Wednesday, April 13, 2022

ĐỌC TRUYỆN "VŨNG LẦY TÌNH YÊU" CỦA NHÀ VĂN TÔN NỮ MẠC GIAO (ĐỖ BÌNH)


 

Đọc Truyện “Vũng Lầy Tình Yêu” của Nhà văn Tôn Nữ Mạc Giao.

Nhà văn Tôn Nữ Mạc Giao là cây bút quen thuộc trên các tạp chí văn học ở hải ngoại,, chuyên sáng tác những truyện liêu trai thuộc thế giới huyền bí. Với tâm hồn đa cảm nên tác giả thường xây dựng những nhân vật trong truyện đầy chất bi kịch về thân phận con người.


 Chữ tình là điều thiêng liêng nhất mà con người không thể thiếu và tách rời, từ đó khởi nguyên của những nỗi buồn vui, đau khổ hay hạnh phúc. Trong tình yêu có tình yêu cha mẹ, yêu tổ quốc, yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi và còn nhiều thứ tình khác…Ở phương trời Âu nhà soạn kịch  Molière (1622-1673), một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong ngôn ngưũ Pháp và văn học phổ quát đã nhận định tình yêu:

“Lý trí không phải là cái qui định tình yêu.”

Theo Nhà văn, nhà thơ Victor Hugo(1802-1885) một cây đại thụ trong văn học lãng mạn Pháp đã viết về tình yêu:

“Nếu là đá, hãy là đá nam châm, nếu là cây, hãy là cây trinh nữ, nếu là người hãy sống cho tình yêu”.
Truyện “Vũng Lầy Tình Yêu”, nếu chỉ đọc qua cái tựa khiến chúng ta liên tưởng đến những cuộc tình tội lỗi, rối rắm, nhưng đi vào truyện sẽ thấy tác giả đưa người đọc bước vào một giai đoạn ngắn của lịch sử cận đại mà tác giả lúc còn đi học đã chứng kiến. Đây là cuốn tiểu thuyết ngôn tình, chuyện của nhiều thế hệ bắt nguồn từ quê nhà ra đến hải ngoại. Như một đàn chim bị phá tổ bay tan tác, và thời gian đã làm rất nhiều con chim bị thương tích về thể xác lẫn tâm hồn. Tác giả đã sử dụng một bút pháp riêng, văn phong trong sáng, mạch lạc và đãi lọc để kể một câu chuyện dài có chút hư, chút thực. Tác giả đã diễn tả về những chuyện tình éo le trắc trở chứa đầy kịch tính đan xen chút liêu trai, chút hình sự.

Tác giả đã dàn trải câu truyện theo vận nước nổi trôi của dòng lịch sử cận đại để diễn tả những thân phận con người, ở đó có biết bao mảnh đời vỡ vụn, bao gia đình chia lìa, ly tán. Nếu trường đời là một bi kịch, thì các nhân vật trong truyện là những diễn viên, họ là những con nguời có  học thức, giàu sang, tưởng sẽ hưởng được hạnh phúc dài lâu, bỗng trở nên bất hạnh! Họ buông xuôi theo hoàn cảnh để sống, để tồn tại, mặc cho số phận đẩy đưa dù phải hứng chịu bao nghiệt ngã. Phải chăng con người thường yếu đuối trước cái ham muốn dục vọng nhất thời, đâu nghĩ đến hậu quả mai sau sẽ để lại bao cảnh thương đau từ thế hệ này sang thế hệ khác? Tác phẩm cũng phản ảnh rất nhiều trường hợp thế hệ thứ hai mất nguồn gốc của mình.


Cũng như nhiều tác phẩm cổ điển của dân tộc:“Văn dĩ tải đạo”, tác phẩm phải có hậu, cái kết của truyện làm tươi mát tâm hồn, mang niềm hy vọng. Truyện “Vũng Lầy Tình Yêu” có hậu, tác giả dựa theo triết lý Nhân Quả: “Khi tạo một nghiệp, không những sẽ gây hậu quả đời mình, mà còn hệ lụy đến đời con cháu”. Ở đây tác giả muốn đưa vào trong câu truyện một tư tưởng Phật giáo để cảnh tịnh những tâm hồn đầy mê chấp. Trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn Du (1766-1820) khi diễn tả về tình yêu đã viết:

“ Nợ tình biết trả cho ai,
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”.

Triết lý cuối cùng, nếu mọi người muốn tìm sự an bình trong tâm hồn thì đừng tạo nghiệp. Đi tu để tìm chốn bình an cho tâm hồn, không đi tìm sự cao siêu.

Nhà văn Tôn Nữ Mạc  Giao đã nói được tư tưởng là tránh tạo nghiệp, điểm độc đáo của cốt truyện vũng Lầy Tình Yêu là bí ẩn cuối cùng mới được giải thích.


Paris cuối thu, những sợi nắng vàng như tơ trời tỏa đầy không gian nhưng không đủ lam ấm  tiết trời băng giá. Hai hàng cây bên đường chỉ còn vài chiếc lá vàng trên cành phong. Thời gian nơi xứ người trôi rất nhanh, từng thế hệ cũng dần trôi theo. Chẳng biết đến giữa thế kỷ này sẽ có bao người còn say mê viết văn thơ Việt trên xứ người? 

 

Đỗ Bình

No comments: