Saturday, April 16, 2022

CHIẾN TRANH UKRAINE LÀM QUAN HỆ EU-TRUNG QUỐC RƠI XUỐNG ĐÁY (HIẾU CHÂN)

 

Chiến tranh Ukraine làm quan hệ EU-Trung Quốc rơi xuống đáy

April 15, 2022

 

Trong cuộc đối đầu lâu dài với Hoa Kỳ, từ lâu Trung Quốc đã cố chia rẽ mối quan hệ đôi bờ Đại Tây Dương, nhưng việc đồng lõa với ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine đang làm phá sản các toan tính của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc.

 

Hôm 8 Tháng Ba, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, có cuộc điện đàm với ông Emmanuel Macron (dưới, trái), tổng thống Pháp, và ông Olaf Scholz (dưới, phải), thủ tướng Đức, từ chối đề nghị của Châu Âu muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng đặc biệt với Nga để yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo. (Hình minh họa: Benoit Tessier/Pool/AFP via Getty Images)

 

Cùng với Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo Châu Âu gần đây đã thúc hối ông Tập Cận Bình hãy thôi đứng về phía Nga trong cuộc chiến tranh, nhưng lập trường của Trung Quốc gần như không thay đổi. Và đó là yếu tố đẩy quan hệ giữa Liên Minh Châu Âu (EU) với Trung Quốc, vốn đã lạnh nhạt từ trước, xuống một đáy sâu mới.

Ông Tập vừa có một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU hôm 1 Tháng Tư qua đường truyền video; nhưng yêu cầu thay đổi thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine đã không được phía Bắc Kinh hưởng ứng.

 

Phát biểu từ Đại Lễ Đường Nhân Dân to lớn ở Bắc Kinh, ông Tập nói theo bài diễn văn soạn sẵn rằng Trung Quốc hoan nghênh EU như một trụ cột của một thế giới đa cực mới nổi nhưng ông không muốn Châu Âu xúi Trung Quốc thay đổi quan hệ với Nga. Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, sau đó nói với các phóng viên: “Hội nghị khá cởi mở. Nhưng cởi mở có nghĩa là chúng tôi đã trao đổi với nhau các quan điểm rõ ràng đối lập nhau.” Ông Josep Borrell, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, thì nói thẳng: “Hội nghị là cái gì đó chứ không phải là cuộc đối thoại.”

 

Trước đó, ông Tập đã có những cuộc điện đàm với ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, và ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức; trong đó ông cũng từ chối đề nghị của Châu Âu muốn Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng đặc biệt với Nga để yêu cầu ông Putin chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo.

Không lâu trước hội nghị thượng đỉnh của ông Tập với các giới chức Châu Âu, ông Vương Nghị, bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, nói với người đồng cấp Nga, Sergey Lavrov, rằng Bắc Kinh muốn đưa quan hệ với Nga lên “một cấp độ cao hơn” khi ông Lavrov đến thăm Bắc Kinh để chào mời Trung Quốc mua dầu khí giá rẻ của Nga và yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ Moscow đối phó với những biện pháp cấm vận kinh tế của phương Tây.

Và việc Trung Quốc kiên trì đứng về phía Nga đã khiến EU nhìn thấy ở Trung Quốc không phải là một đối tác có thể đối thoại được mà là một mối đe dọa.

 

Về lâu dài, một Châu Âu tập trung vào các rủi ro địa chính trị và xây dựng quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có lập trường đối kháng mạnh hơn đối với đảng Cộng Sản của ông Tập. Nếu Bắc Kinh tiếp tục đồng lõa với Moscow và che chắn cho nước này khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế thì Trung Quốc có thể bị cô lập với Châu Âu, giống như hoàn cảnh hiện nay của Nga – một viễn cảnh mà nhà độc tài Tập Cận Bình dường như không lường trước được. (Hiếu Chân) 

No comments: