Thảm cảnh vượt biên mãi in sâu trong ký ức nhiều người
(ảnh: Michel Setboum/Getty
Images)
3 tháng 4, 2022
Tháng Tư buồn lại đến, 47
năm qua, những thuyền nhân nay đã “già” và những câu chuyện của họ đã trở thành
cổ tích. Hồi tưởng để nhớ về một quá khứ đau thương với những chia ly và mất
mát…
1/ Cứu vớt
Chiếc tàu nhỏ bé của chúng tôi bị tàu
đánh cá Thái Lan chặn lại. Bọn cướp hãm hiếp sáu cô gái. Trong lúc bọn Thái hãm
hiếp, một cô gái lao mình xuống biển. Bọn Thái vớt cô ấy lên rồi dí súng vào đầu
có ý muốn nói: “Nếu ai nhảy xuống biển nữa là bắn bỏ!”. Tuy
nhiên, nhờ người con gái gan dạ liều lĩnh đó mà đám ngư phủ Thái đã ngừng thôi
hãm hiếp, và tôi là một trong những cô gái được may mắn thoát nạn trên chuyến
tàu định mệnh.
Một nhóm thuyền nhân Việt Nam vượt
biển đến Darwin (Úc) trên tàu ‘Song Be 12’, Tháng Mười Hai 1977 (ảnh: Peter
Bennett/Keystone/Getty Images)
Khi Mặt trời vừa ló dạng, bọn Thái thả
chúng tôi về lại con tàu nhỏ, kèm nước uống, cơm và một khay ghẹ nấu chín, rồi
chỉ đường cho bác tài công. Khi đám ngư phủ Thái bỏ đi, mọi người như hoàn hồn,
mang nhiều hy vọng dù đường còn lắm gian nan. Sáng sớm, giữa biển cả bao la,
gió mát lạnh, lòng người miên man vô định, mọi việc đều phó thác vào bàn tay của
đấng tạo hóa. Đã ba ngày, ai cũng mệt mỏi vì sợ hãi và đói khát. Tôi chờ lúc vắng
bớt người, lấy chút cơm ăn với muối cho đỡ đói. Lúc ấy có một người đàn ông
trung niên, nhìn hiền lành, điềm đạm. Ông không nói gì, chỉ nhìn tôi gật đầu
chào. Có người nói:
– Ăn ghẹ đi, ngon lắm! Nhưng
ông lắc đầu. Sau này khi mọi người đến Galang làm hồ sơ khai tên tuổi, tôi mới
biết ông là một nhà sư.
Nỗi lo sợ về bọn cướp Thái vẫn còn đeo đẳng
theo chúng tôi trong suốt cuộc hành trình. Con tàu nhỏ bé đang êm êm lướt sóng,
chợt… Bùm…! Một cậu nhóc rớt tỏm xuống biển. Tiếng bà mẹ khóc la vang trời:
– Cứu con tôi, cứu con tôi với
bà con ơi…!
Mọi người nhìn ra xa xa…, chỉ thấy thấp
thoáng một chấm đen nhỏ xíu ngụp lặn trên mặt biển mênh mông. Bà mẹ hốt hoảng
chạy đến bên bác tài công, quỳ xụp xuống van xin:
– Ông ơi, ông ơi, xin cứu
con tôi với, xin ông… ông ơi… nó té xuống biển! Bác tài ái ngại lắc đầu
nhưng rồi cũng đánh một vòng quay lại… Khi tàu chạy đến gần, thằng bé cũng ngất
ngư sắp chết đuối. Nó là dân vùng biển bơi giỏi nên cũng cầm cự được lâu…
Bác tài công lái con tàu an toàn đến một
trạm biên phòng hẻo lánh của Indonesia. Lính biên phòng cho chúng tôi lên bờ ở
tạm trên một đảo nhỏ hoang sơ gần đồn canh của họ. Một cuộc sống thê thảm, thiếu
thốn, đói khổ. Chúng tôi sống cảnh màn trời chiếu đất. Hơn một tuần sau mới có
một mái lều che nắng mưa. Chúng tôi ngủ chung với muỗi mòng, côn trùng. Bầy chó
hoang đêm đêm mò đến rình rập. Thức ăn là một ít mì mốc (trên tàu) với những gì
mò bắt được dưới biển và những trái sakê hay rau củ kiếm được trên đảo. Chúng
tôi sống lây lất gần một tháng, tàu Cao Ủy Tỵ Nạn mới đến cứu đưa 68 thuyền
nhân chúng tôi về Galang.
2/ Tưởng niệm
Trước khi được ra ngoài hội nhập với cộng
đồng người tỵ nạn, chúng tôi phải vào khu biệt lập để được chăm sóc đặc biệt.
Cùng chuyển đến khu biệt lập với chúng tôi là một chuyến tàu khác cũng xuất
phát từ Tiền Giang. Khi được cứu, trên tàu chỉ còn người già, đàn ông và con
nít; đàn bà, con gái đã bị bọn hải tặc Thái Lan bắt đi. Những người có thân
nhân bị bắt đều cầm chắc cái chết vì biết rằng bọn cướp hung ác hãm hiếp xong rồi
quăng xác xuống biển…
Hàng ngày, người ta thấy một thanh niên
khôi ngô ngồi trước cửa trại, lặng lẽ buồn nhìn trời nhìn đất như mất hồn. Nghe
những người đi cùng chuyến kể rằng em gái và người yêu của cậu đã bị hải tặc
Thái Lan bắt. Anh không chịu ăn uống gì, chỉ còn da bọc xương. Ít lâu
sau, tôi nghe những người quen biết kể lại rằng người ta thấy xác của anh trôi
trên biển dạt vào một hốc đá. Những người bạn cùng tàu chôn anh vội vã ở nghĩa
trang. Tôi thoáng nhớ câu thơ buồn chua chát của Quang Dũng: Rải rác
biên cương mồ viễn xứ…
Thầy
T.T.A. và tác giả (ảnh: Tác giả gửi)
3/ Oan hồn
Trên đường vượt biển tìm tự do, những phụ
nữ Việt Nam không may bị hãm hiếp, khi đến trại tỵ nạn, thường được Cao Ủy cứu
xét giúp cho đi định cư sớm để tránh lời ra tiếng vào. Sao lại có những người
cười chê trên sự đau khổ của đồng hương không may mắn?! Trên trại có dựng một
cái miếu thờ gọi là “Miếu Ba Cô”. Theo kể lại, có hai chị em xinh đẹp đi
vượt biển bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp. Khi đến trại tỵ nạn, họ bị xoi mói bởi
những ánh mắt tò mò, những lời xầm xì chế nhạo làm tổn thương họ. Kết quả, hai
chị em treo cổ dưới gốc cây đa. Nghe đồn rằng hồn họ vất vưởng chưa siêu thoát
nên đêm đêm biến thành bóng ma trắng chờn vờn bay quanh đảo khiến người ta sợ
hãi mà lập miếu. Sau đó, có thêm một thiếu nữ đau buồn cho số phận không may
cũng treo cổ chết tại gốc cây ấy…
Thuyền nhân Việt Nam bị nhà cầm
quyền Malaysia khước từ đã phải sang lánh trú ở quần đảo Anambas, Indonesia (ảnh:
Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS/Sygma via Getty Images)
4/ Mất tích
Anh Duy là một phó nhòm chụp hình rất
nghệ thuật. Anh đã ở trại Galang khoảng 5-6 năm mà chưa được đi định cư vì có
người em bị hội chứng down. Phái đoàn các nước phỏng vấn rồi từ chối vì không
muốn nhận người không có ích lợi gì cho xã hội, mặc dù cha của họ đang bị đọa
đày trong nhà tù cộng sản Việt Nam. Anh Duy thường đi chụp hình để sinh sống
trong khi đứa em quanh quẩn ở barrack chờ anh về.
Tôi và Nam, 15 tuổi, em họ của tôi, thỉnh
thoảng ra quán ăn khuya. Tôi có lần gặp anh em Duy đến ăn tối. Người em mặt khờ
khạo, nước miếng nhễu nhão. Người anh chăm chút cho em như một baby, quàng khăn
quanh cổ rồi đút từng muỗng, cho uống nước, rồi lau miệng… Sáng hôm ấy, mọi
người thức giấc vì tiếng ồn ào. Nhiều người đi đến từng barrack hỏi thăm và tìm
kiếm trẻ lạc. Đứa em của anh Duy, từ chiều hôm qua, đã đi đâu mất tích. Tìm kiếm
suốt đêm cũng không có dấu vết… Đứa em của anh Duy đi lang thang đâu đó, chết bờ
chết bụi, hay trôi dạt ra biển?! Tôi rời Galang đi định cư nên không biết số phận
của anh em họ ra sao…
Những thuyền nhân ngày nào trở lại
thăm Đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại đảo Galang, Indonesia (ngày 22
Tháng Sáu 2005) – ảnh: Fairfax Media via Getty Images)
5/ Bạc mệnh
Anh Vinh là anh họ của tôi, một Đại úy
Không quân VNCH. Anh cao lớn, đẹp trai trông hùng dũng nhưng hiền như cục bột.
Anh thích đàn ca với những bài hát dí dỏm hài hước. Anh cao lớn mà ôm cây
mandoline bé tí teo. Hồi còn ở Việt Nam, anh Vinh cưới chị Nga, một cô gái xinh
đẹp, rất giỏi tiếng Anh. Chị Nga làm xếp xì cho một văn phòng của quân đội Mỹ tại
Sài Gòn. Chị hét ra lửa ở công sở và ở nhà, anh Vinh cũng xếp re… vì nể sợ vợ.
Tháng Tư 1975, miền Nam thất thủ, anh Vinh bị đi tù. Khi được thả, anh đưa vợ
và ba đứa con đi vượt biển. Cả nhà đến Galang. Ở trại tỵ nạn, chị Nga làm thiện
nguyện; anh Vinh ở nhà chăm sóc con và cơm nước. Cuộc sống âu lo phiền muộn khiến
chị Nga trở nên cáu gắt. Chị đay nghiến, miệt thị, khinh chê chồng đủ điều.
Trong khi chờ đi định cư, một ngày cuối
tuần, anh Vinh cùng vợ con ra biển chơi. Biển Indonesia rất đẹp, nước trong
xanh biếc màu ngọc bích, có thể nhìn thấy cá lội và cát trắng dưới đáy. Anh
Vinh chơi đùa với các con và vẽ hình trên cát. Hôm ấy, anh bơi ra biển rồi
không thấy trở vào. Anh mất tích hẳn. Anh bị chết đuối hay anh muốn mình chìm
vào lòng biển sâu để quên đi nỗi sầu nhân thế?
Nào ai biết được niềm u uẩn,
Từng lắng nhiều trong những
mảnh đời…
(Thơ Quang Dũng)
6/ Tình yêu
Ở Galang có một đôi trai gái yêu nhau.
Chàng 19, nàng 18. Một tình yêu lãng mạn nhưng đong đầy nước mắt. Tiếng sét ái
tình mạnh mẽ khiến cả hai yêu nhau say đắm. Khốn nỗi, gia đình họ cho là tình
như áng mây, chỉ thoáng đến rồi đi. Ở chốn tạm dung này chẳng có gì bền vững.
Trước ngày gia đình nàng đi định cư, đôi uyên ương đã quyết cùng ở bên nhau khi
cả hai… uống thuốc độc tự tử!
Tưởng chừng những nỗi thống khổ của thuyền nhân Việt Nam đi tìm tự do, một thời vang vọng trên diễn đàn thế giới, nay đã chấm dứt. Không. Cuộc hành trình dẫn đến cái chết của 39 nạn nhân Việt Nam tại Essex vào ngày 25 Tháng Mười 2019 ở Anh lại một lần nữa cho thấy những chuyến viễn du chua xót của người Việt vẫn chưa chấm dứt… Vẫn còn biết bao người tiếp tục rời xa quê mẹ với ước mơ tươi sáng nhưng giấc mộng biến thành ác mộng… Thôi hãy cùng thắp nén hương và nhóm lên ngọn lửa yêu thương để sưởi ấm lòng người dân Việt tha phương trên mọi nẻo đường…
No comments:
Post a Comment