TÌNH MẸ
Đỗ Bình
Người xưa đã nói :«Nếu hỏi
điều kỳ diệu nhất trong thế giới này là gì, thì đó là trái tim của mẹ ». Mẹ là tiếng gọi đầu đời của trẻ thơ, là dòng sữa ngọt
nuôi nấng con thơ lúc chào đời dạy con bắt đầu học nói, hát ru con ngủ, chăm
sóc lúc con thức và tập cho con những bước đi đầu tiên. Người xưa còn nói:
«Thượng Đế không thể có mặt ở khắp mọi nơi nên ngài đã sinh ra các bà mẹ để
thay mặt ngài chăm sóc đàn con». Tình mẹ diệu vợi luôn luôn nồng ấm hòa nhập
với mạch sống hạnh phúc đau khổ của con. Lòng mẹ hân hoan sung sướng khi thấy con khôn lớn,
thành đạt trong xã hội, và sãn sàng chia sẻ những muộn phiền lo âu khi con gặp
những thất bại trên đường đời. Trong lịch sử Việt Nam những gương hy sinh của
mẹ cho con trong thời loạn và thời bình những chuyện đó nhiều vô kể. Tình mẹ
được thể hiện trong những tác phẩm văn học và nghệ thuật qua thi văn, âm nhạc,
điêu khắc, hội họa, điện ảnh, sân khấu... Người nghệ sĩ dù đã đem tài
năng, tim óc để diễn tả về khối tình
tuyệt vời đó nhưng vẫn không tả hết về tấm lòng cao cả bao la sâu thẳm của
người mẹ!
Hình ảnh người mẹ trong lãnh vực tôn giáo: Phật giáo có đức Quan Thế Âm được tôn
sùng dưới hình thức Mẹ. Thiên Chúa giáo có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria.
Trong kho tàng văn hóa Việt Nam những truyện cổ tích, ca dao, tranh họa, cải
lương, kịch..…viết về mẹ không nhiều
nhưng lại thắm tình dân gian nên lưu truyền đến ngày nay. Có người
ví: «Trái tim của người mẹ là một kỳ quan tuyệt hảo nhất trong số những kỳ
quan trong vũ trụ, và cũng là trường học cho đứa con ».
Nói về tình mẹ và đức tính hy sinh thì trên thế gian quả chẳng có bút mực nào
kể hết. Theo tiến trình thời gian kể từ thuở hồng hoang đến nay vạn vật đã có
nhiều sự biến mất và thay đổi nhưng tình mẹ thương con vẫn không hề biến dạng.
Vìệt Nam từ thời xa xưa cho tới hiện nay sự nghèo đói, thiên tai, chiến tranh,
chế độ hà khắc, quan liêu… vẫn triền miên đè nặng lên đôi vai những người dân
lam lũ, đó là những cái ách của dân tộc!
Miền Trung mảnh đất
nghèo cằn cỗi nằm dọc theo ven biển, quanh năm chịu đầy nắng gió và cát. Người dân
từ bao đời đã quen những cơn mưa trắng trời, những trận gió xoáy lốc, và nhhững
cơn bão lụt hãi hùng ! Có một năm quê miền
Trung bị thiên tai bão lụt nặng dòng nước tràn như biển cả ngập lên nhà và cuốn
đứa con đi, người mẹ nhìn thấy đã lao mình xuống dòng nước chảy thác lũ để cứu
đứa con đang bị cuốn trôi. Người mẹ một tay cố nâng cao đứa con một tay cố bơi
tìm chỗ bám, khi người mẹ bơi vào được bờ đứa con được cứu sống nhưng người mẹ
đã chết vì kiệt sức!
Ở thời chiến tranh xảy ra trên khắp quê hương Miền Nam do người Cộng Sản chủ
trương gây chiến đất nước bị tàn phá, quê hương mịt mù khói lửa đạn vì xảy ra
những cuộc giao tranh khốc liệt gười dân phải gồng gánh kéo nhau đi tản cư,
trong số đó có nhiều người mẹ tay ôm sát con thơ vào lòng như muốn che chắn lằn
đạn, tay dắt con nhỏ chạy đi lánh nạn. Sau năm 1975 trong chế độ xã hội chủ
nghĩa đất nước nghèo đói đời sống của người dân bị lệ thuộc vào tem phiếu,
nhiều bà mẹ thuộc diện chế độ cũ không được cấp phát tem phiếu mà tư trang đồ
đạc trong nhà đã bán hết chẳng còn gì để bán, vì mưu sinh cho gia đình nên phải
đi bán máu mình để lấy tiền nuôi con. Sự cơ cực nghèo đói đã đẩy con người vào
bước đường cùng, người mẹ nhìn thấy đàn con còn bé dại, rất cần tiền để sống
nên bà bất chấp bản thân mình đã đến nhà thương liên tục bán máu nhiều lần,
nhưng bị từ chối. Quá cần tiền nên bà lại đi chỗ khác bán, và cứ nhiều lần như
thế bà đã chết vì kiệt sức do mất quá nhiều máu!
Chẳng biết câu ca dao sau đây có từ bao
giờ đã diễn tả nỗi lòng người mẹ, bài ca dao thành bài hát ru tả bi kịch đời
nghe ray rứt, bùi ngùi mà âm còn vọng mãi hôm nay:
«Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi, mẹ dắt con đi.
Con thi trường học, mẹ thi trường đời. »
(Ca Dao Việt Nam)
Những tấm lòng cao vợi của người mẹ đâu phải lúc nào cũng được hưởng hạnh phúc,
đôi khi gặp những nghịch cảnh đau lòng:
«Gió đưa bụi chuối sau hè,
Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ.
Con thơ tay ẵm tay bồng,
Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.»
( Ca Dao Việt Nam )
Ở những trường hợp ấy
người mẹ đành nuốt nước mắt cắn răng chịu đựng nuôi con, hy vọng mai sau đàn
con sẽ chóng nên người hữu dụng. Nhưng đời có lắm nghịch cảnh cười ra nước mắt,
người đời thường bảo: «Nước mắt chảy xuôi, chứ nào chảy ngược!». Lúc các con
còn bé sống chung với cha mẹ nhưng đến khi lớn khôn thành đạt thì có cuộc sống
riêng và bắt đầu làm cha làm mẹ, và tình thương dành hết cho con nhưng lại quên
người đã sinh ra mình! Sự thờ ơ đó khiến cõi lòng người mẹ đau xót chỉ biết im
lặng vì sự hạnh phúc của các con. Trên môi người vẫn nở nụ cười cho các con an
tâm và cũng muốn che dấu một nỗi buồn sâu kín!:
«Mẹ
nuôi con bằng trời bằng bể,
Con nuôi mẹ con kẻ từng ngày!»
(Ca Dao Việt Nam )
Danh sĩ Lamartine đã
nói về mẹ:
«Hạnh phúc thay cho những người nào được thượng
đế ban tặng một hiền mẫu »
( Lamartine).
Nhà danh họa người Mỹ
Mary Cassat cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thuộc trường phái ấn tượng đã vẽ một bức
tranh sơn dầu mang chủ đề Tình Mẫu Tử là một trong những bức tranh gía trị của
thế giới. Tình mẹ không những bao la như biển trời thể hiện ở con người, mà
tình mẹ cao cả còn thể hiện ở loài cầm thú về lòng hy sinh cũng vô bờ bến.
Hình ảnh chim Bồ Nông (Pélican) trong thánh kinh đã kể rằng: «Vì không tìm được
mồi, sợ con đói, chim Bồ Nông đã tự rỉa thịt mình cho con ăn.» Thật là cao đẹp
thay cho tình mẹ! Ở động vật khác cũng có một loài nhện, khi con còn bé nhện mẹ
đi tìm thức ăn nuôi con, nhưng khi con lớn nhện mẹ không thể đi tìm mồi nên đã
nằm để cho nhện con ăn thân mình!
Nỗi lòng của người mẹ được giới nghệ sĩ trân trọng và đã diễn tả tâm tình qua
nhiều phong cách khác nhau, trong đó có
âm nhạc. Đây là bộ môn nghệ thuật dễ gây rung cảm lòng người qua giai điệu, tiết
tấu, ca từ. Những hình ảnh trong lời ca gợi cho người thưởng lãm hòa vào cõi âm
thanh đầy sắc màu để sống với giây phút riêng nhớ về một kỷ niệm của mình. Phải
chăng trong tâm hồn mỗi nhạc sĩ đều có chất thơ nên nhạc phẩm đã giao hưởng lời
thơ ý nhạc? Ở ngiữa thập niên 60 thế kỷ trước ca khúc Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân
làm ray rứt lòng người. Ca từ và giai điệu
quyện nhau kết thành một nghệ thuật, ca từ như một bài thơ diễn tả nỗi lòng tuyệt
vời của người mẹ, còn giai điệu là những nốt nhạc buồn làm thổn thức con tim
nên đã ghi dấu ấn muôn đời về tấm lòng tuyệt vời của người mẹ:
« Lòng
mẹ bao la như biển thái bình dạt dào, tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt
ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru trăng tà soi bóng mẹ
yêu….Thương con thao thức bao đêm trường, con đà yên giấc mẹ hiền sung sướng biết
bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn
khôn. Dù cho mưa gió không quản thân gầy mẹ hiền. Một sương hai nắng cho bạc
mái đầu buồn phiền. Ngày đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm. Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm
tháng triền miên.. »
(Lòng Mẹ)
Thời đất nước ở giai đoạn chống ngoại xâm, nhạc sĩ Nhị
Hà viết lên ca khúc Mẹ Tôi mà ca từ có lẫn những giọt nước mắt thấm vào hồn
người nghe như tiếng chuông vọng buồn từ cõi xa:
«Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày. Mẹ tôi
đau buồn nặng chĩu đôi vai, bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại, cầu mong con mình
có một ngày mai. Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn, Mẹ tôi mỉm cười nhìn
bóng con ngoan. Không than không phiền dù lâm hoạn nạn. Lòng mong con mình xứng
thành người dân…Nhưng nay con nên người, thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa! Chiều
nay đốt hương tưởng niệm trước mồ, Nhìn khói đau lòng tưởng nhớ năm xưa. Công
ơn sinh thành ngày nao đền trả. Mẹ ơi con mẹ nhớ lời mẹ khuyên. »
( Mẹ Tôi)
Mẹ là nguồn cảm hứng bất tận cho bao nghệ sĩ, trong
bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, Trầm Tử Thiên phổ nhạc :
« Ly khách! Ly khách!
Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!
…
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá
bay, »
( Tống Biệt Hành)
Trong Lá Thư Gửi Mẹ của Thái Thủy được Nguyễn Hiền phổ
nhạc:
« Mẹ ơi thôi đừng khóc
nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi say tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương
…
(Lá Thư Gửi Mẹ)
Trong nhạc phẩm Bông Hồng Cài Áo của Pham Thế Mỹ
rất nổi tiếng dễ gây xúc động người nghe.
Hình ảnh người mẹ được gắn liền với sự thăng trầm của
đất nước. Người nghệ sĩ đã nhân cách hóa người mẹ với quê hương để ca ngợi những
đức tính nhẫn nại, hy sinh và sự gian khổ. Trong thời chống ngoại xâm không một
ai không bị ảnh hưởng của ly loạn, thân phận người đàn bà có lẽ chịu nhiều thiệt
thòi, đắng cay nghiệt ngã nhất! Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lên ca khúc Bà Mẹ Gio
Linh, bài ca mang tính biểu tượng, một biểu tượng đẹp về bà mẹ Việt Nam chống
ngoại xâm:
«Mẹ gìa cuốc đất trồng khoai, nuôi con đánh
giặc đêm ngày. Dù cho áo rách sờn vai, cơm ăn bát vơi bát đầy.. ”
(Bà Mẹ gio Linh)
Thời kỳ đất nước mịt mù khói lửa đạn bom vì cuộc chiến
Quốc Cộng, nhạc sĩ Lam Phương đã xúc cảm
viết lên ca khúc như tiếng ru buồn diễn tả nỗi lòng cô quạnh của thiếu phụ chờ chồng và tấm lòng của người
mẹ trong thời chiến:
« Đêm khuya rồi à ơi. ...con yên ngủ.
Trăng xa vời đèn gầy nào soi kiếp người. Mái tranh nghèo lạnh lùng hắt gío
sương rơi, được nhìn con thân mẹ dường ấm cuộc đời. Hận loạn thù tình cha dứt
bước ra đi, tháng năm qua thôn nghèo chờ mối duyên quê. Rồi một ngày người người
lừng chiến công về, mừng thầm mẹ hỏi tin cha, ngờ đâu bóng đã khuất xa!»
(Tình Mẹ)
Chiến tranh nào mà không gây máu lửa phân ly, những nỗi buồn chất thành
núi. Làm sao đếm hết được những giọt nước mắt của mẹ già, con dại hay vợ hiền?
Nhưng có lẽ sự thống khổ của người mẹ là tột độ! Thời ấy xuất hiện một nhạc sĩ
với dòng nhạc phản chiến, những ca khúc phẫn nộ như muốn nói lên nỗi niềm của
thân phận làm người trong một đất nước chiến tranh. Quả thật chiến tranh đã
gieo vào tâm hồn Trịnh Công Sơn một ấn tượng mạnh khiến dòng cảm xúc tột độ nên
ông viết được những tác phẩm làm xao xuyến lòng người. Tuyển tập Ca Khúc Da
Vàng, trong ca khúc có những câu:
«Mẹ
gìa lên núi tìm xương con mình…Mẹ ngồi ru con nước mắt nhục nhằn, xót xa đời
mình…Thôi ngủ yên đi con, ngủ đời yên đi con che dấu thân đau rã mòn…».
Giai điệu và ca từ sâu lắng đó réo rắc trầm bổng như tiếng kinh gọi hồn nghe ai
oán bi thương đến rợn người, làm xói mòn tâm thức của những người trai cùng thế
hệ đang cầm súng làm nhiệm vụ bảo vệ sự tự do quê hương! Người ta tự hỏi có nên
trách người nghệ sĩ sáng tác về những nỗi buồn chiến tranh? Làm sao cấm được
dòng cảm xúc của người nghệ sĩ? Thế nhưng sau cuộc chiến, trước những thực trạng
quá đen tối của đất nước, rất tiếc người nhạc sĩ phản chiến ấy đã không đi hết
hành trình của tâm thức nghệ sĩ để nói lên nỗi thống khổ của dân tộc dù người
nghệ sĩ đó ở phía nào, hay nhìn một góc độ nào. Những bi kịch ấy dưới ngòi bút
tài hoa có thể viết lên những tác phẩm để đời mang dấu ấn thế kỷ; Tiếc thay nét
nhạc tài hoa ấy bị nỗi sợ hãi làm nhòe!
Chiến tranh đã qua nhưng niềm đau của đất nước vẫn còn! Minh Đạo người nhạc sĩ
có thời làm cựu thẩm phán đã chẳng than trách và đổ thừa cho ai khi thế sự đã
thay đổi, mà chỉ ngậm ngùi cho những năm tháng tù đày và cuộc đời phiêu bạt. Nhớ
mẹ Minh Đạo đã mượn nốt nhạc để giải nỗi sầu như một lời tạ tội với mẹ:
«Trong hương khói
bay bay,trong đôi mắt cay cay trên bàn hương khói tỏa con nghe mẹ thở dài. Hôm
nay ngày giỗ mẹ, nhớ từ thuở ấu thơ cha đã không còn nữa, mẹ con cùng bơ vơ. Dắt
díu nhau từ đó, mẹ nuôi con từng ngày, mỗi ngày một tóc bạc mỗi ngày một chua
cay!Những miếng cơm nước mắt, những tủi nhục kiếp người. Mẹ nửa con một nửa
cùng chia bớt dòng đời. Hôm nay ngày giỗ mẹ, con nhìn lên trời cao bây giờ mẹ
trên ấy, mấy gió ngàn năm bay. Đời con giờ phiêu bạt, bạc đầu vẫn trắgng tay.
Cúi đầu xin lỗi mẹ, con nghe mẹ thở dài!»
Trong dòng thi ca Việt Nam từ xưa đến nay những bài thơ
nói về mẹ thể hiện một sắc thái độc đáo, đặc sắc mang dấu ấn riêng không nhiều.
Tùy theo tâm trạng, hoàn cảnh của từng nhà thơ nên cảm xúc diễn đạt bài thơ tuy
có khác nhau về nội dung và hình thức, nhưng vẫn có điểm chung là giữ được tính
chất: Chân và Thiện về người Mẹ. Bước vào cõi thơ là để lắng nghe tiếng lòng thỏ
thẻ của thi nhân, tùy theo tâm cảnh mỗi nhà thơ hòa nhập với ngoại cảnh. Danh
sĩ Tản Đà đã trải tấm lòng để diễn tả nỗi lòng người mẹ qua lời ru trìu mến
trong đêm khuya thanh vắng:
« Con ơi con ngủ đêm tàn,
Một hai giấc điệp muôn vàn tình thâm.»
Hình ảnh người mẹ hiền
là chất liệu tạo cảm xúc trong thơ của Nguyễn Hữu Nhật. Nhà thơ đã tả lại khung
cảnh gia đình:
«Mẹ ngồi tụng kinh Liên Hoa
Làm thơm suốt cả dãy nhà ba gian.
Mình con ngủ gật cạnh bàn,
Bài chưa thuộc hẳn, mộng toàn hoa sen. »
(Thơ Hoa Sen)
Lời ru, tiếng hát của mẹ vang vọng đêm
khuya, những buổi trưa hè những chiều nắng tắt, tthanh âm lời ru ngọt ngào dỗ
con vào giấc ngủ. Một khoảng không gian như ngừng lại chỉ còn tiếng ngân trầm bổng,
quen thuộc đầy trìu mến. Lời ru tiếng hát của mẹ đã thấm vào hồn con, ẩn trong tiềm thức và hiện trong giấc mơ, đó
là món qùa thiêng liêng vỗ về tinh thần ta suốt cuộc đời. Nhà thơ Mạc Phương
Đình đã viết lên vần thơ về lời ru đó:
«Nửa khuya giọng hát nhà ai
âm ba tiếng Mẹ ru dài phố đêm
lời ru khi nổi khi chìm
mang mang hoài niệm cho tim bồi hồi.
Ta thầm gọi nhỏ: Mẹ ơi !
tháng ngày thơ ấu đẫm lời Mẹ ru
nghe trong tiềm thức sa mù
giọng xuân đầm ấm, giọng thu dịu dàng
trưa hè giọng Mẹ nhặt khoan
đêm đông lời Mẹ như than lửa hồng…
Một đời thân Mẹ long đong
lời ru vẫn mãi thanh trong ngọt ngào
lời ru như giấc chiêm bao
chắp con đôi cánh bay vào tương lai…»
(Lời Ru Của Mẹ)
Nhà thơ Phan thị Ngôn Ngữ nhớ mẹ đã xúc cảm
qua bài: Niềm Thương, bài thơ diễn tả nỗi nhớ, niềm thương về sự cô đơn của mẹ.
Nhà thơ hình dung dáng mẹ với nỗi lòng héo hon mong ngóng đứa con xa cách. Câu
thơ:«Mong con về ấm lại chiếu giường xưa…», tấm lòng của người mẹ thương con diệu vợi, bà đã chắt chiu
giữ lại từng kỷ niệm của người con yêu dấu, và nhà thơ lòng cũng xót xa muốn trở
về mái nhà xưa tìm lại hơi ấm, bên mẹ hiền.
«Thương mái nhà tường xiêu vách lệch,
Dăm đám lục bình tim tím phủ ao nông.
Mùa đông cắt da, mùa hạ ói nồng,
Thương mẹ già nua mỏi mòn mắt đỏ.
Mong con về ấm lại chiếu giường xưa.
Tuổi lắt lay như chiếc lá cuối mùa
Đêm trở gió một đèn khuya đối bóng.. »
(Niềm Thương)
Nhà thơ Ý Nga bày tỏ nỗi lòng về mẹ qua bài thơ:
“Quê mùa, mộc mạc mẹ hiền
Nuôi con vui sướng, muộn phiền mẹ riêng
Thương thay là phận thuyền quyên
Một đời tần tảo, một duyên, vô phần.
Thật thà, chân chất vô vàn
Mẹ đi chân đất cho con dặm ngàn.“
(Chân Đất)
Nhà thơ Tô Giang gởi
chút tâm sự qua bài thơ ca ngợi đức tính hy sinh của người mẹ:
«Thuở con mới chào đời,
Mẹ tuổi trăng mười tám…
Tóc xanh mẹ góa chồng
Tháng năm dài còm cõi
Mẹ con sống âm thầm
Mái tranh nghèo dột nát,
Gío lùa những đêm đông..»
(Kiếp Mẹ)
Nhà thơ Nguyễn Ngu Í
đã phác họa chân dung người mẹ bằng những giọt lệ từ nhịp đập con tim mình qua
bài:
«Con nhìn má, má gầy nhiều, má hỡi,
Xương, gân này rõ rệt ở tay chân,
Má, lại đây, má, cho con má nhìn gần,
Coi tóc má bạc nhiều hay ít… »
(Má)
Sau chiến cuộc, người mẹ Việt Nam lại một lần nữa khóc cho số phận của đất nước
khi nhìn thấy quê hương biến thành những trại tù đày ! Mặc dù đất nước
không còn chia cắt bến bờ nhưng bạo lực và tội ác lan tràn, người người đành phải
bỏ nước ra đi xa lánh bao quyền đánh đổi sinh mạng vượt biển để đi tìm tự do.
Những người ở lại sống trong hoàn cảnh nghèo đói khốn cùng, biết bao bà mẹ dầy
nước mắt tiễn con đi lưu đày! Nhà thơ Phương Triều xúc cảm làm vần thơ để diễn
tả nỗi lòng của người mẹ. May mắn cho nhà thơ ngày ra tù vẫn còn gặp được mẹ,
và nay ông đã cùng mẹ về cõi vĩnh hằng!:
«
Mẹ gìa tóc bạc hơn sương
Hái cho con trái quýt đường đầu năm
Bà con giòng họ hỏi thăm
Rằng con luân lạc mấy năm lưu đầy?
Núi cao, biển thẳm, sông dài
Những thân tù rạc biết ngày về chưa?
Mẹ ơi, chiều nay không mưa
Sao nghe ướt mặt như vừa tiễn ai!
Con về xơ xác hình hài
Mẹ không khóc được như ngày cách xa!
Mẹ tôi nay đã quá già
Nước mắt đã cạn, xót xa lại đầy!... »
(Đã Cạn)
Người ta cứ tưởng đến tuổi già là được an nghỉ, nhưng sau chiến tranh trong chế
độ tem phiếu đời sống kinh tế khó khăn tuổi già lại càng cơ cực hơn. Những bà mẹ
Việt Nam đã cơ cực lại phải chắt chiu để có thể nuôi những đứa con trong tù.
Nhà thơ Song Nhị nhớ mẹ mà lòng đau xót, trong tù đã mượn vần thơ như một lời tạ
lỗi với mẹ:
« Ngoài bảy mươi chưa hết nỗi đoạn trường,
Đau thương chất lên tuổi gìa sức yếu. ..
Mẹ chắt chiu dành dụm trong tay
Từng đồng bạc để nuôi con cải tạo.
Con ngồi trong bốn bức tường trân tráo
Từng đêm dài tiếng mẹ vọng yêu thương. …»
(Bài viết về Mẹ)
Bài ca dao dưới đâyđược nhiều nhạc sĩ lấy ý, có bài phổ theo thể ngũ
cung âm hưởng điệu Tứ Đại Oán nghe não nề. Giai điệu buồn vọng thấm vào hồn người
về thân phận mong manh con người!:
«Mẹ già như chuối chín cây,
Gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi. »
(Ca Dao Việt Nam)
Nghịch cảnh đất nước làm đau lòng người. Nhà thơ Tùy Anh sau nhiều năm
tù đày, nay làm kiếp lưu vong đã viết những lời thơ thống hối tạ lỗi với mẹ:
“Trắng tay tự thuở vào đời
Cũng hoàn tay trắng khi rời thế gian.
Mẹ ơi, biền biệt non ngàn
Giờ thương khóc mẹ muôn vàn xót xa. »
( Khóc Mẹ)
Nhà thơ Nguyễn Phan
Ngọc An đã khóc mẹ qua bài thơ:
« Đêm nay giữa chốn phồn hoa,
Có hồn thơ nhỏ chan hòa giọt châu.
Trắng đêm thao thức vì đâu,
Năm canh đối mộng vương sầu biệt ly.
Mẹ đành bỏ trẻ ra đi
Hồn nương theo gió mẹ đi không về.
Sương khuya bàng bạc sơn khê,
Hồn đơn vất vưởng ủ ê trăm chiều.
Sống đời một kiếp cô liêu,
Mẹ buồn mẹ khóc bao điều thở than…
….
Mẹ ơi, giòng lệ con trào,
Thương con thương mẹ ruột đau chín chiều.
Giọt châu khóc mẹ đã nhiều,
Chỉ mong hồn mẹ tiêu diêu cõi phàm.»
(Bài Thơ Khóc Mẹ)
Nhà thơ Uyên Phương Minh Nguyệt cũng đồng cảnh nhưng làm thơ khóc mẹ chồng:
«……………………..
Mẹ ơi về cõi thiên thai
Dòng châu có chảy, sớm mai có buồn?
Nợ trần Mạ có vấn vương?
Thì xin theo gió tỏa hương chốn này.
......................
Chiều nay mây lững lờ bay,
Chim sầu lìa tổ, cỏ cây cũng buồn
Mạ giờ bên suối xa nguồn,
Chúng con nhớ Mạ lệ tuôn chảy dài!!
Âm dương cách biệt từ đây,
Bụi trần thôi vướng, đường mây đón chào.
Vẫy tay Mạ bước nghẹn ngào,
Con vương tay níu chìm vào hư không!!!
(Thương Nhớ Mạ)
Nhà thơ Trần Trung Đạo ôm một nỗi bất hạnh khủng khiếp khi mới chào đời ông đã
mất mẹ! Có lẽ do nỗi buồn to lớn ấy đã giúp ông có những nhạy bén về cảm xúc
hơn người. Thơ ông có một sắc thái riêng :
«Con chẳng về đâu dù mưa hay nắng
Sông Thu Bồn trăng tháng bảy còn in
Mười năm trời con làm mây viễn xứ
Mười năm dài biền biệt dấu chân chim
Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa…»
(Chuyện Đời Mẹ)
Một mùa đông cách nay
hơn 20 năm trời đất một màu trắng xóa, Paris lạnh dưới 10 độ chìm trong tuyết
phủ. Cái lạnh thấu xươngđã khiến cho nhiều người ở trong nhà sưởi ấm bên lò sưởi
nhưng trên đường phố thỉnh thoảng vẫn có những người qua lại. Hình ảnh một người
già chống gậy trên tuyết làm tôi cảm thấy buồn, chợt nhớ đến mẹ còn ở Sài gòn,
lúc đó quê miền Trung đang nghèo đói lại vừa trải qua mùa bão lũ. Cảm thông với
thân phận con người, những bà mẹ trước thiên tai và chạnh buồn khi nhìn thấy
người già đi trong mưa tuyết lòng tôi dâng trào cảm xúc đã viết bài thơ Paris
Đêm Buồn.
“ Sấm chớp đùa nhau đời thoáng hiện,
Kiếp
nghèo rách toạc phố thần tiên!
Gót
khuya, vết gậy hằn lên tuyết
Bóng
hạc gợi ta nhớ mẹ hiền.
Năm
ngoái lũ tràn qua xóm vắng,
Lạnh
đầy con ngõ mấy mùa trăng ?
Gió
đông vi vút luồn khe vách,
Chắc
buốt lưng còng nỗi giá băng!
Mưa
đêm hay tiếng ho ngàn dặm ?
Ta
bỗng hình dung dáng mẹ nằm,
Hiu
hắt nét gìa thêm rũ rượi,
Quặn
lòng! muốn chấp cánh về thăm.
Bến
quê sóng đỏ dâng mù lối,
Thân
phận con người tựa lá trôi!
Một
thuở ngục tù nào sợ hãi,
Mà
ta sợ mẹ khóc trên đồi!
Cắn
môi bật máu còn thơm sữa,
Lạy
mẹ con nào khác thuở xưa,
Ngày
tháng ngút sầu nên tóc bạc!
Bao
xuân quên mất phút giao thừa! »
(Paris Đêm Buồn)
Thời thế hỗn mang, có
những ước mơ tưởng bình thường nhưng không bao giờ toại nguyện nó chỉ là gió
thoảng mây bay, và những nỗi niềm cũng như những sợi tóc trắng của tuổi gìa rụng
theo thời gian! Hết chiến tranh lòng người đố kỵ nhau gây thêm hận thù ly tán
khiến bao cảnh đời tan tác phiêu bạt khắp nơi!
«Hòa bình ơi bạo lực chắn lối về, tàn chiến
cuộc khói ngút bay trần thế ! »
Mẹ tôi, lúc còn chiến tranh hằng cầu nguyện cho quê hương sớm thanh
bình để con mình khỏi chết trận. Sau khi hết chiến tranh lại cầu nguyện cho con
thoát khỏi lao tù, và giờ đây lại cầu nguyện quê hương được tự do dân chủ để
con trở về cố hương. Tôi một đời luân lạc vì tự do, viết bài này như một lời tạ
tội suốt đời làm cho mẹ buồn!
«Trước ngõ tuyết giăng màu tóc mẹ,
Quê người xuân đến mắt buồn se!
Ðược tin mẹ bệnh lòng nôn nóng,
Lời hứa chưa nguôi chẳng thể về!
Thuở giặc tràn vào gieo nỗi sơ...
Cảnh nhà tan tác mẹ bơ vơ
Thân gìa còm cõi dầm sương nắng,
Lặn lội tìm con, ngóng với chờ...
Thế sự xoáy theo dòng thác lũ,
Ðời ccon biền biệt mấy xuân thu!
Bóng gầy thui thủi soi trên vách,
Mỏi mắt trông con thoát ngục tù.
Viễn xứ mây chiều vương dáng mẹ,
Mắt buồn u uẩn mấy hàng tre
Tuyết rơi tê tái hồn vong quốc,
Mẹ xá cho con tội muộn về !»
( Mẹ)
HOÀI NIỆM
Tiếng em hát ta nhớ trời quê cũ
Chiều hoàng hôn nắng vàng thắm sắc thu.
Những chiếc lá rơi bên thềm lặng lẽ
Lời ru buồn theo nhịp võng trưa hè.
Những buổi sương mù mưa phùn Hà Nội
Mưa Sài Gòn đường ngập bong bóng trôi.
Kỷ niệm êm đềm theo ta năm tháng
Bữa cơm chiều chuyện mẹ kể cười vang.
Ta luân lạc bước từ miền vô vọng
Chim trời bay màu phố cổ rêu phong.
Ta rất sợ những hương đời phù phiếm
Em hồn nhiên làm sao hiểu nỗi niềm!
Ngày tháng cũ nỗi buồn xưa âm ỉ
Nơi tha hương mùa xuân đến vội đi.
Nghe dạ khúc ta bỗng sầu biển cả
Sóng biển đông gió bão cuốn quê nhà!
Chiều ngả bóng sao em còn đứng đó,
Đèn đã lên đường về dốc quanh co
Mùa lá đổ gío cuối thu se lạnh
Dáng em gầy mặc chiếc áo phong phanh.
Gió vi vu nhớ lời ru năm cũ
Bữa cơm chiều vắng bóng mẹ ngàn thu!
Có niềm đau nào hơn
niềm đau ly biệt, mẹ như vầng trăng tròn tỏa sáng, người mất mẹ cuộc đời chỉ
nhìn thấy nửa vầng trăng. Trăng trên trời là vật thể trăng dưới nước là ảo ảnh,
trăng trong thi văn hội họa là biểu tượng cho cái đẹp trong sáng nhẹ nhàng đầy
thơ mộng. Trăng có lúc tròn có lúc khuyết, cái khuyết trong sự vật là hình thể
bị biến dạng méo mó như khối pha lê vỡ, còn cái khuyết trong tinh thần là sự mất
mát không bao giờ tìm lại được! Hình ảnh người mẹ là bóng mát là chỗ dựa cho
người con dù ở tuổi nào. Mẹ tôi đã đi hết
gần thế kỷ v à sống qua những thăng trầm của quê hương. Nay mẹ đã vào cõi hư vô
vô nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng tôi.
Đỗ Bình
Paris 4.10. 2020
No comments:
Post a Comment