Saturday, September 17, 2022

CUỘC ĐỜI NHÀ BÁC HỌC THIÊN TÀI MICHEAL FARADAY (NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU)

 

Cuộc Đời Nhà Bác Học Thiên Tài Micheal Faraday.

 Trên thế giới hiếm có người chỉ hoàn toàn tự học, không qua trường lớp đại học nào mà thành nhà bác học thiên tài như Michael Faraday.

Ông sinh ra tại nước Anh trong một gia đình thợ rèn nghèo vào năm 1791. Cha ốm, mẹ làm nghề giặt thuê, nhà có 4 anh em nheo nhóc. Cả nhà ông phải sống bằng tiền từ thiện nhiều phen khi khó khăn. Do đó ông phải bỏ học rất sớm. Khi xin nghỉ học, thày giáo của ông rất tiếc và động viên học trò: ''Hãy dũng cảm lên! Phải bỏ học giữa chừng như vậy thật tiếc, nhưng em hãy vững lòng tin và nhớ tới gương hiếu học của người xưa. Hãy bền chí.

13 tuổi, Faraday phải tới hiệu sách Ribo ở London làm nghề đóng sách. Cậu tranh thủ đọc sách ngay từ những cuốn sách mà mình phải đóng bìa. Cậu may mắn được ông chủ tiệm động viên hãy đọc sách nhiều hơn. Và cậu mê mải đọc nhiều cuốn sách khoa học, trong số đó cậu thích đọc nhất là cuốn Mạn đàm về hóa học và phần về điện trong Đại Anh Bách khoa toàn  thư.

Tối về nhà, Faraday giải trí bằng việc tự mày mò làm các thí nghiệm theo sách hướng dẫn, dù phải bỏ vài xu từ thu nhập ít ỏi của mình mỗi tuần đầu tư cho các thí nghiệm này. Cậu còn chế tạo được máy móc dùng để học về điện. Ban đầu thì tôi dùng những lọ thủy tinh nhỏ, nhưng về sau thì cậu dùng  những ống bằng đồng và những dụng cụ thí nghiệm về điện khác.

Khoa học đã làm cho Faraday cảm thấy hạnh phúc và say sưa vô cùng. Cậu bỏ công ra 2 năm liền ghi chép các bài giảng của các bậc thày khi đi tham gia các buổi thuyết trình khoa học do Hội Triết học ở Anh tổ chức. 

Một ngày nọ, ông chủ hiệu sách tặng Faraday một tấm vé đi nghe  thuyết trình tại Học viện Hoàng gia Anh của giáo sư Humphry Davy.

Nghe xong, cậu ghi chép lại nội dung diễn thuyết, bổ sung những ý tưởng và kiến giải của mình và đóng thành một cuốn sách cẩn thận rồi đem tặng giáo sư  Humphry Davy cùng bức thư tự tiến cử mình vào tháng 10 năm 1812.

Là một quý tộc và là khoa học gia, Davy rất xúc động khi nhận món quà này. Ông viết thư trả lời  cho Faraday với nhiều lời khen ngợi cậu và sẵn sàng giúp đỡ. Ông hào phóng nhận cậu bé bỏ học là thợ đóng sách đó vào làm trợ lý cho mình tại Học viện Hoàng Gia Anh. Khi đó Faraday đã là một thanh niên 22 tuổi. 

Về sau này, giáo sư Davy cho rằng phát hiện quan trọng nhất của ông không hẳn là các công bố khoa học, mà chính là việc ông tìm ra Michael Faraday. 

Faraday vào Học viện Hoàng gia chỉ làm phụ việc như rửa chai lọ, lau bàn ghế, quét dọn… nhưng  không lâu sau, ông đã nắm được nhiều kỹ thuật và trở thành trợ thủ đắc lực của Davy. Ông được cùng giáo sư Davy đi nghiên cứu và học hỏi tại châu Âu trong 18 tháng. Đó là cơ hội vàng cho ông học hỏi và làm quen với các nhà khoa học bậc thày hồi đó như Marie Ampère, Count Alessandro Volta, Gay Lussac. . . và được tham quan  nhiều phòng thí nghiệm lớn. Sau này, Ampère và Faraday đã có một tình bạn keo sơn. Trong hành trình này, ông lao vào học hỏi, ghi chép, tìm tòi. 

Từ trợ lý làm việc vặt, Faraday sau đó thành Trợ thủ phòng thí nghiệm kiêm quản lý viên tiêu bản khoáng vật, kiêm tổng quản thiết bị và dụng cụ thí nghiệm cho giáo sư Davy. 

Cứ như vậy, ông dần trở thành nhà khoa học. Ông hoàn tất luận văn khoa học đầu tiên năm 25 tuổi, vào năm 1816, dưới  sự hướng dẫn của Davy. Sau này ông nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên tôi thử bàn về vấn đề hóa học, và sự sợ hãi của  tôi lớn hơn sự tự tin. Hơn nữa, cả hai tâm trạng đó lại lớn hơn cả tri thức của tôi. Lúc bấy giờ, tôi không thể tưởng tượng được là mình có thể viết  một bài luận văn khoa học mà trong đó có nhiều sáng kiến như vậy”.

Từ sự thành  công của bản luận văn đầu tiên, Faraday tiếp tục dấn thân vào con đường nghiên  cứu với nhiều bản luận văn khác. Hai năm 26 và 27 tuổi, ông viết 17 luận văn về hóa học. Từ đó, ông trở thành nhà khoa học thực thụ bằng năng lực và sự chăm chỉ, cần cù tự học của mình. 

Michael Faraday là nhà hóa học và vật lý học có đóng góp vô cùng to lớn cho lĩnh vực Điện từ học và Điện hóa học của nhân loại. Những khám phá của ông là về cảm ứng điện từ, động cơ điện, máy phát điện, máy biến áp, và các luật về điện phân...

33 tuổi, ông được bầu làm Hội viên Hội Khoa học Hoàng gia London và bắt đầu giảng dạy tại Học viện Hoàng gia Anh. Sau đó ông được phong giáo sư, được bầu là thành viên của Viện hàn lâm khoa học Paris.

Tuy nhiên Faraday là người vô cùng khiêm tốn. Năm 40 tuổi, sau khi ông phát hiện ra cảm ứng điện từ, ông được vinh dự mời giữ chức Chủ tịch Hội khoa học Hoàng gia Anh và ông đã lịch sự từ chối vì muốn chuyên tâm làm khoa học. Để thưởng cho ông, Nữ hoàng Victoria đã tặng ông ngôi nhà ở Hampton Court và phong chức Hầu tước, nhưng ông chỉ nhận nhà với sự biết ơn, và từ chối tước vị.

Ngoài thời gian dành cho khoa học, Faraday còn là người thầy xuất sắc. Ông có trách nhiệm cao và rất quan tâm đến phương pháp giảng dạy phải thực nghiệm để xây dựng hình tượng trực quan. Cho tới tận ngày nay, Học viện Hoàng gia Anh vẫn duy trì những nguyên tắc giảng dạy mà Faraday đã đề ra bằng kinh nghiệm và lòng tận tâm với công việc của ông.

Ông có một gia đình rất hạnh phúc và tràn đầy tình yêu thương. Và dù là một nhà khoa học, ông vẫn có đức Tin mãnh liệt vào tôn giáo. Ông đi nhà thờ cùng vợ hàng tuần với sự cần mẫn và sùng đạo. Năm 1860, khi đã già, Faraday được bầu làm trưởng lão  của giáo hội, tham gia chủ trì nghi lễ và giảng đạo. Ông chính là bằng chứng sống cho thấy Khoa học và Tôn giáo đều là những vật báu của loài người.

Ngày 20/3/1862 là ngày cuối cùng đánh dấu công việc nghiên cứu của Michael Faraday. Trong cuốn sổ ghi kết quả nghiên cứu của ông có ghi rõ con số thí nghiệm cuối cùng của ông: 16.041.

5 năm sau, ông bị điếc và mất trí nhớ. Nhà bác học đã từ trần ngày 25/8/1867, thọ 76 tuổi tại nhà riêng ở Hampton Court, khi đang ngồi trên cái ghế bành thân quen. Ông được an táng tại công mộ High Gate. Trên  bia chỉ khắc họ tên của ông mà thôi. Đó chính là ước nguyện của ông - được sống và chết như một người bình thường. 

Ông đã cống hiến rất nhiều phát kiến khoa học vĩ đại cho nhân loại. Và cuộc đời của ông là cuộc đời sáng chói của một tấm gương miệt mài vì khoa học, giữ Đức Tin vào tôn giáo, sống tử tế với gia đình vợ con và bạn bè, khiêm cung và tận tụy. 

Ông cũng cho thấy rằng nếu làm một người tốt, cần cù chịu khó và ham học hỏi thì có biết bao người sẵn sàng giúp đỡ mình. Từ những người như thày giáo của ông cho tới ông chủ hiệu sách nơi ông làm công và giáo sư Davy, những quý nhân đó đã phù trợ một cậu bé nghèo bỏ học đi làm công trở thành nhà khoa học vĩ đại của thế giới.

Hãy sống lương thiện, trời xanh tự an bài.

-Nguyễn Thị Bích Hậu 

No comments: