hoa sóng, làm sao nghe được Thái Thịnh đã vọng tiếng từ phía bờ bên kia cho được.

-Em phá anh hoài.  Đâu nói nghe thử.

-“Đường tình ta đi, là đi vào biệt ly”…

 

Thế rồi, không lâu sau đó, anh âm thầm nhắm mắt xuôi tay, bỏ luôn mơ ước tìm gặp người xưa, đẹp tuyệt vời trong lòng anh như huyền thoại, vĩnh viễn đi vào ly biệt, vào khoảng không gian xám màu cuối năm 2019.  Đông phong chỉ mới hắt hiu mà ray rức khôn cùng, bao trùm ngôi nhà Linh Lan quả phụ.  Trong cách diễn đạt tâm tư, hình như lúc này, lúc mà lòng người đang chập chùng trong băng giá, ngôn ngữ Việt Nam không còn cách dùng nào khác cho đỡ phủ phàng, buồn tủi.  Sự hiện hữu của anh “trong vòm trời này” vẫn còn in hằn thật rõ nét, chứng tích của chuỗi ngày dài đấu tranh đòi tự do, đòi quyền sống tốt hơn cho người đồng chủng tộc.  Giọng nói anh thật trầm ấm, thật êm đềm, tuy thoảng nhẹ nhưng ngọt ngào như mưa dầm thấm đẫm tình tự quê hương, hòa trong sự nhẫn nhục để chấp nhận nghịch cảnh.  Anh đã vĩnh viễn xa rời cuộc sống của riêng anh, xa luôn những tranh chấp, những bất công mất mát, bỏ lại nhóm bạn dấu yêu của quãng đời quá khứ, quá nồng nàn.  Hởi anh, người anh cả, người bạn đường tranh đấu, đất nước sẽ ôm lấy hình hài anh đưa về nguồn cội, về cùng Việt Tộc mà hằng ngày anh nhắc đi nhắc lại luân hồi trong lúc đấu tranh.  Nơi đó, có các chiến sĩ và những người cùng chung chí hướng đang dang tay chờ đợi…  [xin phép mượn một vài ý trong bài hát “Cho Một Người Nằm Xuống”.

Lưu Ly tuy là em vợ, nhưng tự thuở nào đã coi anh như người anh ruột.  Hơn thế nữa, còn coi anh như người bạn vong niên trên con đường tìm kiếm tự do, yêu thương anh như yêu những người chiến sĩ đã cầm súng lăn xả vào trận địa, vào đường hành quân không hứa hẹn ngày về.   Lưu Ly biết anh có khá nhiều niềm riêng chôn dấu bên cạnh nỗi đau oằn oại bởi quê hương điêu tàn.   Cầu mong anh đừng như Trương Chi với mối tình ôm xuống Tuyền Đài chưa tan…

 

Năm nay là giổ đầu của anh.  Lưu Ly thầm nghĩ, có thể đây sẽ là mùa Đông lạ lùng nhất trong quãng đời còn lại của hai chị em nàng.  Bởi ngay sáng ngày hai mươi mốt tháng mười hai, trên tấm lịch để bàn ghi rõ: “Winter begins”.  Mùa Đông mới với bầu không khí bừng bừng sốt nóng của cơn đại dịch lây lan không ngừng nghỉ.  Nào ai muốn lìa nhau, nhưng nghĩ cho cùng, anh thật có phước phần, được bay vào cõi mênh mong ở thời điểm này năm trước, thời điểm mà hầu như tất cả những người anh quen biết đều có thể đến để đưa anh về với quê hương.  Nhìn vào cao xanh lung linh ánh dương, Lưu Ly âm thầm khẩn cầu những quyền uy tối thượng trên chín từng mây xám, nếu có, hãy mở lượng từ bi, ban thêm phước lành xuống cõi thế gian đầy biến động.

Mùa Đông này cũng là mùa đầu năm trong lòng dân Việt, âm thầm chúc mừng nhau.  Hoa Xuân rất khó mãn khai trọn vẹn vì thiếu vài vệt nắng vàng hanh nồng ấm yêu thương rực rỡ tận quê nhà.  Cây Mai yêu quý của Lưu Ly cũng thế, hứng như hứng hoa, vậy mà năm nào cũng đợi chui ra ngoài mùng…hoa mới nở. (chắc tại Lưu Ly không biết lặt lá Mai như ông bà mình truyền khẩu).

 

Một hôm, sau giờ cơm tối, thấy phòng Linh Lan chỉ khép hờ, đèn sáng choang khác thường, Lưu Ly nhẹ nhàn đưa tay đẩy cửa:

-Chị chưa ngủ sao? Em vào được không?

Nào ngờ, có lẽ Linh Lan đang thả hồn vào mộng nên bị giật mình, đánh rơi chiếc hộp đang cầm trên tay xuống thảm.  Nhìn từng xấp hình vun vãi đó đây, Lưu Ly vội vàng lên tiếng:

-Em xin lỗi đã làm chị giật mình, để em lượm xếp lại tươm tất cho chị.

Nhưng nụ cười mỉm hiếm hoi đã nở vội vàng trên môi Linh Lan:

-Không có gì.  Chị đang vọng tưởng về những ngày đã qua.  Không lâu nữa sẽ đến giổ đầu của anh, chị định chọn cho anh một tấm hình khác, đẹp hơn để họa lớn.  Em nghĩ có nên không?

Lưu Ly ngồi xuống thảm, cẩn trọng thu nhặt những tấm hình vàng úa màu thời gian…  Mấy mươi năm rồi còn gì.  Lưu Ly vẫn biết chị mình luôn luôn ôm giữ chiếc hộp dấu yêu này từ lúc lên thuyền xa rời tổ quốc.  Chị bảo trong ấy chứa đựng toàn những vật kỷ niệm rất xưa, rất quý.  Ngày vượt biên, ngoài mấy bộ áo quần giản dị, chị coi chiếc hộp là “tài sản” của riêng mình.  Nhờ thế, Lưu Ly mới có chỗ đem nắm đất quê nhà nơi bến từ ly ở Sóc Trăng, gửi chị cất giùm trong hộp ấy.

 

Từng tấm, từng tấm hình được lượm lên, xếp lại gọn gàng tươm tất.  Bỗng, Lưu Ly nhặt vội một tấm khá lạ lẫm, màu vàng úa, nhỏ xíu cở 4x6 lên hỏi chị:

-Hình của Silvie Vartan phải không chị?

-Của giáo sư mình chớ Silvie gì lại có thể nằm trong chiếc hộp quý này.  Em không nhận ra cô KL sao?

-Cô KL nào?

-Cô KL của trường chúng ta, trường X chớ trường nào?

-Chị không đùa với em chớ?  Đó, dường như là hình của nữ tài tử Pháp Silvie Vartan mà?

-Đùa với em để được gì? Chỉ là bức hình lúc cô ấy còn đi học.  Thuở nhỏ, cô ấy trắng trẻo giống như lai tây, nên khá giống Silvie.  Chị may mắn quen cô ấy trước khi cô ấy trở thành giáo sư Anh Văn của trường X…

 

Trời mưa rỉ rả đã mấy ngày nay, chưa biết bao giờ mới qua đuôi cơn bão.  Bảy giờ ba mươi sáng, đôi mắt ông Thiên vẫn tiếp tục rưng rưng bên ngoài song cửa, khiến bầu không gian u ám, ảm đạm càng thêm lạnh lẽo, thê lương.   Siêu nước trên bếp đang âm ỉ bảo hòa cung điệu ấm nồng của một ngày mới nhú.   Lưu Ly đi tới đi lui, cẩn thận sửa soạn ly cà phê đầu ngày cho  chính mình, như thường lệ.  

Bức hình cô KL trong hộp “gia sản” của chị Linh Lan, mấy ngày nay đã gây nhiều sóng gió trong lòng Lưu Ly.  Đúng là “vô duyên đối diện bất tương phùng”.   Làm sao ngờ được, cô ấy chính là “Silvie Vartan” của ngôi trường X mà anh hằng tơ tưởng đến?   Làm sao, làm sao có thể như thế chứ?  Hèn chi lúc Lưu Ly đến hỏi thăm cô, cô đã nhìn Lưu Ly thật lâu nhưng không trả lời, và bắt sang chuyện khác:

-Hai chị em của Linh Lan dễ thương lắm, lúc nào có dịp, sang Pháp nhớ ghé cô.

 

 Đêm ấy, Lưu Ly bị bất ngờ, nhưng cũng lờ mờ hiểu ra mọi chuyện:

-Chị Linh Lan, bây giờ anh đã không còn, có thể nào, chị thẳng thắn trả lời câu hỏi lúc trước của em không?

-Em lại muốn phỏng vấn, lại muốn gây hấn với chị sao?

-Không phải gây hấn.  Em chỉ muốn đem lại sự công bằng cho người đã khuất.  Chị có là…phân nửa nguyên nhân của cơn đột quỵ của anh không?

Linh Lan, một lần nữa không thèm trả lời câu hỏi của Lưu Ly.  Bất chợt, Lưu Ly thầm nghĩ, lúc này, có còn cần thiết để nghe rốt ráo về nguyên nhân của một cơn đột quỵ?

-Anh ơi, như vậy là đời anh có đến hai mối tình lớn phải không?  Chắc là không phải, chỉ một thôi, còn tình với chị của em chỉ là “tình nghĩa”.   Anh gặp chị em sau nên không thể so bì với mối tình đầu… ôm xuống tuyền đài chưa tan.  Mối tình con nít với cô “Silvie Vartan” Kim L. đã ở trong đáy tim anh cho đến lúc sau cùng, để âm “thầm chào nhau thôi, rồi vĩnh biệt người ơi” Đúng là, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”.   Lưu Ly rất muốn biết chuyện gì đã xảy ra giữa ba người họ.   Tại sao anh để lạc mất Silvie?  Có phải chị Linh Lan đã cào rào, cằn nhằn khi bất ngờ biết về tâm sự của anh?!  Bí mật này ngàn năm sau chắc không hề bậc mí vì người đã không còn.

 

Nhưng sự thay đổi của giáo sư KL nhiều quá, nhiều đến nỗi cô đã ngồi trước mặt Lưu Ly trong buổi tiệc của trường thuở nào mà nàng không thể nhận ra.  Làm sao ngờ được khi cô từ Pháp sang, tóc cô bới cao sang cả mặc dù da cô nam nám vì tuổi tác.  Phái nữ, theo dòng chảy của thời gian, nhan sắc dễ bị mòn hao bởi môi trường sống, thêm chuyện lo lắng cho gia đình, xã hội, và vì còn phải cố gắng để hoàn thiện lý tưởng của riêng mình.   Lần gặp ấy cô cũng rất tế nhị, không tỏ lộ bất cứ cử chỉ nào khác thường khi Lưu Ly ân cần ngỏ lời thăm hỏi đến “biệt danh Silvie” của người xưa.

 

Bước dài theo mé biển, Lưu Ly lặng ngắm những lọn sóng liên hoàn hợp tan-tan hợp, lòng ngẫn ngơ tiếc nuối về cách hành xử của chị mình.   Nàng cảm thấy bối rối vì lý lẽ của con tim rắc rối quá, ảnh hưởng nặng nề đến tâm hồn, đến cuộc sống của người anh rể, tiềm ẩn sự thất vọng khá bi thương cho một kiếp người. 

Dõi tìm nhánh rong lạc bầy vừa uốn mình trườn theo triền sóng, Lưu Ly thầm nghĩ:

-Có lẽ chị mình đã gặp phải vấn đề tế nhị nào đó trong cuộc hôn nhân mà chị từng tỏ ra hãnh diện và hạnh phúc.  Giữa vị GS thương quý và người bạn đời quý thương, chị phải làm sao mới đúng?  Nhẫm đếm từng dấu chân in hằn trên cát ướt, Lưu Ly mĩm cười thầm nhủ với người anh rể dấu yêu:

-Thôi, một lần nữa, “thầm chào nhau rồi vĩnh biệt” nghen anh.  Thiết nghĩ, anh không có cơ hội gặp lại thần tượng của mình ở giây phút cuối đời cũng tốt.  Hãy giữ nguyên hình ảnh một Silvie tươi trẻ cho mối tình đầu bất diệt thuở thiếu thời.

 

Nhất-Phương

No comments: